"Cố làm gì, cuối năm sếp lại mua thêm nhà!" - Vì đâu mà OT?


"Ê! Về đi anh em, cố làm gì! Bọn m** cố thế cuối năm anh H lại mua thêm nhà đấy!" - Mình trích y nguyên câu nói tưởng đùa nhưng lại thật lòng của ông anh đồng nghiệp cũ.
Lúc đó khoảng 8h tối, văn phòng chỉ còn mình và hai anh nữa cùng team đang cố sửa lại chức năng mà khách hàng yêu cầu gấp để kịp nghiệm thu. Ba anh em đang hì hục code thì một anh team khác đi đá bóng về, ông chạy qua lấy đồ, gặp anh em mình và ổng "buông" ra câu nói bên trên.
Mình nhớ như in khung cảnh, con người và cảm xúc tại thời điểm đó. Có lẽ do trong đầu mình đã hình thành một câu hỏi mà sau này mình mới ngộ ra được:"Làm như thế là vì mình hay vì ai?". Trả lời được câu hỏi này một cách thông suốt thì chúng ta cũng trả lời được câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra:"Chuyện OT - Yêu nghề hay yêu cầu?"

GIỚI THIỆU VÀ ĐẶT VẤN ĐỀ

Hello, là mình đây - một developer, từng là sinh viên trường P (PTIT), đang làm tại một công ty về lĩnh vực thanh toán điện tử của Hàn Quốc và có sở thích viết lách. Để hưởng ứng cuộc thi viết của Itviec mình đã "OT" hai ngày cuối tuần và đóng góp 2 bài viết tại đâytại đây (hihi quảng cáo chút)
Nhưng thấy vẫn còn muốn viết nên hôm nay mình quyết định "OT" tiếp để gửi tới các bạn những chia sẻ và kinh nghiệm về chuyện OT khi đi làm của cá nhân mình bằng cách thông qua việc mổ xẻ các yếu tố như tâm lý, trách nhiệm, tiền bạc, hậu quả...

Okay, Let's talk...!

1. OT TỪ a ĐẾN Z

1.1 - OT là gì?
=> OT là viết tắt của Overtime. Ở góc độ của một người làm trong lĩnh vực IT thì OT là một từ phổ biến để chỉ thời gian làm việc ngoài giờ hành chính. Đó có thể là thời gian buổi tối, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ.
Làm việc nhiều dễ gây mệt mỏi
1.2 - OT kiểu gì?
=> Mình có research trên mạng nhưng không có nhiều định nghĩa nên ở đây mình tạm phân loại OT dựa vào kinh nghiệm của mình
  •  OT do nhiều việc, làm 8 tiếng không thể xong được
  •  OT do làm việc chưa hiệu quả (thiếu tập trung, có việc khác ưu tiên hơn xen ngang)
  •  OT do yêu cầu gấp từ khách hàng, đối tác, sếp...
  •  OT tự nguyện kiểu sếp ơi, "bóc lột" em đi!
  •  OT do đặc thù công việc (nâng cấp, bảo trì nửa đêm để tránh downtime hệ thống)
  •  OT do trách nhiệm (làm sai, làm chưa đúng yêu cầu)
... và chắc là còn nữa ha!

1.3 - Mức độ và cách tính tiền OT
=> Mỗi công ty có chính sách khác nhau nhưng mình thấy thường tính theo thời điểmnơi làm. Ví dụ như công ty hiện tại của mình quy định:
  • Các buổi tối nếu OT ở nhà nhận 90% lương (tính theo giờ), nếu OT tại văn phòng nhận 100% lương (gồm phụ cấp và tính theo giờ)
  • Các ngày cuối tuần nếu OT ở nhà nhận 110 % lương (tính theo giờ), nếu OT tại văn phòng nhận 120% lương (gồm phụ cấp và tính theo giờ)
  • Các ngày lễ nếu OT ở nhà nhận 130 % lương (tính theo giờ), nếu OT tại văn phòng nhận 150% lương (gồm phụ cấp và tính theo giờ)
1.4 - Quy trình quản lý OT
=> Hồi còn làm ở công ty cũ, do đặc thù của công ty outsource nên mình OT khá nhiều (có team còn OT làm đêm suốt vì đặc thù dự án) nhưng quy trình quản lý OT thì lại không được tốt. Tại sao lại không tốt?
Theo mình có hai nguyên nhân:
  • Yếu tố quản lý: Nhân sự (Human Resource) đưa ra chính sách OT chỉ tính sau 8h tối, cuối tuần và ngày lễ. Thời gian OT do các thành viên trong team tự note lại rồi gửi cho leader, leader sẽ báo với HR và việc chi trả OT sẽ tính theo quý (3 tháng một lần). Kết quả là có những bạn sau 3 tháng bị miss rất nhiều giờ làm, có bạn thì lại được nhiều hơn. Thành ra sau thời điểm đó mọi người không còn happy với vấn đề OT nữa.
  • Yếu tố con người: Có những bạn làm việc không hiệu quả, đi muộn về sớm xong cuối tuần lại OT để "kiếm thêm" thành ra các sếp biết nên cũng dần bỏ chính sách OT và khuyến khích mọi người làm việc tập trung hơn.
=> Sang công ty mới do là công ty nước ngoài nên quy trình OT được quy định khá chặt chẽ.
Ngoài mức độ và cách chi trả mình chia sẻ bên trên, các sếp luôn khuyến khích hoàn thành công việc trong giờ làm.
Từ hồi mình vào (gần 1 năm) chỉ phải OT đúng hai lần vào cuối tuần do khách hàng có yêu cầu gấp. Quy trình OT như sau:
  • Mình ngồi xem xét và đưa ra estimate time (thời gian ước chừng) cho từng đầu việc
  • Sau khi estimate xong mình làm phiếu yêu cầu để leader và các sếp duyệt (tất nhiên mình có thể linh hoạt làm trước luôn) nhưng việc viết yêu cầu giống như "bằng chứng và cam kết" về thời gian để mình làm.
  • Sau khi làm xong chức năng, các sếp duyệt lại để xem estimate time và actual time (thời gian làm thực tế) có khớp không. Nếu nhanh hơn thì thôi còn nếu chậm hơn (nhiều) thì xem xét lại phần trăm lương OT chi trả.
=> Mình thấy nhiều công ty cũng dựa vào thời gian và chất lượng OT để đánh giá KPI của nhân viên nữa. Cụ thể là chỉ được phép OT một số giờ nhất định (ví dụ nhiều nhất 16h/tuần, 32h/tháng). Nếu OT nhiều mà không hiệu quả sẽ bị đánh giá thấp và trừ vào tỷ lệ tăng lương hàng năm.

2. CÙNG NHÌN OT Ở NHIỀU KHÍA CẠNH

Trong phần 1, mình đã đề cập đến những yếu tố mang tính định lượng về việc OT. Phần này, mình sẽ cùng anh em đề cấp đến các yếu tố định tính nhiều hơn.

2.1 - Yêu cầu hay Trách nhiệm?
Quay lại câu chuyện mình kể ở đầu bài viết, lúc đó mình đang OT vì điều gì? Yêu cầu hay trách nhiệm? Cả hai các bạn à, chức năng đó team mình làm liên quan đến việc tích hợp với một hệ thống bên thứ 3 để thực hiện việc thanh toán các hóa đơn điện, nước... Nhưng trong quá trình tích hợp đối tác không clear yêu cầu dẫn đến sai luồng nghiệp vụ so với mong muốn nên cả hai bên phải có trách nhiệm khắc phục.

Theo mình, nếu việc OT xuất phát từ chủ quan phía bạn (làm sai yêu cầu, gây ra lỗi...) thì đó là trách nhiệm của bạn. Kể cả trường hợp của team mình dù nguyên nhân từ phía đối tác nhưng cũng do bên mình không tham gia phân tích kỹ. Còn nếu việc OT xuất phát từ các yếu tố khách quan thì đó là yêu cầu, lúc này bạn có quyền chấp nhận hoặc từ chối việc OT tùy thuộc vào bạn.

2.2 - Học được nhiều hơn, cơ hội và mối quan hệ
Có thật là OT giúp chúng ta học được nhiều hơn? Mình nghĩ là còn tùy anh em OT cái gì nữa. Nếu OT làm những chức năng đơn giản mà làm đi làm lại nhiều thì chỉ khiến anh "to tay" hơn thôi. Còn nếu được làm, được học, được thử nghiệm cái mới, cái khó cộng với có mentor làm cùng, chỉ dẫn thì anh em mới "tay to" lên được.

Không những vậy, việc OT cũng tạo ra những cơ hội, đặc biệt là khi anh em là một key person của dự án. Cơ hội gì? Cơ hội thăng tiến chẳng hạn. Anh leader mình làm cùng ở công ty cũ là một ví dụ, không phải là một người "miệng lưỡi" nhưng ổng rất chịu khó và cống hiến nên được lòng sếp và anh em.
Thi thoảng xong việc team mình vẫn hay đi ăn, đi chơi (mình trái, anh leader phải)
2.3 - Có thêm tiền
Tiền, tiền, tiền... suốt ngày tiền với tiền cơ mà ai chả thích tiền (trừ mấy anh em đi làm vì đam mê). Bây giờ mình giả sử nếu không có OT, nhiều anh em không làm dự án ngoài hoặc không có nguồn thu nhập khác thì tối về chỉ lướt tóp tóp, xem youtube... cũng hết ngày mà chẳng có thêm đồng nào. Ngược lại nếu có OT thì mỗi tháng có thêm một chút hoặc nhiều chút vì có những công ty trả lương OT khá cao.

Đối với những anh em chưa vợ con, bố mẹ còn khỏe thì không sao, bớt ăn bớt tiêu vài triệu là được, chẳng cần OT làm gì cho mệt. Nhưng với những anh em vợ con rồi, bố mẹ già thì đúng là thêm đồng nào hay đồng đó.

2.4 - Những đánh đổi về SỨC KHỎE và CÁC MỐI QUAN HỆ
Học được nhiều hơn đấy, có cơ hội thăng tiến đấy, có thêm tiền đấy nhưng cái gì cũng có giá của nó. Và "cái giá" của việc OT theo hướng tiêu cực chính là sức khỏe và các mối quan hệ.

Hãy tưởng tượng, suốt nhiều tháng, ban ngày thì anh em đi làm trên công ty 8 tiếng, tối về lại cày từ 7, 8h tối đến 1,2 giờ sáng bất kể là ngày thường hay cuối tuần. Mình có quen vài ông anh từng làm như vậy, nghe mấy ông kể mà mình chỉ biết cảm thán "trâu thật!". Có thể đó là làm dự án ngoài tiền nhiều hơn chứ không phải OT cho công ty nhưng xét về mặt thời gian thì mình tạm coi là như nhau.

Nhưng mấy ông đều than là làm thế rồi sinh bệnh, có ông thì dạ dày, có ông thì trĩ, có ông thì gầy nhom. Tất cả đều bảo thi thoảng làm thì được chứ lâu dài chịu không được! Không những sức khỏe, các mối quan hệ yêu đương, vợ con cũng ảnh hưởng. Lẽ ra cuối tuần có thể giành thời gian đưa người yêu hoặc vợ con đi chơi thì đằng này lại cắm mặt vào máy tính để làm. Mình đồng ý sự nghiệp là quan trọng, nhưng đừng để điều đó đánh mất những mối quan hệ còn đáng trân quý hơn rất nhiều.

Cố gắng cân bằng anh em ạ!

2.5 - Không OT thì làm gì?
Có rất nhiều thứ anh em có thể làm đó. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn, học thêm kiến thức mới, hoặc chơi một bộ môn nào đó mà anh em yêu thích.

Với mình, hiện tại mình không phải OT quá nhiều, chỉ thi thoảng nhiều việc thì nán lại làm chút. Vì vậy các buổi tối cũng như cuối tuần mình đều free cả. Rảnh vậy thì mình làm gì?

  • Hiện tại mình đang duy trì việc học tiếng Anh để chuẩn bị cho kế hoạch làm việc với các công ty nước ngoài, đa quốc gia hoặc làm remote sau này.
  • Ngoài ra mình cũng có blog và một kênh youtube là nơi mình chia sẻ kiến thức chuyên môn. Anh em và các bạn có thể tham khảo blog tại đây và youtube tại đây.
    Kênh youtube của mình
  • Ngoài chuyên môn mình còn biết chụp ảnh và từng làm cộng tác viên viết bài cho một số trang như blogchiasekienthuc.com. Những hoạt động này tuy không đem lại nguồn thu lớn như việc OT hoặc làm dự án ngoài nhưng nó phần nào giúp cuộc sống của mình vui hơn.
LỜI KẾT
Không biết đến đây anh em đã có cho mình câu trả lời về câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết chưa. Câu trả lời của mình là nếu việc OT mang đến niềm vui cho anh em, hãy nhớ là niềm vui thì cứ làm đi rồi có thể tiền và cơ hội sẽ đến. Nhưng nếu nó khiến chúng ta mệt mỏi quá thì thôi. Giống như việc mình tham gia viết bài trên Itviec, nếu không phải thích viết, thích chia sẻ có lẽ mình đã không "OT" nhiều cuối tuần như vậy. 

Cuối cùng thì chúc anh em thật nhiều sức khỏe, đừng OT nhiều quá để đi xây ước mơ cho người khác, hãy giành thời gian cho bản thân, gia đình và các mối quan hệ nữa.

Thân ái!