Vài chia sẻ cho những bạn trẻ mới ra trường về "nỗi lo sợ" phỏng vấn


Mở bài


Ra trường từ năm 2018, cho đến bây giờ trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, mặc dù không dám nói là mình có đủ tự tin để vượt qua bất kì cuộc phỏng vấn nào nhưng tôi chắc chắn rằng mình có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Nói vui thế thôi chứ ai hay đi phỏng vấn mà chẳng rút ra được bài học cho mình. Hơn nữa nếu cảm thấy chia sẻ được kinh nghiệm của mình mà có thể giúp ích được cho người khác thì còn điều gì tốt bằng.

Thực ra trong suốt hành trình "mặt đối mặt" với rất nhiều nhà tuyển dụng thì có cả những giọt mồ hôi và nước mắt, để rút ra cho mình nhiều bài học xương máu mà sắp chia sẻ cho bạn đọc dưới đây. Tôi nghĩ rằng, đối với những người dày dặn kinh nghiệm, họ luôn biết cách để tạo lợi thế cho mình trong bất kì cuộc phỏng vấn nào. Nhưng ngược lại, với những bạn mới ra trường hoặc có ít kinh nghiệm phỏng vấn sẽ phần nào cảm thấy "bất an" mỗi khi đối mặt với hội đồng phỏng vấn. Vì thế, bài viết này là chia sẻ của tôi cho những ai chưa cảm thấy làm chủ được mình trong những cuộc phỏng vấn. Làm sao để loại bỏ được những bất an trong tâm lý để tiến tới một cuộc gặp gỡ tốt đẹp trong tương lai, và hơn thế nữa là tăng cơ hội thành công cho mình.

Câu chuyện của tôi!


Tình cờ biết đến cách tạo ra một trang web từ những năm cấp 2, từ đó nung nấu cho mình ý định sau này sẽ theo ngành IT, mà cụ thể là lập trình web. Lúc đó đâu biết gì nhiều, tự tìm kiến thức trên mạng, làm theo, rồi dần dần tạo cho mình được một trang web mang nội dung đi chia sẻ lại những điều mà mình đã biết. Thực ra nói là trang web thì không hẳn, mà lúc đó đó người ta hay gọi là WAP, giao diện xem cho điện thoại, đơn giản là các trang HTML được liên kết với nhau. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đã khiến tôi say mê đến nỗi quên cả học hành. Bạn bè mình ra quán Nét chơi game, còn tôi thì code. Về nhà không có máy tính thì ngồi bấm bấm trên chiếc điện thoại Nokia rất lâu đời rồi. Bây giờ ngẫm lại, không nghĩ là hồi xưa mình có thể code trên chiếc điện thoại như vậy.

Lên Đại học, tôi tỏ ra mình là người có hiểu biết hơn nhiều bạn đồng trang lứa. Trong khi nhiều người còn lạ lẫm với khái niệm lập trình hoặc không biết sau này sẽ làm gì với việc viết code thì tôi đã rất dễ dàng giải bài tập hoặc có thể cân bất kì team bài tập lớn nào. Đủ để thấy những kiến thức biết từ trước đã giúp tôi rất nhiều trong lúc này.

13658851_346611669060090_67041689_n.jpeg 285 KB

Sau khi kết thúc năm 3, cũng là lúc tôi tự tin đi ra ngoài phỏng vấn thực tập. Lần đầu là ở một trung tâm lập trình, quá trình phỏng vấn không có quá nhiều trắc trở vì hầu như họ không hỏi kiến thức về chuyên ngành, việc của tôi là cắt ghép HTML và CSS. Sau khi kết thúc khóa thực tập, cảm thấy công việc này chưa phải như mình mong muốn, tôi tiếp tục xin vào thực tập ở một công ty chuyên về PHP. Lần này thì họ hỏi nhiều hơn, kĩ hơn, nhưng may mắn tôi vẫn trả lời tốt và được nhận. Nhưng sau khoảng thời gian 3 tháng, cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp với mình cho lắm nên lại xin nghỉ.

14606971_1832769866937680_4426229317701206016_n.jpeg 64.1 KB

Cuối năm 4, cũng là lúc sinh viên cần đi thực tập và làm báo cáo, một lần nữa tôi lại tiếp tục hành trình đi phỏng vấn. Lần này là một công ty có tiếng trong lĩnh vực IT thời bấy giờ, tôi có chút tự tin lẫn hồi hộp như bao lần khác, nghĩ rằng mình đủ năng lực để được nhận nhưng... không! Tôi bị trượt. "Anh không hiểu trong trường em được học gì mà cái gì cũng không biết vậy?" - đó là câu nói mà anh phỏng vấn phải thốt ra sau khi kết thúc buổi nói chuyện.

Câu nói đó như một cú sốc tinh thần và chạm vào lòng tự ái của mình. Nghĩ rằng lâu nay mình đủ hiểu biết để trả lời được hết câu hỏi phỏng vấn nhưng trớ trêu thay, hóa ra những thứ tôi biết chỉ dừng lại ở mức trung bình. Kể từ đó, tôi luôn cảm thấy thiếu tự tin về kiến thức của mình cũng như nỗi lo phải đối diện với những cuộc phỏng vấn. Thậm chí chỉ mới chốt được lịch phỏng vấn thôi, tim đã đập liên hồi vì lo lắng việc phải đối mặt với hội đồng phỏng vấn, không biết họ sẽ hỏi gì, rồi mình trả lời ra sao... Rất nhiều suy nghĩ bủa vây khiến tôi luôn cảm thấy áp lực.

Tình cờ, đọc được một câu nói nổi tiếng mà mang hàm ý: "chỉ mình mới cứu được mình" đã giúp tôi bừng tỉnh. Vì thật ra, tất cả sự hồi hộp lẫn nỗi lo sợ đều là do mình tạo ra, vậy thì mình hoàn toàn có thể vượt qua nó, bằng cách rèn luyện cho mình một lối suy nghĩ đúng đắn. Khai thác được tối đa tiềm năng của bản thân bằng cách đọc những cuốn sách giúp mình kìm hãm cảm xúc tiêu cực cũng như tự tin thể hiện khả năng trước mặt mọi người hơn.

Vài năm trở lại đây, tôi đã phỏng vấn trên dưới mười cuộc chỉ để tìm một vị trí phù hợp. Lúc này phỏng vấn không phải là nỗi lo nữa, mà phỏng vấn là một hình thức để mình tìm được môi trường phù hợp cho mình phát huy hết khả năng và phát triển bản thân một cách tốt nhất.

Hiểu bản chất của quá trình phỏng vấn để gạt qua nỗi sợ


Phỏng vấn suy cho cùng là cách để nhà tuyển dụng tìm ra được ứng viên phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển. Phù hợp thì có rất nhiều tiêu chí mà họ đề ra, và mỗi nơi mỗi khác, không nơi nào giống nơi nào. Vậy thử nghĩ xem, một tấm thân nhỏ bé thì làm sao đáp ứng được tất cả tiêu chí của hàng trăm, hàng ngàn nhà tuyển dụng được chứ? "Làm dâu trăm họ" là câu nói phù hợp trong trường hợp này. Thay vì tìm cách làm vừa lòng nhà tuyển dụng thì hãy thử làm vừa cả lòng mình. Nhiều người nghĩ phỏng vấn là quá trình tương tác một chiều của nhà tuyển dụng đối với mình. Chưa hẳn! Bạn hoàn toàn có thể "gây áp lực" trở lại với nhà tuyển dụng bằng cách đặt ra những câu hỏi thể hiện mong muốn về một môi trường làm việc trong tương lai.

Tôi biết có nhiều người cảm thấy tự ti về bản thân như kỹ năng giao tiếp, lượng kiến thức của bản thân hoặc quá khiêm tốn... mà tạo áp lực cho mình mỗi khi bước vào cuộc phỏng vấn. Bản thân tôi từng gặp trường hợp như vậy. Sẽ rất khó để khắc phục trong ngày một ngày hai, mà hãy thực hiện từ từ. Theo tôi, cách tốt nhất là tăng tính tương tác với những người xung quanh để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đồng thời đọc thêm sách về chủ đề này để biết cách giải quyết tốt hơn.

Đừng sợ việc mình bị một ứng viên có hồ sơ "khủng" hơn đánh bại mình, bởi như tôi nói, phỏng vấn để tìm ra người phù hợp chứ không phải người giỏi nhất sẽ được chọn. Người đó có thể học rất sâu, biết rất rộng nhưng điều kiện kèm theo là mức lương cao hoặc đòi hỏi nhiều ở môi trường làm việc hơn những gì nhà tuyển dụng có thể đáp ứng thì họ vẫn có khả năng bị trượt.

Hoặc cũng có thể nhà tuyển dụng quan tâm đến thái độ cầu tiến của người phỏng vấn. Có thể bạn chưa biết nhiều, nhưng với một thái độ lắng nghe và sẵn sàng học hỏi thì vẫn được đánh giá cao.

Nói tóm lại, phỏng vấn là quá trình tìm ra người phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất. Vì thế đừng tạo cho mình cảm giác tự ti mà hãy sẵn sàng cho việc thể hiện ra những gì mình biết, mình có thể làm và mong muốn một cách tốt nhất.

Tự tạo điểm nhấn cho mình để gây chú ý


Ngoài khả năng ăn nói lưu loát, "giao diện" bắt mắt hoặc giọng nói làm xao xuyến bất kì ai... bỏ qua những yếu tố trời phú thì vẫn có rất nhiều cách để tạo ra điểm nhấn với nhà tuyển dụng.

Học cách trình bày cho mình một bản CV gọn gàng mà đầy đủ thông tin. Thực ra đây là một vấn đề khó, kể cả người có kinh nghiệm làm việc lâu năm cũng chưa chắc đã viết được cho mình một bản CV "đủ hấp dẫn" trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng xem CV của chính mình, xem đâu là thứ họ cần thấy nhất ở vị trí mà bạn đang ứng tuyển và thể hiện thật rõ điều đó. Tham khảo các mẫu CV trên mạng. Một điều tốt là hãy tạo dấu ấn riêng cho CV của mình bằng cách tự thiết kế, màu sắc, kể một câu chuyện hoặc lối dẫn dắt...

Nếu qua được vòng duyệt CV, chuẩn bị đối mặt với nhà tuyển dụng thì hãy tập luyện cách đối đáp lưu loát và cầu tiến. Ấn tượng đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng chính là ngoại hình và tác phong. Ăn mặc gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn là những điều cần thiết. Lắng nghe và trả lời đúng lúc, đúng trọng tâm, cái nào không biết thì nói chưa biết và sẽ tìm hiểu, hạn chế trả lời nhưng câu ngắn gọn như là "Không ạ", "Chưa ạ", "Có ạ"... mà theo sau đó là một lời giải thích đi kèm hoặc tóm tắt lại ý chính của câu hỏi để nhà tuyển dụng biết là bạn đang hiểu câu hỏi. Ví dụ như "- Em có biết đến sự khác nhau giữ Session & Cookie? - Có thể em làm việc với Session và Cookie rồi nhưng em chưa tìm hiểu sâu vào, em sẽ về tìm hiểu lại hoặc anh/chị có thể giải thích cho em biết được không ạ...".

Hãy chuẩn bị câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng. Nội dung có thể là sự tò mò về công ty, về cách tổ chức hay là vị trí nếu mà mình được nhận vào làm việc sẽ như thế nào... có rất nhiều điều bạn có thể hỏi để tăng tính tương tác đồng thời để lại ấn tượng tốt về bạn đối với người phỏng vấn.

Cuối cùng hãy nhớ chỉ bạn cứu được bạn. Mọi cảm giác hồi hộp, sợ hãi... đều do bản thân tự tạo ra, vì thế hãy rèn luyện cho mình một lối suy nghĩ đúng đắn để vượt qua được những cảm giác tức thời này và tự tin thể hiện mình trước nhà tuyển dụng nhé! Chúc bạn thành công!