Mình học tiếng Anh bằng flashcard


Trong User Experience Design, chúng ta thường bắt đầu một thứ gì đó bằng việc đồng cảm và thấu hiểu người dùng. Tin mình đi, mình hiểu cảm giác của các bạn, những người có tiếng Anh chưa thực sự tốt. Vì thực ra mình cũng đang như thế. Nhưng câu hỏi có thể không phải là tốt hay chưa tốt. Mà là tốt để làm gì? Theo mình, nhu cầu của bạn cho việc rèn luyện một ngoại ngữ mới là điều quan trọng.

Cho tới giờ, mình nói tiếng Anh vẫn không quá ổn. Nhưng cách đây nhiều năm, mình bắt đầu việc rèn ngoại ngữ với một ước muốn khác đơn giản hơn: Để có thể học những điều mình thích và thấy cần thiết. Mình đã loay hoay với nhiều phương pháp, và cũng tốn kha khá thời gian cho chúng. Nhưng đâu lại vào đấy.

Thời điểm ấy mình có một số nhu cầu cụ thể cho việc học tiếng Anh:

  • Mình muốn có đủ từ vựng để đọc và học nhiều thứ liên quan đến design
  • Mình cần cách học đó phải đơn giản, nhanh gọn và tốt nhất là miễn phí
  • Mình muốn thấy rõ tiến trình của mình phát triển theo từng ngày

Vì nhu cầu học của mình quá hẹp (chỉ tập trung vào từ vựng) lẫn đòi hỏi độ linh hoạt cao, các chương trình tiếng Anh thông thường trở nên quá chung chung. Rồi mình tìm đến flashcard và cụ thể hơn là phần mềm Anki.

Anki là một phần mềm học flashcard rất lâu đời trong cộng đồng sử dụng SRS (Spaced Repetition System). Nói đơn giản, nó cho phép mình học đi học lại một thẻ (flashcard) nào đó đến khi nào thuộc thì thôi. Mỗi lần bạn ghi nhớ một thẻ, nó sẽ mang thẻ đó đến một khoảng thời gian dài hơn và bắt bạn ôn lại. Đến khi khoảng thời gian này đủ dài, thì bạn có thể xem như đã nhớ 100% thẻ đó rồi. Mình nhớ hồi trước, mình có một thẻ mà phải tới 7 năm sau mới phải ôn lại. Cũng hài hước, nhưng số liệu nó thế.
1IT.png 615 KB
Anki cũng cho phép mình tùy chỉnh hiển thị flashcard. Mình đã gõ những dòng mã CSS và HTML đầu tiên tại đây trước khi thực sự học một khóa về front-end vài năm về sau. Thời gian này, bộ flashcard template này làm mình khá hài lòng, vì nó rất gọn gàng sạch đẹp, khác hẳn các template khác trong cộng đồng. Đáng tiếc là mình sau một thời gian quá lâu không dùng, template này đã bị xóa trên server của Anki.
2IT.png 277 KB

Trong vòng một năm, mình đã học tổng cộng 348h. Sau thời điểm này mình đã học thêm khoảng nửa năm nữa với cường độ giống như trước, sau đó dừng hẳn sau hai năm vì thấy nhu cầu học thêm từ vựng bằng cách này không còn nữa.
3IT.png 173 KB

Nhìn vào heatmap trên hình mọi người cũng thấy mình học đều như thế nào rồi he. Điều quan trọng là sự đều đặn này không phải đến từ quá nhiều cố gắng lẫn kiên trì, mình chỉ làm mọi thứ theo thói quen. Chắc hẳn một phương pháp tốt sẽ không đòi hỏi bạn dồn quá nhiều nỗ lực vào cùng một thời điểm, nó sẽ chia nhỏ nỗ lực của bạn ra, mỗi ngày một ít.

Vì đây không phải là một bài viết hướng dẫn về Anki lẫn phương pháp SRS (Spaced Repetition System), nên mình sẽ không đi sâu vào chi tiết. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách học này, sau đây là một số lý do:

  1. Miễn phí
  2. Bạn có thể tùy chỉnh gần như mọi thứ, từ nội dung học, hình thức đến cường độ ôn tập cũng như học thêm từ vựng mới.
  3. Mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần khoảng 15 phút tập trung là bạn đã có một session học hiệu quả.

Hơn một năm rưỡi  mình sử dụng Anki. Hàng ngày mình dành khoảng hơn nửa tiếng cho việc ôn lại các thẻ cũ lẫn học một vài thẻ mới. Kết quả là lượng từ vựng của mình đã tăng lên đáng kể. Lần đầu tiên mình đã có thể học và đọc được những tài liệu, tutorial một cách tương đối thoải mái. Nhưng trên hết, việc tìm thấy một công cụ, phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả làm mình rút ra được một số điều quan trọng:

  1. Nếu làm một thứ gì đó không hiệu quả, có thể là mình đang chưa tìm thấy phương pháp, công cụ phù hợp.
  2. Nếu đã có phương pháp mà quá chật vật để thực hiện, nhiều khả năng là phương pháp đó không phù hợp với bạn.
  3. Con người thường có xu hướng nghĩ bản thân mình thiếu kiên trì hoặc thông minh để làm một điều gì đó, nếu thế, hãy xem lại điều 1.
  4. Và điều cuối cùng, bắt đầu mọi thứ với Why (tại sao) thì tốt hơn là What (làm cái gì) hay How (làm như thế nào).

Thực sự mình không cho rằng học flashcard với Anki phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn cũng giống mình hồi trước, đang loay hoay và tự trách bản thân, đó cũng là một phương pháp học đáng để thử, nên nhớ đôi khi mọi thứ chỉ cần một phương pháp phù hợp. Mình hi vọng bạn sẽ may mắn.
---------
Thông tin cá nhân
Mình là Đinh Đỗ Quang Khuê có 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế UI/UX.
Mình là Former UI/UX designer tại công ty J&T Express Việt Nam và TELOS Agency. Ngoài công việc thiết kế, mình còn trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp ngắn hạn về UI/UX design với hàng trăm học viên tham gia.
Linkedin của mình: https://www.linkedin.com/in/khue-dinh/