Vượt qua vạch xuất phát khi học tiếng Anh


Thẳng thắn mà nói, mình không nghĩ bạn cần thêm một bài viết nói với bạn về tầm quan trọng của tiếng Anh, đặc biệt là khi bạn đã và đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin (IT). Mình cũng không nghĩ bạn muốn nghe thêm một câu chuyện truyền cảm hứng vì dù nó có thể khiến bạn hào hứng bắt đầu, thứ mà việc học tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào khác cần hơn chính là sự kiên trì. Và vì vậy, bài viết này muốn mang tới cho bạn một chiếc lược để học Anh Văn từ trình độ căn bản nhất. Nó đã phát huy hiệu quả với mình và mong rằng cũng sẽ phần nào đó giúp được bạn.

1 người từng ở vạch xuất phát
Chúng ta chắc chắn không nên làm một việc vô nghĩa, đó là so bì xem ai có nền tảng tiếng Anh ban đầu tệ hơn ai. Tuy nhiên, để bạn có một hình dung nhất định, mình đã từng suýt không được danh hiệu học sinh giỏi hồi lớp 10 chỉ vì điểm tiếng Anh tổng kết được 6.47 - vừa đủ để làm tròn lên. Mức điểm có thể không quá tệ (nếu so với việc hoàn toàn “mù chữ”) nhưng nó đủ khiến mình cảm thấy hoang mang, váng đầu mỗi khi nhìn vào bất cứ thứ gì được viết bằng tiếng Anh. Hành trình từ thời điểm đó tới khi mình đạt điểm IELTS 8.0 là một khoảng cách hơn mười năm - học và lười! Nó đủ dài để mình tích lũy kha khá kinh nghiệm muốn chia sẻ lại, giúp chặng đường của bạn phần nào đó dễ thở hơn. Nó cũng đủ thấm để mình không có ý định khoe mẽ, tự mãn với khả năng tiếng Anh đang có vì sẽ luôn có người giỏi hơn bạn ở ngoài kia. Dài dòng vậy đủ rồi, dưới đây là những bước giúp mình vượt qua “vạch xuất phát” của một người dân kỹ thuật học tiếng Anh.
Mình đã lấy hết can đảm để công bố khả năng tiếng Anh “chấn động” năm 18 tuổi của mình nên mong các bạn sẽ có thêm chút ít động lực để bắt đầu vượt vạch xuất phát!
44 âm phiên âm tiếng Anh
Bảng phiên âm International Phonetic Alphabet (IPA) có thể hiểu đơn giản là một bảng mã hóa cách phát âm của các từ trong tiếng Anh (và cả những thứ tiếng khác nhé). Ngoài lý do hiển nhiên là bạn gần như không thể đoán cách đọc một từ tiếng Anh bằng mặt chữ của nó thì yếu tố quan trọng khiến mình gợi ý các bạn học IPA đầu tiên chính là tính “công thức” của nó. Chỉ cần bạn biết cách đọc đúng của các âm riêng lẻ, bất cứ từ vựng nào cũng có thể đọc được bằng việc ghép các âm tiết lại. Nếu bạn làm IT và bạn thích những thứ mang tính hệ thống, tin mình đi, IPA là một trong thứ ít “bất quy tắc” nhất mà bạn có thể tìm thấy trong tiếng Anh.
Do chỉ có vài chục ngữ âm, bạn hoàn toàn có thể học hết bảng IPA cho tiếng Anh trong vòng một hai tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, việc thực sự làm chủ và phát âm đúng từ vựng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Gợi ý của mình là các bạn đừng quá quan trọng về số lượng, mà hay tập trung vào chất lượng của mỗi âm. Mình đã dành ra đúng 44 ngày để học bảng IPA vì mỗi ngày chỉ học đúng một âm. Sau đó, có những khoảng thời gian kéo dài cả tháng, mình chỉ lẩm bẩm trong đầu hai âm “t” và “d” vì mình thấy mình phát âm chưa chuẩn những âm này. Chỉ cần bạn chịu khó luyện tập và không ngại đọc khác những người xung quanh (nhưng phải đọc đúng nhé!) thì mình chắc chắn bạn sẽ thấy mình phát âm “Tây” hơn rất nhiều sau một thời gian ngắn.

1000 từ vựng “của bạn”

Chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần nghe tới khái niệm một ngàn từ vựng phổ biến nhất trong tiếng Anh. Và, nói không quá thì với đầu óc tư duy của dân IT, mình tin rằng kha khá bạn đã nằm lòng danh sách từ này và thậm chí nhiều nhiều từ vựng khác nữa. Nhưng tại sao bạn vẫn chưa sử dụng được tiếng Anh một cách tự tin, lý do thường gặp nhất theo mình chính là vì bạn chưa biến lượng từ vựng ấy thực sự là “của bạn”.
Sau bước tiên quyết là học từ và nhớ được nghĩa cơ bản của một ngàn từ vựng phổ biến nhé, mình khuyên các bạn, thay vì dành nhiều thời gian nhồi nhét thêm hay bỏ công sức học ngữ pháp khô khan, hãy dùng thật tốt vốn từ vựng khiêm tốn này. Lý do là vì tiếng Anh được sử dụng trong môi trường IT phần đa khá đơn giản và ngắn gọn. Một ví dụ nhé, bạn chắc chắn đã từ nghe thấy cụm từ “looks good to me (lgtm)” rồi đúng không? Bạn thường dùng đi dùng lại cách này, hay bạn luôn cố gắng nghĩ những cụm từ hay ho khác như là “Splendid job!”, hay “You’re on fire”, …
Nếu bạn đồng ý với mình ở quan điểm trên, gợi ý của mình là bạn nên cố gắng dùng những từ bạn đã biết càng nhiều càng tốt. Ví dụ khi viết, với một từ “work”, bạn cố gắng thực hành với nó ở thì hiện tại, quá khứ và tương lai đơn - như vậy là đủ…khó rồi. Mình đã không biết bao nhiêu lần quên chia động từ ở ngôi số thứ ba số ít. Nhưng dùng mãi thì cũng sẽ nhớ dù rằng mình gần như không cố học thuộc ngữ pháp bao giờ. Hay như một lần mình dùng từ “clothes” khi nói chuyện với một bạn nước ngoài, mình phát âm là “/kləʊðIZ/” (k-lou-zid) vì thấy có đuôi “es”. Kỳ thực thì không phải vậy và người bạn của mình đã cười và sửa ngay cho mình. Lúc đó mình thấy rất xấu hổ nhưng chính cảm xúc “mạnh” ấy đã khiến mình gần như không bao giờ quên cách phát âm của từ “clothes” thêm một lần nào nữa.

Hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với việc học tiếng Anh. Mình tự tin rằng mình hiểu rất rõ cảm giác bất lực ấy vì mình đã từng rất sợ ngôn ngữ này. Nhưng mình cũng tin rằng việc chọn chiến lược và đặt mục tiêu phù hợp cho mỗi giai đoạn sẽ giúp bạn cảm nhận được sự tiến bộ của mình và qua đó bền bỉ hơn trên hành trình vốn không dễ dàng này. Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm những chia sẻ của mình về kinh nghiệm học tiếng Anh cho dân IT thì bạn có thể đón đọc những bài viết tới hoặc ghé thăm trang blog của mình tại địa chỉ vanbangba.com nhé. Còn bây giờ, cùng đi tìm hiểu về IPA và một ngàn từ vựng phổ biến thôi!