Đừng xem nghỉ việc, thôi việc (lay-off) như một sự kết thúc. Hãy xem đó như một sự khởi đầu mới.
"Vạn sự" là một vạn điều.
"Khởi đầu" nghĩa là bắt đầu, làm mới.
"Nan" nghĩa là khó khăn, nan giải."Vạn sự khởi đầu nan" là một thành ngữ có nghĩa là khởi đầu một việc mới thường gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức. Thành ngữ này thường được sử dụng để diễn tả sự phức tạp và khó khăn trong việc bắt đầu một công việc, dự án, cuộc sống mới.
Trước khi đi vào trọng tâm, mình xin được phép kể ngắn gọn về bối cảnh câu chuyện. Vốn là du học sinh ngành khoa học máy tính, mình về nước năm 2015. Sau đó bắt đầu tìm kiếm công việc trong lãnh vực IT và trải qua nhiều vị trí khác nhau. Lúc thì làm anh coder, lúc thì làm tester, rồi BA. Nhờ gặp thời, cùng vốn ngoại ngữ và kinh nghiệm đa-zi-năng mà mình có cơ may được thử sức ở một vai trò mới, chuyên gia quản lý dự án (PM). Nghe tên thì rất kêu phải không? Năm 2019 mình tiếp tục vượt qua một chứng chỉ quốc tế tên là Pê Mờ Pê và cũng may mắn vượt qua ngay lần đầu.
Rồi cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho đến khi dịch Covid bùng phát và mình cũng nếm mùi vị cay đắng của cuộc đời khi trận đại cuồng phong bỗng chốc kéo đến. Ban đầu cứ ngỡ là mình tồn tại được sau 2 đợt cách ly dài. Nhưng cuộc đại khủng hoảng kinh tế phía sau mới thật sự đánh gục mình. Vài tháng sau, mình đã kiếm được một vị trí mới sau rất nhiều lần nộp đơn và hàng chục cuộc phỏng vấn khác nhau. Vẫn là anh chàng quản lý dự án ngày nào nhưng nay đã cao hơn một bậc, có thêm 2 chữ lão làng (senior) đằng sau chức danh nghe cũng oai. Nhưng mấy ai biết đằng sau đó là hàng trăm gáo nước lạnh vì sự vô tâm của các nhà tuyển dụng, những bức thư từ chối đẫm lệ, những tình huống éo le khó đỡ, những hoàn cảnh không giống ai, những câu chuyện mà tới giờ khi kể ra lại vẫn thấy buồn cười. Thế nhưng nếu không trải qua những cay đắng đó chắc mình cũng không có đủ chất liệu mà tham gia cuộc thi viết bài này.
Mình bị hội chứng sợ giao tiếp với người Ấn (Fear of Indians Syndrome). Xin đính chính trước là hoàn toàn không có ý racist nào. Mình luôn cảm thấy thiếu tự tin mỗi khi nói chuyện với người Ấn. Đứng chung với mấy bạn Ấn làm mình thật bé nhỏ. Một phần cũng do các anh ấy nói tiếng Anh quá nhanh mà ai chưa có dịp giao tiếp qua một lần khi mới nói chuyện lần đầu chắc chắn sẽ hết hồn. Mình từng làm thực tập chung với một bạn nữ người Ấn. Mình lỡ hỏi bạn ấy biết code từ khi nào. Bạn nói năm 3 tuổi, ba bạn đã dạy code cho bạn. Đứa trẻ tiểu học nào cũng biết code hết. Làm mình nhớ lại lần đầu tiếp xúc với bộ môn tin học là năm cấp 3 với Pascal, Visual Basic. Bài kiểm tra 1 tiết đầu tiên lĩnh ngay con 0 tròn như quả trứng gà. Có nằm mơ thế nào cũng không nghĩ rằng sau này ra đời lại theo nghiệp IT. Quay lại câu chuyện chính thì các bạn Ấn giỏi thật, top 3 trong hầu hết bộ môn khoa học kỹ thuật máy tính trong khoa khó lúc nào mà thoát khỏi tay mấy bạn Ấn. Ấy thế là mình sốc văn hóa các bạn ạ. Nên khi được một anh Ấn phỏng vấn trực tuyến thì tự nhiên mình bị lúng túng như gà mắc thóc. Tiếng anh, tiếng em gì nói lẫn lộn lên hết. Bao nhiêu kịch bản trong đầu cũng tan biến như bọt xà phòng. Hệt như bị chiếu bí.
Có một lần khác mình có hẹn phỏng vấn zoom với 1 cty làm product. Người hẹn phỏng vấn lúc đầu là một bác product manager. Nhưng tới giờ phỏng vấn, bác ấy bận họp, bác ấy kêu một anh kỹ sư vào phỏng vấn thay. Anh này hỏi mình đủ thứ kiến thức không liên quan đến vị trí mà mình nộp đơn mà hỏi chuyên môn về code, tester, BA, SA, DevOps. Câu hỏi duy nhất có liên quan đến vị trì mình ứng tuyển thì là “Bạn có làm Scrum chưa? Bạn biết như thế nào về Scrum?”. Khỏi nói nữa cũng biết kết quả rồi!
Lần khác mình nộp cho một cty mà cạnh tranh rất gắt gao, gồm rất nhiều vòng phỏng vấn. Bạn headhunt bảo có nhiều ứng viên khác cũng ứng tuyển cùng 1 vị trí này. Cty nổi tiếng trong top trả lương cao nên mình rất phấn khích lắm sau khi vượt qua vòng đầu tiên bằng điện thoại với nhân sự. Trước 1 ngày, bạn headhunt nhắn lại báo sếp bận đi công tác đột xuất rồi, hẹn mình tuần sau. Thôi vậy, mình ráng chờ thêm 1 tuần nữa. Ngày này sau 1 tuần mình hỏi lại, bạn headhunt lại bảo tuần này sếp của bạn bận kín lịch họp rồi, không thu xếp được nên hẹn anh qua một tuần sau nữa. Thôi vậy, ráng chờ tiếp tập 2. Đúng là "quá tam ba bận", tới đúng 3 lần bận thì được thông báo là cty đã tuyển được vị trí này rồi nên hẹn mình trong tương lai. Chưa được thử sức hết mình thì phải đón nhận thất bại. Đành mở bài nhạc "Kỷ niệm bỏ quên" của anh Ưng Hoàng Phúc lên gặm nhắm với nỗi buồn.
Một kỷ niệm khó đỡ khác là bị hư laptop trước giờ phỏng vấn. Mình tức tốc phóng đi mượn máy của bạn gấp, gấp như cháy nhà. Loay hoay một hồi chưa kết nối được tai nghe và mic, gọi lại cho bạn thì mới phát hiện ra máy này bị hư bluetooth rồi, mic thì rè rè. Mình lại chạy đi mượn thêm bộ tai nghe lần 2. Những tưởng không còn gì cản trở mình rồi thì tới lúc đang phỏng vấn giữa chừng mới phát hiện ra tai nghe này hoàn toàn không có mic nên không nói được. Mình tháo tai nghe ra và ráng hét thật to vào loa của laptop luôn. Cuối giờ, đơn vị phỏng vấn mình báo lại chất lượng cuộc gọi rất tệ, âm thanh vang, họ nghe chữ được chữ mất, cám ơn thời gian mình bỏ ra. Thôi thế là xong phim, tự hiểu luôn!
Tới lúc có đầy đủ thiết bị, máy móc, tự tin thì tới lượt sức khỏe. Đêm trước ngày phỏng vấn, mình bị cúm do thời tiết, hệ quả là bị mất giọng. Vốn định làm viên thuốc cho ngày mai đỡ hơn thì bị thêm dị ứng. Đêm hôm đó vừa ho banh cái lồng ngực, vừa nổi mẫn, sưng tấy khắp người. Càng gãi càng ngứa ngáy khó chịu ngủ không được. Đến trưa hôm sau vô phỏng vấn thì nghe lùng bùng bên tai, giọng nói thều thào. Nói đến "tệ" thì lần này là số một!
Số nhọ nhất trong các lần phỏng vấn thì nhất định là đây. Rút kinh nghiệm từ các lần trước, mình chủ động thuê 1 phòng họp ngoài để có trải nghiệm phỏng vấn online tốt nhất. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà đến ngay sát giờ phỏng vấn thì quán cúp điện. Phương án B là lấy điện thoại ra phát 3G chữa cháy. Vừa khéo sao sáng hôm đó gói data hết hạn. Loay hoay 1 hồi nhờ người này người kia thì mình vào phòng họp trễ 10 phút và bị đánh giá ngay là thiếu chuyên nghiệp. Họ chỉ cho mình 30 phút vì sau đó còn phải phỏng vấn ứng viên tiếp tiếp theo mà mình làm trễ của họ hết hơn 10 phút rồi. Thêm 5 phút nữa ngồi nghe họ chê trách. Cuộc nói chuyện sau đó cũng nặng nề vì họ không còn hứng thú lắng nghe mình trình bày quan điểm một cách cởi mở nữa.
Cuối cùng, ông trời cũng thương nên cũng tìm được 1 công việc mới. Bị thất nghiệp cũng đâu phải điều gì đó đáng xấu hổ. Biết đâu đó là cơ hội để thăng cấp bản thân, đón nhận lấy những thử thách mới. Cảm giác đánh trượt phỏng vấn nó hụt hẫng đấy nhưng chắc là vì kỹ năng của bạn chưa đáp ứng được các tiêu chí của nhà tuyển dụng hay chỉ đơn thuần là không phù hợp với văn hóa cty. Những người đã phỏng vấn sẽ không nhớ bạn là ai vì một năm người ta phỏng vấn cả ngàn ứng viên. Vì thế đừng để cục tức trong lòng quá lâu, bạn hãy học cách rút kinh nghiệm. Ghi lại những lần phỏng vấn, cái nào tốt, cái nào chưa, có những câu nào. Bạn lên kế hoạch trả lời cho những câu hỏi đó tốt hơn vào lần sau. Có thể tự phỏng vấn trong đầu, ghi ra các câu hỏi nào khó nhằn vào flashcard rồi rút thăm ngẫu nhiên để tự trả lời. Xem thêm về STAR khi phỏng vấn để học cách kể chuyện hay hơn, thú vị hơn. Những lúc ngồi không, bạn có thể tự nảy ra những câu hỏi khó trong đầu rồi tự trả lời để tăng khả năng thử thách, xoay sở trước tình huống bất ngờ của bản thân.
Trong bài viết có một vài tình tiết hơi khác so với thực tế nhưng hy vọng các bạn đúc kết được gì đó tích cực sau khi nghe xong câu chuyện của mình, đặc biệt là dành cho các bạn đã và đang có ý định theo nghiệp làm tay quản lý dự án, chương trình và danh mục. Có một vài câu thành ngữ mình tự đúc kết được trong chặng đường phát triển bản thân thời gian qua mà mình rất tâm đắc xin gửi bạn:
“Vạn sự khởi đầu nan” (thành ngữ). Khởi đầu mới lúc nào cũng khó khăn. Dù là ở đâu hay làm gì mới cũng sẽ đều khó khăn. Nếu cảm thấy mọi thứ đang quá suôn sẻ, thử tìm tòi sâu hơn vì có thể cạm bẫy đang trình rập ở đâu đó.
"Anything that can go wrong will go wrong" (Murphy’s Law). Cái nào mình không nghĩ sẽ xảy ra thì tới lúc then chốt nhất sẽ thường xảy ra. Ngoài ra còn hiệu ứng cộng hưởng, một cái xui chưa kịp hết sẽ có cái thứ hai, thứ ba,…Nhiều cái xui thường hay ập xuống cùng 1 lúc. Hãy học cách quản lý rủi ro. Bạn muốn quản lý rủi ro cho những dự án triệu đô, hãy tự quản lý rủi ro từ các nhiệm vụ đơn giản nhất hay làm hằng ngày. Hãy nhớ, kế hoạch B là không bao giờ thừa. If you don’t manage risk, risk will manage you.
“Trong nguy có cơ”(thành ngữ). Đây là lý thuyết cơ hội (opportunity) và nguy cơ (threat) trong quản lý rủi ro (risk). Hãy luôn nhìn sự việc bằng ít nhất 2 mặt. Nhiều mặt quá lật tới lật lui 6 lần như phim của chú Lý Hải thì cũng mệt. Mỗi lần thất bại là một lần rút kinh nghiệm (lesson learnt), từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho những lần tiếp theo.
"Beware of driving men to desperation. Even a cornered rat is dangerous" (Winston Churchill). Khi bị dồn vào chân tường thì đó sẽ là thời điểm tốt nhất để bạn tiến hóa. Mình bị cảm giác an toàn quá lâu vì làm ở một vị trí, một môi trường trong nhiều năm. Nếu không có đại dịch Covid thì mình chưa chắc đủ bản lĩnh để thay đổi bản thân.
"Be patient. Everything comes to you in the right moment" (The Buddha). Chúc bạn luôn kiên trì, sắt đá theo đuổi con đường mình chọn.