Ước gì được biết sớm hơn ở thời sinh viên!


 Dạo này tôi thường hay bắt gặp những bài viết của các bạn sinh viên IT đang luẩn quẩn trong cái gọi là “định hướng nghề nghiệp của bản thân”. Tôi lại thấy bản thân mình ở trong đó thời những năm đại học, nên tôi muốn viết một chút về nó, để các hậu bối không phải bối rối để rồi bỏ lỡ những thứ cần thiết và rồi “giá như…”. 

Tôi nhớ rõ ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học, tôi theo ngành kĩ sư phần mềm (Software Engineering - SE) là cái ngành mà liên tưởng ngay khi nhắc đến IT đó. 

Hồi đấy tôi còn chẳng biết ngành này là gì, học cái gì, sau này sẽ làm gì, chỉ biết là học IT, là sẽ được tiếp xúc nhiều với máy tính, ngầu khi gõ những dòng lệnh cho hệ thống… Và cũng chỉ vậy, sáng đi học, chiều về làm bài tập cả hơn một năm đại học, tôi cảm thấy ngành này không như tôi nghĩ, và dần mất đi sự hứng thú của mình. Cho đến khi tôi đi café và vô tình được trò chuyện cùng với một đàn anh. 

Khi trò chuyện với anh thì tôi mới hiểu được: “À hoá ra IT nó thật rộng lớn và SE tôi đang học chỉ là một phần trong đó. Hơn nữa trong SE, cái gõ gõ những dòng lệnh kia cũng chỉ là một phần nhỏ của nó, cái mà sau khi chúng ta đã thiết kế, lập kế hoạch, đo lường đủ thứ thì mới được triển khai thực hiện. Có thể hiểu nó giống như là trong xây dựng, một kiến trúc sư phải thiết kế, lên kế hoạch, đo lường rất nhiều mới đưa ra một bản thiết kế và tiến hành thi công vậy đó! 

Sau cuộc trò chuyện đó, tôi mới nhớ lại ở trên trường có một số môn về “Kiểm thử phần mềm – Software Testing”, “Đo lường phần mềm – Software Measurement”, “Kiến trúc phần mềm – Software Architecture”, lúc xâu chuỗi lại với nhau tôi nhận ra đó là những môn dạy về các giai đoạn, quy trình trong ngành này như trong cuộc nói chuyện kia, lúc này tôi đã thực sự được khai sáng! 

Mãi đến cuối năm 3 đại học, trong tôi lúc nãy chỉ có những kiến thức cơ bản về lập trình như “hướng đối tượng – OOP”, “Cấu trúc dữ liệu và giải thuật”… Cùng một số kiến thức lý thuyết về SE. Lúc đó tôi nghĩ rằng “Cứ học đầy đủ kiến thức như trên trường vậy là đã đủ!”. Cho đến khi tham dự một buổi seminar do doanh nghiệp IT về trường tổ chức nói về FrontEnd, BackEnd, RESTFUL API và tìm hiểu về nó sau đó, tôi mới nhận ra “hoá ra các doanh nghiệp IT hiện nay họ làm việc theo cách này”, và hiểu được một trong những món đó mới đủ tư cách để thực tập hay làm việc trong thị trường hiện nay. Lúc đó tôi mới tìm hiểu và chọn theo FrontEnd vì tình cờ tìm được trang web dạy về nó rất chi tiết, tôi nghĩ ai cũng biết khi nhắc đến nó trong cộng đồng FrontEnd, đó là F8 của anh Sơn Đặng. 

> Đến bây giờ tôi mới ước có người nói cho mình sớm hơn về cách làm việc trong doanh nghiệp IT, thì tôi đã có thể chuẩn bị sớm hơn chứ không bỏ phí nhiều thời gian quý báu khi học đại học như thế. Hiện này thì rất nhiều trang tin tức, blog có đăng tải về những điều này như ITViec, Viblo, Topdev… 

Sau khi học những kiến thức về FrontEnd trên F8, lúc này tôi mạnh dạn hơn trong việc tìm hiểu thị trường việc làm. Nhận ra rằng hiện này người ta thường dùng thư viện hoặc framework để triển khai phần mềm, hơn là những cách thủ công như HTML, CSS JQUERY. Tôi chọn ReactJS và học về nó, học từ nhiều nguồn khác nhau, F8, Document, youtube, udemy, và làm một số dự án sử dụng nó. Và rồi vướng phải một sai lầm mà có lẽ ai cũng dễ dàng gặp phải khi học và làm theo hướng dẫn quá nhiều.
Tutorial Hell - Trạng thái mà bạn chỉ tập trung vào việc học qua các khóa học trực tuyến mà không thực hiện thực tế. Bạn có thể cảm thấy rằng mình đang tiến triển khi học các khóa học này, nhưng thật ra bạn chỉ đang bị mắc kẹt trong một vòng lặp vô tận và không thể tiến xa hơn. 

Đến đây thì đã là đầu năm 4 đại học, tiến vào giai đoạn nhận đồ án thứ nhất (Để tốt nghiệp thì mỗi sinh viên đều phải pass 2 đồ án). Lúc này tôi có kiến thức về FrontEnd - ReactJS nên nắm vai trò này trong nhóm. Cho đến khi thực sự gõ những dòng code đầu tiên. Thật sự là một cơn ác mộng khi chẳng biết bắt đầu từ đâu, setup như thế nào, phải làm cái này ra sao... Lúc đó tôi phải lúc tìm lại hết những video bài giảng căn bản cũ, đọc nhiều tài liệu, hỏi nhiều người mới có thể khởi tạo được thành công dự án. Hơn nữa, lúc thực sự tự làm mới thấy được có rất nhiều vấn đề mà cứ nghĩ trong đầu là đơn giản, dễ giải quyết, dễ làm, cho đến khi mất tận hơn 2 ngày mới có thể “chạy được” thì mới vỡ lẽ. Điều này làm chậm tiến độ dự án đi rất nhiều, gây rất nhiều vấn đề cho thành viên khác trong nhóm. Nhiều lúc bị khiển trách nặng nề. 

> Lúc đó, ước có người nói cho mình sớm hơn rằng: “Tự thực hiện một vài dự án nào đó dù đơn giản nhưng không cần hướng dẫn” sớm hơn thì đã không phải vướng vào tình cảnh như thế này. 

Cũng may mắn là tôi mắc những sai lầm đó trong quá trình học nên đã không phải “trả giá” quá nhiều. Hiện giờ thì đã là nhân viên chính thức ở một công ty phần mềm tại Đà nẵng, tôi không tiện nói tên vì sợ bị đồng nghiệp chọc 😊. 

Sau cùng thì tôi muốn tóm lại những điều mà tôi ước được biết sớm hơn: 
·       Tìm hiểu nhiều bài viết về ngành từ các nguồn uy tín để có thể có sự chuẩn bị sớm hơn. 
·       Tự mình thực hành những kiến thức đó, ít hay nhiều gì cũng được. Khi đã thực hiện và thấy biết mình chưa xịn chỗ này thì tự mình sẽ thấy hứng thú cải thiện ngay.

Nói ra thì hơi ích kỷ chút xíu, nhưng mong sẽ nhận được bình chọn từ mọi người !
461f659bbab065ee3ca1.jpg 142 KB