Từ hoài nghi bản thân đến tự tin - Hành trình vượt qua hội chứng "Imposter Syndrome" cho dân IT


Nếu như bạn là dân chuyên về kỹ thuật Công nghệ thông tin, thông thường yếu tố về kỹ thuật và hiệu quả công việc rất được chú trọng. Do đó, yếu tố tinh thần bị đặt nhẹ và không chú tâm một cách đúng mức. Điều này dẫn đến khá nhiều hệ lụy cho cuộc sống của nhân viên. Bản thân tôi cũng vậy, hiện tại hoạt động trong lĩnh vực về bảo mật thông tin trong 6 năm, tôi cũng từng bị hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome), cái cảm giác luôn hoài nghi và không bao giờ đáp ứng được yêu cầu của công việc mặc dù tôi cũng đạt được những kỹ năng cần thiết và cả các chứng chỉ quốc tế liên quan đến bảo mật thông tin. Căn bệnh này làm cho tôi luôn hoài nghi về khả năng của mình, hay sợ mắc lỗi, và thường không thấy xứng đáng với khen thưởng từ cấp trên hay công ty. 

Trước khi đi vào vấn đề, hãy quay lại quá khứ khi tôi vừa kiếm được công ty đầu tiên sau khi ra trường. Tôi còn nhớ như in tại thời điểm đó, tôi có cơ hội làm việc và trải nghiệm tại một công ty start-up, tôi luôn cảm giác anh chị em trong cơ quan rất thân thiết, và chân tình. Mọi người đều chào hỏi và khá chan hòa với nhau. Có thể nói rằng mọi thành viên trong công ty xem nhau như một mái ấm gia đình và tình cảm khá thắm thiết. Sau hơn 7 năm gắn bó với công ty đầu tiên này từ lúc mới ra trường, các công ty sau này tôi gia nhập đều là những công ty, tập đoàn lớn và quốc tế. Nhưng không ai biết rằng, kể từ cột mốc đó, tôi thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý....

Tại môi trường doanh nghiệp lớn, tôi thường cảm thấy cô đơn, vì nhân viên trong công ty khá nhiều, nhưng những người đồng nghiệp mình biết và chơi thân với tôi thì rất ít. Đối với khối lượng công việc tại một vài công ty, nhiều nhân viên khác hay bị rơi vào trạng thái quá tải, không những làm ban ngày mà tối, cuối tuần về tôi cũng phải cố gắng hoàn tất công việc. Tại những công ty đó, công việc luôn là trên hết, ưu tiên hơn cả sức khỏe nhân viên. Họ không quan tâm anh kỹ thuật quản lý hệ thống đang bị stress, thiếu ngủ liên tục, điều họ cần là hợp đồng phải chạy xong trong thời gian nhanh nhất. 

Sau đó, tôi bị hội chứng "imposter syndrome", khi đó tôi luôn hoài nghi và dằn vặt về khả năng của bạn, và tôi sợ không vượt qua được thử thách này. Nhiều lúc tôi tự hỏi bản thân "Tôi đang làm gì tại công ty này", "Tôi không thuộc về công ty", "Tôi hoàn toàn là một kẻ lừa đảo để có thể xin được vào vị trí này, và rồi đồng nghiệp thế nào cũng khám phá ra cho mà xem"... Nỗi sợ hãi ấy cứ xuất hiện trong đầu tôi nhiều lần trong mỗi ngày đến công ty, có nhiều lần tôi lo lắng và sợ rằng Quản lý của tôi cho tôi thôi việc vì không đáp ứng được công việc. Do đó, đã có nhiều thời điểm tôi muốn buôn bỏ tất cả mọi thứ, nghỉ việc để “trốn chạy” nỗi sợ hãi vô hình này.
Bức ảnh minh hoạ thể hiện tâm trạng của tôi tại thời điểm đó
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng "imposter syndrome" do nhiều yếu tố. Khi nghiên cứu và suy ngẫm, tôi nhận thấy các nguyên nhân sau chính là yếu tố dẫn đến tôi bị triệu chứng đó: nguyên nhân là tôi chuyển công việc sang một lĩnh vực khác, thay đổi văn hóa công ty, và tất nhiên không thể kể đến bản thân tôi, như hồi còn nhỏ tôi được ba mẹ bao bọc nhiều, tính cách của tôi hay cầu toàn và hay lo lắng quá độ (đây cũng được xem là một căn bệnh về tâm lý).

Để vượt qua triệu chứng này, tôi đã nghiên cứu, và đọc sách để giúp mình tìm cách vượt qua. Đầu tiên, tôi nhận thấy việc xác nhận cảm xúc của mình với bản thân, thổ lộ và tâm sự với những người mình tin tưởng như đồng nghiệp, gia đình, bạn bè...là cách để mình nhìn nhận cảm xúc và được người khác chia sẻ. Điều này là bước đầu tiên quan trọng trong việc giúp tôi có cái nhìn khách quan hơn trong việc đánh giá cảm xúc của bản thân.

Bước tiếp theo, tôi tìm cách thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Thay vì đăm chiêu suy nghĩ đến những khó khăn và những điều tiêu cực, như sếp hay khiển trách, hay một số đồng nghiệp hay chê bai, tôi viết ra những điều tích cực mà mình đạt được, ví dụ như tôi vừa hoàn thành dự án A trong vòng 2 tháng, sớm hơn hai tuần so với kế hoạch ban đầu, hay một số đồng nghiệp hay mua cà phê cho tôi, hay sếp cũng hay chỉ việc cho tôi những khi đụng đến vấn đề "hóc búa"....Điều đó giúp tôi cảm thấy thực ra những điều tích cực luôn hiện diện xung quanh mình, chẳng qua mình để cho cảm xúc tiêu cực lấn át trong suy nghĩ và tâm trí quá nhiều mà thôi.

Ngoài ra, tôi còn đưa ra thời khóa biểu để chăm sóc bản thân. Ngoài công việc, quan hệ xã hội, gia đình, tôi tự giành ít nhất 60 phút mỗi ngày để chăm sóc bản thân, có thể là thiền (meditation), có thể là thể thao (yoga), hoặc đọc sách với những chủ đề mình ưa thích (tiểu thuyết, truyện, hay chủ đề self-help). Điều này giúp tôi thấy yêu và thưởng thức cuộc sống của mình hơn trước nhiều, và tất nhiên nó cũng giúp tôi kiểm soát cảm xúc một cách tốt hơn. 

Sau này, thay vì chạy theo đồng lương, tôi đã cố gắng tìm công ty phù hợp, có văn hóa tập trung vào các giá trị cốt lõi như "work life balance", "flexible work", "flat hierarchy" - văn hóa không phân biệt cấp trên cấp dưới, và đầu tư sức khỏe thể thao cho nhân viên (trang bị thiết bị thể thao ngay tại Công ty, tổ chức các sự kiện thể thao cho nhân viên tham gia...). Ở đó, kết quả làm việc mới được đánh giá cao thay vì việc quản lý chi li, văn hóa "bossy" ("chủ tớ"). Khi tìm được công ty chú trọng sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên, vấn đề bạn cần làm là cải thiện thêm bản thân của mình. Bạn có thể tập thiền (meditation), ghi nhận cảm xúc thực và hiện tại của mình (viết ra giấy, nhật ký, trò chuyện với bạn bèn thân hay đồng nghiệp mà mình tin tưởng), chất vấn lại những hoài nghi của mình, và không so sánh bản thân mình với những người khác. Không phải lúc nào cuộc sống hay công việc cũng là gam "màu hồng", nên bạn hãy nhớ thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường xung quanh nhé. 

Cuộc sống có rất nhiều thứ để chúng ta tìm kiếm, ngoài vấn đề "cơm gạo áo tiền", bạn hãy nhớ sức khỏe tinh thần của mình luôn là ưu tiên hàng đầu. Hãy ghi nhớ rằng thành công không được đo lường bằng sự hoàn hảo, mà chính là nỗ lực và quá trình tiến bộ theo thời gian.