OT - Hãy định nghĩa, đừng định kiến!!!


Ngay ngày đầu tiên đi làm mình đã OT!!

    Đầu tiên hãy làm rõ "OT" là gì? Mình tin rằng nhiều người sẽ định nghĩa đó là khoảng thời gian cá nhân mà mình phải dành ra để hoàn thành các công việc của công ty, thường là buổi tối hay thứ 7,CN hay thậm chí ngày lễ. Và với định nghĩa đó thì nó có vẻ như trở thành định kiến khá không hay mà mọi người thường không muốn đối mặt. Ngay trên ITViec, đa phần các JD (Job requirement) mình thấy đều ghi khá rõ: "Không OT", và mình tin rằng đó là cách nhà tuyển dụng muốn cho những ứng viên cảm thấy môi trường này tốt và không áp lực - vậy là có lẽ nó "xấu"??.

    Có vẻ định nghĩa trên khá đúng rồi. Nhưng mình muốn thêm vào định nghĩa ấy "2" chút. Thứ nhất là công việc OT là do đâu, thứ 2 bạn có được lợi gì khi OT -không khi phải đánh đổi thời gian mà bạn đáng lẽ ra được nghỉ ngơi hay làm những gì mình thích?

    Với mình, sau 7 năm làm coder, kha khá nhiều lần OT, và khi nhìn lại những ngày tháng ấy, mình cảm thấy không hề uổng phí chút nào. Ngày đầu tiên đi làm, hầu hết thời gian là được giới thiệu về công ty, các quy định, sơ qua các dự án của công ty, ký một vài giấy tờ rồi sau đó cài đặt máy và đọc vài trang trainning. Kể ra cũng chẳng có gì nhiều cả, chưa phải suy nghĩ nhiều. Nhưng tối hôm đó, mình vẫn dành thêm một chút thời gian để đọc kỹ lại những tài liệu training, hầu hết là tiếng anh và cái gì cũng khá mới mẻ, với một người lúc đó không hề giỏi tiếng anh thì mất kha khá thời gian để hiểu hết - lúc đó mình coi đó là bình thường, vì với 1 sinh viên chưa ra trường (mình nợ môn) thì phải cố gắng để hoàn thiện mình thôi.
    Kể từ đó, chinh chiến qua các dự án lớn nhỏ, đã không đếm được bao nhiêu lần mình dành thêm thời gian để đọc hiểu thêm yêu cầu, cải thiện thiết kế, hay fix bug ngày release. Có đôi lúc gần đến hạn release cho khách hàng mà vẫn chưa xong, anh em phải thức tới gần sáng. Và nếu ai nghĩ mình có được thêm chút thu nhập từ OT thì không nhé, có chăng chỉ là ngày được nghỉ bù nếu dự án gấp cần OT thôi. Vậy tại sao mình OT nhiều và có vẻ như chẳng được gì? Chắc rằng không ít bạn giống mình và cũng ít nhiều biết được các nguyên nhân khách quan mà hầu như các coder đều có lúc mắc phải, đó là khả năng quản lý thời gian cũng như hiệu quả công việc. Khác với những ngành nghề khác, khi các sản phẩm có thể cân đo đong đếm dễ dàng, người nhiều kinh nghiệm hay làm giỏi có thể dễ dàng nhìn ra bằng những sản phẩm họ tạo ra, thì với đặc thù ngành IT, rất khó để đong đếm, rất khó để chúng ta định lượng được công việc chính xác thì kỹ năng estimate task (dự tính thời gian hoàn thành) và cố gắng hoàn thành đúng hạn rất quan trọng, nhưng khi chưa có kinh nghiệm thì rất khó. Và một điều rất đặc thù nữa đó là "khả năng tập trung", thứ theo mình là tiên quyết để hoàn thành công việc. Khi mà các công ty khá linh động cho thời gian làm việc của các coder, để mọi người có khả năng sáng tạo cũng như tinh thần thoải mái, thì đôi khi đó là sự dễ dãi trong việc quản lý thời gian của mọi người. Mình cũng đã rất nhiều lần, khi không thể nghĩ ra cách để giải quyết bài toán hay đơn giản không thể tập trung, rủ bạn bè xả stress bằng việc đi dạo vài vòng và uống ly cà phê. Liệu đó có tính vào thời gian 8 tiếng làm việc???
   
Overtime is OT, but OT can be On Time
 
    Quay trở lại với việc OT có lợi cho coder không, dĩ nhiên là có. Đặt vấn đề tiền bạc sang một bên (tùy chính sách mỗi cty), OT là kinh nghiệm để mỗi người quản lý thời gian hiệu quả, để luôn đặt tâm thế chúng ta có giới hạn thời gian trong công việc hãy kỷ luật và cố gắng hoàn thành nó đúng hạn. Nó cũng kinh nghiệm để chúng ta kỷ luật với bản thân, đừng để lý do cá nhân trì hoãn việc chúng ta tập trung và làm kéo dài thời gian hoàn thành công việc. Và không thể không nhắc tới, với mình đó là những kiến thức mà mình đã học được qua những lần OT, có vẻ như nó "dễ ngấm" hơn bình thường, vì với mình khi đó, bản thân ý thức được từng giây phút của cá nhân phải bỏ ra để OT là đáng giá.
   Kể thêm một chút, ngày mình rời công ty thứ nhất và đi phỏng vấn công ty tiếp theo, mình có lẽ đã không thể nhận được offer nếu không có những thời gian OT đã giúp mình học hỏi được rất nhiều điều, khiến kiến thức của mình vững chắc hơn, khi OT chính là thời gian mà mình học nhiều hơn là làm. Bây giờ khi đã là Senior developer trong công ty, các kỹ năng quản lý thời gian đã tốt hơn, nhưng vẫn rất nhiều lần mình vẫn tự chủ động dành thêm thời gian để cuối tuần để sắp xếp công việc cũng như lên kế hoạch cho tuần tới được suôn sẻ.

    Rồi tóm lại, OT có phải văn hóa xấu không - Với mình là không. Vậy có nên OT không? Mình sẽ không trả lời vì đó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng nếu bạn đã dành đủ thời gian để làm ngày hôm nay và rất hiệu quả, tại sao không đóng laptop lại, để những dòng code không lởn vởn trong đầu bạn và thưởng cho mình một đêm ngon giấc hay một cuối tuần trọn vẹn?
Còn nếu bạn không muốn OT, hãy nói với mình rằng không OT = On-Time.

  ** Ngoài lề
Những điều mình chia sẻ trên mang ý chủ quan cá nhân với hy vọng chúng ta đừng thành kiến về việc OT, cũng như khuyến khích mọi người đề cao tính hiệu quả trong công việc. Mặc dù trọng tâm mình nói về điểm tích cực, nhưng mình không ủng hộ OT mà thay vào đó dành thời gian cho gia đình, hay giải trí, hay đơn giản nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả. Nếu bạn đang không có thời gian cho bản thân, gia đình thì nên nhìn lại và tìm giải pháp. Còn đôi khi vì công ty bạn phải OT, hay cảm thấy mình cần OT để hoàn thành công việc. Hãy OT với thái độ tích cực nhé. Vì đó chính là cách bạn thể hiện trách nhiệm với công việc, và cũng là cách bạn đang học hỏi và phát triển bản thân vững vàng.

** Đôi nét về mình
Hiện tại mình đang là Senior Python Developer của công ty có trụ sở ở Singapore - chuyên về HFT (High Frequency Trading) với hơn 7 năm kinh nghiệm. Với mình OT là một phần trong công việc của Software Devloper, mỗi dev đều nên và có lẽ sẽ trải qua 1 vài lần trong sự nghiệp. Hãy coi đó là bài học cũng như cơ hội trong cuộc sống.
"Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng" - Khuyết danh