OT BỀN VỮNG


“Hay tháng này em xem sao đừng để kế hoạch over-time (OT) cho anh nữa nhe.” - anh developer nhắn khi mình gửi kế hoạch OT dự kiến dựa trên những thời gian ước tính để cả nhóm xem qua. “Mấy nay OT làm đêm hoài nên anh thấy không ổn lắm” - anh nhắn tiếp. Một tín hiệu được gửi đến và mình nhận ra OT cũng cần một giới hạn nhất định khi nó không hẳn chỉ là chuyện tiền nong.

Có một giai đoạn mới ra trường hơn một năm, mình chuyển sang một công ty outsourcing. Môi trường mới chuyên nghiệp và mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về mảng đang làm. Với một Business Analyst  thì việc hiểu nghiệp vụ và kiến thức sản phẩm, dự án nó rất quan trọng để làm việc thuận lợi hơn. Thế là mình đã OT một cách… tự nguyện, kể cả cuối tuần để làm công việc ở công ty và tìm hiểu thêm về sản phẩm. Một phần nữa là mình làm việc với khách hàng trái múi giờ, thế nên, thường xuyên phải nhắn với khách hàng để trao đổi về yêu cầu của họ. Mình thậm chí không đòi hỏi công ty về chi phí OT. Lúc này với mình chỉ đơn giản là làm tốt nhất mình có thể để chứng tỏ năng lực.

Làm ở công ty outsourcing, chuyện một người làm hai dự án cùng lúc cũng là điều bình thường. Chúng ta cũng chỉ có 8 giờ (hơn) làm việc nên để làm cho ngần ấy việc của nhiều dự 
án, việc cần thêm giờ cũng là dễ hiểu. Anh em độc thân như mình thì đa phần mình thấy không nề hà gì việc OT vì có thêm thu nhập. Thêm nữa, còn có team OT chung nên cũng có không khí để làm thêm giờ. Không hẳn nhiều người giống mình nhưng nhiều khi OT đêm để họp với khách hàng hay chuẩn bị cho một công việc cần làm gấp thì cảm giác được thử thách khiến mình duy trì được động lực để có thể “cày” trong đêm hôm. Dù làm xong thì cũng đã mệt đến rã người.
simon-abrams-k_T9Zj3SE8k-unsplash.jpg 376 KB
Nhưng cũng cần nói về mặt kia của vấn đề, chuyện OT cũng cần có một chừng mực vì chúng ta còn làm việc một quãng dài nữa. Có hôm team thức đến gần 1 giờ sáng để hoàn tất việc cập nhật tính năng. Mình đã cần hơn một ngày mới có thể qua cơn ngái ngủ vì hệ quả của việc thức khuya. Càng thêm tuổi thì mình nhận ra mình không khỏe như mình nghĩ. Việc làm đêm ngày càng trở nên là một thách thức. Sức khỏe bị ảnh hưởng là thứ luôn được nhắc đến khi đánh đổi cho những giờ làm đêm. Anh developer cùng mình đã kinh qua vài năm làm chung. Anh em nhiều khi OT cùng nhau nên mình hiểu khi ảnh báo “không ổn lắm” nghĩa là đã tới một giới hạn về sức khỏe rồi. 

Chuyện OT cũng cần bền vững để nó đừng đến cái "giới hạn" kia. Nghĩ cho mình một hạn định về thời gian tối đa OT trong ngày, trong tuần để vẫn có thể đóng góp cho tiến độ dự án mà vẫn có thêm thu nhập là một cách mình dùng. Khi thiết lập được một ngưỡng mà mình cho phép mình thử thách thì bản thân chúng ta cũng ý thức được những giới hạn của mình. 
Nới rộng "giới hạn" cho mình cũng là một cách hay. Mình thấy tăng cường các hoạt động thể thao là một trong những cách hiệu quả. Anh em ngồi nhiều thì việc đứng lên, đi lại và vận động nhiều hơn sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe.

Quay lại chuyện của anh developer, mình đã trao đổi lại với khách hàng về những nội dung bàn giao có thể ít hơn dự kiến sau khi hai bên nắm rõ tình hình. Thế đấy, OT cũng cần "bền vững" để chúng ta có thể làm việc...cả đời. 

Nguồn ảnh: Cảm ơn bức ảnh từ Simon Abrams - Unplash