Giới hạn của con người nằm trong lượng kiến thức mà họ biết


Thiết kế chưa có tên (21).jpg 93.2 KB

Bài viết này là trải nghiệm thực tế của tôi trong suốt hơn 5 năm đi làm trong môi trường doanh nghiệp. Từ một người ít nói, có phần rụt rè cho đến khi nhận ra bản thân cần phải thay đổi. Hiện tại tôi đã nói nhiều hơn và tự tin hơn trong một số vấn đề, tuy vậy mọi thứ vẫn chưa dừng lại, tôi sẽ tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa. Sau khi đọc bài viết này, hy vọng những bạn đang gặp vấn đề tương tự mà mong muốn thay đổi sẽ có thêm động lực để hành động.

Tôi biết có nhiều người làm trong ngành IT rất trầm tính, ý chỉ là người ít nói, ít giao tiếp hay rụt rè trong công việc. Nhưng bù lại, họ thường là những người hoàn thành rất tốt công việc, chẳng qua vì một lý do nào đó mà không thích tương tác với những người xung quanh. Trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có thể nói là nghĩa vụ. Tuy nhiên, bên cạnh công việc, luôn có những người đồng nghiệp hỗ trợ. Nói không ngoa khi họ chính là những trợ thủ đắc lực nếu gặp phải khó khăn.

Trước đây, tôi là một người có những đặc điểm như vậy, chưa nói đến việc có làm tốt hay không nhưng khá trầm tính và có chút rụt rè, theo đúng nghĩa chỉ đến làm xong rồi đi về. Nhiều người nhận xét rằng tôi thiếu tính tương tác và có thể họ sẵn sàng bỏ mặc nếu còn tiếp tục như vậy. Tôi nghĩ trầm tính thì đã sao, đó là do tính cách của mình và mình thích như vậy, họ hoàn toàn không có quyền xen vào vì suy cho cùng, tôi vẫn đang làm tốt nghĩa vụ của mình.

Mặc ai nói thì nói, tôi cảm thấy mình vẫn ổn trong trạng thái đó. Chẳng qua những con người được trời ban khả năng hoạt ngôn ngoài kia vốn đã là ưu thế, và họ không có quyền phán xét trầm tính của mình là một lỗi. Nhưng câu chuyện không dừng lại, một người nói thì có thể khỏi bận thâm nhưng khi nhiều người nói quá thì buộc mình phải suy nghĩ lại: Phải chăng mình đã sai? Mình có nên thay đổi?

Thiết kế chưa có tên (22).jpg 154 KB

Bước ra cánh cửa Đại học, đặt mình vào vị trí thực tập trong tâm thế của một người chưa biết gì nhiều. Có thể nói đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong con đường sự nghiệp. Không một ai quen biết, không có nhiều kiến thức lẫn kỹ năng trong môi trường này. Nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại nếu bây giờ không đối mặt thì còn lúc nào nữa chứ. Hơn bao giờ hết, tôi ước gì có một người bạn để mình có thể tương tác, chia sẻ với họ hàng ngày. Nhưng với bản tính nhút nhát, đó là một điều khó mà thực hiện được.

Đi làm nhiều năm, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình nhưng bản chất vẫn khá trầm lặng. Nhiều lúc thấy đồng nghiệp có mối tương tác rất tốt với những người xung quanh nhưng mình lại không làm được. Tôi cảm thấy ghen tị và biết rằng mình đang thiếu đi kĩ năng sống. Có lẽ, tôi không sai trong việc lựa chọn tính cách nhưng một khi bước vào môi trường công việc, nơi có các mối quan hệ thì sự rụt rè đã kìm hãm sự phát triển của mình và còn gây ra phiền muộn cho người khác.

Thiết kế chưa có tên (23).jpg 140 KB

Con người chỉ có thể thay đổi khi họ thực sự muốn. Mặc cho ai nói với mình đúng như thế nào đi nữa mà không lắng nghe thì cũng đều vô ích. Vì thế chỉ mình mới có thể tự đưa mình ra khỏi vũng lầy này, tôi quyết tâm mình phải thay đổi.

Để bắt đầu quá trình này, không phải nay nói là mai đã có thể làm được luôn. Phải thay đổi bản thân từ những điều nhỏ nhất, để dần dần thoát ra khỏi cái bóng của mình. Những điều đó như là tăng tính tương tác với mọi người xung quanh thông qua những câu chào hay chuyện phiếm ngoài giờ, kết bạn với nhiều người hơn để tự tin giao tiếp, rèn luyện cho mình một tư tưởng phóng thoáng hơn là khép kín... từ đó tôi tạo ra được nhiều mối quan hệ và thường xuyên có những buổi họp mặt ngoài giờ.

Nâu Giản dị Ảnh ghép Bài đăng Facebook.jpg 140 KB

Khi thoát ra khỏi sự rụt rè, nhiều mối quan hệ, nhiều lời nói ra thì đó cũng là lúc tôi xung đột với đồng nghiệp nhiều hơn. Khi  tự tin trước những người quen biết cho nên thường hay thể hiện cái tôi trong mỗi cuộc tranh luận. Từ đó không ít thì nhiều, ảnh hưởng đến cả chất lượng công việc lẫn tình cảm với nhau ngoài xã hội.

Nhận ra đó là một điều không nên, tôi phải tìm ra cho mình một cách giải quyết hiệu quả cho vấn đề này. Tình cờ phát hiện ra có nhiều cuốn sách viết về chủ đề mà mình quan tâm, tôi bắt đầu tìm học chúng và nhận ra tiềm năng to lớn từ việc đọc sách. Không phải tất cả những gì trong sách nói đều đúng, đều phù hợp, nhưng chắc chắn đọc sách giúp tôi hiểu thêm nhiều điều mà xưa nay tôi không hề biết.

IMG_3881 (1).jpeg 2.18 MB

Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc có tên là "Từ IQ đến EQ", nó cho rằng EQ cũng là một loại trí tuệ bên cạnh IQ. Người có chỉ số EQ cao thường là người có giao tiếp xã hội rất tốt, họ biết cách xoay xở và giải quyết vấn đề liên quan đến mối quan hệ mà tốt cho cả hai. Tôi nghĩ rằng đây là một kĩ năng mà ai cũng đều muốn. Mỗi khi có điều gì chưa biết cách giải quyết, hãy thử tìm đến sách.

Dần dần, tôi đọc sang cả tâm lý học và cả triết học. Thể loại này giúp cho tôi hình dung ra được mục đích của cuộc sống. Thật ra chẳng có gì lớn lao, quan trọng là nó giúp cho mình tìm được một điểm tựa trong tâm hồn. Một lý tưởng sống đúng đắn, ắt hẳn sẽ giúp cho bạn an nhiên.

Cho đến bây giờ, khả năng giao tiếp có thể tốt hơn ngày xưa tương đối nhiều. Tôi nhận ra rằng, nỗ lực thay đổi bản thân của mình là hoàn toàn đúng. Nếu không thay đổi, có thể giờ đây tôi vẫn là một kẻ rụt rè trong nhiều việc. Nếu không đọc sách, có thể tôi sẽ không biết cách giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải. Giống như mình đang bị giam giữa những vốn hiểu biết ít ỏi mà không làm sao để thoát ra được.

Tóm lại, những gì trình bày từ đầu đến giờ là cả một quá trình học hỏi không ngừng nghỉ. Trước đây tôi bị bó hẹp trong lượng kiến thức của mình. Tức là hành động và suy nghĩ đều xuất phát từ những gì mình biết. Đôi khi gặp khó khăn trở ngại mà không biết cách giải quyết thì giờ đây, chú ý quan sát từ những người xung quanh, cũng như trau dồi cho mình thêm kiến thức từ sách vở đã giúp tôi tự tin hơn trên con đường sự nghiệp và cả cuộc đời của mình.