Bài học kinh nghiệm xương máu cho các bạn muốn chuyển ngành sang làm IT


Cuối năm 2021 đầu năm 2022 có lẽ là một trong những khoảng thời gian đặc biệt nhất trong cuộc đời mình. Đó là lúc mình quyết định học lập trình và chuyển sang làm việc trong lĩnh vực IT. Phải nói thêm rằng mình học Đại học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và trước đó chỉ có 5 năm kinh nghiệm hoàn toàn làm hành chính nhân sự và các công việc bàn giấy.

Đến bây giờ khi nghe kể lại, nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi mình: Làm sao em lại có một quyết định chuyển ngành với chiều ngang quá lớn như vậy, hơn nữa vào lúc tuổi không còn trẻ nữa?

Mình cho rằng, có lẽ chính tuổi tác là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bước ngoặt cuộc đời này. Khi nhận ra càng ngày bản thân càng trở nên ỷ lại và tránh né sự thay đổi, học hỏi, mình biết rằng nếu cứ chần chừ không làm thứ mình yêu thích thì có lẽ sẽ không bao giờ mình còn có thể làm được nữa. Bây giờ hoặc không bao giờ; mình phải nhanh chóng dấn thân vào con đường mà mình thấy hứng thú để biết được nó có thực sự dành cho mình hay không.

Sau khi ký được hợp đồng trở thành lập trình viên, mình có khoe lên mạng xã hội về bước ngoặt sự nghiệp quan trọng này. Ngày hôm sau, có bạn nhắn tin hỏi mình kinh nghiệm, vì bạn ấy cũng đang muốn chuyển sang ngành IT. Cuộc nói chuyện rất dài với bạn ấy đã khơi gợi cho mình ý tưởng viết bài viết này để chia sẻ với những bạn cũng đang có nhiều băn khoăn, không biết có nên chọn IT cho chặng đường công việc tiếp theo hay không.
Màn hình máy tính khi mình đang học
1. Ngành này có dễ kiếm việc hay không? Triển vọng công việc trong tương lai như thế nào?

Công nghệ thông tin là một ngành luôn cần thêm nhân lực. Dạo qua các trang tuyển dụng, bạn sẽ thấy nhu cầu trong ngành này cao như thế nào, cũng như những vị trí nào, ngôn ngữ nào dễ tìm được công việc nhất. Bên cạnh đó, một trong những nhầm lẫn của người ngoài nghề là làm IT nghĩa là làm lập trình viên! Trên thực tế, trong các công ty công nghệ, bên cạnh lập trình viên còn có nhiều vị trí khác. Designer làm nhiệm vụ thiết kế UI cho dự án, tester kiểm tra các tính năng xem có khớp với yêu cầu hay không, QA theo sát tiến độ và quản lý chất lượng dự án, comtor làm nhiệm vụ dịch thuật khi khách hàng là người nước ngoài.

Tất nhiên vị trí nào cũng cần hiểu được những kiến thức cơ bản về IT và lập trình, nhưng bạn có thể thấy bạn không cần phải suốt ngày ngồi gõ code để được gọi là một nhân viên ngành IT.

Lương của ngành này theo mình thấy là ổn, thậm chí có những công ty sẵn sàng chi trả mức lương khá cao - tất nhiên là bạn phải giỏi. Kể cả khi bạn mới là một fresher chưa có kinh nghiệm, lúc đầu lương có thể thấp nhưng chắc chắn sẽ tăng dần theo số năm kinh nghiệm, và sau một thời gian nhiều người còn chọn cách nhảy việc để đạt được mức lương cao hơn hẳn hiện tại.

2. Học IT có khó không? Tôi có thể vừa làm vừa học được không?

Kinh nghiệm của mình khi học để trở thành lập trình viên là đoạn đầu dễ, càng học càng khó và chuyên sâu dần. Trước đó vài năm mình đã từng thử mua một khóa học HTML/CSS trên Udemy rồi, nên phần front-end đối với mình không thành vấn đề. Nhưng khi bắt đầu học về các thư viện, mình đã phải làm quen với một loạt kiến thức, khái niệm mới, phải đọc code và tìm hiểu thêm rất nhiều. Lời khuyên của mình là bạn hãy thử tìm hiểu các video bài học trên mạng trước xem bản thân có hiểu và tiếp thu được các kiến thức IT không. Hãy tự nghĩ ra những dự án nhỏ để áp dụng kiến thức học được. Điều quan trọng nhất là bạn phải bắt tay vào code thật.

Khi bạn chuyển từ một ngành khác, rất có thể bạn sẽ nghĩ đến việc sáng vẫn đi làm công việc hiện tại, tối dành thời gian học IT. Mình thấy nhiều người cũng làm vậy, nhưng phần lớn đều cảm thấy khó khăn thậm chí là không theo nổi vì thời gian học không đủ, hơn nữa còn không có sức lực và tinh thần sau một ngày 8 tiếng ở công ty nữa. Khoảng thời gian học mình đang làm tự do ở nhà, có nhiều thời gian và sự tập trung, và mình nghĩ đây là cách tốt nhất. Để dấn thân vào một ngành "tốn chất xám" như IT, bạn cần thực sự chú tâm vào nó.
Muốn làm lập trình viên là có bao nhiêu thứ cần phải học đấy!
3. Tôi không giỏi tiếng Anh có học được không? Tôi cần những gì để trở thành lập trình viên?

Bạn có thể không nói và dùng tiếng Anh lưu loát, nhưng bạn phải có khả năng tìm kiếm và đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Tài liệu tiếng Việt không có nhiều, lập trình viên thường xuyên phải vào đọc các trang thông tin chính của thư viện, tools và tra cứu lỗi trên stackoverflow. Nếu bạn muốn trở thành một coder, hãy đảm bảo khả năng tiếng Anh của bạn đủ tốt trước.

Khi bạn làm trái ngành, vốn dĩ đã yếu hơn những người bước ra từ môi trường học chuyên thì có hai thứ bạn cần có: tinh thần học hỏi và quyết tâm nắm bắt mọi cơ hội. Tinh thần học hỏi thì rõ rồi: bạn phải biết tìm hiểu những kiến thức mới và mạnh dạn hỏi những người đi trước khi không tìm được câu trả lời. Việc học trong ngành IT là yêu cầu bắt buộc. Còn quyết tâm nắm bắt mọi cơ hội là điều mình rút ra sau khi quan sát quá trình tìm việc của mình và các bạn khác. Hãy đặt cho bản thân mục tiêu bước được vào môi trường làm việc IT thực sự đã, vì có rất nhiều người thất bại ở bước này khi họ đặt mục tiêu quá cao mà năng lực thì chưa thể so với người khác được. Hãy tận dụng những tin tuyển thực tập sinh, tuyển yêu cầu thấp; hãy nỗ lực thể hiện bản thân trong quá trình thực tập, học việc, thử việc. Được vào làm chính thức tại một công ty lập trình sẽ giúp đặt nền móng đầu tiên cho CV của bạn, từ đó kinh nghiệm và kỹ năng của bạn sẽ liên tục được nâng cao. Chưa kể, điều này cũng khiến bạn tự tin vào bản thân hơn, vì một trong những rào cản quan trọng mà chúng ta cần vượt qua khi chuyển ngành đó là sự nghi ngờ chính mình.

Trước khi đi làm, mình đã tưởng tượng lập trình viên là những người đầu bù tóc rối suốt ngày cắm mặt vào máy tính. Sau khi đi làm, mình thấy đúng đây là những người suốt ngày cắm mặt vào máy tính thật! Thế nhưng xen kẽ giữa những khoảng thời gian ngồi code hay fix bug là những lúc nói cười vui vẻ, là cảm giác hứng thú khi học được điều gì mới, và cảm giác thành tựu khi trang web, phần mềm chạy mượt mà. Ngành IT, đặc biệt ở Việt Nam, là ngành vẫn đang và sẽ liên tục phát triển. Và nó sẽ mở rộng cửa cho những bạn thực sự hứng thú và cố gắng!