Ba sai lầm thường gặp của dân IT khi học tiếng Anh


Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao có những người chỉ học tiếng Anh trong một vài năm mà đã đạt trình độ tương đương với chục năm tích lũy của bạn. Hay bạn có tò mò vì sao có những đồng nghiệp với vốn từ vựng khá hạn chế nhưng lại giao tiếp một cách hết sức tự tin. Ngoài những yếu tố như năng khiếu, sự nỗ lực, hay số vốn đầu tư vào việc học tiếng Anh, mình tin rằng việc bạn học hỏi từ sai lầm của những người đi trước là một trong những cách tốt nhất để bạn học thứ ngôn ngữ này hiệu quả hơn. Bản thân mình là một người có xuất phát điểm khá khiêm tốn và mình mất tới hơn mười năm, phạm rất nhiều lỗi sai để đạt tới trình độ tương đương C1 theo thang đo CEFR như hiện tại. Ba sai lầm dưới đây không chỉ là những vấn đề chính mình đã từng gặp phải, mà trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh cho đồng nghiệp, mình nhận ra chúng là những thứ đã và đang khiến dân IT tốn thêm rất nhiều thời gian học tập.

Tải quá nhiều tài liệu

Trên mạng vốn đã có quá nhiều tài liệu học tiếng Anh và mọi thứ có thể còn trở nên “tồi tệ hơn” với khả năng tìm kiếm và thu thập thông tin của những người trong ngành công nghệ thông tin. Mình cũng từng là một trong số đó. Khi mới bắt đầu tìm hiểu về IELTS, mình còn nhớ đã tải hàng chục GB tài liệu trong máy tính. Chúng không chỉ khiến bạn bị ngợp, không biết bắt đầu từ đâu mà nó còn là dấu hiệu cho thấy bạn rất có khả năng đang học theo một chương trình không tốt. Với trải nghiệm qua đủ khóa học online/offline, tiếng Việt/tiếng Anh,… mình có thể khẳng định rằng nguyên tắc 80/20 đúng trong trường hợp này: hầu hết tài liệu học tiếng Anh hiện nay chỉ hàng xào nấu lại, dịch từ sách nước ngoài hoặc chứa đầy những lỗi sai cơ bản.
Nói như vậy không có nghĩa là mình khuyên các bạn chỉ nên tham khảo một tài liệu hay bộ sách duy nhất. Chúng ta vẫn nên có sự tham khảo để tìm ra thứ phù hợp nhất với khẩu vị học tập của bản thân. Góp ý nhỏ của mình ở đây chỉ là: các bạn nên chọn những chương trình, bộ sách huyền thoại từ những nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước, học thử chúng thật nghiêm túc trong một khoảng thời gian rồi mới quyết định cho gắn bó hay tìm kiếm một nguồn tài liệu khác. Mình sẽ không gợi ý tên của bất cứ tài nguyên nào trong bài viết này vì điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu học và khả năng tiếng Anh hiện tại của bạn. Cơ mà để kết lại sai lầm thứ nhất này thì mình sẽ bật mí cho các bạn về số phận của mấy chục GB tài liệu bên trên nhé. Mình đã xóa khỏi máy nhưng vẫn lưu lại chúng trên đám mây! Bạn nào muốn tham khảo thì ghé thăm trang vanbangba.com của mình để nhận tài liệu về…ngắm nhé.
26.3 GB này chỉ cho một lần ôn thi thôi nhé. Và tất nhiên là mình học không nổi 10% của chúng!
Không có mục tiêu rõ ràng

Có rất nhiều đồng nghiệp hỏi mình về kinh nghiệm học tiếng Anh với mục tiêu để giao tiếp trong công việc và phần đa trong số đó cho rằng việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ là không cần thiết trong ngành IT. Nhận định này không hoàn toàn sai, miễn là bạn không lấy nó ra làm lý do bào chữa cho sự lười biếng của mình. Mục tiêu rõ ràng mà mình nhắc tới ở đây là việc bạn cần đưa ra những thước đo cụ thể cho mục tiêu học tập của mình. Khi chúng ta làm sản phẩm hay kiểm thử hiệu năng của một tính năng, chắc hẳn mọi người đều nghĩ ngay tới những chỉ số đo lường. Vì bạn làm sao biết được chúng có vận hành đạt kỳ vọng hay không khi bạn không có thước đo nào?
Tuy chứng chỉ tiếng Anh là cách mình thường dùng để đặt mục tiêu, mình xin khẳng định mình không cổ xúy cho việc ám ảnh hay khoe mẽ những bằng cấp ấy. Chúng sinh ra để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn trong một điều kiện nhất định và chỉ vậy thôi, không hơn không kém. Bạn không cần nhất thiết phải bỏ tiền ra thi các kỳ thi này vì chúng ta hoàn toàn có thể thi thử tại nhà hoặc trực tiếp một cách hoàn toàn miễn phí. Mình biết nhiều bạn sẽ phản biện rằng những chứng chỉ nặng tính học thuật. ví dụ như IELTS, không phát huy tác dụng trong môi trường IT. Mình xin phép trả lời bằng một phép so sánh: bạn nghe hai developers - một người IELTS tương đương 5.0 và người còn lại 5.5 - nói chuyện với nhau, bạn sẽ không thấy sự khác biệt nhiều; nhưng bạn cứ thử nghe một ở mức 5.0 và một người ở mức 8.0 cùng trao đổi với khách hàng xem!
Đừng nhầm tưởng "giao tiếp tốt" nghĩa là có thể bỏ qua các kỹ năng nền tảng hay mục tiêu vừa sức hơn!


Ngại nói tiếng Anh

Tiếp nối câu chuyện về “mục tiêu giao tiếp trong công việc” ở bên trên, có một sự thật ngược đời là dù đó là đích tới của rất nhiều người, chỉ một số ít trong số chúng ta thoải mái nói chuyện bằng tiếng Anh. Dẫu biết rằng có những đặc thù nghề nghiệp khiến cho đa phần dân IT không phải những “máy nói”, mình tin rằng bạn hoàn toàn có thể cải thiện việc này bằng cách luyện tập nhiều hơn. Ví dụ như trường hợp của mình, chỉ vì ngày xưa bị cô giáo “ép” phải nói do cả lớp không ai chịu trả lời mà dần dà mình đã hết sợ nói tiếng Anh.
Như mình có nhắc tới trong bài viết “Vượt qua vạch xuất phát khi học tiếng Anh”, sử dụng thường xuyên là một yếu tố rất quan trọng để bạn làm chủ vốn ngôn ngữ của mình và vượt qua cảm giác ngại ngùng ban đầu. Mình hiểu rất rõ cảm giác sợ dùng từ sai, phát âm sai ấy. Sự thật thì dù bạn có dành thêm bao nhiêu thời gian ôn luyện trước khi mở lời, tin mình đi, bạn vẫn sẽ nói có lúc nói sai thôi! Một típ nhỏ của mình là các bạn có thể học thuộc một vài mẫu câu thường gặp tới mức nói chúng ra theo phản xạ. Bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi “How are you?” chẳng hạn. Dù bạn đang họp online và hoàn toàn có thể im lặng để cho… người khác trả lời thay, hãy chủ động nói “I’m good” hay “Not much. Any plans for the weekend?” Bạn biết sao không, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bạn tham gia sớm vào một cuộc hội thoại sẽ tăng khả năng bạn tiếp tục tham gia nó lên gấp nhiều lần. Cùng thử nhé!

Thực ra thứ được gọi là “sai lầm” không có nghĩa là những điều trên là xấu với tất cả mọi người. Mình tin rằng mỗi chúng ta có sở thích riêng về phương pháp học tập. Quá nhiều tài liệu có thể là không tốt với phần đa nhưng bạn có thể hợp với kiểu học mưa dầm thấm lâu, cứ gặp lại đủ nhiều lần về một vấn đề ngữ pháp thì khả năng nhớ nó sẽ tăng lên chẳng hạn. Dĩ nhiên, khi chia sẻ những điều trên, mình hy vọng chúng có thể giúp bạn cắt ngắn chặng đường để bạn tới với mục tiêu tiếng Anh của bạn. Nhưng mỗi người có một nhịp đồng hồ riêng của mình mà, chỉ cần bạn tích lũy đủ lâu và nhiều, thời khắc của bạn rồi sẽ tới.