Cuộc thi Viết “Từ Ao làng đến Out trình” lần đầu tiên dành cho nhân sự IT đã chính thức khép lại với những câu chuyện đặc biệt và đầy cảm xúc, thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa của cuộc thi.

Thông qua cuộc thi, ITviec rất vui khi được đồng hành cùng cộng đồng IT Việt tạo nên sân chơi mang đến những giá trị tinh thần cho tất cả những ai đã, đang và sẽ làm việc trong cộng đồng IT. Tuy cuộc thi kết thúc nhưng hành trình này vẫn chưa khép lại.

9 câu chuyện IT xuất sắc đạt giải cuộc thi viết “Từ Ao làng đến Out trình”

Cuộc thi viết “Từ Ao làng đến Out trình” là một sự kiện đặc biệt ý nghĩa nhằm kỷ niệm 9 năm ngày thành lập và đánh dấu một chặng đường phát triển mới của ITviec. Dấu ấn càng thêm lớn hơn khi cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả anh chị em đang học tập và làm việc trong ngành IT tại Việt Nam.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, ITviec đã nhận về nhiều câu chuyện thuộc đủ mọi cung bậc cảm xúc. Sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, sau đây là 9 bài viết đạt giải:

“Từ Ao làng đến Out trình” khắc họa cuộc sống ngành IT đa sắc màu

Với mục đích ban đầu mong muốn tạo nên một nơi tin cậy để mọi người có thể gửi gắm câu chuyện bằng câu chữ, ITviec đã nhận được số lượng lớn bài viết gởi về với nhiều câu chuyện cùng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau; đặc biệt, đã có những “bí mật” chưa bao giờ được kể nhưng nay được anh chị em IT đã gửi về cho ITviec.

Có những lời chia sẻ khiến người đọc phải bật cười vì những trải nghiệm “đầu đời” trong nghề sao mà “thân quen” quá. Bây giờ, khi nhìn lại, ta có thể thoải mái kể về chúng với lối tư duy tích cực và góc nhìn dí dỏm.

“Một ngày, tổ của tôi có một người làm Dev mới về. Thường những người làm Dev trong tổ lúc đó chả ai biết về bấm dây mạng. Rồi đến lúc gặp người mới tôi nghĩ chắc cũng như thế.

Đến khi bên tôi triển khai hệ thống cho một tổ viễn thông, ngồi bấm dây mạng nhiều quá thì người mới đó quay ra hỏi: Chú có cần giúp vài sợi không?”

– “Vẫn là dây mạng đấy nhưng mà nó lạ lắm – tác giả Hoàng Tuấn Việt (System Engineer), đạt giải Câu chuyện IT Hài hước nhất.

Song song với đó, cuộc thi cũng may mắn nhận về những câu chuyện chuyển ngành không hề dễ dàng, “màu hồng”, như những bài viết trên mạng vẫn kể nhan nhản. Thay vào đó là những câu hỏi đau đáu thật sự:

Tại sao tôi chưa từng biết có ngành này? Thời phổ thông tôi học tốt Pascal, nhưng sao lại không để ý đến ứng dụng của nó nhiều hơn hoàn thành tốt các bài kiểm tra? Đam mê của tôi đến mức nào? “Cái giá” phải trả nếu như tôi quyết định làm theo ý thích của mình?

– “Từ trai “cứng”, thành trai “mềm” – tác giả Võ Đại Nghĩa (QA Engineer), đạt giải Câu chuyện IT Ấn tượng nhất.

Hay một câu chuyện ấn tượng khác, tuy đơn giản nhưng đã gợi cho chúng ta – những người đã gắn bó lâu với nghề IT này, niềm vui thuở ban đầu của những ngày đầu mới vào nghề. Từ đó, khẳng định được mình là ai và vì sao mình chọn ngành này.

“Niềm vui đơn giản trong nghề là có thể tạo ra những trải nghiệm vui vẻ khác và mang chúng đến cho thật nhiều người.

Mình hay chia sẻ với một anh senior về những suy nghĩ của bản thân: “Anh ơi làm game có vui không?” Anh bảo: “Anh luôn quan niệm là hãy chọn một công việc để mỗi sáng thứ 2 thức dậy có thể nghĩ rằng mình được đi làm chứ không phải là mình phải đi làm. Và em biết đấy, mỗi sáng thứ 2 anh lại được đến nơi này, ở đây có mọi người.””

– “Anh ơi, làm game có vui không? – tác giả Nguyễn Hoàng Quốc (Game Developer), đạt giải Câu chuyện IT Ý nghĩa nhất.

Ngoài ra, cuộc thi cũng đón nhận những thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ rằng IT cũng giống như mọi nghề, phải sai lầm và rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi và đừng chùn bước trước biến cố thì mới tiến lên được.

“Một ngày tháng 8, khi đang công tác ở Singapore, tôi nhận được tin báo. Mẹ tôi bị ung thư phổi giai đoạn 4. Mọi thứ như đổ sập trước mặt. Tôi bắt máy bay về nước ngay sau đó.

Tôi nhảy việc, dù quyết định khó khăn. Tôi cần một thu nhập tốt hơn để cùng gia đình trả phí điều trị cho mẹ. Và một startup làm sản phẩm là nơi tôi đã đến. […]

Mẹ tôi mất sau gần 9 tháng chiến đấu với bệnh tật. Sau đó là những tháng ngày thực sự khó khăn. Tôi làm việc hết mình ở công ty để rồi hoàn toàn trống rỗng trên đường về nhà. Thật may, tôi đã không mất phương hướng vì có gia đình và những người bạn đồng nghiệp bên cạnh.”

– “Dù chuyện gì xảy ra, hãy không ngừng học tập – tác giả Đặng Mạnh Cường (Product Designer), đạt giải Câu chuyện IT Phi thường nhất.

Những cung bậc cảm xúc do chính dân trong nghề IT tin tưởng “gửi gắm” cho ITviec được xem là một thành công lớn đối với một cuộc thi viết lần đầu tiên xuất hiện dành cho anh chị em trong ngành IT, giúp ITviec tạo được niềm tin và tiếp tục là “người bạn” đồng hành của cộng đồng công nghệ Việt Nam.

Điều đặc biệt, qua cuộc thi “Từ Ao làng đến Out trình”, ITviec nhận ra rằng, việc viết và chia sẻ cảm xúc của những anh em IT cũng “xuất sắc” không kém gì các ngành nghề khác.

Hành trình chia sẻ và viết của nhân sự IT vẫn chưa khép lại

Không chỉ những câu chuyện IT được gửi về trong thời gian dự thi, ITviec tin rằng vẫn còn rất nhiều câu chuyện, những “bí mật” khác của anh chị em “nhà mình” vẫn chưa được kể nhưng có mong muốn giãi bày. Đây cũng chính là động lực để ITviec tiếp tục kéo dài hành trình này nhằm tạo nên một sân chơi thú vị và tin cậy dành cho mọi người.

Vì vậy, “Từ Ao làng đến Out trình” sẽ chính thức trở thành trang tâm sự riêng của ITviec, luôn sẵn sàng để nhân sự IT đến và chia sẻ câu chuyện của họ. Những câu chuyện IT chân thực nhất sẽ được ITviec liên hệ tác giả và chia sẻ rộng rãi đến với cộng đồng.

Thông qua trang chia sẻ này, ITviec đồng thời mong muốn truyền “ngọn lửa” yêu nghề đến anh chị em IT, góp phần tạo dựng nên một cộng đồng công nghệ Việt thêm lớn mạnh và gắn kết.

ITviec xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người dự thi đã tham gia cuộc thi nhiệt tình. Rất mong anh chị em IT đã có thời gian vui vẻ, có những trải nghiệm đáng nhớ khi theo dõi và đồng hành cùng ITviec trong cuộc thi này. Hãy tiếp tục chờ đón các sự kiện tiếp theo của ITviec và nếu có những điều chưa biết kể cùng ai, anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện của mình đến trang tâm sự của ITviec.