Dù bạn là một Designer chuyên nghiệp hay đang muốn chuyển sang lĩnh vực này, việc nắm vững các kỹ năng và nguyên tắc thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) là điều cần thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá công việc, kỹ năng cần có, cơ hội nghề nghiệp, lộ trình trở thành UI UX Designer.

Đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về:

  • Công việc của UI UX Designer
  • Kỹ năng cần có của UI UX Designer
  • Quy trình trở thành UI UX Designer
  • Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực UI UX Design
  • Các câu hỏi thường gặp về công việc UI UX Designer

UI UX Designer là gì?

UI UX Designer là người chịu trách nhiệm tạo giao diện trực quan và hấp dẫn cho các sản phẩm kỹ thuật số như trang web, ứng dụng di động, phần mềm và các nền tảng kỹ thuật số khác. Cụ thể:

  • Kỹ năng thiết kế UI (Giao diện người dùng) tập trung vào hình thức của sản phẩm kỹ thuật số và cách người dùng tương tác trực quan với nó;
  • Trong khi thiết kế UX (Trải nghiệm người dùng) nhấn mạnh trải nghiệm tổng thể của người dùng khi tương tác với sản phẩm.

Một UI UX Designer lành nghề có thể tạo ra một thiết kế không chỉ trông đẹp mắt mà còn thân thiện với người dùng, dễ tiếp cận và đầy đủ chức năng.

Họ làm việc với Developer, Product Manager, và các bên liên quan khác để đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng nhu cầu của người dùng và mục tiêu kinh doanh của sản phẩm. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, một nhà thiết kế UI/UX giỏi là điều cần thiết cho sự thành công của bất kỳ sản phẩm kỹ thuật số nào vì họ giúp tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị khiến người dùng quay trở lại để xem nhiều hơn.

Như vậy, một UI UX Designer là người có thể làm cả 2 lĩnh vực công việc là thiết kế giao diện người dùng (UI) và thiết kế trải nghiệm người dùng (UX).

Đọc thêm: Tại sao mọi Developer cần học UI UX?

Công việc của UI UX Designer là gì?

Công việc của UI UX Designer liên quan đến UX

Công việc thiết kế trải nghiệm người dùng là tạo ra các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số dễ sử dụng, thân thiện với người dùng, trực quan và mang lại tương tác thú vị. UI UX Designer cần phải hiểu nhu cầu, hành vi người dùng để cung cấp thông tin thiết yếu và trải nghiệm tối ưu cho các thiết kế web, ứng dụng, phần mềm và sản phẩm kỹ thuật số khác.

Thiết kế UX bao gồm các trách nhiệm công việc:

  • Thiết kế chân dung người dùng và tiến hành nghiên cứu người dùng
  • Thiết kế luồng người dùng và wireframe
  • Tạo prototype sản phẩm
  • Kiểm tra sản phẩm trên người dùng thực, thu thập phản hồi và hiểu rõ cách họ tương tác với sản phẩm
  • Cải thiện sản phẩm thông qua thử nghiệm liên tục và phản hồi từ người dùng.

Công việc của UI UX Designer liên quan đến UI

Công việc thiết kế giao diện người dùng là biến các ý tưởng của thiết kế UX thành hiện thực. Sau khi hoàn thành quy trình và bàn giao wireframe, UI UX Designer chịu trách nhiệm thiết kế bố trí sản phẩm một cách trực quan. Với các trang web, họ chịu trách nhiệm thiết kế các thành phần trên mỗi màn hình hoặc trang mà người dùng tương tác.

UI UX Designer tạo ra giao diện dễ sử dụng và làm hài lòng người dùng, bao gồm kết hợp các nguyên tắc thiết kế cơ bản (như sự cân bằng, độ tương phản) và nghiên cứu thiết kế tương tác. Các công việc điển hình như lựa chọn kiểu chữ, kiểu dáng menu, nút, biểu tượng, animations… để vừa nhận diện thương hiệu vừa làm hài lòng người dùng.

Thiết kế UI bao gồm các đầu việc:

  • Thực hiện tất cả các giai đoạn thiết kế trực quan từ ý tưởng đến bàn giao cuối cùng cho Web Developer.
  • Phát triển wireframe, storyboards, luồng người dùng (user flows), và sitemaps của trang web.
  • Thiết lập và duy trì các nguyên tắc thiết kế, thực tiễn, đúng tiêu chuẩn của thương hiệu đảm bảo tính nhất quán và chuyên nghiệp trên toàn bộ thiết kế.

Có thể thấy, ​cả UX và UI đều có liên quan và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta có thể hiểu chúng như cơ thể con người mà trong đó UX là bộ não (quyết định trải nghiệm tổng thể) và UI là ngoại hình (mang lại vẻ ngoài và tính thẩm mỹ tốt nhất cho trải nghiệm).​

Chính vì thế, nếu bạn thích sự kết hợp của cả hai, để bạn vừa có thể giải quyết vấn đề và vừa làm cho màn hình trông đẹp mắt cũng như tương thích với khả năng sử dụng thì bạn nên trở thành UI UX Designer, hoặc Product Designer.

Kỹ năng cần có của UI UX Designer

Bộ kỹ năng liên quan đến thiết kế trải nghiệm người dùng (UX)

Đối với công việc thiết kế trải nghiệm người dùng, người UI UX Designer cần nắm vững:

  • Nghiên cứu UX: Khả năng thu thập cả thông tin định lượng và định tính về người dùng thông qua điều tra và phân tích chuyên sâu.
  • Tạo wireframe và prototype để tạo hình cho các ý tưởng và thể hiện thiết kế thực tế.
  • Tư duy sáng tạo: Việc thiết kế trải nghiệm người dùng yêu cầu khả năng suy nghĩ rộng rãi về các vấn đề phức tạp và đưa ra các giải pháp sáng tạo.
  • Tư duy và phân tích sản phẩm: Nhà thiết kế UI/UX phải liên tục theo dõi và kiểm tra dữ liệu về khả năng sử dụng để cải thiện trải nghiệm sản phẩm. Họ phải kiểm thử khi trang web hoặc ứng dụng mới được phát triển và có thể phân tích ý nghĩa thiết kế.

Ngoài các kỹ năng cứng, UI UX Designer thành công nên có các kỹ năng sau đây để bổ trợ công việc:

  • Giải quyết vấn đề – UI UX Designer khám phá nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết một vấn đề cụ thể của người dùng, không chỉ trong quá trình prototyping mà còn liên tục phát triển và cải tiến các sản phẩm hoặc dịch vụ khi cần thiết để đảm bảo thân thiện hơn với người dùng.
  • Giao tiếp – Giao tiếp rất quan trọng vì thiết kế UX là một quá trình cần sự hợp tác cao. Các UI UX Designer cũng cần hiểu nhu cầu và mục tiêu của người dùng khi sử dụng sản phẩm và có thể truyền đạt thông tin này một cách rõ ràng với các bên liên quan.

Bộ kỹ năng liên quan đến thiết kế giao diện người dùng (UI)

Để thành công trong vai trò UI UX Designer, ngoài việc nắm vững kỹ năng thiết kế, bạn còn phải cập nhật các xu hướng, kỹ thuật và công nghệ mới nhất. Về thiết kế đồ họa, cần hiểu thiết kế hình ảnh, kiến thức về kiểu chữ và màu sắc, thiết kế giao diện, thiết kế thương hiệu, bố cục…

UI UX Designer cũng cần thành thạo các công cụ thiết kế trực quan và wireframing (ví dụ Adobe XD, Figma, Sketch, Mockplus). Kinh nghiệm làm việc trong các quy trình phát triển Agile/Scrum và học HTML, CSS và Javascript để tạo prototype nhanh cũng rất hữu ích.

Các kỹ năng mềm sau cũng cần thiết cho UI Designer: 

  • Tính sáng tạo – UI Designer cần phác thảo ý tưởng một cách trực quan. Ví dụ khả năng sử dụng những ý tưởng phức tạp và trình bày chúng theo cách đơn giản, đẹp mắt và thân thiện với người dùng. 
  • Làm việc theo nhóm và giao tiếp – UI Designer phải là người có tinh thần đồng đội bởi bạn cần làm việc với các Product Designer và Web Developer, cần giao tiếp rõ ràng để tạo ra sản phẩm cuối cùng thành công.
  • Khả năng thích ứng – Công nghệ luôn thay đổi nên UI Designer cần nắm bắt xu hướng của ngành để liên tục cải tiến sản phẩm và dịch vụ.

Lộ trình 7 bước để trở thành UI UX Designer chuyên nghiệp

Bước 1: Nghiên cứu về UI và UX

  • Đọc và nghiên cứu các tài liệu về thiết kế UI UX để đảm bảo có cái nhìn tổng quan về trải nghiệm người dùng và giao diện người dùng. Các nguồn tài liệu sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên lý, quy trình làm việc, và xu hướng hiện tại trong ngành.
  • Tiếp theo, để thực sự nâng kỹ năng của bạn lên một tầm cao mới, hãy thực hành nghiên cứu thiết kế của trang web và ứng dụng di động mà bạn yêu thích. Khi nhìn thấy một trang web mà bạn yêu thích, hãy dành vài phút để phân tích xem trang web đó có gì tốt, hoặc chưa tốt và chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất.

Có một số bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc thiết kế UI và UX, cũng như sự khác biệt giữa UI và UX. Bạn tham khảo thêm tại 2 bài viết của ITviec:

Bước 2: Hiểu công việc của UI UX Designer

  • Hiểu được công việc của UX Designer là giải quyết vấn đề của người dùng và tối ưu hóa tương tác, trải nghiệm và UI Designer tập trung vào tạo ra giao diện thân thiện và thẩm mỹ.
  • Tư duy thiết kế với các bước: Xác định được vấn đề người dùng, hiểu công việc thiết kế chuyên môn, phác thảo ý tưởng, kiểm tra và thử nghiệm…
  • Tìm kiếm và nghiên cứu các thông tin về kỹ năng, trách nhiệm, thị trường công việc, mức lương của UI UX Designer.

Bước 3: Tìm hiểu các công cụ thiết kế UI UX

Đối với thiết kế UX, bộ công cụ cơ bản bao gồm:

  • Nghiên cứu người dùng: Các công cụ khảo sát như SurveyMonkey và Typeform, cũng như các nền tảng nghiên cứu người dùng.
  • Wireframing: Sketch, Balsamiq, Wireframe.cc, Figma… lý tưởng để tạo wireframe.
  • Prototyping: Với các công cụ hỗ trợ như InVision, Sketch… giúp bạn tạo prototype nhanh chóng.

Đối với thiết kế UI, các công cụ cần tìm hiểu như:

  • Figma hoặc Sketch: Figma và Sketch hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết kế và wireframe, dễ dàng chia sẻ và nhận phản hồi, đồng thời cộng tác với các thành viên khác trong nhóm trên cùng một thiết kế và tiến hành cải thiện dựa trên nhận xét. Figma cũng có cơ sở dữ liệu mở rộng về nội dung và bộ công cụ giao diện người dùng cho dự án, bạn có thể tìm hiểu từ cơ sở dữ liệu mở rộng về các tài nguyên và nghiên cứu điển hình. Sketch là một công cụ thiết kế tuyệt vời tương tự như Figma, hạn chế là công cụ này chỉ hoạt động trên hệ điều hành MacOS. 
  • Adobe Illustrator/XD/Photoshop: Bộ công cụ thiết kế của Adobe giúp tạo prototypes ấn tượng, ưu tiên khả năng tương tác của người dùng. Adobe XD lý tưởng cho các ứng dụng di động và web, trong khi Adobe Photoshop là khởi đầu tuyệt vời cho các yếu tố đồ họa như logo, nút… Và Adobe Illustrator dành cho các hình minh họa và các yếu tố thiết kế trực quan.

Ngoài ra, khi tham gia vào dự án chung với các đội nhóm khác (như nhóm phát triển, kiểm thử), bạn sẽ có thể cần sử dụng đến Jira, một công cụ hỗ trợ các nhóm thiết kế lớn làm việc đồng thời trên các dự án. Bạn có thể tạo các trang mới và làm việc với các thành viên khác trong hệ thống Quản lý công việc của Jira. Jira dễ dàng tích hợp với các công cụ thiết kế phổ biến như Figma, InVision và Adobe XD. 

Các công cụ thiết kế UI UX rất đa dạng, ngày càng phát triển và phù hợp với từng nhu cầu thiết kế. Để dễ dàng đưa ra lựa chọn công cụ thiết kế UI UX cho riêng mình, bạn tham khảo thêm tại bài viết: Top 15 UI UX Tool – Designer không thể bỏ qua!

Bước 4: Tham gia khóa học thiết kế UI UX

Cách đơn giản nhất để chuyển đổi từ người mới bắt đầu sang UI UX Designer chuyên nghiệp là tham gia các khóa học chuyên môn. Khóa học thiết kế UI UX phù hợp sẽ giúp bạn tìm hiểu công việc và tiến xa hơn theo thứ tự hợp lý và quan trọng nhất là giúp bạn hạn chế tình trạng quá tải thông tin tìm kiếm.

Một số khoá học online có cấp chứng chỉ như Foundations of User Experience (UX) Design, Principles of UX/UI Design, Google UX Design Certificate; Google UX Design Professional Certificate,… Ngoài ra, vẫn còn nhiều khóa học UI UX online cho cả người mới bắt đầu và người đã có kinh nghiệm, từ cơ bản đến chuyên sâu. 

Trước khi chọn một khóa học, hãy nhớ nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo review học viên và trả lời được các câu hỏi sau:

  • Liệu tốc độ của khóa học có phù hợp với kỹ năng hiện tại không?
  • Bạn sẽ được hỗ trợ bởi một chuyên gia cố vấn và liên kết cộng đồng UI UX Designer không?
  • Bạn có cơ hội làm việc trong các dự án thực tế để xây dựng portfolio không và có đảm bảo đầy đủ kỹ năng thực tế để có việc làm không?…

Tham khảo thêm tại bài viết: Top 12 khóa học UI UX online “hot” nhất năm 2024

Bước 5: Tích lũy kinh nghiệm

  • Tạo dự án mẫu, thử nghiệm các ứng dụng thực tế của các công cụ và nguyên tắc thiết kế, dần dần xây dựng portfolio.
  • Theo dõi các UI UX Designer giúp bạn có được những kỹ năng cần thiết cho công việc. Hãy thử theo dõi các video bài học trên YouTube nơi các UI UX Designer chia sẻ cách họ hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể từ đầu đến cuối. Theo dõi và quan sát cách họ thích nghi để giúp bạn có cái nhìn thiết kế sắc bén hơn.

Bước 6: Xây dựng portfolio

Nhà tuyển dụng muốn xem khả năng của bạn là gì, vì vậy chỉ CV thôi sẽ không đủ. Các kinh nghiệm tích lũy, kỹ năng chuyên môn và dự án thực tế nên được đưa vào portfolio.

Bước 7: Kết nối cộng đồng UI UX Designer

  • Diễn đàn trực tuyến: Các nhóm Slack, Reddit và Facebook là những diễn đàn tuyệt vời kết nối với các UI UX Designers khác. Tại đây, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, tham gia thảo luận và nêu ý tưởng. Bạn cũng có thể tham gia subreddits để thảo luận với các chuyên gia về UI UX.
  • Tham gia hội thảo: Các buổi talkshow trực tuyến (webinar) hoặc thực tế và cuộc gặp gỡ với các UI UX Designers nổi tiếng chia sẻ mẹo và thủ thuật giúp bạn cập nhật xu hướng thiết kế gần đây và xây dựng thêm mối quan hệ của mình. 

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực thiết kế UX UI

Thiết kế UI/UX là một lĩnh vực thú vị với nhiều hướng sự nghiệp. Có nhiều chức danh và trách nhiệm công việc khác nhau dành cho UI/UX Designer như sau:

UI Designer

UI Designer chịu trách nhiệm về giao diện của sản phẩm kỹ thuật số – nơi người dùng tương tác, chạm vào những điểm này hoặc click vào chúng. Các giao diện có thể thay đổi từ nút đến thanh trượt và từ tính năng thả xuống đến tính năng cuộn. UI Designer đảm bảo giao diện hoạt động đúng với chức năng mô tả.

Trách nhiệm của UI Designer:

  • Hiểu luồng hệ thống
  • Xây dựng hệ thống định vị
  • Tạo prototype
  • Thiết kế các yếu tố tương tác
  • Hợp tác với các UX Designer.

UX Researcher

UX Researcher thu thập và phân tích dữ liệu người dùng để cung cấp thông tin cho quá trình thiết kế.

Công việc của UX Research bao gồm:

  • Tiến hành các cuộc phỏng vấn, khảo sát và kiểm tra khả năng sử dụng của người dùng để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của người dùng;
  • Sau đó sử dụng thông tin này để đưa ra các quyết định thiết kế.

UX Designer

UX Designer tiến hành nghiên cứu thị trường cho một dự án và phát triển wireframe thiết kế phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu của UX Designer là tạo ra một chiến lược nâng cao trải nghiệm người dùng. Họ quản lý các luồng thiết kế gợi cảm xúc cho khách hàng mục tiêu. Wireframe mà họ hoàn thiện sẽ được giao cho UI Designer để nghiên cứu thành phần.

Trách nhiệm của UX Designer:

  • Nghiên cứu khách hàng
  • Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
  • Phát triển quy trình thiết kế
  • Tạo wireframe
  • Hợp tác với các UI Designer
  • Kiểm tra cấu trúc thiết kế cuối cùng để nâng cao trải nghiệm

Visual Designer

Visual Design (thiết kế trực quan), đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp trải nghiệm thị giác tốt nhất cho người dùng. Visual Designer là người “nghệ sĩ” của dự án thiết kế về khía cạnh thẩm mỹ, tính nhận diện thương hiệu, họ tập trung vào lập kế hoạch về phông chữ, cách phối màu, kiểu chữ, biểu tượng đồ hoạ, và các hiệu ứng thị giác.

Trách nhiệm của Visual Designer:

  • Nghiên cứu thương hiệu và cơ sở khách hàng
  • Tạo bảng mood
  • Thiết kế các yếu tố thẩm mỹ
  • Hợp tác với các UI UX Designer

Interaction Designer

Interaction Designer chịu trách nhiệm về các yếu tố tương tác diễn ra giữa người dùng và trang web hay sản phẩm kỹ thuật số bất kỳ. Các yếu tố này bao gồm sự chuyển tiếp, kéo, thả và click chuột. Interaction Designer cũng chịu trách nhiệm về giao diện màn hình sau khi người dùng tương tác.

Trách nhiệm của Interaction Designer:

  • Tạo prototype tương tác
  • Phân tích người dùng
  • Lập kế hoạch và tương tác thiết kế
  • Làm việc với các UI UX Designer

Product Designer

Product Designer xử lý cả khía cạnh UI và UX của sản phẩm hoặc tính năng sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình thiết kế. Product Designer tiến hành nghiên cứu thị trường, tạo ra các tính năng cũng như thiết kế wireframe và các thành phần khác. Product Designer đóng góp theo sát lộ trình sản xuất sản phẩm để đảm bảo ra mắt thành công.

Trách nhiệm của Product Designer:

  • Thực hiện nghiên cứu khách hàng
  • Phát triển tính năng
  • Sắp xếp wireframe, prototype và các phần tử khác
  • Tương tác thiết kế
  • Kiểm tra và cải tiến sản phẩm

UX Engineer

UX Engineer là các UI UX Designer có kỹ năng viết code. UX Engineer dịch wireframe thành một trang web có mã hóa giao diện người dùng. Hiện nay có rất ít UX Engineer, do đó đây là một công việc có lợi thế cạnh tranh cao.

Trách nhiệm của UX Engineer:

  • Phát triển UI/UX cho dự án
  • Biến wireframe thành một giao diện người dùng đầy đủ chức năng
  • Kiểm tra trục trặc UI/UX

Các cấp độ vị trí UI UX Designer

Cấp độ Junior: Sau khi tốt nghiệp hoặc hoàn thành chương trình đào tạo UI/UX, bạn có thể ứng tuyển vị trí Intern UI UX Designer hoặc Junior UI/UX Designer. Công việc của Junior UI/UX Designer tập trong thiết kế UI và UX thực tế, như tạo các prototype và wireframe.

Cấp độ Senior: Sau 1 – 2 năm làm việc, bạn có thể phát triển thành Senior UI/UX Designer – cấp độ giữa của vai trò thiết kế cấp cơ sở và cấp cao. Senior UI/UX Designer gần như cần ít hỗ trợ từ các vị trí cấp cao.

Cấp độ Quản lý: Vai trò quản lý có thể phù hợp nếu bạn có khả năng lãnh đạo nhóm và giám sát các dự án. Với tư cách là người quản lý, bạn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo nhóm thiết kế, cố vấn và cung cấp phản hồi cho các thành viên trong nhóm cũng như quản lý các mối quan hệ khách hàng. Bạn sẽ cần kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp xuất sắc cũng như hiểu biết sâu sắc về thiết kế UI/UX để thành công trong vai trò quản lý.

Cấp độ Chuyên gia: Trở thành một chuyên gia là lựa chọn tốt nhất nếu bạn muốn tập trung vào một lĩnh vực thiết kế UI/UX cụ thể. Có nhiều lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như nghiên cứu UX, thiết kế UI hoặc thiết kế sản phẩm. Các chuyên gia thường có kỹ năng và kiến ​​thức nâng cao trong lĩnh vực chuyên môn nhất định. Các chuyên gia cũng sẽ giữ vai trò cố vấn cho các dự án thiết kế sản phẩm kỹ thuật số.

Lương UI UX Designer cao không?

Một số thống kê về mức lương cho UI/UX Designer cho thấy đây là công việc có thể mang lại thu nhập hấp dẫn.

Theo Glassdoor, tổng mức lương ước tính cho một UI/UX Designer ở Mỹ là 107.180 USD mỗi năm, trong đó mức lương trung bình là 88.389 USD mỗi năm.

Còn theo báo cáo lương của ITviec, UI/UX Designer ở Việt Nam có thể nhận mức lương hấp dẫn:

Khoảng năm kinh nghiệm Mức lương trung vị
3 – 4 27.000.000
5 – 8 39.000.000
Trên 8 77.500.000

Câu hỏi thường gặp về UI UX Designer

UI/UX Designer có cần biết viết code hay không?

Viết code không phải là yêu cầu thiết yếu cho UI UX Designer. Thay vào đó, các UI UX Designer cần có sở trường về thiết kế hình ảnh, hiểu biết về tâm lý tương tác giữa người dùng và thiết kế web kết hợp với kỹ năng sáng tạo và kỹ thuật vững vàng.

Cần có những bằng cấp gì để trở thành UI UX Designer?

Mặc dù đôi khi không phải yêu cầu bắt buộc, nhưng bằng cử nhân trong các lĩnh vực như Graphic Design, Interaction Design, Human-Computer Interaction hoặc các lĩnh vực liên quan có thể cung cấp nền tảng vững chắc và giúp bạn phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành UI UX Designer.

Gợi ý một số đầu sách hay cho UI UX Designer

  • Designing Products People Love: How Great Designers Create Successful Products của Scott Hurff
  • Inspired: How to Create Tech Products Customers Love của Marty Cagan
  • A Project Guide to UX Design: For User Experience Designers in the Field or in the Making của Carolyn Chandler
  • Change By Design: How Design Thinking Transforms Organizations And Inspires Innovation của Tim Brown
  • UX Research: Practical Techniques for Designing Better Products của Brad Nunnally và David Farkas.

Và nhiều đầu sách khác về thiết kế UI và UX giúp bạn tiếp cận tốt hơn với những kiến thức chất lượng và kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia về UI UX. Tham khảo thêm: Top 15+ sách UI/UX đáng đọc nhất mọi thời đại.

UI UX Designer nên phát triển theo hướng chuyên gia hay quản lý?

Việc phát triển theo hướng chuyên môn hay quản lý tùy thuộc vào khả năng, trình độ và mục tiêu nghề nghiệp của mỗi UI/UX Designer.

Bạn có năng khiếu lãnh đạo, khả năng giám sát dự án và phản hồi tốt với các công việc của thành viên trong nhóm? Vị trí quản lý phù hợp với bạn và đừng quên giao tiếp tốt sẽ giúp bạn thành công hơn.

Còn nếu bạn có định hướng tập trung vào một lĩnh vực nhất định, ví dụ như thiết kế UI, nghiên cứu UX… bạn có thể chọn phát triển trở thành chuyên gia.

Tổng kết

Để trở thành một UI UX Designer chuyên nghiệp, trước hết bạn cần hiểu rõ vai trò và mục tiêu của mình trong lĩnh vực này. Tiếp theo, hãy tích lũy kiến thức vững chắc về nguyên lý thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng; tham gia các khóa học, thực hành thường xuyên, tham gia các dự án thực tế để phát triển portfolio, cập nhật xu hướng mới, xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng UI UX để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Và những thông tin ITviec vừa chia sẻ sẽ giúp bạn có hướng đi rõ ràng để trở thành một UI UX Designer thành công.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!