UI vs UX là hai khái niệm quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo ra sản phẩm số, tuy nhiên chúng tập trung vào các khía cạnh khác nhau: Một bên là trải nghiệm người dùng (UX), còn lại là giao diện người dùng (UI). Đối với các Designer, hiểu được những điểm khác biệt này là chìa khóa thiết lập kiến ​​thức phát triển web tổng quát, trau dồi các kỹ năng ứng dụng và dễ dàng trau dồi chuyên môn thiết kế UX/UI.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về:

  • Thiết kế UX/UI là gì
  • Sự khác biệt chính giữa UI vs UX
  • Nên chọn học thiết kế UX hay UI?

UX là gì? Nhiệm vụ và trách nhiệm của UX Designer

Don Norman, một nhà khoa học và đồng sáng lập của Công ty Tư vấn Thiết kế Tập đoàn Nielsen Norman đã từng nói về UX như thế này: “Trải nghiệm người dùng bao gồm tất cả các khía cạnh tương tác của người dùng cuối với công ty, dịch vụ và sản phẩm của nó”. Ông cũng là người được ghi nhận đặt ra thuật ngữ UX – trải nghiệm người dùng vào cuối những năm 1990.

​​Trải nghiệm người dùng (User experience – UX) có thể được mô tả là hành trình mà người dùng trải qua khi tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục tiêu của quá trình thiết kế UX là tạo nên những sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại trải nghiệm trực quan, dễ dàng, tích cực, hiệu quả và thú vị cho người dùng.

Đọc thêm: UX Designer là làm gì? Kĩ năng, tư duy cần có để UX Designer thành công

Với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, UX Designer sẽ đảm nhận trách nhiệm một số công việc sau:

Nghiên cứu người dùng:

  • Thiết kế công cụ nghiên cứu với mục tiêu thu thập dữ liệu sẽ xây dựng bảng câu hỏi, khảo sát và thử nghiệm sản phẩm.
  • Tiến hành nghiên cứu các nhóm tập trung với mục đích thu thập ý kiến và phản hồi đa chiều từ người dùng.
  • Phân tích dữ liệu từ bảng câu hỏi và khảo sát để hiểu rõ hơn về trải nghiệm, khó khăn và mong muốn từ người dùng.
  • Phân tích đối thủ cạnh tranh.

Thiết kế theo nhu cầu người dùng:

  • Lập kế hoạch thiết kế.
  • Phân tích các thiết kế và cập nhật ứng dụng/công cụ khi cần thiết.
  • Wireframe cấu trúc cơ bản, khung sườn của thiết kế.
  • Prototype xây dựng mô hình thử nghiệm để đánh giá chức năng và tương tác người dùng dựa trên cấu trúc wireframe.
  • Thử nghiệm A/B giữa các vị trí nút, bố cục văn bản hoặc các yếu tố thiết kế khác.
  • Kiểm tra nội dung và lập bản đồ tương tác khách hàng (User Journey Mapping).

Sản xuất:

  • Ứng dụng công nghệ vào thiết kế.
  • Xây dựng sản phẩm và thử nghiệm.

Đánh giá:

  • Theo dõi mục tiêu và phân tích số liệu người dùng.

Tìm việc làm UX hấp dẫn trên ITviec ngay!

UI là gì? Nhiệm vụ và trách nhiệm của UI Designer 

Giao diện người dùng (User Interface – UI) là phần mà người dùng tương tác trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ. Quá trình thiết kế giao diện người dùng là tạo ra giao diện trực quan mà người dùng tương tác ví dụ nút bấm, văn bản, hình ảnh, thanh trượt, các tiện ích và các yếu tố tương tác khác.

Nhà thiết kế UI (UI Designer) phải đảm bảo rằng mọi yếu tố hình ảnh, menu, biểu tượng, animations có trong sản phẩm được bố trí hài hoà, nhất quán về định dạng/màu sắc, phù hợp tổng thể.

Các nhiệm vụ chính của UI Designer thường là:

Nghiên cứu thương hiệu:

  • Định hình phong cách thương hiệu.

Phân tích các tính năng của sản phẩm cần thiết kế giao diện:

  • Hệ thống hướng dẫn thiết kế (Style Guide).
  • Đồng nhất phong cách thiết kế với hình ảnh thương hiệu.
  • Tối ưu bố cục nội dung và dẫn dắt thông tin tới người dùng.
  • Tối ưu hóa các thành phần tương tác.
  • Tối ưu sử dụng màu sắc để phân loại thông tin.
  • Lựa chọn và kết hợp phông chữ.
  • Áp dụng các Animations trên các thành phần tương tác, các trang.
  • Kết hợp tương tác hình ảnh và video.
  • Quản lý chuyển động của nội dung khi người dùng tương tác.

Đảm bảo tính khả thi của thiết kế:

  • Nâng cao khả năng truy cập: đảm bảo sản phẩm hỗ trợ khả năng truy cập tối đa cho mọi người dùng bao gồm cả người khuyết tật.
  • Sử dụng đồ họa vector để thích ứng khả năng thay đổi kích thước trên các thiết bị cụ thể.

Tìm việc làm UI hấp dẫn trên ITviec ngay!

Sự khác biệt giữa UI vs UX

Mặc dù UI thường được hiểu là một tập hợp con chuyên biệt của UX, nên UX và UI có 3 điểm chung chính dưới đây:

  • Triết lý thiết kế lấy người dùng làm trung tâm. Cả UI và UX đều yêu cầu các Designer phát triển khả năng tương tác của người dùng nhằm mang lại trải nghiệm thú vị, hiệu quả dành cho sản phẩm hoặc trang web.
  • Các UX và UI Designer phải cộng tác chặt chẽ với các nhà thiết kế đồ họa và các nhà thiết kế khác để làm cho sản phẩm và trang web trở nên hấp dẫn, dễ truy cập và sử dụng hiệu quả.
  • UX và UI Designer sử dụng nhiều công cụ, ứng dụng làm việc giống nhau.

Đọc thêm bài viết: Thiết kế UI UX là gì? Hướng dẫn từ A – Z cho người mới bắt đầu

Nói về điểm khác nhau, chúng ta có thể phân biệt 2 dạng thiết kế UI vs UX theo bảng so sánh UI vs UX sau:

Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) Thiết kế giao diện người dùng (UI)

UX quan tâm vào việc tạo ra thiết kế không chỉ dễ sử dụng mà còn ấn tượng tốt cho người dùng trên cả từng thành phần và tổng thể. Việc này, đòi hỏi sản phẩm phải được thiết kế thông minh, trách sự phức tạp, khó hiểu dễ gây nhầm lẫn.

UI đặt trọng tâm vào việc tạo ra thiết kế dễ sử dụng và hấp dẫn về mặt thị giác, bố cục, màu sắc hài hoà, mang tính phong cách.

UX tập trung nhiều vào nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu nhu cầu của người dùng. 

UI tập trung vào người dùng nhưng chủ yếu liên quan đến thiết kế trực quan và tương tác. 

UX thiên về giải quyết vấn đề nhiều hơn.

UI mang tính nghệ thuật hơn, chúng tập trung vào hình thức của sản phẩm.

Quy trình sản xuất thiết kế UX:

  • Nghiên cứu người dùng
  • Phát triển ý tưởng, giải pháp
  • Xây dựng cấu trúc thông tin và wireframe (khung sườn)
  • Thiết kế prototype dựa trên các wireframes để mô phỏng, thử nghiệm
  • Thử nghiệm, giám sát nhằm phát hiện lỗi và cải thiện thiết kế dựa trên phản hồi thu thập từ người dùng

Quy trình sản xuất thiết kế UI:

  • Xác định tất cả yếu tố mang tính trực quan như biểu tượng, bảng màu, font chữ, animations…
  • Tạo prototype có độ chính xác cao
  • Chuyển giao thiết kế

Cần chú ý gì khi thiết kế UI vs UX?

4 điểm đặc biệt được chú trọng khi thiết kế UI

Để tạo giao diện người dùng hấp dẫn, các UI Designer xem xét 4 yếu tố chính sau:

  • Bố trí trang: Việc tổ chức cấu trúc trang web hoặc màn hình ứng dụng di động phải trực quan. Để làm được điều đó, UI Designer phải đưa ra hàng loạt quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng, từ vị trí tiêu đề cho đến số lượng khoảng trắng.
  • Lựa chọn màu sắc và phông chữ: Các UI Designer lựa chọn cẩn thận màu sắc và phông chữ trên giao diện sản phẩm kỹ thuật số để đảm bảo tính nhất quán, khả năng truy cập và liên kết thương hiệu.
  • Các yếu tố tương tác: Từ thiết kế nút đến menu, các UI Designer tạo kiểu cho màn hình sản phẩm kỹ thuật số để giúp luồng tương tác cho người dùng trở nên trực quan.
  • Độ chính xác của wireframe và prototype: Các UX Designer thường kết hợp các wireframe và prototype cơ bản lại với nhau. Trong khi các UI Designer biến chúng thành các mô hình sản phẩm tương tác với độ chính xác cao, có chức năng cụ thể.

5 bước quan trọng khi thiết kế UX

Có 5 bước cần thiết để thiết kế UX thành công:

Bước 1: Nghiên cứu người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh

Thông qua nghiên cứu, UX Designer sẽ khám phá ra những gì mà người dùng yêu thích, những vấn đề mà họ đang gặp phải cũng như cách họ tương tác và thể hiện trực tuyến hoặc khi sử dụng một ứng dụng hoặc phần mềm.

Các UX Designer cũng có thể thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng mẫu phân tích SWOT (Strength – Weakness – Opportunity – Threat) để xác định phân khúc sản phẩm của họ.

Bước 2: Kiến trúc thông tin – Information architecture (IA)

Khi các UX Designer hiểu được nhu cầu và hành vi của người dùng, họ tiến hành tạo kiến ​​trúc thông tin (Information architecture – IA) cho sản phẩm hoặc trang web.

Các nhà thiết kế sử dụng IA làm bản thiết kế trực quan, phác thảo các nhu cầu, phân cấp nội dung, tính năng và tương tác. Một công cụ IA chính là mẫu sơ đồ mà các nhà thiết kế sử dụng để vạch ra các phân cấp người dùng chính và các điểm quyết định.

Sơ đồ IA giúp các nhóm làm việc hiểu nhanh cách thức hoạt động của sản phẩm cũng như phần còn thiếu sót có thể yêu cầu các tính năng hoặc bản cập nhật bổ sung.

Bước 3: Wireframe và prototype

Với IA được phác thảo, các UX Designer bắt đầu biến ý tưởng thành mô hình hữu hình, chẳng hạn như tạo wireframe và prototype. Sử dụng những mô hình này để kiểm tra ý tưởng, xác định yêu cầu và mức độ ưu tiên của tính năng.

Các prototype trực tuyến có thể tạo điều kiện hợp tác thuận lợi giữa các nhà thiết kế, nhà phát triển và doanh nghiệp, để tạo ra sản phẩm cuối cùng có khả năng phản hồi nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, hữu dụng và hấp dẫn hơn.

Bước 4: Kiểm tra và khắc phục sự cố

UX Designer cần nắm chắc khả năng hoạt động thực tế của các tính năng bằng cách sử dụng sau khi hoàn thành. Nếu quá trình kiểm tra cho thấy các vấn đề như điều hướng, menu hoặc biểu mẫu khó hiểu, hãy điều chỉnh chúng trước khi bàn giao cho đội ngũ triển khai thiết kế.

Bước 5: Cập nhật liên tục

Ngay cả sau khi một sản phẩm kỹ thuật số đã gia nhập thị trường, công việc của UX Designer vẫn chưa thực sự hoàn thành. Với phản hồi mới của người dùng và những thống kê phân tích trong quá trình sử dụng, UX Designer cần cập nhật và cải tiến sớm nhất có thể.

Ví dụ: Phân tích cho thấy quy trình thanh toán thương mại điện tử quá dài, dẫn đến tỷ lệ bỏ giỏ hàng cao. Để giải quyết vấn đề này, UX Designer có thể đơn giản hóa một số bước thanh toán.

UI vs UX: Nên học thiết kế UX hay UI?

Hãy cùng điểm qua những lợi ích khi học thiết kế UX và UI để có các quyết định lựa chọn hợp lý nhất:

Lợi ích khi học thiết kế trải nghiệm người dùng (UX)

Học thiết kế UX cho phép bạn:

  • Am hiểu người dùng: Nắm bắt thách thức từ nhu cầu của người dùng, từ đó đưa ra các giải pháp thiết kế đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng và trải nghiệm sản phẩm của họ.
  • Thiết kế toàn diện: Các sản phẩm được thiết kế ra không chỉ đáp ứng về thẩm mỹ mà còn hiệu quả phù hợp mục đích sử dụng.
  • Kiểm chứng và cải tiến ý tưởng thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng thông qua thử nghiệm và phản hồi.
  • Tối ưu được cách tiếp cận tới khách hàng, nâng cao khả năng tăng trưởng doanh thu.

Lợi ích khi học thiết kế giao diện người dùng (UI)

Học thiết kế giao diện người dùng cho phép bạn:

  • Hiểu rõ nguyên tắc thiết kế: Màu sắc, hình ảnh, kiểu chữ, bố cục, phong cách thiết kế.
  • Tính nghệ thuật: Thể hiện tính nghệ thuật trong phạm vi các mẫu thiết kế.
  • Kỹ năng đánh giá, bình luận, cảm nhận và điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu, nhằm hướng tới một thiết kế được tối ưu.
  • Thách thức giải quyết vấn đề: Liên tục cải tiến kỹ thuật, nâng cao kỹ năng phối hợp hình ảnh, màu sắc, font chữ, hiệu ứng animations… tạo giao diện thân thiện và dễ sử dụng.
  • Tự tin cạnh tranh với các thiết kế khác.

Nên học thiết kế UX hay UI?

Nếu bạn đang muốn trở thành một nhà thiết kế đa kỹ năng, có khả năng xử lý quá trình thiết kế sản phẩm từ đầu đến cuối, bạn có thể học cả 2 kỹ năng thiết kế UX và UI.

Tuy nhiên:

  • Cân nhắc tập trung vào thiết kế UX: Nếu bạn quan tâm hơn đến nghiên cứu người dùng, giải quyết vấn đề và kiến ​​trúc sản phẩm.
  • Cân nhắc tập trung vào thiết kế UI: Nếu bạn là người trực quan muốn thiết kế các chi tiết ấn tượng hơn và đảm bảo các sản phẩm kỹ thuật số vừa đẹp mắt vừa thân thiện với người dùng.

Câu hỏi thường gặp về UI vs UX

Hiểu về thiết kế UX như thế nào?

Thiết kế UX là loại thiết kế trải nghiệm người dùng. Quá trình thiết kế này tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mà người dùng dễ dàng tương tác, trải nghiệm, cảm nhận và thỏa mãn nhu cầu khi tiếp cận sản phẩm, dịch vụ.

Các UX Designer có cái nhìn sâu sắc về hành trình của người dùng trong suốt thời gian họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ và tập trung vào việc đảm bảo mỗi người dùng tìm thấy giá trị từ các tương tác của họ với thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ.

Hiểu về thiết kế UI như thế nào?

UI là viết tắt của giao diện người dùng, thiết kế UI đề cập đến việc tạo ra các yếu tố mà người dùng sẽ tương tác khi sử dụng trang web, ứng dụng hoặc dịch vụ. Những yếu tố này bao gồm các nút, thanh trượt, đồ họa hoặc các thành phần tương tác khác.

UI đặt mục tiêu là sắp xếp và thiết kế các thành phần trên giao diện nhằm tạo ra tính nhất quán và phù hợp. Đồng thời, đa dạng hóa trong thiết kế UI cũng đóng góp tích cực vào trải nghiệm của người dùng.

Thiết kế UI vs UX có giống nhau không?

Thiết kế UX và UI có liên quan nhưng không hoàn toàn giống nhau.

Thiết kế UX liên quan đến việc quản lý hành trình và cảm nhận của người dùng khi họ tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ, trong khi thiết kế UI tập trung vào việc xây dựng giao diện thực tế của sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Thiết kế UI thường được coi là một phần của quá trình thiết kế UX.

UX và UI kết hợp với nhau như thế nào?

Nhà thiết kế Helga Moreno, trong bài viết “Khoảng cách giữa thiết kế UX và giao diện người dùng”, nhấn mạnh rằng không có sự ưu tiên nào giữa UI vs UX trong thiết kế sản phẩm số, cả hai đều quan trọng và bổ trợ cho nhau:

“Thứ gì đó trông đẹp mắt nhưng khó sử dụng là ví dụ điển hình về giao diện người dùng tuyệt vời và UX kém. Trong khi thứ gì đó rất hữu dụng nhưng trông lại tệ hại lại là ví dụ điển hình cho UX tuyệt vời và UI kém”.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp hài hòa giữa UX và UI để tạo nên một sản phẩm kỹ thuật số đặt người dùng là trọng tâm.

Có thể thấy UX và UI luôn song hành cùng nhau, phối hợp để nâng đỡ vai trò của nhau. Giao diện người dùng tốt không bao giờ có thể bù đắp cho những trải nghiệm mang tính tiêu cực. Một trang web thực sự đẹp với hình ảnh ấn tượng, phối màu phù hợp nhưng lại khó sử dụng chắc chắn sẽ không được người dùng lựa chọn hoặc đồng hành lâu dài.

Đó là lý do UX và UI Designer cần kết hợp với nhau để tạo ra một sản phẩm kỹ thuật số thật sự hữu ích.

Nên tập trung vào thiết kế UI hay UX?

Chuyên môn của bạn phụ thuộc vào kỹ năng và vị trí công việc bạn muốn làm.

Thiết kế UI tập trung vào thiết kế và là một lựa chọn tuyệt vời cho các cá nhân đam mê nghệ thuật.

Còn thiết kế UX phù hợp cho những ai muốn giải quyết vấn đề liên quan đến tương tác trên trang/ứng dụng. UX cho phép bạn thực hiện các giải pháp sáng tạo để cải thiện trải nghiệm người dùng.

Xu hướng thiết kế UX/UI mới hiện nay là gì?

Một số xu hướng thiết kế UX/UI mới có thể kể đến:

  • Dark Mode (chế độ tối)
  • Modern Minimalism (tối giản hiện đại)
  • Thiết kế 3D
  • Dynamic Gradient (xu hướng thiết kế tạo hiệu ứng thay đổi màu sắc phụ thuộc vào thời gian trong ngày hoặc các tương tác người dùng)
  • Voice Interface (cho phép người dùng tương tác bằng giọng nói)
  • Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR)
  • Trí tuệ nhân tạo (AI)
  • Data Visualization (Dữ liệu trực quan)…

Tổng kết UI vs UX

Trong khi thiết kế giao diện người dùng (UI) xử lý các khía cạnh trực quan và tương tác của giao diện thì thiết kế UX bao gồm toàn bộ trải nghiệm của người dùng, giúp mở rộng khả năng sử dụng, truy cập, tương tác dễ dàng và cảm nhận thú vị.

Nhờ vậy các UX/UI Designer dễ dàng tạo ra các sản phẩm kỹ thuật số không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn trực quan, đầy đủ chức năng cần thiết và kết nối sâu sắc với người dùng.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!