Vừa qua, nhằm thu thập những tác động của dịch COVID 19 (sau khi bùng phát vào tháng 05/2021) đến sự thay đổi công việc, hiệu suất làm việc, mức độ tự tin khi ứng tuyển và tiếp nhận công việc mới của Developer (cùng các vị trí IT liên quan khác), ITviec đã tiến hành khảo sát nhanh mang tên: Developer’s Mini Survey.

Thông tin sơ bộ: 86.54% đối tượng tham gia khảo sát là Developer làm việc toàn thời gian, hiện đang làm việc tại nhà và nhận đầy đủ lương (84.21%). Chỉ có một bộ phận nhỏ Developer làm việc song song, vừa tại nhà vừa tại công ty (7.89%) và rơi vào hoàn cảnh bị cắt giảm lương không mong muốn (5.26%).

Kết quả khảo sát phản ánh chân thực tình hình công việc, những khó khăn gây trăn trở ở Developer và mức độ tự tin khi ứng tuyển cũng như tiếp nhận công việc mới của Developer.

Bạn có thể đọc bản tiếng Anh tại đây.

Càng có không gian làm việc thoải mái, Developer càng làm việc hiệu quả

Cụ thể, theo kết quả khảo sát mà ITviec nhận được thì hầu hết Developer đều đang tương đối hài lòng với không gian làm việc tại nhà (7.1/10). Và họ cũng làm chủ hiệu suất công việc ở mức khá lý tưởng 7.3/10 bất chấp các yếu tố gây nhiễu (khách quan lẫn chủ quan) tại nhà vì đại dịch. Khi phân tích thị trường và tâm lý người lao động, cũng dễ thấy 2 chỉ số này khá tương quan và có mối liên hệ chặt chẽ, tỉ lệ thuận với nhau.

Nhiều Developer chia sẻ rằng, việc không phải di chuyển đến văn phòng làm việc giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Và vì làm tại nhà nên họ cảm thấy thoải mái, giảm bớt những áp lực không cần thiết và linh hoạt hơn trong việc phân bổ thời gian.

“Mình cảm thấy không mất thời gian đi lại, vì mỗi ngày mình phải đi mất gần 2h, tắc đường rất mệt, trong khi 2h đó mình có thể dành cho việc khác hữu ích hơn” – Một Developer chia sẻ.

Thêm một tín hiệu khá tích cực trong mùa đại dịch là có đến 58.82% Developer được hỏi đã tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19. Tỷ lệ Developer đã tiêm vắc-xin ở các công ty Outsourcing cao hơn hẳn, chiếm 70.59%. Đây cũng là tiền đề giúp Developer ổn định tâm lý để tập trung vào công việc.

Bên cạnh những ảnh hưởng mang tính lạc quan thì làm việc tại nhà cũng mang đến một số bất lợi không hề nhỏ.

Sự khác biệt lớn về những hạn chế của Developer trẻ so với Developer lâu năm

Trong khi nhóm Developer có từ 1 – 5 năm kinh nghiệm nhìn chung đang gặp khó khăn nhiều nhất với yếu tố kỹ thuật (thiết bị, đường truyền, an ninh mạng…) và quản lý thời gian, mong đợi từ sếp;

Biểu đồ minh họa những khó khăn lớn nhất khi làm việc tại nhà của các Developer trẻ

thì nhóm Developer có từ 5 – trên 8 năm kinh nghiệm đa số đồng ý rằng vấn đề lớn nhất mà họ đang đối mặt là tần suất và hiệu quả giao tiếp với các team trong dự án, đồng thời là các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong thời gian giãn cách xã hội.

Biểu đồ minh họa những khó khăn lớn nhất khi làm việc tại nhà của các Developer lâu năm

“Tập trung hơn nhưng giao tiếp trong dự án giảm hiệu quả” – Một chia sẻ từ Developer lâu năm khác.

Từ kết quả này cho thấy, những Developer ở vị trí Senior hoặc thậm chí Leader, Manager vẫn đang còn khá hạn chế trong việc tìm ra phương án giao tiếp giữa các đồng nghiệp, nhất là khi cần kết nối với những đồng nghiệp trẻ. Trong khi đó, những Developer trẻ có lẽ là đối tượng cần được định hướng và hỗ trợ thường xuyên hơn để cải thiện kỹ năng quản lý thời gian, quản lý hiệu suất, quản lý mong đợi từ sếp và khách hàng trong thời điểm nhạy cảm này.

Developer được dự đoán sẽ có xu hướng ứng tuyển mạnh mẽ sau dịch, lương thưởng là yếu tố được quan tâm nhất

Phần đông Developer tham gia khảo sát chia sẻ rằng trong giai đoạn bấp bênh như hiện nay, họ đang chưa có ý định nhảy việc. Tuy nhiên, nếu ứng tuyển và tiếp nhận công việc mới thì họ hoàn toàn tự tin với năng lực của mình (chỉ số trung bình 7.4/10).

Chỉ số trung bình về mức độ tự tin khi ứng tuyển và tiếp nhận công việc mới của Developer trong mùa dịch COVID

Điều này chỉ ra rằng nhóm ứng viên tiềm năng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm đang có xu hướng “án binh bất động”, chỉ thăm dò thị trường nhưng không nhảy việc để giữ an toàn trong mùa khó khăn; và một khi đại dịch được kiểm soát, tiến vào “bình thường mới”, sự gia tăng của các hồ sơ chất lượng hứa hẹn sẽ bùng nổ trở lại. Đây là điểm đáng lưu ý để nhà tuyển dụng lên chiến lược tuyển dụng dài hạn, dựa trên bối cảnh dịch bệnh còn nhiều yếu tố khó lường.

Nói về “Yếu tố quan trọng nhất khi chọn công việc mới” thì lương, thưởng vẫn được quan tâm hàng đầu bởi đa số Developer (chiếm 47.37%) và đa số đều mong đợi một “bến đỗ” mới với mức lương tăng từ 21-30%.

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa công ty Product và công ty Outsourcing thì yếu tố này tương đối khác biệt.

Đối với những Developer làm việc tại công ty Product, yếu tố tiên quyết khi tìm kiếm và lựa chọn công việc mới là Lương và Thưởng (60%), trong khi những yếu tố khác được nhắc đến như chính sách, môi trường làm việc, cơ hội học hỏi… chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, không quá quan trọng hoặc không ảnh hưởng đến quyết định tìm và ứng tuyển công việc mới.

Chỉ số về yếu tố quan trọng nhất đối với Developer (làm việc tại công ty Product) khi quyết định chọn công việc mới trong thời điểm hiện tại

Trong khi đó, tại các công ty Outsourcing, yếu tố quan trọng nhất khi quyết định ứng tuyển và tiếp nhận công việc mới chính là cơ hội được phát triển cá nhân (47.06%), sau đó mới đến lương và thưởng (35.29%).

Chỉ số về yếu tố quan trọng nhất đối với Developer (làm việc tại công ty Outsourcing) khi quyết định chọn công việc mới trong thời điểm hiện tại

Developer mong muốn được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và được tham gia nhiều dự án lớn, gặp gỡ và làm việc với nhiều người. Sếp giỏi và trao quyền cho nhân viên cũng là một trong những kỳ vọng lớn nhất của họ khi quyết định nhảy việc.

Sự khác biệt này mang lại góc nhìn khá mới mẻ và cho thấy rằng: không phải mọi Developer đều có mong muốn và quyết định ứng tuyển như nhau. Để đạt được hiệu quả tuyển dụng cao nhất, các nhà lãnh đạo và các chuyên viên tuyển dụng nên thường xuyên cập nhật xu hướng và những “mong muốn thầm kín” từ Developer, từ đó điều chỉnh tin đăng tuyển cũng như dần tối ưu hóa các chế độ đãi ngộ cho nhân viên.

Khi quay lại cuộc sống bình thường mới, liệu Developer có muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng?

Theo Báo cáo khảo sát thị trường của CBRE Forum Việt Nam 2021 về dự đoán tần suất làm việc tại văn phòng trong điều kiện ổn định, có đến 38% các công ty đa lĩnh vực nhận định sẽ tổ chức làm việc tại công ty theo tỉ lệ: 1-2 ngày/tháng và 1 ngày/tuần hoặc ít hơn. Hiểu cách khác, nhân viên của các công ty này hầu như sẽ được làm việc từ xa 3-4 ngày/tuần hoặc làm việc từ xa toàn thời gian sau dịch.

Vậy những nhà tuyển dụng trong khối ngành IT có nên cân nhắc đến vấn đề này?

Chỉ số 6.7/10 là mức trung bình phản ánh mức độ mong đợi quay trở lại làm việc tại công ty toàn thời gian của các Developer tham gia khảo sát. So với những người đang làm việc tại công ty Product, giữ mức chỉ số mong đợi tương đối ổn định (6.9/10) thì những người làm việc tại các công ty Outsourcing thể hiện sự lưỡng lự cao hơn khi quay trở lại guồng làm việc cũ (6.4/10).

Chỉ số đánh giá mức độ mong đợi quay trở lại làm việc tại công ty toàn thời gian của Developer

Theo đó, trong thời gian sắp tới, các công ty IT, đặc biệt là công ty Outsourcing có thể cân nhắc áp dụng các hình thức tăng cường hiệu quả cũng như hiệu suất làm việc của nhân viên và Developer như:
– Cân nhắc đưa thêm lựa chọn làm việc tại văn phòng từ 1-2 ngày/tuần hoặc làm việc từ xa toàn thời gian
– Cho phép nhân viên linh hoạt chọn khung thời gian làm việc phù hợp với bản thân
– Cởi mở hơn với mô hình chia sẻ không gian làm việc
– Tăng cường chỉ tiêu xanh/an toàn sức khỏe cho môi trường làm việc
– Hỗ trợ các dịch vụ, chương trình kiểm tra tư vấn sức khỏe tinh thần cho nhân viên

Ngoài ra, để đảm bảo công việc liên tục và hiệu quả thì phía nhà tuyển dụng nên tăng cường các phương thức giao tiếp, kết nối như: nhắn tin, điện thoại, làm việc trên nhiều nền tảng, công cụ làm việc nhóm khác nhau… và có các chỉ số rõ ràng để đánh giá lại hiệu suất làm việc của nhân viên.

Có thể nói, nhân viên nói chung và Developer nói riêng đều có những thứ “được và mất” vì ảnh hưởng của dịch COVID 19. Khảo sát nhanh lần này là một nỗ lực của ITviec trong việc chia sẻ thông điệp từ Developer muốn gửi đến nhà tuyển dụng.


Khác với các khảo sát thường niên của ITviec, Developer Mini Survey được thực hiện với mục đích giúp Developer chia sẻ về tình hình làm việc và băn khoăn về nghề nghiệp của mình trong một khoảng thời gian quan trọng nhất định, hoặc khi có biến động lớn. Đồng thời, các nhà quản lý, nhà tuyển dụng IT có thể tiếp cận và thấu hiểu hơn về suy nghĩ, hiện trạng của các Developer (bất kể là nhân viên hay đối tượng muốn chiêu mộ). Từ đó, có cơ sở thúc đẩy kế hoạch hành động thiết thực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nhà tuyển dụng IT và Developer, tăng tỉ lệ phù hợp và gắn bó với công việc trong bối cảnh thị trường tuyển dụng đầy cạnh tranh.

Khảo sát được tiến hành từ ngày 20/08/2021, với tổng cộng 12 câu hỏi và kéo dài khoảng 5 phút.

Bạn có thể xem kết quả khảo sát được cập nhật real-time tại đây.