Nội dung chính
Thiết kế UI/UX trở thành một yếu tố quan trọng trong các sản phẩm kỹ thuật số hiện nay, và cơ hội nghề nghiệp càng rộng mở. Từ đó, nhu cầu học UI UX trở nên mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều sự quan tâm. Hãy cùng ITviec tìm hiểu lộ trình học UI UX trong năm 2024 để sớm phát triển sự nghiệp UI UX Designer.
Trong bài viết này, bạn sẽ trả lời được các câu hỏi về:
- Giới thiệu về UI UX và vì sao nên học UI UX
- Khóa học UI UX cơ bản bao gồm những gì?
- Công cụ phần mềm cần thiết để học thiết kế UI UX
- Lộ trình học UI UX cho người mới bắt đầu
- Các nguồn tài liệu tự học UI UX
- Giải đáp các thắc mắc khi học UI UX
UI UX là gì?
Giao diện người dùng (UI) đề cập đến các thành phần trực quan của sản phẩm hoặc hệ thống mà người dùng tương tác, bao gồm các nút, menu, biểu tượng và các thành phần đồ họa khác. UI tập trung vào việc tạo ra các giao diện trực quan và thẩm mỹ mà người dùng có thể dễ dàng điều hướng.
Mặt khác, trải nghiệm người dùng (UX) bao gồm trải nghiệm tổng thể mà người dùng có được khi tương tác với sản phẩm hoặc hệ thống. Điều này bao gồm các yếu tố như khả năng sử dụng, khả năng truy cập, tính liền mạch khi tương tác và cảm nhận của người dùng. Thiết kế UX nhằm mục đích tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa và thú vị cho người dùng trong suốt hành trình sử dụng sản phẩm.
Về bản chất, UI tập trung vào cách trình bày và bố cục giao diện, trong khi UX quan tâm đến trải nghiệm tổng thể và sự hài lòng của người dùng.
Tầm quan trọng của UI UX
Trong bối cảnh cạnh tranh của phát triển công nghệ và phần mềm, thiết kế UI/UX đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp vì nhiều lý do:
- Nâng cao sự hài lòng của người dùng: UI/UX được thiết kế tốt có thể cung cấp giao diện trực quan, tương tác liền mạch và trải nghiệm thú vị. Người dùng hài lòng có xu hướng gắn bó lâu dài với sản phẩm và thậm chí sẵn sàng giới thiệu sản phẩm đó cho những người khác.
- Tăng mức độ tương tác của người dùng: Giao diện trực quan và hấp dẫn thu hút sự chú ý của người dùng và khuyến khích họ tương tác sâu với sản phẩm. Điều này dẫn đến tỷ lệ sử dụng cao hơn và tăng tỷ lệ giữ chân.
- Tỷ lệ chuyển đổi cao hơn: Tỷ lệ chuyển đổi có thể là chuyển đổi khách truy cập trang web thành khách hàng hay khuyến khích người dùng hoàn thành các thao tác mong muốn trong ứng dụng, sẽ cao hơn khi lời kêu gọi hành động (Call to Action – CTA) rõ ràng và luồng người dùng được sắp xếp hợp lý.
- Sự gắn bó lâu dài với thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp: Trải nghiệm tích cực của người dùng góp phần vào nhận thức chung về thương hiệu, đồng thời xây dựng “lòng trung thành” của người dùng. Ngược lại, thiết kế UI/UX kém có thể gây tổn hại đến danh tiếng của thương hiệu và khiến người dùng tìm đến đối thủ.
- Tiết kiệm chi phí: Đầu tư sớm vào thiết kế UI/UX có thể tiết kiệm chi phí bằng cách giảm nhu cầu thiết kế không cần thiết. Giải quyết các vấn đề về khả năng sử dụng và kết hợp sớm phản hồi của người dùng có thể ngăn chặn việc cập nhật vốn tốn kém.
UI UX mang đến nhiều lợi ích quan trọng đối với doanh nghiệp, nên thiết kế UI UX trở thành bộ kỹ năng quan trọng không chỉ với UI UX Designer mà còn hữu ích cho nhiều vị trí (Developer, Tester, Marketing, Sales,…)
Đọc thêm:
Thiết kế UI UX là gì? Hướng dẫn từ A – Z cho người mới bắt đầu
Lộ trình học UI UX cho người mới bắt đầu
Giai đoạn 1: Làm quen với nguyên tắc thiết kế UI UX
Để bắt đầu với thiết kế UI/UX, điều cơ bản là hiểu rõ và áp dụng vững chắc các nguyên tắc thiết kế. Các nguyên tắc này, là yếu tố tiên quyết để bạn dễ dàng theo suốt khóa học, cũng như giúp bạn truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả, giải quyết vấn đề về giao diện người dùng, và trải nghiệm người dùng.
Các nguyên tắc thiết kế UX bao gồm:
- Hệ thống thứ bậc (Hierarchy): Hệ thống thứ bậc liên quan đến cách bạn kiến trúc thông tin, cách tổ chức nội dung để giúp người dùng điều hướng dễ dàng.
- Tính nhất quán (Consistency): Người dùng mong đợi sản phẩm của bạn sẽ nhất quán với các sản phẩm tương tự mà họ đã sử dụng trước đây. Sản phẩm của bạn càng quen thuộc thì người dùng sẽ càng dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm sẽ tốt hơn.
- Xác nhận (Confirmation): Khi người dùng vô tình xóa một mặt hàng hoặc thực hiện một khoản thanh toán ngoài ý muốn, trải nghiệm của họ sẽ xấu đi. Chính vì thế, nguyên tắc yêu cầu xác nhận cho bất kỳ hành động quan trọng hoặc không thể thay đổi nào sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng.
- Khả năng kiểm soát của người dùng (User control): Người dùng sẽ có trải nghiệm tốt hơn nếu bạn trao cho họ quyền kiểm soát vai trò và hoạt động của họ. Một phần thiết yếu của nguyên tắc này là giúp người dùng dễ dàng lùi lại hoặc khôi phục nếu gặp lỗi.
- Khả năng tiếp cận (Accessibility): Trong thiết kế sản phẩm kỹ thuật số, khả năng tiếp cận thường có nghĩa là người khuyết tật cũng có thể dễ dàng sử dụng. Nguyên tắc này tập trung vào việc loại bỏ những trở ngại khi sử dụng sản phẩm, cho dù trở ngại đó là tạm thời hay lâu dài.
Các nguyên tắc thiết kế UI bao gồm:
- Lý thuyết màu sắc: Sử dụng màu sắc hiệu quả để đảm bảo tính hài hòa và cân bằng về mặt thị giác, tác động đến cảm xúc và hành động của người dùng.
- Kiểu chữ: Chọn và sắp xếp các kiểu chữ để cải thiện khả năng đọc và thể hiện phong cách, triết lý của thương hiệu, sản phẩm.
- Bố cục: Sắp xếp logic các thành phần trên trang, tối ưu truy cập thông tin và tương tác. Áp dụng nguyên tắc F-pattern, Z-pattern, cho phép truyền tải thông tin quan trọng nhanh chóng, kết hợp khoảng trống giúp nổi bật nội dung.
Đọc thêm: UI vs UX: Sự khác biệt giữa thiết kế UI và thiết kế UX là gì?
Giai đoạn 2: Tiếp cận với phương pháp và quy trình thiết kế UI UX
Quy trình thiết kế UX có thể được chia thành 4 giai đoạn chính: Nghiên cứu – Thiết kế – Thử nghiệm – Sản xuất và Cải tiến.
Phương pháp nghiên cứu người dùng giúp các UI UX Designer tương lai hiểu nhu cầu và hành vi của người dùng, từ đó tạo ra trải nghiệm trực quan, dễ tiếp cận và thỏa mãn hơn. Các kỹ thuật nghiên cứu UX giúp xác định điểm yếu, hiểu động cơ của người dùng và xác thực các khái niệm thiết kế.
Từ đó, bạn dễ dàng phát triển các sản phẩm kỹ thuật số tuyệt vời và được sự quan tâm của các đối tượng mục tiêu.
Trong đó, một số phương pháp và kỹ thuật chính mà các UI/UX Designer thường sử dụng:
- Nghiên cứu người dùng: Hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của người dùng bằng các phương pháp phỏng vấn, khảo sát kiểm tra phân tích số liệu phản hồi.
- Chân dung người dùng: Hồ sơ thông tin về đối tượng mục tiêu để hình thành nền tảng thiết kế.
- Wireframing & Prototyping: Tạo ra bản phác thảo bố cục, cấu trúc trang hoặc ứng dụng; mô hình tương tác để kiểm tra ý tưởng thiết kế.
- Kiến trúc thông tin: Đảm bảo nội dung được sắp xếp logic, dễ hiểu, tối ưu về khả năng truyền tải và tương tác trải nghiệm người dùng.
- Kiểm tra người dùng và khả năng sử dụng: Đảm bảo sự phù hợp với đa dạng người dùng. Đánh giá độ hiệu quả của thiết kế qua thử nghiệm trực tiếp với người dùng.
- Phương pháp nghiên cứu người dùng mới: A/B testing (so sánh độ hiệu quả 2 thiết kế); Heatmaps (theo dõi hành vi người dùng trên site/ ứng dụng qua cách thức, khu vực click chuột); Eye tracking (cách thức nhìn và tương tác với giao diện nhằm xác định khu vực cần cải thiện).
- Lặp lại và cập nhật thiết kế: Thiết kế là quá trình lặp lại, luôn lắng nghe ý kiến người dùng, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của họ.
Giai đoạn 3: Chọn khóa học UI UX cơ bản và nâng cao
Các khóa học chất lượng sẽ cung cấp kiến thức sâu rộng về nhu cầu và hành vi người dùng, kỹ năng tạo giao diện trực quan, và cách nâng cao trải nghiệm người dùng. Học viên cũng có cơ hội xây dựng portfolio, mạng lưới chuyên môn, bắt kịp xu hướng và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Để chọn đúng khóa học, xem xét 4 tiêu chí sau:
- Nghiên cứu thị trường giáo dục UI/UX: Tham khảo, đánh giá, so sánh, các chương trình giảng dạy, phương pháp, thời lượng & hình thức giảng dạy, nội dung bài giảng và học phí. Công cụ/ nền tảng thiết kế sẽ được giảng dạy; Có cập nhật xu hướng thiết kế hiện đại?
- Đánh giá khách hàng về khoá học: Khoá học có triển khai các dự án thực tế; học viên đánh giá khoá học ra sao, các phản hồi từ giáo viên.
- Trao đổi cố vấn nghề nghiệp: Cố vấn của giáo viên sau khóa học; cơ hội nghề nghiệp: thực tập, kết nối với nhà tuyển dụng sau kết thúc khoá; Cộng đồng học viên.
- Tìm hiểu câu chuyện thành công của học viên: Các chia sẻ từ học viên sau khi kết thúc khoá học.
Giai đoạn 4: Luyện tập thực hành với công cụ thiết kế UI UX
Đây là giai đoạn không chỉ giúp bạn phát triển kỹ năng thiết kế qua việc tạo ra các prototypes chính xác để sử dụng làm portfolio mà còn là cơ hội để bạn làm quen với quy trình làm việc chuẩn của ngành và áp dụng tư duy thiết kế vào thực tiễn. Để làm được điều này, việc lựa chọn phần mềm thiết kế UI UX phù hợp, phổ biến và cung cấp đầy đủ tính năng là rất quan trọng.
Khi bắt đầu thực hành, quan trọng là lựa chọn công cụ đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của dự án bạn đang thực hiện. Đồng thời, việc trải nghiệm và làm quen với đa dạng công cụ thiết kế cũng được khuyến khích, bởi điều này không chỉ mở rộng kỹ năng của bạn mà còn tăng cường khả năng sáng tạo và phát triển từ các mẫu thiết kế đã tồn tại.
Một số công cụ thiết kế UI UX phổ biến bao gồm:
- Sketch: Chỉ dành cho người dùng Mac, Sketch nổi bật với giao diện dựa trên vector, phù hợp cho việc thiết kế và tạo mẫu với độ chính xác cao. Sketch cũng hỗ trợ một loạt plugin mở rộng, tăng cường tính năng và hiệu quả làm việc.
- Figma: Một công cụ dựa trên web có khả năng cộng tác theo thời gian thực và linh hoạt cho cả cá nhân và nhóm đa chức năng.Với khả năng tạo mẫu, wireframing và animation, Figma trở thành lựa chọn linh hoạt cho mọi dự án thiết kế.
- Adobe XD: Được tích hợp liền mạch với các sản phẩm khác của Adobe, Adobe XD hỗ trợ thiết kế wireframe, prototype và animation, tối ưu hóa quá trình sáng tạo và tương tác sản phẩm.
Đọc thêm: Cẩm nang sử dụng Figma hiệu quả dành cho UI/UX Designer
Nguồn tài liệu tự học UI UX tham khảo
Nếu bạn đang có nhu cầu tự học UI UX, hãy tham khảo một số nguồn tài liệu chất lượng, được nhiều người quan tâm và theo học như:
Các kênh Youtube học UI UX: Sharon Onyinye, MI Robin, vaexperience, Saptarshi Prakash, Tim Gabe, CanIBe_™,…
Theo dõi Blogger có nhiều năm kinh nghiệm thiết kế UI UX như: Mini Chilli, hoặc các trang Blog về UI UX như: UX Collective, UX Daily, UX Planet, Abduzeedo, Awwwards, Chameleon, Brush Up by Creative Market, Designlab, Jared Spool’s UIE Center Centre, 52 weeks of UX…
Một số sách bàn về thiết kế UI UX, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm làm UI UX từ thực tế:
- “Don’t Make Me Think” của Steve Krug
- “The Design of Everyday Things” của Don Norman
- “UX for Beginners: A Crash Course in 100 Short Lessons” của Joel Marsh
- “Lean UX: Designing Great Products with Agile Teams” của Jeff Gothelf và Josh Seiden
- “100 Things Every Designer Needs to Know About People” của Susan Weinschenk
- “About Face: The Essentials of Interaction Design” của Alan Cooper, Robert Reimann, David Cronin, và Christopher Noessel
- Top 15+ sách UI UX đáng đọc nhất mọi thời đại
Tham khảo ngay các Podcast được giới chuyên gia UI UX giới thiệu: UX Podcast, Design Matters, UI Breakfast, Google Design, Design MBA, Ramblings of a Designer,…
Các câu hỏi thường gặp khi học UI UX
Có nên tự học UI UX không?
Nếu bạn có kỹ năng thiết kế cơ bản, có nền tảng về thiết kế hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, bạn có khả năng tự quản lý thời gian do việc tự học đòi học tự giác cao, mục tiêu rõ ràng mới mang đến chất lượng.
Tuy nhiên, nếu bạn là người mới hoàn toàn với lĩnh vực thiết kế UI UX, bạn nên theo học một khóa học UI UX để làm quen với các thuật ngữ, quy trình thiết kế và công cụ cơ bản trước khi tự học.
Vì sao nên học UI UX?
- Nhu cầu thiết kế giao diện người dùng đang rất cần thiết ở nơi làm việc.
- Thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng là một kỹ năng hữu ích trong mọi ngành, dù bạn không phải là UI UX Designer. Quá trình thiết kế giúp mọi người tìm hiểu về sự tương tác giữa con người và máy tính cũng như cách cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ đối với những người không am hiểu về các thiết bị kỹ thuật số.
- Học thiết kế UI/UX là cách tuyệt vời để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
- Cơ hội việc làm rộng mở, bạn dễ dàng tìm kiếm công việc với mức thu nhập mong muốn.
Cần có bằng cấp gì để trở thành UI UX Designer?
Mặc dù không có yêu cầu cụ thể nào về bằng cấp để trở thành UI UX Designer, nhưng hầu hết các nhà tuyển dụng đều cần nhân viên có trình độ học vấn nhất định. Các khóa học, hội thảo và chương trình đào tạo về thiết kế UI UX là giải pháp tuyệt vời để học các kỹ năng và công cụ cần thiết, được cấp bằng hoặc có chứng nhận hoàn thành khóa học. Từ đó, bạn có cơ sở chứng minh trình độ của mình trên lý thuyết.
Tổng kết lộ trình học UI UX
Trong năm 2024, lộ trình học UI/UX cho các UI/UX Designer đã trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết. Bằng cách kết hợp kiến thức về thiết kế và công nghệ, bạn có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng tuyệt vời và liên tục đổi mới theo thời đại. Các UI/UX Designer chú trọng học tập và thực hành có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp và góp phần tạo ra những sản phẩm kỹ thuật số tuyệt vời.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!