Đánh giá cuối năm là cơ hội để nhân viên nhận được phản hồi có giá trị từ cấp trên trực tiếp về các kỹ năng và khả năng của mình, cũng như những góp ý để thăng tiến trong sự nghiệp. 

Tầm quan trọng của buổi đánh giá cuối năm có thể khiến các lập trình viên lo lắng đôi chút. Tuy nhiên, nếu có thể tận dụng buổi đánh giá này để đặt một số câu hỏi phù hợp, bạn hoàn toàn có thể làm chủ tình hình.

Đọc bài viết ngay để biết:

  • Vai trò của đánh giá cuối năm
  • Các hình thức đánh giá cuối năm dành cho nhân viên IT
  • Các tiêu chí đánh giá cuối năm dành cho nhân viên IT
  • Top 10 câu hỏi nhân viên IT nên hỏi trong buổi đánh giá cuối năm

Đánh giá cuối năm là gì?

Đánh giá cuối năm là một cuộc trò chuyện ngắn với người giám sát trực tiếp về hiệu suất làm việc của bạn trong suốt cả năm làm việc, thường được diễn ra vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 mỗi năm. Bạn sẽ được nghe phân tích về thành tích của mình, và cùng thảo luận với cấp trên trực tiếp xem bạn đã đáp ứng được các mục tiêu và kỳ vọng cần thiết hay chưa, sau đó đặt ra các mục tiêu và kế hoạch mới cho năm tiếp theo.

Đánh giá cuối năm cũng là dịp mà bạn có thể thảo luận và tìm hiểu xem mình có đang được cân nhắc để thăng chức hay tăng lương hay không.

Hiện nay, các công ty IT (bao gồm những công ty toàn cầu như Facebook, Apple) không giới hạn duy nhất 1 buổi đánh giá cuối năm mà đã mở rộng số lượng buổi đánh giá lên 2 lần mỗi năm (phổ biến nhất là quý II giữa năm và quý IV cuối năm), với mức độ quan trọng ngang nhau. Thậm chí, một số tên tuổi như Cisco, IBM, Microsoft …. còn thực hiện đánh giá 3-4 lần mỗi năm.

Mục đích là để đánh giá nhanh chóng, chính xác hơn những nỗ lực của nhân viên và có những chính sách kịp thời đáp ứng nhu cầu nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân viên.

Có thể bạn quan tâm: Top công ty công nghệ tốt nhất Việt Nam mang lại chỉ số hạnh phúc cao nhất cho nhân viên

Vai trò của đánh giá cuối năm

Đánh giá cuối năm là một công cụ không thể thiếu để quản lý và phát triển nhân sự. Kết quả của buổi đánh giá cuối năm rất quan trọng trong việc đưa ra các quyết định về tăng lương, thăng chức hoặc chấm dứt hợp đồng theo kế hoạch.

Đọc thêm về 4 bí quyết giúp bạn tăng lương

Đối với các nhân viên IT, đánh giá cuối năm là cơ hội để hiểu thêm về điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm tìm hướng cải thiện công việc. Việc đánh giá thường xuyên có thể giúp giải quyết những sai lầm và hiểu nhầm trong công việc dễ dàng hơn, giúp ngăn ngừa những sai lầm tương tự trong tương lai.

Một tổ chức thực hiện đánh giá nhân viên đúng cách có thể thúc đẩy nhân viên cải thiện công việc của họ và trở thành một phần mạnh mẽ hơn của nhóm, từ đó cống hiến nhiều giá trị nổi bật.

danh-gia-cuoi-nam-01

Đánh giá cuối năm là một công cụ không thể thiếu để quản lý nhân sự. Nguồn ảnh: Storyset

Các hình thức đánh giá cuối năm dành cho nhân viên IT

Dưới đây là 4 hình thức đánh giá cuối năm thường được áp dụng, không chỉ dành cho nhân viên IT mà còn cho nhân viên của các phòng ban khác, mà bạn có thể tham khảo:

1. Đánh giá cuối năm với người quản lý

Hình thức đánh giá này là người quản lý trực tiếp đánh giá nhân viên cấp dưới trong nhóm của mình. Đây là hình thức đánh giá cuối năm phổ biến nhất.

2. Tự đánh giá cuối năm

Với hình thức tự đánh giá thì nhân viên IT sẽ tự đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của họ. Cụ thể, nhân viên IT sẽ trả lời các câu hỏi trong bản đánh giá do quản lý trực tiếp hoặc phòng nhân sự của công ty thiết kế.

3. Đánh giá cuối năm ngang hàng

Đánh giá ngang hàng là khi các nhân viên IT đánh giá khả năng lẫn nhau. Những đánh giá này thường ẩn danh để khuyến khích sự cởi mở.

4. Đánh giá cuối năm 360 độ

Những đánh giá này là sự kết hợp của nhiều hình thức đánh giá hiệu suất khác nhau, chẳng hạn, kết hợp hình thức tự đánh giá và đánh giá với người quản lý. Cách đánh giá này có thể mang đến cái nhìn toàn diện hơn về hiệu suất và hiệu quả làm việc của nhân viên.

Các tiêu chí đánh giá cuối năm dành cho nhân viên IT

Một khía cạnh quan trọng của bất kỳ buổi đánh giá nào là biết được cụ thể các tiêu chí đánh giá. Việc có các tiêu chí rõ ràng giúp người quản lý và công ty loại bỏ sự thiên vị và thực hiện các đánh giá một cách công bằng.

Dưới đây là ví dụ về các tiêu chí có thể xem xét sử dụng trong đánh giá hiệu suất của nhân viên IT:

  • Số dự án đã hoàn thành
  • Khả năng hoàn thiện code theo cấp độ khác nhau từ cơ bản đến nâng cao (cấp độ đơn giản và cần đọc tài liệu, có thể hiệu chỉnh (customize), tối ưu hoá (optimize), có thể phân tích và đào tạo lại cho các bạn khác, v.v)
  • Tốc độ làm việc
  • Test coverage
  • Số lượng bug đã xử lý
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng làm việc theo nhóm
  • Tính trách nhiệm
  • Khả năng lãnh đạo (không bắt buộc)

Top 10 câu hỏi nhân viên IT nên hỏi trong buổi đánh giá cuối năm

Chìa khóa để đánh giá cuối năm thành công là việc các nhân viên IT có thể chủ động đặt câu hỏi cho cấp trên để tìm ra những khía cạnh cần cải thiện, cũng như hiểu sâu hơn về kỳ vọng của sếp.

danh-gia-cuoi-nam-02

Trong buổi đánh giá cuối năm, nhân viên IT có thể đặt câu hỏi cho cấp trên để tìm ra những khía cạnh cần cải thiện. Nguồn ảnh: Storyset

Dưới đây là 10 câu hỏi hay nhất để hỏi người quản lý của bạn và tận dụng tối đa buổi đánh giá cuối năm.

1. “Tôi đã đáp ứng được kỳ vọng mà cấp trên giao phó chưa?”

Một trong những mục đích chính của đánh giá cuối năm là nhận được phản hồi trung thực về hiệu suất làm việc của bạn. Bằng cách đặt câu hỏi này, bạn sẽ tìm ra những khía cạnh trong công việc mà sếp của bạn ấn tượng và những khía cạnh cần cải thiện.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Thông thường, bạn sẽ nhận được phản hồi hài lòng hoặc chưa hài lòng từ cấp trên, kèm theo lời giải thích chi tiết. Bạn có thể mong đợi lời khen ngợi cũng như các đề xuất về các lĩnh vực cần cải thiện.

2. “Làm thế nào để quản lý hay công ty đo lường được sự tiến bộ của tôi?”

Ngoài KPI đã xác định, câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn về các tiêu chí khác mà người quản lý sử dụng để đánh giá hiệu suất của bạn. Khi biết được các tiêu chí cụ thể, bạn có thể dựa vào đó để tự đánh giá hiệu suất của mình và cải thiện bản thân.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Câu trả lời cho câu hỏi này có thể là chất lượng sản phẩm bàn giao, kiến thức chuyên môn hoặc phản hồi từ các thành viên khác trong nhóm, v.v. Bạn có thể hỏi thêm tiêu chuẩn cho những tiêu chí này và làm thế nào bạn có thể cải thiện.

3. “Các kỹ năng kỹ thuật nào tôi nên cải thiện?”

Đây là câu hỏi bạn không nên bỏ qua để quản lý biết rằng bạn nghiêm túc và mong muốn phát triển bản thân.

Nếu bạn đang nghĩ về một kỹ năng cụ thể nào đó trong đầu, hãy hỏi. Bạn có thể biết được kỹ năng đó có thực sự cần thiết cho công việc của bạn hay không.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Bạn cần trung thực khi đặt câu hỏi này vì nó không chỉ khuyến khích người quản lý của bạn chia sẻ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành xuất sắc công việc, mà còn tiết lộ liệu bạn có tương lai trong công ty hay không. Nếu quản lý cho rằng bạn có tiềm năng và có cơ hội thăng tiến, họ sẽ cung cấp cho bạn một số nguồn lực và cơ hội nhất định để tạo điều kiện cho bạn phát triển các kỹ năng kỹ thuật đó.

Đọc thêm: Làm sao để trở thành lập trình viên giỏi

4. “Các cơ hội cho sự phát triển nghề nghiệp của tôi là gì?”

Câu hỏi này rất quan trọng vì nó giúp bạn hiểu lập trường của công ty về sự phát triển của nhân viên.

Nếu bạn muốn học thêm khóa học trực tuyến hoặc đạt được chứng chỉ chuyên môn, đây là một cơ hội tốt để đề cập. Hãy chuẩn bị một “đoạn quảng cáo” để chứng tỏ rằng khóa học có lợi cho bạn và công ty.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Người quản lý nên cho bạn biết về các chương trình đào tạo và huấn luyện hiện có hoặc sẽ có trong tương lai gần, đồng thời nói rõ về cách thức làm thế nào để bạn tham gia vào các cơ hội như vậy. Họ sẽ giới thiệu những cơ hội học tập mà họ cảm thấy có lợi nhất cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn, phù hợp với định hướng của công ty.

danh-gia-cuoi-nam-03

Bạn nên hỏi về các cơ hội phát triển nghề nghiệp trong buổi đánh giá cuối năm. Nguồn ảnh: Storyset

5. “Chúng ta có thể trao đổi về vấn đề tăng lương không?”

Đánh giá cuối năm là một thời điểm tuyệt vời để đề xuất tăng lương. Nếu bạn đã hoàn thành công việc xuất sắc trong thời gian qua thì hãy tự tin đặt câu hỏi này trong buổi đánh giá.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Hầu hết các đợt tăng lương và thăng chức đều được lên kế hoạch trước, vì vậy bạn không nên mong đợi được tăng lương ngay lập tức. Người quản lý có thể chỉ đang ghi nhận mối quan tâm của bạn hoặc nếu may mắn hơn, họ sẽ chia sẻ thêm về kế hoạch tăng lương cho bạn.

Đừng quên áp dụng 3 bước thương lượng tăng lương để đạt hiệu quả như mong muốn.

6. “Thách thức lớn nhất của công ty chúng ta hiện tại là gì?”

Câu hỏi này cho thấy bạn quan tâm đến công ty và bạn muốn đóng góp vào sự phát triển của công ty. Việc trao đổi trên câu hỏi này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các kế hoạch tương lai của công ty và các xu hướng mới nhất trong ngành.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Người quản lý của bạn nên chia sẻ với bạn về thách thức lớn nhất của công ty và thảo luận về cách giải quyết vấn đề, cũng như cách bạn có thể đóng góp để giúp công ty vượt qua những thách thức hiện tại.

7. “Cấp trên đánh giá như thế nào về cách phân bổ thời gian cho các hạng mục công việc hiện tại của tôi?”

Bằng cách đặt câu hỏi này, bạn đang mời quản lý của mình giúp bạn thiết lập các ưu tiên trong công việc.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Người quản lý sẽ gợi ý cho bạn cách sắp xếp các nhiệm vụ theo mức độ quan trọng và thời gian phù hợp để hoàn thành, nhằm đạt kết quả tối ưu.

Hãy hỏi người quản lý về một số lĩnh vực bạn cần chú ý và dành nhiều thời gian hơn để làm việc hiệu quả hơn. Quản lý của bạn nên trả lời bằng cách giải thích những kỳ vọng của họ, sứ mệnh của công ty và xem xét chúng với mục tiêu của bạn.

8. “Tôi có thể hỗ trợ gì thêm cho cấp trên/công ty?”

Với câu hỏi này, bạn có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa bạn và người quản lý của mình. Hầu hết các nhà quản lý thường bận rộn và do đó, bằng cách đặt câu hỏi này, bạn đang tìm cách giảm bớt gánh nặng và giúp họ làm việc dễ dàng hơn.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Trước tiên là thái độ cảm kích từ người quản lý. Sau đó, họ có thể sẽ xem xét các nhiệm vụ mà bạn có thể trợ giúp họ và ủy quyền. Họ cũng có thể sử dụng nó như một phương tiện để chuẩn bị cho bạn một vị trí cao hơn.

9. “Tôi có thể hỗ trợ gì thêm cho các thành viên trong nhóm?”

Sự hợp tác cao giữa các thành viên là chìa khóa thành công của công ty. Tuy vậy, đôi khi bạn không biết phải làm gì tiếp theo khi làm việc với người khác.

Bằng cách đặt câu hỏi này, người quản lý có thể chia sẻ với bạn về cách cộng tác/hỗ trợ các thành viên trong nhóm của bạn tốt hơn.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Người quản lý sẽ cho bạn biết một số góc nhìn khách quan cũng như các tip giúp bạn làm việc nhóm với các thành viên khác hiệu quả, bao gồm các thành viên từ team khác như Product Owner, Business Analyst, QA-QC

10. “Điều gì sẽ giúp tôi được thăng chức?”

Nếu bạn quan tâm đến việc thăng tiến tại công ty hiện tại, bạn cần biết mình nên làm gì cụ thể. Thời gian chính là chìa khóa, có thể là quá sớm để đề cập đến điều này nếu bạn mới làm việc ở công ty được 6 tháng.

💡 Bạn có thể mong đợi gì?

Người quản lý sẽ (một lần nữa) vạch ra lộ trình cụ thể cho con đường sự nghiệp của bạn tại công ty.

Người quản lý có tầm nhìn thậm chí có thể gợi ý cho bạn về các giai đoạn quan trọng cần lưu tâm, các bước chi tiết cũng như kỹ năng cần thiết để trau dồi nhằm đạt được mục tiêu sự nghiệp. Họ đồng thời rất cởi mở và tự tin để trao cho bạn các cơ hội, nhiệm vụ, trách nhiệm, thử thách mới… với mong muốn sau cùng là giúp bạn thăng tiến nhanh nhất có thể.

Đọc thêm: Công việc của Manager là gì? Kinh nghiệm để trở thành Manager trong ngành IT

Có thể bạn quan tâm:

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!