Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ dự báo, công việc của nhà phát triển web sẽ tăng trưởng 8% từ năm 2019 đến năm 2029. Vậy bạn có biết thế nào là lập trình web và các bước để lập trình nên một ứng dụng web hoàn thiện. Hãy cùng ITviec khám phá thông tin thú vị này ngay bài viết bên dưới nhé!

Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các nội dung:

  • Lập trình web là gì?
  • Các công nghệ được sử dụng trong lập trình web là gì?
  • Lộ trình phát triển một ứng dụng web hoàn thiện từ A-Z
  • Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến lập trình web

Lập trình web là gì?

Lập trình web đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các website hoặc ứng dụng web phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng. Lập trình web bao gồm các thành phần:

  • Lập trình front-end: Thiết kế giao diện người dùng tương tác. Các công nghệ phổ biến trong lập trình front end là HTML, CSS, JavaScript, kết hợp cùng các framework và thư viện như AngularJS, React.js, jQuery, Sass….
  • Lập trình back-end: Xây dựng hệ thống máy chủ để xử lý logic nghiệp vụ, làm việc với  cơ sở dữ liệu, đảm bảo tính bảo mật và tối ưu hiệu suất. Các công nghệ phổ biến trong lập trình back end là PHP, Java, ASP.net, Lotus Notes, các cơ sở dữ liệu như MySQL, PostgreSQL,…

Để hiểu hơn về Front-end bà Back-end, bạn có thể theo dõi qua các bài viết sau:

Các công nghệ được sử dụng trong lập trình web

Các công nghệ phổ biến trong lập trình Front-end 

  • HTML (HyperText Markup Language): HTML là một ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản. Nó được sử dụng để xây dựng cấu trúc và nội dung cho trang web. HTML được xem là xương sống của một trang web.
  • CSS: Cascading Style Sheets là một ngôn ngữ được thiết kế đơn giản, có chức năng định nghĩa cách mà các thành phần trên trang web được hiển thị, bao gồm điều chỉnh kích thước, vị trí, màu sắc, định dạng văn bản và tạo hiệu ứng động, giúp nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
  • JavaScript: JavaScript là ngôn ngữ kịch bản nổi tiếng dùng để tạo tính tương tác cho trang web. Nó được sử dụng để xây dựng các tính năng tương tác động trên trang web, thu thập và xử lý dữ liệu người dùng, cũng như là tương tác với Back-end. Ngôn ngữ này là nền tảng cho các thư viện, framework phát triển web phổ biến hiện nay như ReactJS, VueJS, Jquery, NodeJS (có thể sử dụng ở máy chủ). 
  • ReactJS: Là một thư viện JavaScript mã nguồn mở, được Facebook xây dựng với độ chính xác cao, được ưa chuộng bởi khả năng đơn giản hóa quy trình xây dựng giao diện người dùng tương tác phức tạp. 
  • VueJS: Là một framework JavaScript linh động dùng để xây dựng giao diện người dùng. Khác với các framework nguyên khối (monolithic), VueJS được thiết kế từ đầu theo hướng cho phép và khuyến khích việc phát triển ứng dụng theo từng bước. Khi phát triển lớp giao diện, người dùng chỉ cần dùng thư viện lõi (core library) của VueJS, vốn rất dễ học và tích hợp với các thư viện hoặc dự án có sẵn. 
  • NextJS: Là một framework mở rộng của React, hỗ trợ một số tính năng bổ sung, bao gồm hiển thị phía máy chủ và tạo trang web tĩnh.

Gợi ý loạt bài viết hữu ích thuộc chủ đề Front-end cho người mới bắt đầu:

Các công nghệ phổ biến trong lập trình Back-end

Các ngôn ngữ lập trình Back-end phổ biến:

  • PHP: Là ngôn ngữ kịch bản mã nguồn mở, được thiết kế dành riêng cho phát triển web phía máy chủ (ngôn ngữ kịch bản phía máy chủ là những ngôn ngữ được thực thi từ máy chủ). PHP tích hợp liền mạch với HTML và cung cấp các tính năng mạnh mẽ để xử lý cơ sở dữ liệu, tạo nội dung động và tương tác với máy chủ web. PHP có sẵn một số framework phổ biến như Laravel và Symfony giúp nâng cao năng suất phát triển web và tăng khả năng bảo trì cho các ứng dụng web phức tạp.
  • C++: C++ là ngôn ngữ lập trình đa năng, hiện đại được phát triển bởi Microsoft. Nó chủ yếu được sử dụng để xây dựng các ứng dụng máy tính để bàn Windows và dịch vụ web. 
  • Java: Là ngôn ngữ lập trình linh hoạt và được sử dụng rộng rãi nhờ tính độc lập và khả năng mở rộng của nền tảng. Nó thường được sử dụng để xây dựng các ứng dụng web trong doanh nghiệp, đòi hỏi hiệu suất và bảo mật cao. Các framework của Java như Spring và Hibernate cung cấp các công cụ hữu ích giúp dễ dàng xây dựng các hệ thống back-end phức tạp. Java cũng có nhiều thư viện mạnh mẽ và cộng đồng phát triển lớn, giúp nhà phát triển dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ và tài liệu hữu ích khi làm việc với các dự án web.
  • Ruby: Là ngôn ngữ lập trình năng động và hướng đối tượng, ưu tiên sự đơn giản và dễ đọc. Đặc biệt với framework Ruby on Rails, Ruby cung cấp giải pháp hiệu quả để xây dựng các ứng dụng web một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và có thể mở rộng tốt. Ruby có cú pháp tinh gọn, đơn giản và dễ đọc, cùng hệ sinh thái thư viện (gem) phong phú, đáp ứng hầu hết các nhu cầu liên quan đến lập trình web, khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên cho các dự án phát triển web.

Đọc thêm: Ngôn ngữ backend nên học ngôn ngữ nào phổ biến nhất?

Các framework lập trình web phổ biến:

  • Ruby on Rails: Là một framework phát triển ứng dụng web nguồn mở được viết bằng ngôn ngữ lập trình Ruby. Các ứng dụng web hiện đại có thể rất phức tạp với nhiều lớp. Ruby on Rails giúp đơn giản hóa quá trình phát triển web, cung cấp cấu trúc dựng sẵn và mọi thứ bạn cần để xây dựng một ứng dụng web hoàn chỉnh.
  • NodeJS: Là môi trường thời gian chạy JavaScript mã nguồn mở, đa nền tảng , có thể chạy trên Windows, Linux, Unix, macOS… Node.js chạy trên công cụ JavaScript V8 và thực thi mã JavaScript bên ngoài trình duyệt web. Node.js cho phép lập trình viên JavaScript phát triển các ứng dụng back end hiệu quả, có thể mở rộng.
  • Laravel: Là một framework PHP mã nguồn mở miễn phí. Nó cung cấp các công cụ và tài nguyên dành cho nhà phát triển web để xây dựng các ứng dụng web PHP hiện đại. Laravel giúp đơn giản hóa cú pháp, tăng tính bảo mật và bảo trì cho ứng dụng.
  • Asp.net core: Là một framework phát triển web hiện đại, hiệu suất cao dành cho .NET, chạy trên Windows, Linux, macOS và Docker.

Gợi ý các bài viết hữu ích thuộc chủ đề Back-end cho người mới bắt đầu:

Lộ trình 8 bước phát triển ứng dụng web hoàn thiện từ A-Z

Bạn đang ấp ủ dự án web của riêng mình? Dưới đây là lộ trình các bước cơ bản giúp bạn hoàn thiện trang web một cách chuyên nghiệp:

Bước 1: Thu thập thông tin và lập kế hoạch

Trước tiên, bạn nên lập kế hoạch chi tiết với một số câu hỏi cần cân nhắc khi phác thảo trang web đầu tiên:

  • Người dùng mục tiêu của bạn là ai? Bạn muốn họ làm gì trên trang web?
  • Quy mô người dùng dự kiến là bao nhiêu (Ví dụ: < 100, < 1000, < 10.000 người dùng)? Từ đó bạn xác định được nên lựa chọn công nghệ phát triển, xây dựng tính năng,… nào là phù hợp nhất.
  • Bạn đang xây dựng loại trang web nào? (ví dụ: web thương mại điện tử, web quảng bá doanh nghiệp, ứng dụng web quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp, …)
  • Nội dung dự định đăng tải là gì? Số lượng bao nhiêu? Mục đích của nội dung này là gì?
  • Bạn sẽ cấu trúc trang web của mình như thế nào để có trải nghiệm điều hướng tốt nhất?

Việc trả lời các câu hỏi trên đòi hỏi nhóm phát triển phải hợp tác chặt chẽ với các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp, khách hàng để thu hẹp và chọn lựa các công nghệ phù hợp nhất.

Lưu ý: Một sai lầm phổ biến ở bước này là hiểu sai đối tượng mục tiêu và nhu cầu thực sự của họ. Bạn cần hiểu rõ các thông tin này để đưa ra các lựa chọn thiết kế trải nghiệm người dùng tốt nhất. Mọi khía cạnh của ứng dụng web, từ bố cục menu đến lời kêu gọi hành động cần rõ ràng và thống nhất, sẽ giúp đáp ứng tốt mọi nhu cầu và vấn đề (painpoint) của người dùng khi trải nghiệm. 

Bước 2: Xây dựng sơ đồ trực quan của trang web

Tạo sơ đồ trực quan là bước xác định ứng dụng web sẽ có những trang nào, liên kết giữa chúng ra sao. Chỉ khi xác định được sơ đồ trực quan của trang web, nhà phát triển mới có thể phác họa bố cục cho từng trang riêng lẻ.

Một số câu hỏi bạn nên đặt ra khi lập sơ đồ cho trang web:

  • Ứng dụng web sẽ có những trang đơn lẻ nào?
  • Những nội dung và tính năng sẽ có trên các trang đó?
  • Cách bạn phân loại danh mục cho các trang đó?
  • Thứ bậc của các trang trên trang web của bạn là gì?
  • Các trang sẽ liên kết với nhau như thế nào?

Bước 3: Tạo bản phác thảo và thiết kế web

Ở bước này, nhà thiết kế UI/UX sẽ chuẩn bị các bản phác thảo, thường là dưới dạng wireframe. Wireframe là bản vẽ đơn giản mô tả bố cục ứng dụng web ở dạng cơ bản nhất, giúp nhóm phát triển và khách hàng hiểu được vị trí của văn bản và hình ảnh  trên từng trang. Bạn có thể sử dụng các ô trống và văn bản giả (dummy text) để phác thảo bố cục cơ bản. 

Dựa trên wireframe đã thống nhất, bước tiếp theo là hoàn thiện thiết kế và các thành phần tương tác người dùng trong ứng dụng web. Nhà thiết kế sẽ tạo ra các bản mẫu có cách phối màu, phông chữ, đồ họa, nút bấm, hiệu ứng chuyển tiếp độc đáo… 

Lưu ý:

  • Đầu vào của khách hàng rất quan trọng để định hình giao diện ứng dụng web. Hãy chia sẻ rõ ràng tầm nhìn và mong muốn của bạn về trải nghiệm người dùng.
  • Nên trao đổi cởi mở với nhà thiết kế để đưa ra ý tưởng sáng tạo và phù hợp. Nhà thiết kế sẽ giúp bạn hiểu rõ các lựa chọn thiết kế và lý do đằng sau chúng.

Một số câu hỏi bạn nên đặt ra ở bước này: 

  • Wireframe đã tính đến khả năng tương thích giữa các thiết bị chưa?
  • Wireframe đã tính đến khả năng mở rộng cho các tính năng mới, tùy chọn mới và dịch vụ mới trong tương lai chưa?
  • Có thể áp dụng hướng dẫn (guideline) về phong cách hoặc thương hiệu hiện có vào thiết kế web không?
  • Lựa chọn màu sắc sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng như thế nào?
  • Làm thế nào để đảm bảo ứng dụng web vừa hấp dẫn về mặt hình ảnh vừa hoạt động tốt?

Các tài liệu về thiết kế UI/UX mà bạn có thể quan tâm:

Bước 4: Lập trình chức năng của ứng dụng

Sau khi thống nhất về thiết kế, bước tiếp theo là lập trình chức năng của ứng dụng web, bao gồm phát triển phần front end và back end.

Lưu ý rằng: Có những ứng dụng web không cần có back end, hoặc việc phát triển back end và front end sẽ diễn ra đồng thời (do nhiều lập trình viên đảm nhận). Tùy thuộc vào phạm vi dự án, có thể mất vài tuần để hoàn thành giai đoạn lập trình này. 

Phát triển front-end cho trang web

Phát triển front end là việc sử dụng các công nghệ như HTML, CSS, JavaScript để xây dựng các phần của ứng dụng web mà người dùng có thể xem và tương tác. 

Vai trò của front end bao gồm kiểm soát giao diện (kiểu chữ, phông chữ, màu sắc,…), tương tác người dùng, điều hướng trang web cũng như khả năng tương thích và phản hồi của trình duyệt trên nhiều thiết bị. Nó liên quan trực tiếp đến những gì bạn đưa vào bản phác thảo ở bước trước đó. 

Ngày nay có rất nhiều framework mạnh mẽ hỗ trợ việc phát triển front end như ReactJS, VueJS, NextJS, AngularJS,…. Những framework này không ngừng được cải tiến để luôn phù hợp với xu hướng phát triển web và sở thích của người dùng. 

Một số câu hỏi nhà phát triển nên đặt ra ở bước này: 

  • Thời gian ước tính để hoàn thành việc viết code front end là bao lâu?
  • Bạn có thể giải thích các công nghệ được sử dụng và lợi ích mà chúng mang lại cho việc phát triển ứng dụng web không?
  • Có thể yêu cầu thay đổi phạm vi giữa giai đoạn phát triển không?

Phát triển back-end cho trang web

Phát triển back end là làm việc trên phần mềm phía máy chủ, tập trung vào mọi thứ mà người dùng không thể nhìn thấy, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu, logic xử lý, giao diện lập trình ứng dụng (API) và kiến ​​trúc hệ thống. 

Vai trò của back-end bao gồm: lưu trữ và quản lý dữ liệu, biến đổi dữ liệu thô thành thông tin hữu ích phục vụ cho front-end hiển thị, xử lý logic, cung cấp API cho phép front end tương tác với back end, tạo nên nền tảng đảm bảo hệ thống web hoạt động hiệu quả và ổn định.

Ví dụ: Phần back-end của Facebook lưu trữ ảnh của cá nhân, phần front-end cho phép người dùng xem các hình ảnh đó. 

Để làm được điều này, cần có 2 thành phần chính:

  • Cơ sở dữ liệu: chịu trách nhiệm lưu trữ, sắp xếp và xử lý dữ liệu để có thể truy xuất được theo yêu cầu của máy chủ.
  • Máy chủ: Máy chủ chịu trách nhiệm nhận yêu cầu từ Front-end, phân tích và xử lý những yêu cầu này. Chúng là trung gian giữa cơ sở dữ liệu và máy khách/trình duyệt. Trên thực tế, trình duyệt sẽ thông báo cho máy chủ “Tôi cần thông tin này” và máy chủ sẽ biết cách lấy thông tin đó từ cơ sở dữ liệu và gửi nó cho máy khách.

Bước 5: Viết nội dung trên trang web

Đây là bước giúp hoàn thành giao diện và tối ưu trải nghiệm người dùng. Mục tiêu của bước này là tạo nội dung chi tiết, dễ đọc và các yếu tố tương tác, nhằm giải thích chức năng, lợi ích của các thành phần trên web, điều hướng và hướng dẫn người dùng sử dụng hiệu quả.

Các loại nội dung cần viết bao gồm: tiêu đề chính, tiêu đề phụ, mô tả, nhãn nút, hướng dẫn và lời kêu gọi hành động, cùng một số loại nội dung khác. Nhà phát triển web cần phối hợp với các nhà thiết kế, người biên tập nội dung để đảm bảo nội dung phù hợp với bố cục.

Lưu ý:

  • Giống như các bước trước, hãy đảm bảo trọng tâm là đối tượng mục tiêu. Nội dung bằng văn bản của bạn phải giải quyết được nhu cầu, mối quan tâm và khó khăn chính của người dùng. Nó phải giải thích cho họ một cách rõ ràng và ngắn gọn về những gì ứng dụng của bạn có thể làm và cách họ có thể sử dụng các tính năng khác nhau, để đạt được mục tiêu của mình. 

Một số câu hỏi nên đặt ra ở bước này: 

  • Kỹ năng và kinh nghiệm nào liên quan đến việc viết nội dung ứng dụng web và giao diện người dùng?
  • Làm thế nào để chuyển đổi các tính năng của ứng dụng web thành lợi ích hướng đến người dùng?
  • Quy trình đánh giá và chỉnh sửa nội dung diễn ra như thế nào?

Bước 6: Đẩy ứng dụng web lên môi trường Internet 

Để đưa ứng dụng web của bạn lên Internet, bạn cần thực hiện một số bước sau:

  • Hoàn thiện ứng dụng web: Đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định trên các trình duyệt phổ biến.
  • Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ: Chọn nhà cung cấp uy tín, có dung lượng lưu trữ và băng thông phù hợp với nhu cầu của bạn.
  • Mua tên miền: Tên miền là địa chỉ truy cập website của bạn trên internet.  Lưu ý cần chọn một tên miền dễ nhớ, liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn và đi đúng vào trọng tâm nhu cầu của khách hàng sẽ giúp họ dễ dàng truy cập và có thể tìm thấy trang web trên thanh công cụ tìm kiếm. 
  • Thiết lập kết nối tên miền với hosting: Liên kết tên miền bạn đã mua với tài khoản hosting để người dùng có thể truy cập website của bạn qua tên miền.
  • Triển khai ứng dụng: Bạn có thể triển khai thủ công (sao lưu ứng dụng, tải ứng dụng lên hosting) hoặc triển khai tự động (sử dụng công cụ kiểm soát phiên bản để quản lý mã nguồn, sử dụng dịch vụ tự động triển khai ứng dụng web lên hosting mỗi khi bạn cập nhật mã nguồn).

Một số câu hỏi nên đặt ra ở bước này: 

  • Dịch vụ lưu trữ nào phù hợp với ứng dụng web của bạn?
  • Kinh phí để duy trì là bao nhiêu?
  • Ứng dụng web sẽ được triển khai trên nền tảng nào? 
  • Làm thế nào để tối ưu hóa hiệu suất của ứng dụng web?

Bước 7: Kiểm thử, đánh giá và ra mắt

Khi bạn đã thiết lập một tên miền và liên kết nó với máy chủ lưu trữ, bạn gần như đã sẵn sàng công bố ứng dụng web của mình. Tuy nhiên, trên thực tế bạn vẫn còn cần kiểm thử trước khi ra mắt chính thức. Kiểm thử là bước xác nhận rằng ứng dụng web hoạt động như dự định và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn toàn cầu, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn của các tổ chức có liên quan.

Việc kiểm thử thường được thực hiện bởi nhóm QA, kết hợp kiểm thử thủ công và kiểm thử tự động, đánh giá về chất lượng trải nghiệm người dùng, mức độ bảo mật, hiệu suất, chức năng và khả năng phản hồi để phát hiện lỗi.

Nhóm QA sẽ thông báo cho nhóm phát triển về tất cả các lỗi để khắc phục trước khi ra mắt chính thức. Khi ứng dụng web đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn chất lượng, nó có thể được khởi chạy trên các trình duyệt phổ biến.

Lưu ý:

  • Việc kiểm thử cần được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình phát triển, không chỉ đợi đến giai đoạn cuối cùng. Điều này đảm bảo rằng các lỗi và sự cố được phát hiện và giải quyết sớm, trước khi dự án đi quá xa trong chu kỳ phát triển, giúp việc khắc phục lỗi dễ dàng hơn.
  • Việc kiểm thử ứng dụng web không chỉ liên quan đến trải nghiệm người dùng mà còn cả tính an toàn và bảo mật. Bất kỳ lỗ hổng nào trong bảo mật của ứng dụng web đều có thể khiến ứng dụng đó dễ bị tấn công an ninh mạng và vi phạm trái phép.
  • Nên kiểm thử trên nhiều trình duyệt và thiết bị, tránh việc trải nghiệm người dùng không tốt trên một số thiết bị nhất định.

Một số câu hỏi nên đặt ra ở bước này: 

  • Bạn thực hiện kiểm thử ứng dụng web bao lâu một lần trong suốt chu kỳ phát triển?
  • Bạn sử dụng loại công cụ kiểm thử ứng dụng web nào?
  • Bạn đã kiểm thử mọi khía cạnh của phần mềm, ví dụ như hiệu suất, khả năng sử dụng, bảo mật chưa?

Bước 8: Bảo trì và cập nhật sau khi ra mắt

Dù là dự án lớn hay nhỏ, mọi ứng dụng web đều cần được bảo trì và cập nhật thường xuyên sau khi ra mắt. Việc bảo trì có thể ở dạng các bản vá lỗi giúp cải thiện khả năng sử dụng, cho đến các bản cập nhật quan trọng nhằm giới thiệu các tính năng mới. Việc bảo trì thường xuyên cũng có thể giúp phát hiện các lỗi chưa được phát hiện trước đó.

Lưu ý:

  • Nên ưu tiên để giải quyết các lỗi khẩn cấp và nghiêm trọng nhất trước tiên. Điều này sẽ mang lại cho người dùng niềm tin rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và nhóm phát triển web cam kết cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể. Ngay cả một lời phàn nàn nhỏ về giao diện người dùng cũng không nên bỏ qua.
  • Trong trường hợp xảy ra vi phạm bảo mật lớn, nhóm phát triển phải thông báo rộng rãi vấn đề này để người dùng có thể thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ tài khoản và dữ liệu của họ (ví dụ: thay đổi mật khẩu, bật xác thực đa yếu tố). Việc bảo trì thường xuyên sẽ giúp tìm ra và giải quyết lỗ hổng bảo mật trước khi xảy ra vi phạm bảo mật lớn.

Các câu hỏi đặt ra ở bước này:

  • Bạn cung cấp loại hỗ trợ và bảo trì nào sau khi ra mắt?
  • Tần suất cập nhật như thế nào là phù hợp với quy mô của ứng dụng web?
  • Nhóm của bạn phản hồi các khiếu nại và báo cáo lỗi của người dùng nhanh như thế nào?

Các câu hỏi liên quan đến lập trình web

Lập trình web có khác gì so với phát triển ứng dụng web?

Lập trình web và phát triển ứng dụng web tưởng chừng như là một khái niệm, tuy nhiên chúng lại có những sự khác biệt đặc thù. 

Trong đó, phát triển ứng dụng web đề cập đến quá trình tổng thể tạo ra trang web, hoặc ứng dụng web bao gồm thiết kế, bố cục, mã hóa, tạo nội dung và chức năng của bộ mã hóa. Phát triển ứng ứng dụng web liên quan đến việc sử dụng kết hợp các ngôn ngữ lập trình, công cụ và framework giúp cho trang trang web hoặc ứng dụng web trở nên sinh động, bắt mắt. 

Trái ngược lại, lập trình web lại đề cập chi tiết về phần mã hóa và viết kịch bản cho một trang web. Nó chủ yếu liên quan đến việc viết mã để xử lý dữ liệu, xử lý thông tin đầu vào của người dùng và tạo nội dung sống động. 

Sự khác biệt giữa bộ ba ngôn ngữ đánh dấu, ngôn ngữ Script và ngôn ngữ truy vấn cơ sở dữ liệu trong lập trình web là gì?

Ngôn ngữ đánh dấu

(The mark-up languages)

Ngôn ngữ đánh dấu được sử dụng để mô tả trực quan cấu trúc tài liệu. Nó cho phép xử lý dễ dàng hơn các phần tử trong tài liệu. Đại diện nổi tiếng nhất của ngôn ngữ đánh dấu là HTML, XHTML và XML.

Mỗi ngôn ngữ này có nhiều phiên bản với những cải tiến riêng để theo kịp sự phát triển của ứng dụng web ngày nay và đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của người dùng.

Ngôn ngữ Script

(The Script Languages)

Ngôn ngữ Script được sử dụng để mô tả các chương trình phát triển web nhỏ, chúng rất phổ biến vì cú pháp đơn giản và dễ sử dụng.

Đại diện nổi tiếng nhất của ngôn ngữ Script là JavaScript và PHP (bộ tiền xử lý siêu văn bản) được sử dụng để phát triển các trang web, cũng như ActionScript được sử dụng để viết các chức năng trong các ứng dụng flash.

Ngôn ngữ truy vấn CSDL

(The Relational Database Management Language)

Quản trị viên dễ dàng thao tác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, sửa đổi, thêm và xóa bằng việc sử dụng ngôn ngữ truy vấn. Ngoài các ngôn ngữ được đề cập ở trên (ngôn ngữ Script và ngôn ngữ đánh dấu) trong quá trình thao tác dữ liệu – ngôn ngữ truy vấn cơ sở dữ liệu có thể được viết riêng biệt.

Ví dụ như loại ngôn ngữ để làm việc với cơ sở dữ liệu quan hệ là SQL nhưng tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu (MySQL, SQL, Oracle, v.v.) có các cách sử dụng cú pháp khác nhau.

Top các ngôn ngữ lập trình để phát triển web năm 2024?

Các ngôn ngữ lập trình web được sử dụng nhiều nhất hiện nay có thể kể đến như:

  • PHP: PHP là một ngôn ngữ hoàn toàn miễn phí giúp phát triển web trên các trang web động. Nó trở nên phổ biến nhờ tính đơn giản trong sử dụng, dễ hiểu và rất tương thích với ngôn ngữ HTML.
  • Java: Với ngôn ngữ lập trình này, người lập trình web có thể tạo các ứng dụng chạy trên máy chủ từ xa và dễ dàng mở rộng quy mô sau này. Tương tự như vậy, các ứng dụng được tạo bằng ngôn ngữ này có mức độ bảo trì thấp.
  • C#: Đó là một ngôn ngữ được ra mắt vào đầu thế kỷ XXI. Nó được Microsoft tạo ra để hỗ trợ nền tảng .NET Framework. Ngôn ngữ lập trình này là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trong toàn cảnh phát triển web. Với nó, bạn có thể có mặt trên Windows, một trong những hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt là trên máy tính để bàn.
  • Ruby: Là ngôn ngữ lập trình được sử dụng để xây dựng các ứng dụng web và rất hữu ích cho các dự án lập trình khác. Ruby được sử dụng rộng rãi để xây dựng máy chủ và xử lý dữ liệu, quét web và thu thập dữ liệu.
  • Golang: Golang, hay còn gọi là Go – ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở được Google phát triển. Các nhà phát triển phần mềm sử dụng Go trong nhiều hệ điều hành và framework để phát triển ứng dụng web, dịch vụ mạng và đám mây cũng như các loại phần mềm khác.

Tổng kết

Lập trình web không chỉ về việc viết code, mà đó còn là việc định hình lại cách chúng ta trải nghiệm thế giới kỹ thuật số. Và cho cho dù bạn đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh trực tuyến hay xây dựng ứng dụng lớn tiếp theo, thì việc hiểu rõ về phát triển web là điều quan trọng.