HTML và CSS được biết đến là những ngôn ngữ cốt lõi trong xây dựng và phát triển website, bên cạnh JavaScript. Vậy với một người mới bắt đầu, nên bắt đầu học HTML và CSS như thế nào để nắm bắt đầy đủ, không bỏ sót bất kỳ kiến thức quan trọng nào? Tất cả liên quan đến học HTML cơ bản và CSS sẽ được ITviec hướng dẫn chi tiết trong bài viết này.

Đọc bài viết này để hiểu rõ hơn:

  • Vai trò của HTML và CSS trong lập trình web
  • Lộ trình học HMTL và CSS trong 18 bước cho người mới bắt đầu
  • Tài nguyên học HTML và CSS
  • Giải đáp các câu hỏi thường gặp khi học HTML và CSS

Trước khi học HTML và CSS: Hiểu HTML CSS là gì

HTML là gì? Vai trò của HTML trong lập trình web

HTML (HyperText Markup Language) là ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản, mang tính nền tảng để tạo và cấu trúc các trang web. HTML sử dụng các thẻ và phần tử đánh dấu để xác định cấu trúc, nội dung và định dạng của trang web.

Trong lập trong web, HTML có thể được sử dụng để tích hợp các yếu tố khác như JavaScript, CSS, media player,… giúp trang web trở nên sinh động và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. 

  • Xác định cấu trúc trang web: Các thẻ HTML được sử dụng để phân chia nội dung thành các phần khác nhau như heading, paragraph, list, table, image, video,… Nhờ vậy, trình duyệt web có thể hiểu và hiển thị nội dung một cách chính xác.
  • Định dạng nội dung: Các thẻ giúp định dạng nội dung trang web như font chữ, màu sắc, kích thước, kiểu chữ,… từ đó làm cho trang web trở nên đẹp mắt và dễ đọc hơn.
  • Tạo liên kết: Với HTML, bạn có thể tạo liên kết giữa các trang web khác nhau thông qua thẻ. Nhờ vậy, người dùng có thể dễ dàng di chuyển và truy cập thông tin trên website.

Đọc thêm: Giải đáp “tất tần tật” những điều cần biết về HTML

CSS là gì? Vai trò của CSS trong lập trình web

CSS (Cascading Style Sheets) là ngôn ngữ biểu định kiểu, tức là định dạng và trang trí cho trang web như điều chỉnh màu sắc, font chữ, khoảng cách, bố cục, hiệu ứng hình ảnh,… CSS giúp trang web trở nên đẹp mắt và thu hút hơn với người dùng.

Trong lập trình web, CSS có thể được chèn vào HTML theo 3 cách CSS nội tuyến (Inline CSS), CSS nội bộ (Internal CSS) và CSS bên ngoài (External CSS). Mỗi cách thêm CSS được thực hiện khác nhau nhưng đều đảm bảo thực hiện các vai trò: Định dạng và trình bày trang web, tăng khả năng truy cập của website.

  • Định dạng và trình bày: CSS cho phép nhà phát triển web kiểm soát diện mạo của các phần tử HTML như font chữ, kích thước, màu sắc và vị trí. Bằng cách sử dụng CSS, lập trình viên có thể tạo ra các hiệu ứng trực quan, bố cục phức tạp và giao diện tùy chỉnh cho trang web.
  • Tăng khả năng truy cập: Có thể sử dụng CSS để cải thiện khả năng truy cập của trang web cho người dùng có khiếm khuyết về thị giác hoặc các vấn đề về khả năng vận động.

    Đọc thêm: CSS là gì? Hướng dẫn sử dụng hiệu quả CSS để thiết kế web

Mối quan hệ giữa HTML và CSS trong lập trình web

HTML và CSS có mối quan hệ tương hỗ để xây dựng và phát triển trang web hấp dẫn về mặt hình ảnh và chức năng. HTML đóng vai trò là xương sống của nội dung web. Nắm bắt cú pháp HTML sẽ giúp lập trình viên tạo ra các tài liệu web có ngữ nghĩa và được tổ chức tốt.

Trong khi đó, CSS chịu trách nhiệm tạo kiểu cho các phần tử HTML và chuyển đổi những tài liệu đơn giản thành một trang web có tính thẩm mỹ. Bằng cách nắm vững cú pháp và bộ chọn CSS, lập trình viên có thể kiểm soát kiểu chữ, màu sắc, khoảng cách và bố cục, từ đó nâng cao trải nghiệm tổng thể của người dùng.

18 bước học HTML và CSS cho người mới bắt đầu

Bước 1: Học HTML cơ bản

HTML là ngôn ngữ đầu tiên bạn cần nắm vững khi muốn trở thành nhà phát triển web. Ở bước học HTML cơ bản này, bạn cần nắm vững cú pháp và cấu trúc của HTML.

Cú pháp HTML gồm các phần: Thẻ (tag), thuộc tính (attribute) và giá trị (value).

  • Thẻ là đơn vị cơ bản, được bao quanh bởi dấu ngoặc góc <…>. Ví dụ: <h1></h1>, <p></p>, <img/>.
  • Thuộc tính cung cấp thêm thông tin cho thẻ. Ví dụ: src=”image.jpg” trong thẻ <img> để xác định địa chỉ hình ảnh.
  • Giá trị là nội dung của thuộc tính. Ví dụ: “image.jpg” là giá trị của thuộc tính src.

Đọc thêm: Tổng hợp 70+ các thẻ trong HTML thông dụng

Cấu trúc của tài liệu HTML gồm các phần: Document HTML, head, body.

  • <!DOCTYPE html> nhằm khai báo loại tài liệu cho trình duyệt web. 
  • Head chứa những nội dung không trực tiếp hiển thị trên trang web như tiêu đề, charset,…
  • Body chứa nội dung chính như văn bản, hình ảnh, video,…

Bước 2: Tìm hiểu các phần tử và thuộc tính HTML cơ bản

Phần tử HTML những khối xây dựng cơ bản của trang web. Mỗi phần tử có một chức năng riêng, ví dụ trong cấu trúc trang dưới đây:

<html>
<head>

<!-- Thông tin trong head -->

</head>

<body>
<!-- Nội dung hiển thị trên trình duyệt -->
</body>

</html>

Các phần tử trong đó gồm:

  • Tiêu đề: <h1>, <h2>, <h3>, <h4>, <h5>, <h6>
  • Đoạn văn: <p>
  • Liên kết: <a>
  • Hình ảnh: <img>
  • Danh sách: <ul>, <ol>, <li>
  • Bảng: <table>, <tr>, <td>

Thuộc tính HTML là những đặc điểm bổ sung cho phần tử, cung cấp thêm thông tin và định dạng cho phần tử. Ví dụ:

  • Thuộc tính href trong thẻ <a> dùng để chỉ định liên kết đến trang web nào.
  • Thuộc tính src trong thẻ <img> dùng để chỉ định vị trí của hình ảnh.
  • Thuộc tính alt trong thẻ <img> dùng để cung cấp mô tả thay thế cho hình ảnh, hữu ích cho người dùng khi không thể hiển thị hình ảnh.
  • Thuộc tính class thường dùng để gán một hoặc nhiều lớp cho một phần tử HTML.
  • Thuộc tính id được dùng để gán một định danh duy nhất cho một phần tử HTML.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến DOM (Document Object Model) – Một mô hình lập trình được W3C (World Wide Web Consortium) định nghĩa để truy cập và thao tác với nội dung, cấu trúc và kiểu dáng của trang web. Nó đóng vai trò như một giao diện trung gian giữa JavaScript và HTML/CSS, cho phép các nhà phát triển tạo ra các trang web mang lại tương tác tốt.

Bước 3: Khám phá biểu mẫu và bảng HTML cơ bản

Bước thứ ba trong hành trình học HTML cơ bản chính là tìm hiểu hai công cụ thiết yếu là biểu mẫu và bảng.

Biểu mẫu HTML cho phép bạn thu thập thông tin từ người dùng một cách hiệu quả. Bạn có thể tạo các trường nhập liệu cho văn bản, radio, checkbox, menu,…. bằng thẻ <input>. Thẻ <form> đóng vai trò như khung bao quanh cho biểu mẫu của bạn, và thuộc tính action giúp xác định nơi dữ liệu được gửi đến sau khi submit.

Bảng HTML là công cụ tuyệt vời để hiển thị dữ liệu một cách trực quan và dễ hiểu. Sử dụng thẻ <table> để tạo khung cho bảng, sau đó thêm các hàng, cột và ô bằng thẻ <tr>, <td> và <th>. Bạn có thể sử dụng thuộc tính và CSS để định dạng bảng theo ý muốn.

Đọc thêm: Table HTML: Hướng dẫn cách tạo bảng trong HTML chi tiết từ A – Z

Bước 4: Semantic HTML

Semantic HTML cung cấp các thẻ ngữ nghĩa để mô tả rõ ràng mục đích của từng phần nội dung trên trang web.

Ví dụ, thay vì sử dụng thẻ <div> chung chung, bạn có thể sử dụng thẻ <header> cho phần đầu trang, <main> cho nội dung chính, <section> cho các phần riêng biệt và <footer> cho phần chân trang.

Hiểu và sử dụng được Semantic HTML sẽ giúp trang web được tối ưu, mang lại nhiều lợi ích như cải thiện khả năng truy cập người dùng, tăng khả năng SEO, giúp code dễ dàng quản lý và bảo trì nhờ cấu trúc trang web được tổ chức rõ ràng.

học html css - itviec blogBước 5: Khái niệm HTML nâng cao

Sau khi đã hoàn thành học HTML cơ bản, bước tiếp theo là học HTML nâng cao. HTML nâng cao là tập hợp các kỹ thuật và thuộc tính HTML giúp bạn tạo ra các trang web phức tạp và có tính tương tác cao hơn.

Một số chủ đề phổ biến trong HTML nâng cao mà bạn nên tìm hiểu như Web Forms, Media Embedding, Accessibility, Microdata, Server-side Scripting, APIs, Custom Elements, Progressive Web Apps (PWAs).

Bước 6: Làm việc với nội dung đa phương tiện

Nội dung đa phương tiện như hình ảnh, video, audio giúp trang web trở nên sinh động và thu hút người dùng hơn. Bạn có thể học cách làm việc với nội dung này bằng iframe giúp mở rộng chức năng của trang web.

  • Nhúng hình ảnh bằng thẻ <img> với các định dạng hình ảnh phổ biến (JPEG, PNG, GIF, SVG).
  • Nhúng video bằng thẻ <video> với các định dạng video phổ biến (MP4, MOV, AVI, WMV).
  • Nhúng âm thanh bằng thẻ <audio> với các định dạng âm thanh phổ biến (MP3, WAV, OGG).
  • Nhúng nội dung từ trang web khác bằng thẻ <iframe>.

Bước 7: Tìm hiểu kiến thức cơ bản về CSS

CSS sử dụng cú pháp đơn giản bao gồm bộ chọn (selector) xác định phần tử HTML mà bạn muốn định dạng và thuộc tính (property) quy định các kiểu định dạng cho phần tử đó như màu sắc (color), cỡ chữ (font-size), nền (background-color), bố cục (margin, padding, display).

Có ba phương pháp liên kết CSS với HTML: CSS nội tuyến (Inline CSS), CSS nội bộ (Internal CSS) và CSS bên ngoài (External CSS).

Bước 8: Tìm hiểu về BEM

BEM, viết tắt của “Block, Element, Modifier”, là một quy ước đặt tên trong lập trình web để quản lý và tổ chức CSS của một dự án một cách có tổ chức. Theo quy ước này, mỗi phần tử trên trang web được phân loại thành ba phần chính: block (khối), element (phần tử) và modifier (bổ sung). 

BEM giúp tạo ra mã nguồn dễ hiểu, dễ bảo trì và linh hoạt hơn, đặc biệt là trong các dự án lớn và phức tạp. Nó cũng giúp tránh xung đột và trùng lặp trong CSS, tạo ra mã nguồn sạch và dễ tái sử dụng.

học html và css

Nguồn @sourcedcode.com

Bước 9: Tìm hiểu về CSS Framework

CSS Framework là một bộ công cụ, thư viện được sử dụng để tăng tốc quá trình phát triển giao diện web bằng cách cung cấp các phần mở rộng sẵn có cho CSS như các thiết kế cơ bản, lưới, thành phần UI và các stylesheet tiêu chuẩn.

Một số framework nổi bật bao gồm Bootstrap, Foundation, Bulma, MaterializeSemantic UI. Những framework này thường được sử dụng rộng rãi và được cập nhật thường xuyên để đáp ứng các xu hướng và yêu cầu mới của thiết kế web.

Bước 10: Học về bộ chọn và mô hình hộp trong CSS

Hiểu rõ các loại bộ chọn và mô hình hộp CSS giúp bạn định dạng chính xác các phần tử HTML trên trang web, tạo bố cục trang web đẹp mắt và dễ sử dụng. Bộ chọn CSS cho phép bạn xác định các phần tử HTML mà bạn muốn định dạng. 

Có ba loại bộ chọn CSS được dùng phổ biến:

  • Bộ chọn phần tử: Chọn các phần tử HTML dựa trên tên thẻ của chúng. Ví dụ: h1, p
  • Bộ chọn lớp: Chọn các phần tử HTML có lớp cụ thể. Ví dụ: .button
  • Bộ chọn ID: Chọn phần tử HTML có ID duy nhất. Ví dụ: #header
học html và css

Ví dụ về các bộ chọn CSS @kevinyank

Mô hình hộp CSS định nghĩa cách các phần tử HTML được bố cục trên trang web. Mỗi phần tử HTML được chia thành bốn phần:

  • Nội dung (content): Vùng chứa nội dung thực tế của phần tử, như văn bản hoặc hình ảnh.
  • Phần đệm (padding): Khoảng trống giữa nội dung và viền của phần tử.
  • Đường viền (bolder): Đường bao quanh phần tử.
  • Lề (margin): Khoảng trống giữa phần tử và các phần tử khác.
học html và css

Nguồn @developer.mozilla

Bước 11: Tìm hiểu về bố cục trang web

Bạn cần hiểu rõ về cách điều chỉnh bố cục trang web với CSS. Bố cục mỗi trang web thường có các phần: Tiêu đề (Header), thanh điều hướng (navigation bar), nội dung (content), chân trang (footer).

  • Tiêu đề (Header) thường nằm ở đầu trang web (hoặc ngay bên dưới menu điều hướng trên cùng). Nó thường chứa logo hoặc tên trang web.
  • Thanh điều hướng (Navigation menu) chứa danh sách các liên kết để giúp khách truy cập điều hướng qua trang web.
  • Nội dung (Content) thường phụ thuộc vào người dùng mục tiêu. Nội dung có thể được trình bày theo nhiều bố cục khác nhau.
  • Chân trang (Footer) được đặt ở cuối trang của bạn. Nó thường chứa thông tin như bản quyền và thông tin liên hệ.

học html và css

Bước 12: Flexbox

Flexbox là một mô hình bố cục CSS3 tiên tiến giúp bạn sắp xếp các phần tử HTML một cách linh hoạt và hiệu quả. Flexbox gồm các tính năng sắp xếp phần tử theo một chiều hoặc hai chiều, phân phối không gian giữa các phần tử một cách linh hoạt, tự động điều chỉnh bố cục khi kích thước màn hình thay đổi.

Một số thuộc tính flexbox được dùng phổ biến như:

  • flex-direction: Xác định hướng sắp xếp các phần tử con (ngang, dọc, hoặc cả hai).
  • justify-content: Xác định cách phân phối các phần tử con dọc theo trục chính.
  • align-items: Xác định cách phân phối các phần tử con dọc theo trục phụ.
  • flex-grow: Xác định cách thức một phần tử con phát triển để lấp đầy không gian trống.
  • flex-shrink: Xác định cách thức một phần tử con co lại khi không đủ không gian.
  • align-content: Căn chỉnh các đường flex (flex lines) trong container flexbox theo trục cross axis (trục vuông góc với main axis).
  • flex-wrap: Bật hoặc tắt việc bọc các đường flex khi container flexbox không đủ rộng để chứa tất cả các item.
  • flex-basis: Thuộc tính CSS trong mô hình Flexbox, dùng để xác định kích thước ban đầu của các mục (flex item) bên trong container flexbox.

Bước 13: Grid

Grid CSS là một hệ thống bố cục mới được giới thiệu trong CSS3 giúp bạn sắp xếp các phần tử HTML một cách trực quan và hiệu quả. Grid cho phép xác định cụ thể vị trí của các phần tử trong layout, giúp tạo ra các cấu trúc phức tạp hơn. Trong khi đó, Flexbox tập trung vào việc sắp xếp các phần tử theo hàng hoặc cột, linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kích thước và căn chỉnh các phần tử con.

học html và css

Grid phù hợp với bố cục 2 chiều. Flexbox phù hợp với bố cục 1 chiều. Nguồn @X-Team

Ở bước này, bạn cần nắm được 2 kiến thức chính là thuộc tính mụcthuộc tính vùng chứa lưới. Trong đó, thuộc tính mục có vai trò kiểm soát cách thức các phần tử con được sắp xếp trong lưới. Thuộc tính vùng chứa lưới có vai trò kiểm soát cấu trúc và bố cục của lưới. 

  • Thuộc tính định nghĩa cấu trúc: grid: display, grid-template-columns, grid-template-rows, grid-template-areas,…
  • Thuộc tính định vị item: grid-column-start, grid-column-end, grid-row-start, grid-row-end, place-items,…
  • Thuộc tính định khoảng cách: column-gap, row-gap,…
  • Thuộc tính định vị alignment: justify-items, align-items, justify-content, align-content,…

Bước 14: Bộ chọn nâng cao và lớp giả

Bộ chọn nâng cao trong CSS là những công cụ giúp bạn chọn lọc các phần tử HTML một cách chính xác và hiệu quả hơn so với các bộ chọn cơ bản.

Nắm vững kiến thức này giúp bạn tăng độ chính xác và hiệu quả khi chọn các phần tử trên trang web, tạo hiệu ứng CSS độc đáo và tương tác, cải thiện khả năng truy cập và khả năng sử dụng website. 

Các khái niệm quan trọng cần nắm gồm:

  • Bộ chọn thuộc tính: Chọn các phần tử HTML dựa trên giá trị thuộc tính của chúng. Ví dụ: input[type=”submit”]
  • Bộ chọn anh em: Chọn phần tử kế tiếp có chung phần tử cha với một phần tử được xác định. Ví dụ: h2 + p sẽ chọn các đoạn văn bản p ngay sau các tiêu đề h2.
  • Bộ chọn con: Chọn các phần tử con trực tiếp của một phần tử cha cụ thể. Ví dụ: ul > li sẽ chọn tất cả các phần tử li là con trực tiếp của phần tử ul
  • Lớp giả: Chọn các phần tử HTML dựa trên trạng thái, giúp tạo điều kiện và hiệu ứng động. Ví dụ: a:hover, :first-child, :last-child, :focus,…
  • Phần tử giả: Giúp bổ sung thêm nội dung mà không cần thay đổi HTML. Ví dụ: ::before

Bước 15: Transition & Animation

Transition (chuyển tiếp) và Animation (hoạt ảnh) là những công cụ giúp bạn tạo ra các trang web mượt mà, sống động và thu hút người dùng.

CSS Transition cho phép bạn tạo hiệu ứng mượt mà khi thay đổi thuộc tính CSS của một phần tử. Trong khi đó, CSS Animation cho phép bạn tạo hiệu ứng hoạt hình bằng cách thay đổi các thuộc tính CSS theo thời gian.

CSS Transition được xem là tốt nhất cho các chuyển động đơn giản từ chuyển động này sang chuyển động khác, trong khi CSS Animation được sử dụng cho các chuỗi chuyển động phức tạp hơn.

học html và css

Nguồn @HubSpot

 

Một số thuộc tính transition trong CSS:

  • transition-property: Xác định thuộc tính sẽ chuyển tiếp.
  • transition-duration: Độ dài của hiệu ứng chuyển tiếp.
  • transition-timing-function: Định nghĩa cách hiệu ứng chuyển tiếp thay đổi theo thời gian.
  • transition-delay: Độ trễ trước khi bắt đầu hiệu ứng chuyển tiếp.

Một số thuộc tính animation trong CSS:

  • animation-name: Xác định tên của hoạt ảnh.
  • animation-duration: Độ dài của hoạt ảnh.
  • animation-timing-function: Xác định cách hoạt ảnh thay đổi theo thời gian.
  • animation-delay: Độ trễ trước khi bắt đầu hoạt ảnh.
  • animation-iteration-count: Số lần lặp lại của hoạt ảnh.
  • animation-direction: Xác định hướng chạy của hoạt ảnh (forward, backward, alternate…).

Bước 16: Thiết kế web responsive

Thiết kế responsive là phương pháp thiết kế website có thể điều chỉnh bố cục và giao diện một cách tự động. Chẳng hạn sử dụng CSS bố cục như Flexbox, Grid, sử dụng CSS Media Queries, sử dụng thuộc tính cho phần tử như min-width, max-width,… sao cho phù hợp với kích thước màn hình của mọi thiết bị, từ máy tính để bàn đến điện thoại thông minh.

Responsive đảm bảo trang web hiển thị đẹp mắt và dễ sử dụng trên mọi thiết bị, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng khả năng truy cập đảm bảo trang web dễ dàng sử dụng cho người dùng có các thiết bị khác nhau. 

Bước 17: Học cách dùng biến CSS

Biến CSS là các giá trị do người dùng xác định, có thể được đặt một lần và sử dụng nhiều lần trong toàn bộ cơ sở mã của bạn.

Chúng giúp quản lý màu sắc, phông chữ, kích thước và giá trị hoạt ảnh dễ dàng hơn, đồng thời đảm bảo tính nhất quán trên các ứng dụng web.

Bước 18: Thực hành xây dựng trang web đơn giản từ HTML CSS

Sau khi hoàn thành 17 bước học HTML và CSS, để củng cố lại kiến thức, phát triển và nâng cao khả năng sáng tạo bạn có thể thực hành các việc sau:

  • Tạo trang web đơn giản: Sử dụng HTML và CSS để tạo trang web cá nhân, portfolio hoặc blog.
  • Thay đổi giao diện trang web hiện có: Tùy chỉnh giao diện của trang web bạn yêu thích bằng cách sử dụng CSS.
  • Tạo các hiệu ứng CSS: Thử nghiệm với các hiệu ứng hover, animation, và transition để tăng tính tương tác cho trang web.
  • Luyện tập sử dụng các kỹ thuật nâng cao: Khám phá các chủ đề như biến, @import, @font-face, flexbox, grid layout, responsive và preprocessors.
  • Tham gia các dự án mã nguồn mở: Tham gia cộng đồng và đóng góp vào các dự án CSS trên GitHub.

Tài nguyên học HTML và CSS hữu ích cho người mới bắt đầu

Có rất nhiều tài nguyên học HTML và CSS miễn phí phù hợp cho người mới bắt đầu. Bạn có thể tham khảo một số nguồn do ITviec gợi ý trong bảng bên dưới:

Loại tài nguyên Tên tài nguyên Mô tả
Khóa học trực tuyến The Odin Project – HTML and CSS

Free Code Camp – Basic HTML and HTML5

Free Code Camp – Basic CSS

Khóa học toàn diện, dễ hiểu, dành cho người mới bắt đầu về HTML, CSS.
Kênh Youtube FreeCodeCamp.org: Learn HTML & CSS – Full Course for Beginners

Programming with Mosh: HTML Tutorial for Beginners: HTML Crash Course

Cung cấp các hướng dẫn toàn diện về HTML và CSS.
Sách Learn HTML for Beginners: The illustrated guide to Coding Sách dành cho người mới bắt đầu với nhiều chủ đề như các thẻ, phần tử HTML, kiểu dáng, biểu mẫu, danh sách, …    
HTML and CSS: Design and Build Websites Sách dành cung cấp kiến thức nền tảng về HTML CSS cho Middle Web Developer
Web Design with HTML, CSS, JavaScript and jQuery Set 1st Edition. Sách dành cho những người chuyên sâu cung cấp cho độc giả những kiến thức phát triển front-end hiện đại nhất.
Tài liệu trực tuyến W3Schools Cung cấp hướng dẫn toàn diện về HTML và CSS với các bài học tương tác, bài tập và ví dụ.
MDN Web Docs

Tài liệu tham khảo chính thức của Mozilla về HTML và CSS, bao gồm hướng dẫn, ví dụ và API.
Cộng đồng Stack Overflow Diễn đàn Q&A lớn nhất thế giới cho lập trình viên, là nơi lý tưởng để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi cụ thể về HTML và CSS.
Reddit Có nhiều subreddit dành cho HTML và CSS, như r/html, r/css, r/webdev. Đây là nơi để thảo luận về các chủ đề liên quan đến HTML và CSS, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.

Đọc thêm: Tổng hợp 20+ Tài liệu học HTML từ cơ bản đến nâng cao

Các câu hỏi thường gặp về học HTML và CSS

Học HTML cơ bản xong thì làm gì?

Sau khi thành thạo HTML và CSS, bạn có thể chuyển sang các ngôn ngữ phát triển web Front end khác như JavaScript và các framework mạnh mẽ của nó để tạo các trang web động và có tính tương tác.

Học HTML và CSS để làm gì?

HTML và CSS là hai công nghệ cốt lõi để phát triển web, rất quan trọng đối với bất kỳ ai muốn làm việc trong lĩnh vực này.

Học HTML và CSS không chỉ trang bị cho bạn những kỹ năng cơ bản mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những ngôn ngữ phức tạp hơn, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau trong phát triển web.

Ai cần học HTML và CSS?

Học HTML và CSS là bước quan trọng đầu tiên đối với bất kỳ ai mong muốn trở thành nhà phát triển web chuyên nghiệp, ngoài ra một số lĩnh vực khác như UX/UI Designers, hay lập trình viên mobile sử dụng các công nghệ như React Native, Flutter cũng cần có kiến thức về HTML và CSS, vì nó cung cấp các kỹ năng cơ bản có thể chuyển đổi cần thiết để học các ngôn ngữ phức tạp hơn.

Tổng kết

Với những hướng dẫn chi tiết về lộ trình học HMTL và CSS trong bài viết này, bằng cách tiếp cận từng bước một, từ những khái niệm căn bản như cú pháp và cấu trúc của HTML và CSS, đến việc làm quen với các thuộc tính và các kỹ thuật layout tiên tiến, hy vọng bạn có thể biết mình cần bắt đầu từ đâu và học các phần như thế nào là hợp lý nhất.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!