Các báo cáo gần đây dự đoán thị trường dịch vụ kiểm thử phần mềm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với doanh thu có thể đạt đến 70,69 tỷ USD vào năm 2027. Trong bối cảnh này, các chuyên gia kiểm thử thủ công (Manual Tester) không chỉ đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc thực hiện các bài kiểm thử thủ công mà còn là một phần không thể thiếu trong việc đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của phần mềm.

Tuy công nghệ kiểm thử tự động đang phát triển mạnh mẽ, nhưng nghề kiểm thử thủ công vẫn giữ vững vị thế của mình. Cùng đọc bài viết này để tìm hiểu ngay:

  • Manual Tester là gì và công việc cụ thể của họ
  • Những kỹ năng bạn nên trang bị nếu muốn trở thành Manual Tester
  • Con đường sự nghiệp mà bạn có thể phát triển sau khi trở thành Manual Tester

Manual Tester là gì?

Manual Tester (người kiểm thử thủ công) là người đảm nhiệm việc kiểm thử quá trình hoạt động của phần mềm thông qua nhiều tình huống khác nhau một cách thủ công. Mục đích của công việc này là đảm bảo phần mềm đạt yêu cầu, không xuất hiện lỗi trước khi đưa ra thị trường.

Manual Tester cũng đóng vai trò giống như người dùng cuối, họ sẽ phải trải nghiệm và quan sát, sau đó ghi lại các lỗi, sai sót mà họ gặp phải trong quá trình sử dụng. Việc kiểm thử này không được thực hiện tự động bằng các công cụ mà phải làm theo một quy trình kiểm thử phần mềm cố định, sau đó ghi lại mọi vấn đề một cách tỉ mỉ.

Đọc thêm: Nghề Tester ở Việt Nam khổ vì định kiến (updated)

Manual Tester khác gì so với Automation Tester?

Dưới đây là sự khác biệt chính giữa Manual Tester và Automation Tester để hiểu rõ hơn về vai trò và phương pháp làm việc của mỗi loại:

Manual Tester Automation Tester
Định nghĩa Người thực hiện kiểm thử phần mềm bằng phương pháp thủ công Người thực hiện kiểm thử bằng cách sử dụng các công cụ tự động hóa
Cách thực hiện Kiểm thử phần mềm thông qua quy trình cụ thể và các thao tác thủ công Kiểm thử phần mềm được thực hiện bằng sự hỗ trợ của các công cụ hoặc các test script tự động hóa
Tốc độ thực hiện Chậm hơn vì tester phải thực hiện thủ công Nhanh hơn vì các công cụ có thể thực hiện kiểm thử nhiều phần mềm, nhiều test case cùng lúc
Phạm vi kiểm thử Tương đối khó để phạm vi kiểm thử đạt 100% Phạm vi kiểm thử rộng hơn
Kiến thức lập trình Không yêu cầu tester phải có kiến ​​thức lập trình, chỉ cần hiểu rõ về sản phẩm đang phát triển Yêu cầu tester phải có kiến ​​thức lập trình để viết test script
Trường hợp cần Kiểm thử các test case không lặp lại, phát hiện các lỗi chưa được xác định trước Kiểm thử các test đòi hỏi nhiều lần lặp

Tham khảo thêm: Top 5 automation test tool được yêu thích nhất 2024

Công việc của Manual Tester là làm gì?

Sau đây là các công việc chính và cơ bản nhất mà một nhân viên Manual Tester cần phải thực hiện:

  • Phân tích yêu cầu kiểm thử: Nghiên cứu, phân tích yêu cầu dựa trên các tài liệu đặc tả yêu cầu hệ thống (Software Requirements Specification – SRS), hướng dẫn và thông tin về phần mềm đang được thử nghiệm (Application Under Test – AUT) của dự án.
  • Tạo kế hoạch kiểm thử (Test Plan): Lập một kế hoạch bao gồm tất cả các yêu cầu và các bước thực hiện quá trình kiểm thử.
  • Tạo các trường hợp kiểm thử (Test Case): Thiết kế các ca kiểm thử để có thể đáp ứng các yêu cầu được mô tả trong tài liệu SRS.
  • Thực hiện kiểm thử: Xem xét và lập cơ sở cho các trường hợp kiểm thử với Team Lead và khách hàng. Thực hiện các trường hợp thử nghiệm trên ứng dụng đang được thử nghiệm.
  • Ghi chú lỗi: Phát hiện, ghi chép và báo cáo các lỗi xuất hiện (nếu có) cho Developer. 
  • Kiểm tra và hoàn thiện: Khi các lỗi đã được fix, Manual Tester sẽ thực hiện lại các trường hợp kiểm thử có lỗi trước đây để đảm bảo rằng lỗi đã được khắc phục.

Các kỹ thuật cơ bản Manual Tester cần biết

Có nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện quy trình kiểm thử thủ công nhưng thông thường sẽ được phân loại thành ba loại như sau:

  • Black Box Testing (Kiểm thử hộp đen): Manual Tester chỉ kiểm tra chức năng của module bằng cách thực hiện các trường hợp kiểm thử thủ công và tập trung vào đầu vào và kết quả mà không cần hiểu biết về cấu trúc bên trong của hệ thống. Cụ thể, họ sẽ nhận yêu cầu đầu vào và tiến hành kiểm thử trên ứng dụng, nếu kết quả trả về như mong đợi thì tester sẽ báo cáo lại kết quả cho đơn vị yêu cầu, nếu kết quả kiểm thử không thành công thì họ sẽ báo cáo vấn đề này cho nhóm phát triển để tiến hành sửa lỗi.
  • White Box Testing (Kiểm thử hộp trắng): Ngược lại với Black Box Testing, với White Box Testing, Manual Tester sẽ kiểm tra cấu trúc bên trong của hệ thống như thiết kế, từng dòng code,… một cách thủ công để đảm bảo tính chính xác một cách tuyệt đối. Nếu tìm thấy bất kỳ điểm khác biệt hoặc lỗi nào trong code, tester sẽ sửa hoặc báo cáo cho đơn vị liên quan để tiến hành sửa lỗi.
  • Gray Box Testing (Kiểm thử hộp xám): Kỹ thuật này là sự kết hợp của cả kiểm thử hộp trắng (White Box Testing) và kiểm thử hộp đen (Black Box Testing). Manual Tester sẽ kiểm tra phần mã hóa của ứng dụng theo các trường hợp kiểm thử khác nhau một cách thủ công. Nếu đầu vào bị lỗi ở một giai đoạn nào đó, tester sẽ thực hiện các thay đổi trong phần mã hóa.

Các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cần có để trở thành Manual Tester

Kỹ năng chuyên môn

  • Có kiến thức chuyên ngành về các nguyên tắc và phương pháp kiểm thử: Manual Tester phải có hiểu biết tốt về các nguyên tắc và phương pháp testing, chẳng hạn như functional testing (kiểm thử chức năng), regression testing (kiểm thử hồi quy), integration testing (kiểm thử tích hợp) hoặc exploratory testing (kiểm thử thăm dò). Bên cạnh đó, nhân viên kiểm thử thủ công cũng phải biết cách viết test case, test script, thực hiện việc testing và báo cáo các lỗi bằng công cụ theo dõi lỗi. 
  • Hiểu rõ yêu cầu và quản lý dữ liệu kiểm thử: Manual Tester phải hiểu rõ các yêu cầu cần đạt được trong quá trình kiểm thử, đồng thời có thể tập hợp các dữ liệu kiểm thử, thông tin kiểm thử để phản ánh chính xác các tình huống mà người dùng sẽ gặp phải trong quá trình trải nghiệm phần mềm.
  • Hiểu rõ về các lỗi xuất hiện trong quá trình testing: Nhân viên kiểm thử thủ công phải hiểu rõ về vòng đời của các lỗi, báo cáo, theo dõi tình trạng sửa chữa của lỗi đó cho nhóm phát triển phần mềm.
  • Biết sử dụng các công cụ gỡ lỗi: Mặc dù không phải là yêu cầu cơ bản, nhưng nhân viên kiểm thử thủ công có thể học cách sử dụng các công cụ debug để nâng cao tốc độ và hiệu quả công việc của mình. Một số công cụ mà bạn có thể tham khảo để tìm hiểu thêm như Testsigma, Airbrake, Chrome DevTools, dbForge SQL Tools,…
  • Kiến thức về SQL và Database: Manual Tester nên trang bị những kiến ​​thức cơ bản về SQL và Database để thực hiện xác thực dữ liệu và xác minh tính toàn vẹn của dữ liệu (ví dụ như viết các truy vấn SQL để trích xuất dữ liệu cần thiết từ Database).

Ngoài ra, dù công việc kiểm thử thủ công không đòi hỏi bạn phải có kiến thức sâu sắc về lập trình nhưng bạn cũng nên tự trang bị một số kiến thức về các ngôn ngữ lập trình cơ bản như C++, Python, Perl, Ruby,… để hỗ trợ cho công việc hoặc giúp bạn có nhiều cơ hội thăng tiến.

Đọc thêm: Khóa học Tester: 10+ khóa học Tester cho người mới bắt đầu

Kỹ năng mềm

Một nhân viên Manual Tester giỏi phải là người có khả năng dự đoán trước các vấn đề tiềm ẩn khi xem xét mã nguồn vào kết hợp tính tỉ mỉ để quá trình kiểm thử thủ công được thực hiện chính xác hơn.

Đồng thời, bạn phải sở hữu kỹ năng giao tiếp (bằng văn bản và lời nói) tốt để có thể truyền đạt những ý kiến của mình cho nhóm phát triển phần mềm hoặc các đơn vị liên quan một cách dễ hiểu.

Tham khảo thêm: Tester là gì? Kỹ năng nào cần để trở thành Tester giỏi?

Một số câu hỏi về Manual Tester

Công cụ Manual Tester thường dùng là gì?

Một số công cụ phổ biến dành cho Manual Tester là:

  • Test Link: Công cụ này hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau và có thể sử dụng trên nhiều trình duyệt. Chức năng chủ yếu của Test Link là ghi lại các trường hợp thử nghiệm, lập kế hoạch kiểm thử và tạo báo cáo thử nghiệm.
  • Bugzilla: Công cụ có chức năng chính là tìm kiếm lỗi trên phần mềm ở nhiều định dạng khác nhau. Bugzilla hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau như Mac, Windows và Linux.
  • LoadRunner: Chức năng chính của công cụ này là phân loại các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về hiệu suất hoạt động của phần mềm dựa trên việc mô phỏng hành vi của người dùng khi sử dụng.
  • Apache JMeter: Là công cụ kiểm thử tải (load testing) mã nguồn mở để phân tích và đo lường hiệu suất của nhiều dạng phần mềm khác nhau (như web, cơ sở dữ liệu,…). Công cụ này còn hỗ trợ cung cấp các báo cáo và biểu đồ hiệu suất toàn diện về phần mềm mà bạn đang kiểm thử.

Vì sao cần thực hiện kiểm thử thủ công?

Dưới đây là một số lý do tại sao cần kiểm thử thủ công đối với phần mềm:

  • Đảm bảo chất lượng của phần mềm: Mục tiêu chính của kiểm thử thủ công là đảm bảo phần mềm mà bạn cung cấp cho khách hàng không có lỗi, hoạt động ổn định, phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
  • Kiểm tra lỗi một cách kỹ càng hơn: Quy trình kiểm thử thủ công đảm bảo rằng các lỗi đã được khắc phục và phần mềm không còn lỗi nào trước khi cung cấp cho khách hàng.
  • Không tốn kém chi phí cho các công cụ tự động: Manual Tester làm việc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên không yêu cầu phải có nhiều kỹ năng cấp cao và công cụ tự động hóa để hỗ trợ trong quá trình mà họ làm việc.
  • Thích ứng dễ dàng với những thay đổi ngoài kế hoạch: Kiểm thử thủ công dễ dàng thay đổi theo những thay đổi của phần mềm hoặc yêu cầu từ khách hàng mà không cần phải viết lại code như các phương thức automation test.

Con đường sự nghiệp của Manual Tester

Một nhân viên Manual Tester có khả năng trở thành Quality Assurance Tester, Quality Assurance Analyst hoặc Quality Assurance Engineers trong lĩnh vực QA. Cùng với đó là thăng tiến lên các cấp bậc cao hơn như Senior Quality Assurance Analyst, Quality Assurance Lead hoặc Delivery Managers.

Bê cạnh đó, Manual Tester có thể chuyển sang lĩnh vực automation test (kiểm thử tự động) với vai trò như Automation Test Engineering, hoặc chuyển hướng nghề nghiệp và trở thành Software Development hoặc Business Analysis.

Tham khảo thêm: Làm sao trở thành lập trình viên từ tester?

Tổng kết về Manual Tester

Tóm lại, công việc chính của một Manual Tester là thực hiện việc kiểm thử phần mềm một cách thủ công để đảm bảo phần mềm đáp ứng các yêu cầu và hoạt động hiệu quả, không xuất hiện lỗi khi người dùng trải nghiệm. Đây là một chức vụ quan trọng trong một đơn vị phát triển phần mềm và có lộ trình phát triển công việc đa dạng.

Hy vọng rằng bài viết về Manual Tester tại ITviec Blog đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về công việc này, từ đó dễ dàng vạch ra định hướng công việc của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!