Nội dung chính
“Nghe đồn” mức lương ngành Công nghệ thông tin luôn nằm trong top mức lương cao trong thị trường việc làm. Nhưng cụ thể vị trí nào được trả lương cao nhất, cao như thế nào và cơ hội làm việc có rộng mở hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
ITviec đã tổng hợp top 8 vị trí IT sở hữu mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất hiện nay nhằm giúp bạn:
- Hiểu thêm về thị trường và các cơ hội việc làm
- Biết những kỹ năng, kiến thức cần chuẩn bị để ứng tuyển thành công
- Trau dồi chuyên môn với những tài liệu “chất” nhất
Xem việc làm Developer “chất” trên ITviec
Báo cáo Lương Ngành Công nghệ Thông tin mới nhất năm 2024
Cập nhật đầy đủ và mới nhất mức lương của tất cả vị trí IT, tất cả ngôn ngữ lập trình qua Khảo sát BÁO CÁO LƯƠNG IT 2023-2024 do ITviec tổng hợp thông tin từ 2,207 chuyên gia IT đang làm việc tại Việt Nam với đa dạng vị trí, ngôn ngữ lập trình và số năm kinh nghiệm.
Báo cáo thể hiện thông tin chi tiết về Mức lương ngành công nghệ thông tin & Mong đợi của chuyên gia IT với công việc, lãnh đạo và công ty.
1. SOLUTION ARCHITECT – Vị trí có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất
“Công trình” hằng ngày của một Solution Architect
Solution Architect là “cánh tay phải” của một công ty Product, được xem như “kiến trúc sư” xây dựng kiến trúc tổng thể của phần mềm và phương thức hoạt động cho phần mềm đó. Công việc cụ thể gồm:
- Phân tích phần mềm thành một nhóm module / thành phần nhỏ.
- Tạo sự liên kết giữa các thành phần đó với nhau, giúp chúng kết hợp làm việc trơn tru.
- Xây dựng hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của các module / thành phần trên gồm bảo mật (security), tiến trình xử lý (transaction), và quản lý lỗi (error handling).
- Thẩm định kiến trúc đã tạo ra.
- Định hướng cho các thành viên trong team để họ làm đúng theo cấu trúc đã xây nên.
Vì số lượng các công ty Product ở Việt Nam ngày càng tăng, vị trí Solution Architect cũng trở nên phổ biến hơn. Do đó, nếu bạn yêu thích công việc này, hãy chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cần thiết nhé.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của Solution Architect
Solution Architect có mức lương trung vị 63 triệu đồng/tháng cho vị trí có kinh nghiệm từ 2,5 năm, theo Báo cáo Lương IT 2023-2024 do ITviec khảo sát. Điều này khiến cho Solution Architect dễ dàng trở thành vị trí IT có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất hiện nay. Solution Architect có thể sở hữu mức lương ấn tượng lên đến 125 triệu đồng/ tháng khi có nhiều năm kinh nghiệm hơn.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí Solution Architect theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Developer cần những gì để trở thành Solution Architect?
1. Làm việc nhiều với kiến trúc tổng thể của một sản phẩm để có cái nhìn toàn diện về nó và phát triển dần cách tư duy của một Solution Architect.
2. Nắm vững kiến thức về một công nghệ, bao gồm cú pháp ngôn ngữ lập trình, APIs, frameworks, các mẫu thiết kế, nguyên lý, kiểm thử… để trở thành một chuyên gia kỹ thuật về nó.
3. Có kiến thức nền tảng về các công nghệ liên quan để hỗ trợ cho việc xây dựng kiến trúc cho sản phẩm.
4. Tính quyết đoán để đưa ra quyết định hợp lý về công nghệ, kỹ thuật cho sản phẩm.
5. Khả năng giao tiếp tốt để truyền đạt được tầm nhìn vào thiết kế đó.
6. Khả năng lãnh đạo vì phải đưa ra tầm nhìn tốt cho hệ thống và tạo động lực cho team làm việc, lắng nghe, dẫn dắt họ.
Các tài liệu hữu ích dành cho Solution Architect
- Domain-Driven Design: là cuốn sách giới thiệu hướng thiết kế cho những hệ thống lớn.
- Patterns of Enterprise Application Architecture: cuốn sách cung cấp nhiều pattern phù hợp để phát triển hệ thống lớn.
Xem ngay công việc Solution Architect tại ITviec
Software Architect: Cần kiến thức, kỹ năng và chứng chỉ nào?
2. PROJECT MANAGER/ PROJECT LEADER
Quy trình phối hợp với các team của Project Manager
Project Manager là một trong những công việc lương cao nhất trong ngành IT. Chức danh này thường có ở các công ty Outsourcing với những trách nhiệm chính như sau:
- Lập kế hoạch, quy trình làm ra sản phẩm phần mềm theo yêu cầu hoặc nhu cầu của khách hàng.
- Sắp xếp quy trình, lịch làm việc của Developer, Tester và những vị trí liên quan, giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và giao sản phẩm đúng hạn.
- Theo dõi, kiểm soát công việc hằng ngày của từng thành viên trong team.
- Giao tiếp với khách hàng, bao gồm báo cáo tiến độ, tình hình những phần việc đã hoàn thành, những lỗi đang gặp phải để có phương án giải quyết.
- Quản lý chiến lược cho Team, bao gồm đưa ra mục tiêu, định hướng và quản lý rủi ro cho những dự án tiếp theo.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của Project Manager
Project Manager nằm ở vị trí số 3 trong danh sách những vị trí IT có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất 2023-2024 nhờ vào mức lương dao động quanh 48 triệu đồng/ tháng cho vị trí Project Manager từ 5 năm kinh nghiệm.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí Project Manager theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Những kỹ năng cần có của một Project Manager là gì?
1. Kỹ năng quản lý dự án
Bao gồm lập quy trình công việc chi tiết và lên thời gian hoàn thành các giai đoạn để giao sản phẩm đúng deadline.
Chẳng hạn, bạn cần phải sắp xếp các phần việc theo mức độ ưu tiên và nêu rõ người chịu trách nhiệm cho từng phần để đảm bảo mọi người không làm trùng việc của nhau và công việc được làm xong đúng thời hạn.
2. Kỹ năng lập kế hoạch
Cần phải có một Action Plan cụ thể từ ngày đầu dự án cho đến ngày cuối cùng giao sản phẩm. Không nên để lúc thì các Dev phải làm quá nhiều việc, lúc thì họ phải ngồi chơi.
3. Kỹ năng quản lý thời gian
Phải thật chặt chẽ, chia việc đều cho từng khoảng thời gian cụ thể, tránh để những yếu tố bên ngoài như các kỳ nghỉ lễ, tiệc tùng… ảnh hưởng đến năng suất.
4. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp tốt với khách hàng, bao gồm lắng nghe kỹ yêu cầu của họ và xem chi tiết phản hồi của họ để chỉnh sửa sản phẩm cho đúng.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề khi gặp sự cố, bao gồm phân tích nguyên nhân rồi tìm giải pháp thích hợp qua các case study, kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Những cuốn sách hay dành cho Project Manager
- Project Management Body of Knowledge (PMBOK): là cuốn sách kinh điển dành cho những bạn muốn trở thành Project Manager chuyên nghiệp.
- Head First PMP: tổng hợp tài liệu để bạn chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ PMP (Project Management Professional) của Project Management Institute (Mỹ).
- The One Minute Manager (Vị Giám đốc Một phút): Cuốn sách của Ken Blanchard và Spencer Johnson được dịch sang tiếng Việt, do Công ty First News – Trí Việt phát hành, cho bạn những hướng dẫn về quản lý con người rất hay và dễ áp dụng.
- Applied Software Project Management: cung cấp nhiều công cụ, kỹ thuật và bài tập để bạn thực hành quản lý một software project.
- 97 Things Every Project Manager Should Know: cung cấp đầy đủ những kỹ năng để Project Manager quản lý dự án thành công
Xem ngay công việc Project Manager tại ITviec
3. DEVOPS ENGINEER
Mô tả công việc của một DevOps
Nhờ tính năng động và kiêm nhiệm, DevOps Engineer là một trong những công việc được trả lương tốt nhất ngành IT hiện nay. Nhiệm vụ chính của vị trí này thường bao gồm:
- Xây dựng, thiết kế hệ thống để các team Development, Testing và Operation làm việc trơn tru, xuyên suốt, tối ưu hóa vòng đời phát triển phần mềm (SDLC – Software Development Life Cycle), tiết kiệm thời gian hoàn thành sản phẩm.
- Phối hợp với các team trên trong các giai đoạn khác nhau của phát hành sản phẩm, bao gồm: Build (xây dựng), Deploy (triển khai), Test (kiểm thử), và Continuous Improvement (cải tiến liên tục).
- Khắc phục sự cố và duy trì hệ thống phần mềm hàng ngày.
- Liên tục nghiên cứu, đánh giá và làm việc với các công nghệ mới để tối đa hóa hiệu quả của phần mềm.
- Sử dụng các công cụ DevOps, điện toán đám mây, hạ tầng… để tăng hiệu quả đầu ra của sản phẩm.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của DevOps Engineer
DevOps Engineer là một trong những vị trí IT có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất, với mức lương 40.5 triệu đồng/ tháng cho vị trí DevOps Engineer 2 năm kinh nghiệm.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí DevOps Engineer theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Chân dung một DevOps Engineer
1. Có khả năng làm việc với nhiều công nghệ và sử dụng thành thạo các công cụ để phục vụ nhiều quy trình.
2. Có khả năng code, script, deploy và test vì phải phối hợp với tất cả các team trong quy trình làm sản phẩm.
3. Có khả năng làm việc sâu sát với hệ thống để đảm bảo sự kết nối xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
4. Có khả năng quản lý dữ liệu với lượng data khổng lồ, liên quan tới nhiều team và nhiều công việc khác nhau.
5. Có kỹ năng làm việc cross-team. Đây là kỹ năng quan trọng nhất của một DevOps Engineer vì công việc này đòi hỏi khả năng làm việc nhóm rất cao.
Điều mà bất kì DevOps Engineer nào cũng phải ghi nhớ là khả năng kỹ thuật không làm nên vị trí này mà phải có tư duy DevOps để phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các team và các giai đoạn làm sản phẩm.
Những e-book miễn phí dành cho DevOps Engineer
- DevOps For Dummies: giúp bạn hiểu những khái niệm cơ bản về nghề DevOps.
- From Agile to DevOps at Microsoft Developer Division: cung cấp các tool, case, và hướng dẫn cho những công ty chuyển từ phương pháp Agile sang DevOps.
- How to Enhance IT Support with DevOps: hướng dẫn bạn cách làm việc cross-team khi áp dụng phương pháp DevOps.
Xem ngay công việc DevOps tại ITviec
4. IT MANAGER
Vị trí IT Manager thường gặp ở các công ty có lĩnh vực kinh doanh chính ngoài ngành IT.
Công việc của IT Manager thường bao gồm:
- Lên kế hoạch, tổ chức, và quản lý hạ tầng và nhân viên để đảm bảo hạ tầng IT của công ty vận hành ổn định và an toàn.
- Phân tích nhu cầu mạng máy tính và góp phần thiết kế kiến trúc, tích hợp, và lắp đặt mạng.
- Duy trì phần cứng và phần mềm của mạng.
- Làm việc với người dùng để đảm bảo nền tảng hệ thống máy tính đáp ứng được nhu cầu của họ.
- Thiết lập và kiểm soát quyền truy cập hệ thống, đảm bảo an ninh và bảo mật cho hệ thống.
- Hỗ trợ và hướng dẫn người dùng sử dụng và quản trị mạng nội bộ.
- Duy trì sự ổn định cho hệ thống, tối ưu sử dụng tài nguyên, cài đặt và kiểm tra các bản nâng cấp phần mềm.
- Đào tạo, phân công, và giám sát công việc của các nhân viên trong nhóm.
- Tư vấn, soạn thảo các quy trình, quy định trong phạm vi công việc.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của IT Manager
IT Manager là một trong những công việc có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất. Mức lương cho vị trí này dao động quanh 40 triệu đồng/ tháng cho những IT Manager có 5 năm kinh nghiệm.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí IT Manager theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Các kỹ năng cần có của IT Manager là gì?
1. Nắm vững kiến thức về hệ thống hạ tầng IT.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề, bao gồm tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề, đưa ra các giải pháp, đánh giá và lựa chọn giải pháp.
3. Khả năng giao tiếp và kết nối tốt với các phòng ban để hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ.
4. Khả năng làm việc nhóm hiệu quả.
Tài liệu dành cho IT Manager
- IT Infrastructure Architecture: Infrastructure building blocks and concepts: cuốn sách của Sjaak Laan giải thích các khái niệm, lịch sử và cách thực hiện một cơ sở hạ tầng IT mạnh và ổn định.
- CIO Paradox: Battling the Contradictions of IT Leadership: cuốn sách rất thú vị và bổ ích nếu bạn đặt mục tiêu ở thành CIO – Chief Information Officer.
Xem ngay công việc IT Manager tại ITviec
5. AI ENGINEER
Ngành trí tuệ nhân tạo dường như có tiềm năng vô tận để cải thiện và đơn giản hóa các nhiệm vụ thường được thực hiện bởi con người, bao gồm nhận dạng giọng nói, xử lý hình ảnh, quản lý quy trình kinh doanh và thậm chí cả chẩn đoán bệnh. Trong thời gian đầu năm 2023, AI thu hút sự chú ý của nhiều người nhờ vào sự xuất hiện và phổ biến của ChatGPT – một chatbot do OpenAI phát triển.
Cũng vì lẽ đó mà các kỹ sư AI đang được săn đón vô cùng “nồng nhiệt” trên thị trường với mức lương cao là một điều dễ hiểu.
Công việc cụ thể của một AI Engineer:
- Phát triển mô hình AI bằng các thuật toán Machine Learning và Deep Learning
- Chuyển đổi mô hình AI thành API để các ứng dụng khác có thể sử dụng được
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nhập dữ liệu và chuyển đổi dữ liệu
- Thực hiện phân tích thống kê và điều chỉnh kết quả để đưa ra quyết định sáng suốt hơn
- Thiết lập và quản lý cơ sở hạ tầng và quy trình phát triển sản phẩm AI
Mức lương ngành công nghệ thông tin của AI Engineer
Theo Báo cáo Lương IT 2023-2024 do ITviec tiến hành khảo sát, với mức lương thường dao động quanh 23 triệu đồng/ tháng cho AI Engineer 3 năm kinh nghiệm, AI Engineer cùng các ngành Data, Machine Learning góp mặt trong danh sách những công việc lương cao nhất ngành IT.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí AI Engineer theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
AI Engineer cần có những kỹ năng và kiến thức gì?
1. Thuần thục các ngôn ngữ lập trình chẳng hạn như Python, R, Java và C++ để xây dựng và triển khai các mô hình.
2. Nắm vững các kiến thức về Đại số tuyến tính, Xác suất và Thống kê.
3. Kỹ năng phân tích và xử lý vấn đề.
4. Kỹ năng làm việc nhóm.
5. Kỹ năng tư duy phản biệt.
Một số tài liệu hay dành cho AI Engineer
- Tìm hiểu từ cơ bản AI là gì? AI Engineer là gì?
- Tìm hiểu Machine Learning là gì?
- Deeplearning.ai: Cung cấp các kiến thức cơ bản về Deep Learning, giúp nắm được nền tảng, hiểu sâu bản chất vấn đề bên trong của thuật toán.
- Khóa học của fast.ai.
- Machine Learning Cơ Bản – Trang blog tổng hợp nhiều thuật toán từ căn bản đến nâng cao, cách trình bày thân thiện, dễ hiểu và đặc biệt sử dụng tiếng Việt.
- Sách Deep Learning (Adaptive Computation and Machine Learning series) by Ian Goodfellow, Yoshua Bengio, Aaron Courville, Francis Bach.
- Các câu hỏi phỏng vấn AI cơ bản.
Xem ngay công việc AI Engineer tại ITviec
6. PRODUCT OWNER
Định nghĩa về vị trí Product Manager của Martin Eriksson @MindTheProduct
Product Owner, còn được gọi là Product Manager, cũng là một công việc lương cao trong ngành IT.
Khác với Project Manager, Product Owner chỉ tập trung phát triển một “sản phẩm” (website, phần mềm, v.v…). Vì vậy, chức danh này thường gặp trong công ty Product.
Product Owner thường làm những công việc sau:
- Lên kế hoạch chi tiết xây dựng sản phẩm, bao gồm code, thiết kế, định hướng nội dung, v.v…
- Quản lý, phân công công việc cho các team Development, Design và phối hợp với team Marketing, Sales… thực hiện kế hoạch trên.
- Nghiên cứu nhu cầu người dùng để lập kế hoạch thay đổi, nâng cấp, sửa chữa sản phẩm.
- Phối hợp với các bộ phận liên quan như Sales, Marketing, chăm sóc khách hàng (CS)… để nghe phản hồi từ người dùng và điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.
Product Owner cũng chính là người phải trả lời các câu hỏi “Tại sao phải có sản phẩm này?” “Nên có gì trong sản phẩm?” và “Khi nào thì nên ra mắt sản phẩm?” trước khi các Developer, Engineer bắt đầu công việc.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của Product Owner
Là một trong những cái tên nổi bật trong danh sách những vị trí IT sở hữu mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất năm 2023-2024, Product Owner với 3 năm kinh nghiệm nhận lương khoảng 41.5 triệu đồng/ tháng. Mức lương này còn tùy vào quy mô công ty, sản phẩm mà Product Owner làm việc.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí Product Owner theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Những kỹ năng cần thiết của một Product Owner là gì?
1. Kỹ năng quản lý hiệu quả hoạt động (performance) của sản phẩm..
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skill), bao gồm tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề, đưa ra các giải pháp, đánh giá và lựa chọn giải pháp.
3. Kiến thức tổng quát về tất cả các khía cạnh của sản phẩm, từ thiết kế và trải nghiệm người dùng đến code và cấu trúc dữ liệu.
4. Kỹ năng giao tiếp để tương tác tốt với các team liên quan.
5. Kỹ năng nghiên cứu hành vi người dùng để đáp ứng nhu cầu của họ.
Những tài liệu hữu ích dành cho Product Owner
- Software Product Management Essentials: cuốn sách chia sẻ các tip, kỹ năng và case study cần thiết để quản lý một Product.
- Agile Product Management with Scrum: cuốn sách gồm những case study giúp các Product Manager tạo ra những product thành công với Scrum.
- Making It Right: Product Management For A Startup World: cuốn sách cung cấp những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và các framework, bảng biểu để bạn thực hành làm một Product Manager thực thụ.
- Introduction to Software Product Management: là khóa học online miễn phí của Đại học Alberta (Canada) giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của một Software Product Manager.
- Agile Planning for Software Products: là một khóa học miễn phí khác của Đại học Alberta, hướng dẫn cách lập kế hoạch, quy trình cho một Software Product theo phương pháp Agile.
Xem ngay công việc Product Owner tại ITviec
7. FRONT-END DEVELOPER
Phát triển giao diện người dùng (Front-End Development) là lĩnh vực phát triển web tập trung vào những gì người dùng nhìn thấy ở phần cuối của họ.
Công việc của Front-End Developer là “biến” code do các Back-end Developer xây dựng thành giao diện đồ họa, đảm bảo rằng dữ liệu được trình bày ở định dạng dễ đọc và dễ hiểu. Sử dụng các kỹ thuật viết code và thiết kế có liên quan, Front-End Developer xây dựng các thành phần của ứng dụng được người dùng cuối truy cập trực tiếp và thúc đẩy sự tương tác của người dùng với ứng dụng/ website.
Công việc cụ thể của Front-End Developer:
- Sử dụng các ngôn ngữ đánh dấu như HTML để tạo các trang web thân thiện với người dùng
- Duy trì và cải thiện trang web
- Tối ưu hóa để website có tốc độ tối đa
- Thiết kế các tính năng dựa trên thiết bị di động
- Phối hợp với Back-End Developer và Web Designer/ UI UX Designer để cải thiện khả năng sử dụng
- Nhận phản hồi từ và xây dựng giải pháp cho người dùng và khách hàng
Mức lương ngành công nghệ thông tin của Front-End Developer
Front-End Developer có kinh nghiệm từ 3 năm có thể được trả lương 23 triệu đồng/ tháng, theo Khảo sát Lương IT 2023-2024 do chính ITviec tiến hành. Những Front-End Developer từ 8 năm kinh nghiệm trở lên có thể nhận mức lương 55 triệu đồng/ tháng.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí Front-End Developer theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Kỹ năng và kiến thức cần cho Front-End Developer
1. Hiểu biết và quen thuộc với JavaScript, HTML, CSS và jQuery.
2. Kỹ năng phân tích, xác định và giải quyết vấn đề, bao gồm tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề, đưa ra các giải pháp, đánh giá và lựa chọn giải pháp.
3. Hiểu biết về thẩm mỹ bố cục.
4. Kỹ năng giao tiếp tốt để làm việc với các bên liên quan.
5. Tính ham học hỏi, liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.
Những tài liệu hay dành cho Front-End Developer
- Trang web Mozilla Developer Network có nhiều links dẫn đến các tutorials miễn phí về HTML, CSS, và JavaScript ở mức độ cơ bản, trung cấp, và nâng cao.
- Learning JavaScript Design Patterns là cuốn sách của Addy Osmani dành cho những lập trình viên muốn nâng cao kiến thức về design patterns và cách áp dụng chúng vào ngôn ngữ lập trình JavaScript.
- Học Front-End từ cơ bản đến nâng cao với 20+ tài liệu học Front-End đầy đủ nhất 2024
- Tham khảo 5 Framework dành cho Web Developer phổ biến nhất
- Tìm hiểu về Angular – Vũ khí “hạng nặng” của Front-End Developer
Xem ngay việc làm Front-End Developer tại ITviec
8. BACK-END DEVELOPER
Phát triển Back-End có nghĩa là làm việc trên phần mềm phía máy chủ (server-side), đơn giản có nghĩa mọi thứ bạn không thể thấy trên trang web chính là thuộc về Back-End.
Trong một đội ngũ phát triển, Back-End Developer sẽ làm việc với Front-End Developer, Product Owner, Architect và Tester để xây dựng cấu trúc của trang web hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động.
Công việc cụ thể của Back-End Developer:
- Xây dựng và duy trì trang web hoạt động an toàn, chính xác, tập trung vào cơ sở dữ liệu và đáp ứng các yêu cầu của người dùng.
- Viết code chất lượng cao, rõ ràng và dễ bảo trì.
- Thực hiện kiểm tra đảm bảo chất lượng (QA).
- Đánh giá hiệu quả và tốc độ.
- Khắc phục sự cố, gỡ lỗi và truyền đạt chúng cho người quản lý dự án, các bên liên quan và nhóm QA.
Mức lương ngành công nghệ thông tin của Back-End Developer
Theo Khảo sát Lương Ngành Công nghệ Thông tin 2023-2024 do chính ITviec tiến hành, Back-End Developer có kinh nghiệm từ 4 năm có thể sở hữu mức lương ấn tượng 27 triệu đồng/ tháng. Những Back-End Developer từ 8 năm kinh nghiệm trở lên có thể nhận mức lương 60.5 triệu đồng/ tháng.
Tham khảo đầy đủ Mức Lương IT 2023-2024 của vị trí Back-End Developer theo số năm kinh nghiệm cũng như các vị trí IT khác.
Kỹ năng và kiến thức cần cho Back-End Developer
1. Code vững, bao gồm các ngôn ngữ back-end như Python, Java và Ruby.
2. Quen thuộc với nhiều loại công cụ và framework Back-End.
3. Hiểu cơ sở dữ liệu và máy chủ: Back-End Developer sẽ cần hiểu cách sắp xếp và khôi phục dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, vì Back-End Developer kiểm soát quyền truy cập vào thông tin này, bao gồm lưu trữ và khôi phục.
4. Thuần thục giao diện chương trình ứng dụng (API).
5. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp Back-End Developer truyền đạt ý tưởng và khắc phục sự cố với các thành viên trong nhóm và các bên liên quan chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
6. Tư duy phân tích và giải quyết vấn đề: Là một Back-End Developer, bạn sẽ có thể phân tích lý do tại sao code hoạt động hoặc không hoạt động, đồng thời dự đoán và ngăn ngừa lỗi.
7. Luôn chủ động cập nhật kiến thức về ngành: Hiểu biết toàn diện về ngành công nghệ luôn hữu ích để bắt kịp các xu hướng kinh tế tổng thể cũng như cập nhật các ngôn ngữ và nền tảng.
Xem ngay việc làm Back-End Developer tại ITviec
Quan điểm của bạn về mức lương ngành công nghệ thông tin hiện nay? Bạn biết những công việc lương cao khác trong ngành IT? Hãy chia sẻ với ITviec nhé!
Và đừng quên tham khảo việc làm Developer tại ITviec!