Trong môi trường phát triển phần mềm, việc quản lý đội ngũ lập trình viên luôn là một thách thức khi các lập trình viên thường không thích bị quản lý chặt chẽ, nhưng năng suất khó có thể được cải thiện nếu không có sự đo lường và quản lý rõ ràng. Thay vì áp dụng các phương pháp giám sát truyền thống, các tổ chức đã sử dụng công nghệ và dữ liệu để minh bạch hóa quy trình, tối ưu hóa năng suất mà không gây áp lực không cần thiết.

Read the English version: “Developers do not like to be managed” and The challenge lies in enhancing productivity

Box thông tin:

Những thông tin trong bài viết được chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện “Enhancing Development Productivity through Visibility” diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 04/12/2024, do ITviec và Findy Team+ tổ chức tại văn phòng ITviec.

Với sự tham gia của các đại diện từ ITviec, ZIGExN VeNtura, Persol Career Tech Studio và Vitalify Asia, sự kiện tập trung vào việc tối ưu hóa năng suất thông qua minh bạch quy trình làm việc, giúp đội ngũ kỹ sư giải quyết các nút thắt trong phát triển phần mềm.

Bài toán tối ưu năng suất của đội ngũ lập trình

Theo anh Yuichiro Yamada – CEO của Findy Team+: “Phần lớn đội ngũ kỹ sư đều không thích bị quản lý”.

Khi bị giám sát hoặc phải chạy theo các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) không phù hợp, Developer thường cảm thấy mất tự do, dẫn đến giảm động lực và năng suất. Các phương pháp truyền thống như đếm số dòng mã (line of code – LOC) hay KPI có thể không phản ánh đúng giá trị mà một Developer thực sự mang lại. Trong khi LOC khuyến khích việc viết mã không cần thiết, thì KPI thiếu linh hoạt trong việc đánh giá hiệu suất tổng thể.

development team - findy team plus and itviec

Anh Yuichiro Yamada – CEO của Findy Team+, thảo luận về các vấn đề phổ biến mà nhiều nhà phát triển phải đối mặt liên quan đến việc quản lý hiệu suất

Để giải quyết bài toán này, nhiều tổ chức đã áp dụng DORA Metrics – DevOps Research and Assessment, một phương pháp đo lường hiệu quả quy trình DevOps. Các chỉ số chính của DORA Metrics bao gồm:

  • Tần suất triển khai (Deployment Frequency);
  • Thời gian thay đổi (Lead Time for Changes);
  • Tỷ lệ lỗi sau thay đổi (Change Failure Rate);
  • Thời gian khôi phục (Mean Time to Recovery).

Findy Team+ áp dụng DORA Metrics để tối ưu hóa quy trình làm việc, giúp tích hợp liền mạch các hoạt động phát triển, xác định các điểm nghẽn và các khu vực cần phát triển, thúc đẩy hiệu quả quy trình và sự hợp tác từ đó nuôi dưỡng văn hóa cải tiến liên tục.

Mặc dù có rất nhiều phương pháp DevOps với các frameworks và practice khác nhau nhằm cải thiện phát triển phần mềm và hiệu suất vận hành, bài viết này sẽ đi sâu vào cách cụ thể mà DORA Metrics trở thành công cụ đắc lực giúp tổ chức cải thiện hiệu suất DevOps.

ITviec là một ví dụ điển hình trong việc minh họa cách DORA Metrics có thể tạo đột phá trong việc tối ưu hóa hiệu suất cho các nhóm phát triển nhỏ. Với đội ngũ chỉ gồm tám lập trình viên, ITviec đã thành công trong việc xác định và khắc phục các điểm nghẽn nhờ áp dụng quy trình minh bạch và giám sát chặt chẽ các chỉ số hiệu suất then chốt. Kết quả đạt được không chỉ là những con số ấn tượng mà còn là sự cải thiện toàn diện trong cách làm việc của đội ngũ.

ITviec – Tối ưu hóa quy trình triển khai với DORA Metrics

ITviec là nền tảng tuyển dụng IT hàng đầu Việt Nam, với mục tiêu kết nối các chuyên gia công nghệ với doanh nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của anh Nguyễn Thành Luân – Technical Lead và anh Vương Đức Hiền – Senior Ruby on Rails Engineer, đội ngũ phát triển gồm 8 lập trình viên tại ITviec phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đo lường và tối ưu hóa hiệu suất.

development team - findy team plus and itviec

Anh Vương Đức Hiền – Senior Ruby on Rails Engineer tại ITviec, trong phần thuyết trình về Small Team Focus – Big Team Impact

Trước đây, ITviec gặp khó khăn trong việc xác định các nút thắt trong quy trình, dẫn đến thời gian xử lý Pull Request (PR) và chu kỳ phát triển kéo dài. Theo anh Hiền, việc thiếu dữ liệu trực quan khiến đội nhóm khó đánh giá chính xác hiệu suất hoặc phát hiện vấn đề tiềm ẩn. Đó cũng là lúc đội ngũ nhận thấy để cải thiện hiệu suất, họ cần một giải pháp rõ ràng để đo lường các chỉ số đầu ra và tìm kiếm cơ hội tối ưu hóa.

Sau khi áp dụng DORA Metrics, ITviec đã thay đổi cách tiếp cận. Các chỉ số như Deployment Frequency (tần suất triển khai), Change Failure Rate (tỷ lệ lỗi sau thay đổi) và Mean Time to Restore (thời gian khôi phục lỗi) được theo dõi sát sao. Nhóm đã tập trung chia nhỏ công việc thành các task độc lập và chuẩn hóa quy trình review mã nguồn.

Sau hơn 3 tháng áp dụng, ITviec đã đạt được trạng thái Elite trong ba chỉ số DORA quan trọng:

  • Tần suất triển khai tăng từ 2.4 lên 3.1 lần/ngày.
  • Tỷ lệ lỗi sau thay đổi giảm từ 12% xuống còn 1.9%.
  • Thời gian khôi phục lỗi giảm từ 16 giờ xuống 0.2 giờ.

Anh Hiền chia sẻ thêm, ngoài việc cải thiện các chỉ số, chương trình cố vấn giữa lập trình viên Junior và Senior cũng giúp cải thiện chất lượng mã nguồn và thúc đẩy tốc độ xử lý công việc.

Trong khi ITviec đã minh chứng hiệu quả của DORA Metrics trong việc tối ưu hóa quy trình cho các nhóm nhỏ, các tập đoàn đa quốc gia lại phải đối mặt với những thách thức đặc thù. Case study từ ZIGExN VeNtura mang đến một góc nhìn khác, cho thấy cách minh bạch và sử dụng các chỉ số hiệu suất then chốt có thể giải quyết hiệu quả những điểm nghẽn trong các đội nhóm phân tán tại nhiều quốc gia.

ZIGExN VeNtura – Tăng tốc chu kỳ phát triển đa quốc gia

ZIGExN VeNtura, chi nhánh của tập đoàn ZIGExN tại Việt Nam cung cấp hơn 10 sản phẩm phần mềm dựa trên nền tảng Life Media, đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trong quy trình kiểm thử và review mã nguồn. Đội ngũ phát triển tại Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên gặp phải vấn đề về đồng bộ trong quy trình phát triển. Dẫn đến thời gian từ review đến phê duyệt kéo dài và hợp nhất mã nguồn chậm trễ.

Đại diện từ ZIGExN VeNtura, anh Tùng Mai – Unit Manager, chia sẻ rằng một thành viên ZIGExN VeNtura tại Việt Nam phải đảm nhận tới 60% công việc review, gây áp lực lớn và làm giảm tốc độ phê duyệt. Trong khi đó, nhóm kỹ sư tại Nhật Bản chậm trễ trong khâu kiểm thử chấp nhận khiến quá trình phát triển bị kéo dài hơn dự kiến.

development team - findy team plus and itviec - ZIGExN VeNtura

Anh Tùng Mai – Unit Manager tại ZIGExN VeNtura, trong phần thuyết trình về Enhance Productivity in Software Development

Nhờ ứng dụng các chỉ số DORA Metrics, ZIGExN VeNtura đã phân tích chi tiết từng giai đoạn của chu kỳ phát triển. Đội ngũ nhanh chóng triển khai các biện pháp cải tiến, bao gồm họp hàng ngày để kiểm tra trạng thái công việc, điều chỉnh quy trình giao tiếp giữa các đội nhóm. Đảm bảo rằng mỗi Pull Request được xử lý bởi các thành viên có trách nhiệm rõ ràng.

Và kết quả vượt xa mong đợi: 

  • Thời gian từ review đến phê duyệt giảm từ 18 giờ xuống 12 giờ.
  • Thời gian từ phê duyệt đến hợp nhất giảm từ 60 giờ xuống 33 giờ.
  • Công việc review được phân bổ đồng đều, giảm áp lực từ 60% xuống 23% cho reviewer chính.

Sự đồng bộ giữa đội ngũ kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam không chỉ giúp ZIGExN VeNtura tăng tốc chu kỳ phát triển mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm.

Nếu ZIGExN VeNtura tập trung vào việc đồng bộ hóa giữa các đội nhóm thì Persol Career Tech Studio lại tiếp cận năng suất từ một góc độ khác, áp dụng các công cụ giám sát để tạo ra môi trường làm việc minh bạch và không áp lực.

Persol Career Tech Studio – Giảm áp lực, tăng hiệu suất qua minh bạch hóa

Đại diện Persol Career Tech Studio, một tổ chức phát triển hệ thống cốt lõi, anh Tomoaki Shida – General Manager đã từng lo ngại khi áp dụng các công cụ giám sát hiệu suất. Theo anh Tomoaki, “Các công cụ quản lý đội ngũ có thể khiến Developer cảm thấy như họ bị giám sát”.

development team - findy team plus and itviec - Persol Career Tech Studio

Tomoaki Shida – General Manager tại Persol Career Tech Studio, trong phần thuyết trình về Productivity

Để giải quyết vấn đề này, Persol Career Tech Studio đã triển khai hệ thống phân quyền giám sát, trong đó quản lý tập trung vào các chỉ số tổng quan, còn Developer sẽ tự theo dõi và cải thiện năng suất hàng ngày. Việc tập trung vào so sánh hiệu suất qua từng giai đoạn thay vì giữa các nhóm làm giảm áp lực cạnh tranh, đồng thời khuyến khích sự tiến bộ cá nhân.

Kết quả mà đội ngũ phát triển Persol Career Tech Studio đạt được sau 3 năm sử dụng DORA Metrics là: 

  • Giảm căng thẳng trong công việc, tăng tính tự chủ của từng thành viên.
  • Minh bạch hóa quy trình, giúp đội nhóm xác định rõ các khu vực cần cải thiện.

Điều này đã giúp Persol Career Tech Studio giảm được áp lực, tạo ra văn hóa làm việc tích cực, nơi các thành viên tự chủ và chủ động hơn trong việc nâng cao năng suất.

Cùng chung quan điểm với Persol Career Tech Studio về việc minh bạch hóa là chìa khóa giảm áp lực và nâng cao tính tự chủ trong đội nhóm, Vitalify Asia đã áp dụng nguyên tắc này bằng cách tùy chỉnh và mở rộng hệ thống quản lý năng suất để phù hợp với đặc thù của các dự án AI và outsourcing.

Vitalify Asia – Minh bạch hóa để chuẩn bị cho tương lai với AI

Đến từ Vitalify Asia, anh Bình Trung – Chief Tech Architect, đã chia sẻ đáng giá về những kinh nghiệm của công ty trong việc tối ưu hóa năng suất đội ngũ kỹ sư. Vitalify Asia là công ty công nghệ Nhật Bản, đã hoạt động hơn 15 năm tại Việt Nam, chuyên phát triển các sản phẩm web, di động và AI độc quyền. Với sự phát triển nhanh chóng, công ty không chỉ gặp nhiều cơ hội mà còn đối mặt với những thử thách lớn trong việc duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ kỹ sư.

development team - findy team plus and itviec - vitalify asia

Anh Bình Trung – Chief Tech Architect tại Vitalify Asia, chia sẻ về lý do “Why Do We Apply Our Original System?” tại sự kiện

Để đáp ứng với đặc thù dự án outsourcing có chu kỳ phát triển không đồng nhất và linh hoạt yêu cầu từ khách hàng, Vitalify Asia đã chủ động xây dựng một hệ thống minh bạch hóa năng suất riêng.

Hệ thống này tập trung vào việc theo dõi và đánh giá đóng góp thực sự của từng thành viên, thay vì sử dụng các chỉ số đơn lẻ như dòng mã (LOC). Các kỹ sư tự theo dõi tiến độ công việc và cập nhật thông tin chi tiết hàng ngày, đảm bảo tính chính xác và chủ động trong quá trình làm việc. Hệ thống cũng được tùy chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu của từng dự án hoặc sản phẩm AI độc quyền, giúp cải thiện hiệu suất tổng thể.

Dù các công ty công nghệ trên đây hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau và đối mặt với các thách thức riêng biệt về đo lường hiệu suất, một nguyên tắc chung đã được rút ra: năng suất phát triển mạnh mẽ trong môi trường có hệ thống quản lý hiệu suất minh bạch và tự chủ. Khi áp dụng những nguyên tắc này, các nhà quản lý có thể thay đổi cách Developer nhìn nhận về việc giám sát và đánh giá hiệu suất, giúp họ làm việc với sự tự tin và thoải mái hơn.

Tóm lại, làm sao khi Developer không thích bị quản lý?

Để giải quyết vấn đề này, thay vì quản lý một chiều, nhà quản lý cần tạo ra một quy trình làm việc minh bạch, nơi Developer có thể thấy rõ các điểm nghẽn và đóng góp vào giải pháp. Khi hiệu suất được đo lường, công khai và minh bạch, Developer không còn cảm thấy bị giám sát mà họ sẽ thấy bản thân là một phần trong việc cải thiện quy trình.

Quy trình minh bạch giúp Developer theo dõi sự phát triển của bản thân và đội nhóm, tạo động lực và cảm giác kiểm soát công việc. Họ thấy rõ kết quả làm việc của bản thân, từ đó giảm bớt tâm lý “bị quản lý”, thay vào đó là “tự quản lý” dẫn đến cảm thấy gắn kết hơn với công việc.

Tổng kết lại, khi tạo điều kiện, không gian và động lực cho Developer tham gia vào việc đo lường và cải tiến hiệu suất, họ không còn chỉ là người thực thi mà trở thành một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công việc chung.