Nội dung chính
Triết lý về product mindset là việc: nếu bạn suy nghĩ về điều gì đó vừa đủ, bạn sẽ tìm ra giải pháp và thành công. Nếu bạn không suy nghĩ thấu đáo, bạn sẽ thất bại. Đó là lý do tại sao những lập trình viên, chuyên gia IT cần suy nghĩ sâu sắc về mọi khía cạnh của sản phẩm, và cảm nhận càng nhiều càng tốt về sản phẩm của họ. Hãy cùng ITviec tìm hiểu về Product Mindset (Tư duy sản phẩm) trong bài viết dưới đây.
Product Mindset (Tư duy sản phẩm) là gì?
1. Định nghĩa Product Mindset
Product mindset (tư duy sản phẩm) là quá trình tập trung vào việc tạo ra giá trị có ý nghĩa cho khách hàng. Để hiểu hơn về khái niệm này, trước hết, chúng ta cần hiểu định nghĩa về “sản phẩm”.
Sản phẩm là “Phương tiện mang lại giá trị. Sản phẩm có ranh giới rõ ràng; các bên liên quan đã biết; người dùng, hoặc khách hàng được xác định rõ ràng.” Sản phẩm có thể là một đối tượng vật lý, một dịch vụ, hoặc một sản phẩm trừu tượng hơn. (Nguồn @The Scrum Guide 2020)
Từ đó, product mindset (tư duy sản phẩm) có thể hiểu là: Quá trình suy luận, làm rõ thông tin về yêu cầu đối với sản phẩm, để hiểu hơn về yêu cầu của các bên liên quan, nhằm mục đích mang lại giá trị gia tăng trải nghiệm tốt hơn, đáp ứng, hoặc vượt quá nhu cầu của người dùng.
2. Các yếu tố phổ biến của product mindset
- Xác định khách hàng và các bên liên quan (stakeholders):
Các bên liên quan (stakeholders) ở đây có thể bao gồm người dùng, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, hay là các phòng ban khác trong nội bộ công ty.
Người làm sản phẩm nên có một cái nhìn kỹ lưỡng về các bên liên quan trước khi tìm hiểu nhu cầu của họ.
- Nắm bắt nhu cầu của người dùng:
Bạn có thể tìm hiểu nhu cầu của người dùng thông qua lượt truy cập, số liệu, quan sát, hay bất kỳ phương pháp nghiên cứu nào khác.
Lý tưởng nhất, người làm sản phẩm cần tìm hiểu không chỉ những gì khách hàng nói rằng họ cần, mà còn nhận biết trước được nhu cầu của khách hàng trong tương lai.
- Tập trung vào nhu cầu để thúc đẩy giải pháp:
Product Manager có trách nhiệm thu thập yêu cầu của khách hàng và phản hồi lại cho product team. Product team cần phải thể hiện được cho các bên liên quan rằng những người làm sản phẩm rất am hiểu về nhu cầu của khách hàng, người dùng, các bên liên quan, v.v.
- Nhận phản hồi liên tục từ người dùng:
Nhóm làm sản phẩm cần có một quy trình tiếp nhận yêu cầu rõ ràng và thuận tiện để có thể tiếp nhận yêu cầu và hành động kịp thời.
Bên cạnh đó, cần có quy trình thu thập phản hồi và chia sẻ tiến độ với các bên liên quan trong quá trình phát triển sản phẩm.
- Giao tiếp liên tục với các bên liên quan:
Các nhóm tham gia vào việc xây dựng sản phẩm cần chia sẻ tiến độ, bản demo, hoặc các tài nguyên khác tới các bên liên quan khi có giải pháp/phiên bản mới ra mắt.
- Cho phép dùng thử/trải nghiệm sản phẩm miễn phí:
Cho phép người dùng dùng thử giải pháp/sản phẩm của bạn miễn phí là cách để nhận được phản hồi/đánh giá về sản phẩm nhanh chóng. Đây cũng là cách vừa giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và vừa tiếp thị sản phẩm mới.
Theo bà Avani Makwana – Delivery Manager @Apexon, tư duy sản phẩm kéo theo sự thay đổi văn hoá, cần có sự đồng lòng từ trên xuống dưới trong tổ chức với sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Phân tích vấn đề từ dữ liệu thu thập được cùng với lợi ích đã được chứng minh từ việc phân tích đó, là điều cần làm trong tư duy sản phẩm.
Giờ đây, product mindset không còn là một sự lựa chọn nữa; mà đó là nhu cầu tất yếu để phát triển! Tư duy sản phẩm là cần thiết để tổ chức có thể đứng vững và phát triển lâu dài!
Cũng trong bài viết của bà Avani Makwana, dưới đây là những lợi ích chính của mô hình lấy sản phẩm làm trung tâm:
- Rút ngắn thời gian từ giai đoạn lên ý tưởng đến lúc ra mắt sản phẩm
- Thất bại sớm – Thành công lâu!
- Gia tăng nhanh chóng sự hài lòng của khách
- Đội ngũ hạnh phúc – Khách hàng hạnh phúc hơn!
- Mang lại lợi ích tài chính từ việc phân phối sản phẩm thành công
Tóm lại, tư duy sản phẩm là tư duy dài hạn, tư duy hợp tác lẫn nhau, tư duy tò mò, tư duy học hỏi không ngừng, tư duy can-do-it và tư duy định hướng kinh doanh.
Xem thêm:
Việc làm Product Manager “chất”
Việc làm Product Owner “chất”
3. Lợi ích của product mindset là gì?
Product mindset (tư duy sản phẩm) rất quan trọng vì nó cho phép công ty của bạn mang lại giá trị lớn hơn cho người dùng – và giá trị đó sẽ tiếp tục được cải thiện, đồng thời thúc đẩy năng suất và sự đổi mới.
Những lợi ích của áp dụng tư duy sản phẩm có thể kể đến như:
- Tạo liên kết chặt chẽ hơn giữa phòng IT và doanh nghiệp
- Triển khai văn hoá lấy người dùng làm trung tâm trong phòng IT
- Tăng tốc ra mắt các tính năng mới
- Nâng cao chất lượng cho các tính năng mới
- Tăng cường khả năng phát triển và ra mắt những giải pháp mang tính đổi mới
- Cải thiện sự hài lòng và mức độ tương tác của khách hàng
- Học hỏi cách vận hành với mô hình phân phối lấy sản phẩm làm trung tâm
- Dễ dàng xử lý nhu cầu từ các đối tác/các bên liên quan
- Giảm chi phí trong việc phát triển tính năng mới
- Tuân thủ các quy định và chính sách dễ dàng hơn
Vì sao vị trí IT nào cũng cần trau dồi product mindset?
Tư duy sản phẩm có nghĩa là tập trung vào kết quả (outcome) hơn đầu ra (output) (Nguồn @tcgen). Nói cách khác, tư duy sản phẩm có nghĩa là tập trung vào nhu cầu kinh doanh và giá trị kinh doanh hơn là các tính năng hoặc công nghệ đơn thuần.
Tư duy sản phẩm giúp bạn chuyển đổi các giải pháp được phát triển riêng lẻ, sang các giải pháp được phát triển đồng bộ phù hợp với bối cảnh bên trong và bên ngoài tổ chức/doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tư duy sản phẩm liên quan đến tất cả thành viên/phòng ban trong tổ chức. Tư duy sản phẩm không phải là cách tiếp cận “một lần là xong”; mà nó liên quan đến việc lên kế hoạch, hỗ trợ lẫn nhau để cải thiện sản phẩm. Quá trình làm sản phẩm sẽ trải qua nhiều lần phát hành các phiên bản/sản phẩm mới để đảm bảo rằng nhu cầu của khách hàng, người dùng và các bên liên quan, được hiện thực hóa.
Có thể bạn sẽ cần:
Việc làm Product ở TP.HCM
Việc làm Product ở Hà Nội
Việc xây dựng tư duy sản phẩm cần sự hưởng ứng từ tất cả thành viên trong tổ chức. Nguồn @storyset.com
Trong một thế giới có nhịp độ phát triển nhanh và không chắc chắn như ngày nay, việc doanh nghiệp cho rằng mình luôn hiểu rõ khách hàng chưa phải là tư duy đúng đắn.
Hãy xem điều gì xảy ra trong một nhóm chưa có product mindset. Đây là những gì họ đang nói:
- Yêu cầu là gì?
- Việc đó không nằm trong phạm vi của chúng tôi
- Việc này nằm trên lộ trình, vì vậy chúng tôi phải làm nó
- Chúng tôi đã làm chính xác những gì ticket nói
- Đi mà nói chuyện với người khác về vấn đề của bạn!
Ngược lại, với những tổ chức có tư duy sản phẩm, bạn sẽ luôn thấy họ đặt câu hỏi như sau:
- Chúng ta có thể cải thiện các chỉ số như thế nào?
- Chúng ta đang giải quyết vấn đề gì của khách hàng?
- Tại sao chúng ta làm việc này?
- Làm cách nào để chúng ta giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc…?
- Liệu chúng ta có thể thử…?
- Chúng ta có thể tăng chuyển đổi của mình bằng cách…?
- Nếu chúng ta muốn đạt được một kết quả (outcome) thì phải làm sao…?
Rõ ràng bạn có thể hình dung được kết quả (outcome) của hai cách làm trên sẽ ra sao rồi phải không?
Cách nuôi dưỡng Product Mindset
Một điều thú vị, để nuôi dưỡng được tư duy sản phẩm trong chính những người làm sản phẩm thì cần có sự ủng hộ trong nội bộ công ty. Quá trình chuyển đổi sang tư duy sản phẩm là một nỗ lực đầy thách thức về mặt văn hóa. Các quản lý cấp cao cần giữ vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi văn hóa và ủng hộ tư duy sản phẩm.
Đầu tư vào thay đổi tổ chức là cần thiết. Tuy nhiên trước khi nhận được cái gật đầu ủng hộ từ phía lãnh đạo, thì dưới đây là 06 bước mà các lập trình viên/nhân viên IT có thể thực hiện để bắt đầu quá trình này.
6 bước nuôi dưỡng tư duy sản phẩm
1. Hiểu các đối tượng liên quan và nhu cầu của họ
Các đối tượng liên quan (stakeholders) bao gồm: khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, hoặc các phòng ban khác trong công ty.
Không ít nhóm làm sản phẩm không nhận biết được một cách rõ ràng và cụ thể về các bên liên quan của họ. Nếu là một người có product mindset, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng người dùng, khách hàng, các bên liên quan là ai trước khi đi vào tìm hiểu nhu cầu của họ và các giải pháp sẽ đáp ứng những nhu cầu đó.
2. Xác định và khám phá nhu cầu từ các bên liên quan và đặc biệt là nhóm khách hàng cốt lõi của bạn
Bạn cần tiếp cận gần gũi với tất cả các bên liên quan và đặc biệt là các nhóm khách hàng cốt lõi của mình. Cụ thể hơn, bạn có thể thăm viếng khách hàng, phỏng vấn, hoặc sử dụng bất kỳ phương pháp nghiên cứu nào bạn có. Mục đích là cho phép bạn không chỉ hiểu những gì khách hàng nói rằng họ cần gì, mà còn biết cách làm sao để không ngừng cải thiện được các nhu cầu đó.
3. Phân công nhiệm vụ rõ ràng
Các thành viên trong nhóm cần được giao trách nhiệm rõ ràng và phù hợp với tư duy sản phẩm.
Product Manager có trách nhiệm sàng lọc nhu cầu của khách hàng để cung cấp cho thành viên trong nhóm. Không chỉ vậy, Product Manager cần phải cập nhật thường xuyên về chiến lược, cũng như đo lường và báo cáo về các số liệu kinh doanh của sản phẩm. Mặc dù vị trí IT nào cũng cần tiếp xúc với khách hàng và hiểu nhu cầu của họ, tuy nhiên, điều cần thiết là phải có Product Manager để đại diện cho nhóm làm sản phẩm và bảo vệ quan điểm của họ.
Các thành viên trong nhóm phải đánh giá xem sản phẩm có đang mang lại kết quả kinh doanh mong muốn hay không, từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho đến khi phát hành các phiên bản mới. Phân định rõ ràng công việc là điều cần thiết trong cả ngắn hạn và dài hạn.
4. Có quy trình tiếp nhận yêu cầu rõ ràng, minh bạch
Một quy trình tiếp nhận yêu cầu một cách rõ ràng, minh bạch sẽ giúp Product Manager tiếp nhận các yêu cầu mới dễ dàng để truyền đạt lại cho product team và hành động theo các yêu cầu đó.
Quá trình tiếp nhận yêu cầu hoạt động như một đường dẫn để xử lý và ưu tiên phản hồi cho các bên liên quan. Nếu thông tin phản hồi xuất hiện riêng lẻ đâu đó trong suốt quá trình phát triển, kết quả có thể dẫn đến sự thiếu mạch lạc và thiếu định hướng khi phát triển sản phẩm. Một quy trình tiếp nhận bài bản, được dẫn dắt bởi một Product Manager có khả năng tiếp thị và kỹ thuật chính là “nước sốt” đặc biệt để tạo ra sự khác biệt trong việc tạo ra các giải pháp mà khách hàng yêu thích.
5. Có quy trình thu thập phản hồi và chia sẻ tiến độ với các bên liên quan trong quá trình phát triển sản phẩm
Việc nuôi dưỡng tư duy sản phẩm ngụ ý các bên liên quan cần liên hệ liên tục với nhau. Không phải đơn thuần chỉ là thu thập phản hồi của khách hàng rồi biến mất để phát triển sản phẩm của bạn, mà bạn cần một chu kỳ liên tục để chia sẻ các bản demo, phiên bản, hoặc các sản phẩm khác với các bên liên quan khi quá trình phát triển giải pháp mới bắt đầu diễn ra.
Lý tưởng nhất là quy trình phát triển sản phẩm của bạn cho phép bạn nhận được phản hồi lặp đi lặp lại trong suốt chu kỳ phát triển.
6. Tránh sa lầy vào tư duy dự án
Có một sự khác biệt lớn giữa cách tiếp cận thất bại của tư duy dự án (project mindset) và tư duy sản phẩm (product mindset). Tư duy dự án cố gắng không thất bại, trong khi tư duy sản phẩm là tìm cách nhanh chóng thất bại, học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục cải tiến.
Khi nói đến việc xây dựng một sản phẩm “đúng” với “đúng cách” (build the “right” product “right”), các nhóm phát triển lấy sản phẩm làm trung tâm cho rằng: định nghĩa về “đúng” sẽ thay đổi theo thời gian. Bởi vì, công việc kinh doanh, khách hàng và thị trường luôn phát triển. Tư duy sản phẩm là xây dựng thứ phù hợp cho ngày hôm nay, với sự linh hoạt để thích ứng với các nhu cầu luôn đổi mới.
Ngược lại, tư duy dự án cố gắng đưa ra các chức năng/lợi ích vào cùng một đợt phát hành đã định sẵn, với một ngân sách và thời gian phát triển đã định sẵn, điều này sẽ mang lại rủi ro. Mỗi yếu tố trong lần phát hành duy nhất đó đều mang đến nguy cơ làm tăng sự thất bại cho toàn bộ sản phẩm vì dự án hoàn toàn tập trung vào quản lý đầu việc để release yêu cầu đã định sẵn, không đặt yếu tố giá trị của đầu ra làm trọng tâm. Đừng để bạn rơi vào lối tư duy theo dự án đó.
Hãy phát triển sản phẩm hướng đến nhiều chu kỳ, lặp đi lặp lại, hướng dẫn và phản hồi liên tục. Cách tiếp cận theo tư duy sản phẩm không chỉ làm tăng nhịp phát hành và tốc độ tổng thể của nhóm, mà còn cho phép thử nghiệm ở giai đoạn sớm hơn, ít tốn kém hơn.
Tham khảo: Product Manager và Project Manager khác nhau ra sao?
Bí quyết xây dựng quy trình tiếp nhận yêu cầu hiệu quả
Chúng tôi nhận thấy rằng, việc có một quy trình tiếp nhận yêu cầu của khách hàng được xác định rõ ràng là một cơ hội mà nhiều tổ chức đang bỏ lỡ khi đề cập đến việc thúc đẩy tư duy về sản phẩm trong toàn công ty. Nhiều công ty cẩn thận thu thập các yêu cầu của các bên liên quan nhưng không có một kênh duy nhất để truyền đạt phản hồi này tới nhóm và các bên nội bộ khác.
Việc xây dựng quy trình tiếp nhận yêu cầu đòi hỏi một vị trí quản lý cấp cao quản lý nó. Thông thường là Tổng Giám đốc hoặc một người nào đó cấp cao hơn Giám đốc Sản phẩm. Mặc dù Product Manager đại diện cho quan điểm của product team, quy trình tiếp nhận yêu cầu cùng với thông tin đầu vào của quản lý cấp cao, sẽ tạo thành một luồng công việc đồng nhất giữa các nhóm dự án. Nó giúp các nhóm không bị choáng ngợp bởi quá nhiều phản hồi và giữ cho các ưu tiên của nhóm luôn phù hợp và đi đúng tầm nhìn của công ty.
Product Mindset trong quản lý danh mục sản phẩm
Quản lý danh mục sản phẩm là nhiệm vụ cần thiết để nuôi dưỡng Product Mindset, vì nó bao gồm toàn bộ giải pháp mà công ty bạn cung cấp cho các bên liên quan. Bất kỳ giải pháp mới nào cũng không thể tách rời khỏi bối cảnh này. Danh mục sản phẩm của bạn hình thành bối cảnh mà bạn đang cung cấp các giải pháp mới và công nghệ mới.
Quản lý danh mục sản phẩm trả lời những câu hỏi sau:
- Chương trình nào xứng đáng được đầu tư nhiều nhất?
- Nên phân bổ ngân sách R&D và Marketing như thế nào?
- Product-mix nên là gì?
- Nên cải tiến gia tăng cho các sản phẩm cốt lõi nào?
- Thị trường liền kề (Adjacent Market) nào nên tham gia?
- Sản phẩm mới nào sắp ra mắt?
- Có nên dịch chuyển sang các thị trường đang phát triển nhanh hơn không?
- Làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt thị phần lớn hơn?
Mặc dù danh mục sản phẩm giúp bạn quản lý một rổ thị trường gồm các hoạt động phát triển sản phẩm mới tiềm năng, nhưng chúng cũng giúp bạn hiểu được cách một sản phẩm riêng lẻ phù hợp với chiến lược tổng thể. Chúng cho phép bạn hiểu các sản phẩm trong mối quan hệ với nhau và hiểu chúng về mặt rủi ro/lợi nhuận và đây là lúc chúng có giá trị lớn trong việc thúc đẩy tư duy sản phẩm. Product mindset có nghĩa là bạn không đầu tư vào một sản phẩm riêng lẻ. Do đó, chế độ xem danh mục sản phẩm giúp bạn tận dụng nền tảng sản phẩm của mình để xác định giải pháp tốt nhất cho các bên liên quan.
Tổng kết
Với product mindset, một người làm IT không bao giờ nói, “đây là cách chúng tôi làm việc”. Thay vào đó, bạn nên khuyến khích thành viên trong tổ chức tập trung vào việc đặt câu hỏi về các giả định, hỏi “tại sao” (ít nhất năm lần); tìm hiểu tất cả các bên liên quan và nhu cầu của họ ở mức độ sâu sắc. Tư duy sản phẩm không chỉ dành cho người quản lý sản phẩm hoặc nhóm phát triển. Một tư duy sản phẩm là một sự thay đổi văn hóa. Và điều đó có nghĩa là tư duy sản phẩm dành cho tất cả mọi người.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!