Nội dung chính
- Oracle Database là gì?
- Oracle Database hoạt động như thế nào?
- Các tính năng chính của Oracle Database
- Các công cụ cơ bản của Oracle Database
- Các phiên bản Oracle Database lập trình viên nên tìm hiểu
- Ưu điểm & hạn chế của Oracle Database
- So sánh Oracle Database, MySQL, PostgreSQL, SQL Server
- Những câu hỏi thường gặp về Oracle Database
- Tổng kết Oracle database
Oracle Database là một trong những hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hàng đầu trên thị trường. Kỹ năng sử dụng Oracle Database là yêu cầu chuyên môn thường gặp đối với nhiều vị trí IT. Trong bài viết này, hãy cùng ITviec khám phá thông tin chi tiết về Oracle Database là gì, cùng những tính năng và ứng dụng của Oracle Database mà các lập trình viên nên nắm vững để gia tăng cơ hội việc làm cho chính mình.
Đọc bài viết này để hiểu rõ:
- Cách hoạt động của Oracle Database
- Các tính năng và công cụ của Oracle Database
- Các phiên bản Oracle Database lập trình viên nên biết
- Oracle Database có ưu/ nhược điểm gì? Có gì khác so với các hệ thống MySQL, PostgreSQL, SQL Server?
Oracle Database là gì?
Oracle Database là một trong những hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS – Relational Database Management System) hàng đầu trên thị trường. Theo xếp hạng của DB-Engines, Oracle Database đứng đầu trong số 380 hệ thống cơ sở dữ liệu phổ biến nhất, ngay sau đó là MySQL và Microsoft SQL Server.
Oracle Database là sản phẩm độc quyền của Oracle – nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ đa dạng hàng đầu thế giới. Phiên bản Oracle Database đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1979. Hiện tại, phiên bản dài hạn Oracle Database 19c và phiên bản phát triển Oracle Database 21c là 2 phiên bản phổ biến, có sẵn cho người dùng cài đặt và vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi Oracle.
Oracle Database được sử dụng phổ biến nhờ cách tổ chức và trình bày dữ liệu một cách trực quan và hiệu quả. Ngoài ra, các công ty có thể sử dụng Oracle Database trong môi trường trên nền tảng cục bộ (on-premise) hoặc điện toán đám mây (cloud computing).
Bạn có thể tham khảo loạt bài về Oracle sau:
Oracle Database hoạt động như thế nào?
- Ngôn ngữ: Oracle Database sử dụng ngôn ngữ lập trình chuẩn SQL (Structured Query Language) để tạo cấu trúc cơ sở dữ liệu (CSDL), quản lý bản ghi, thực hiện các hành động, hoặc truy xuất dữ liệu chứa trong CSDL, cũng giống như hầu hết các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ khác. Ngoài ra, ngôn ngữ lập trình riêng của Oracle là PL/SQL – phiên bản mở rộng của SQL có thêm nhiều tính năng.
- Cách cấu trúc các cơ sở dữ liệu: Oracle Database sử dụng bảng dòng và cột, trong đó các điểm dữ liệu được liên kết qua các thuộc tính. Điều này làm cho việc truy cập dữ liệu qua dạng bảng trở nên hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Mỗi cơ sở dữ liệu Oracle Database bao gồm một hệ thống chứa các tệp dữ liệu, một hoặc nhiều hệ thống để quản lý dữ liệu, một hoặc nhiều listener để thu dữ liệu từ nguồn và gửi về máy chủ. Sau đó, dữ liệu được lưu dưới dạng logic và vật lý:
- Lưu trữ vật lý: Các tệp dữ liệu, các tệp điều khiển (chứa thông tin về tệp), và các tệp log (để ghi lại các thay đổi).
- Lưu trữ logic: Các khối dữ liệu và bảng, các khoá (để nhóm các khối dữ liệu logic), các bảng nhỏ theo trường dữ liệu (để dễ dàng truy xuất) và các tệp chứa bảng (cho các nhóm người dùng khác nhau).
Cấu trúc rõ ràng của cơ sở dữ liệu Oracle đảm bảo rằng dữ liệu được quản lý một cách đáng tin cậy với các biện pháp bảo mật tối đa nhờ vào mã hóa dữ liệu và mạng, xác thực nghiêm ngặt, phân quyền và phân tích phân quyền chi tiết. Ngoài ra, Oracle Database cũng hỗ trợ Java và truy xuất lập trình Java với PL/SQL.
Các tính năng chính của Oracle Database
Quản lý
Oracle Database cung cấp các công cụ mạnh mẽ để quản lý dữ liệu, bao gồm lưu trữ, chỉnh sửa, truy xuất và phân quyền. Phần mềm cũng hỗ trợ các loại dữ liệu khác nhau, bao gồm dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, đồng thời cung cấp các công cụ để quản lý lượng dữ liệu lớn.
Tối ưu hiệu suất
Oracle Database bao gồm các kỹ thuật hỗ trợ gia tăng hiệu suất và xử lý dữ liệu nhanh chóng như: Thuật toán tối ưu truy vấn, tạo chỉ mục, phân vùng bảng và xử lý song song.
Khả năng mở rộng
Oracle Database có thể xử lý các khối lượng dữ liệu lớn và mở rộng khi nhu cầu sử dụng của người dùng phát triển. Phần mềm hỗ trợ mở rộng theo chiều ngang (thêm máy tính vào mạng) và theo chiều dọc (thêm công suất vào máy tính hiện có).
Bảo mật
Oracle Database cung cấp các tính năng bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu của người dùng khỏi bị truy cập trái phép và các mối đe dọa số khác. Các tính năng này bao gồm mã hóa dữ liệu, xác thực người dùng, kiểm soát truy cập và dễ dàng truy nguồn.
Duy trì hoạt động ổn định
Oracle Database cung cấp các tính năng để đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu luôn có thể truy cập và vận hành ổn định bao gồm: sao lưu trên nhiều máy và phục hồi dữ liệu khi cần, khả năng chuyển đổi hệ thống khi gặp sự cố.
Tích hợp
Oracle Database có thể tích hợp với các sản phẩm Oracle khác và các ứng dụng của bên thứ ba, cung cấp một giải pháp quản lý dữ liệu toàn diện mạnh mẽ và thống nhất.
Các công cụ cơ bản của Oracle Database
SQL*Plus
Phần mềm editor dành cho việc quản lý cơ sở dữ liệu, cho phép nhập lệnh, truy vấn dữ liệu và thực hiện thay đổi hoặc xóa các tập tin trong cơ sở dữ liệu.
Oracle SQL Developer
Phần mềm Java miễn phí có giao diện đồ họa giúp tạo hoặc chỉnh sửa code, quản lý SQL scripts, phân tích dữ liệu, tạo hoặc sửa lỗi các procedure (Procedure – thủ tục trong SQL là một tập hợp các câu lệnh SQL được gán tên và lưu trữ trong hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ, giúp giảm thời gian thực thi bằng cách cho phép gọi lại lệnh nhiều lần, đồng thời không bị ràng buộc với bất kì ứng dụng cụ thể nào).
Oracle Data Modeler
Phần mềm miễn phí để thiết kế cơ sở dữ liệu, bao gồm các công cụ thiết kế các mô hình quan hệ, tạo các khóa ngoại và khoá chính. Phần mềm giúp trực quan hoá các quan hệ phức tạp trong bộ dữ liệu, tương tác bằng kéo và thả dễ dàng, tương thích với Oracle SQL Developer để xuất dữ liệu.
Oracle Enterprise Manager Database Control
Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trên web cung cấp giao diện người dùng.
Oracle Enterprise Manager Grid Control
Phần mềm quản lý môi trường và hệ thống trên web, với giao diện người dùng có thể được sử dụng để quản lý nhiều cơ sở dữ liệu, các cụm máy chủ, cũng như các hệ thống dự phòng.
Oracle JDeveloper
Phần mềm phát triển sản phẩm tích hợp Oracle và Java giúp phát triển các ứng dụng cơ sở dữ liệu.
Các phiên bản Oracle Database lập trình viên nên tìm hiểu
- Oracle Database Standard Edition: Phiên bản này cung cấp các tính năng cơ bản để quản lý dữ liệu dành cho doanh nghiệp SMEs vừa và nhỏ. Oracle Database Standard Edition sở hữu các tính năng quản lý dữ liệu, cùng tính sẵn có và khả năng bảo mật cao.
- Oracle Database Enterprise Edition: Phiên bản này cung cấp các tính năng tiên tiến để quản lý dữ liệu trong các doanh nghiệp lớn. Oracle Database Enterprise Edition bao gồm tất cả các tính năng của phiên bản Standard Edition, cộng thêm các tính năng bổ sung dành cho việc tối ưu hóa hiệu suất, cùng khả năng mở rộng, quản lý dữ liệu (data warehousing) và phân tích.
- Oracle Database Express Edition (XE): Đây là một phiên bản miễn phí của Oracle Database dành cho mục đích học và luyện tập phát triển phần mềm. Oracle Database Express Edition có những hạn chế về chức năng và dung lượng lưu trữ.
- Oracle Database Personal Edition: Phiên bản này được thiết kế cho môi trường sử dụng đơn người dùng. Oracle Database Personal Edition bao gồm tất cả các tính năng của phiên bản Enterprise Edition nhưng được cấp phép cho duy nhất 1 người sử dụng.
Ưu điểm & hạn chế của Oracle Database
Ưu điểm và hạn chế của Oracle Database phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu sử dụng của người dùng cũng như chi phí, năng lực kỹ thuật và kỹ năng lập trình.
Ưu điểm của Oracle Database
- Tính tương thích cao với tất cả các nền tảng và ứng dụng
- Oracle Database là mô hình Database-as-a-Service tùy chọn, cho phép các cơ sở dữ liệu quan hệ được lưu trữ và quản lý trong Oracle Cloud, giúp đảm bảo sử dụng tối ưu CPU, phần cứng và dung lượng lưu trữ, cũng như việc outsourcing các nhiệm vụ quản lý cơ sở dữ liệu quản trị.
- Được hỗ trợ bởi tất cả các nhà cung cấp phần mềm và phần cứng lớn trên thế giới
- Cung cấp các phiên bản khác nhau đa dạng, từ miễn phí cho nhu cầu cá nhân đến trả phí cho nhu cầu doanh nghiệp
- Cộng đồng Oracle khá lớn và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau
- Cung cấp các tính năng bảo mật và quyền riêng tư mạnh mẽ (Ví dụ: tính năng xác thực và phê duyệt quyền truy cập, tính năng mã hóa dữ liệu và mạng,…)
Hạn chế của Oracle Database
- Kiến thức SQL và kinh nghiệm quản lý cơ sở dữ liệu là điều kiện tiên quyết để lập trình viên có thể sử dụng phiên bản trên máy chủ cục bộ của Oracle
- Giấy phép Oracle có chi phí khá đắt đỏ (phiên bản Standard Edition yêu cầu chi phí khoảng 17.000 USD, phiên bản Enterprise Edition yêu cầu chi phí khoảng 40.000 USD)
- Oracle Database có yêu cầu về tiêu chuẩn phần cứng cao cho phiên bản trên máy chủ cục bộ vận hành tại chỗ (on-premise)
So sánh Oracle Database, MySQL, PostgreSQL, SQL Server
Điểm so sánh | Oracle Database | PostgreSQL | MySQL | SQL Server |
Thời điểm ra mắt |
1980 | 1986 | 1995 |
1989 |
Chi phí |
Có cả phiên bản miễn phí và trả phí | Cung cấp phiên bản miễn phí có mã nguồn mở | Có cả phiên bản miễn phí có mã nguồn mở và phiên bản giấy phép công cộng | Có cả phiên bản miễn phí và trả phí |
Khả năng mở rộng | Mở rộng cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
Phù hợp triển khai cho doanh nghiệp có quy mô rất lớn và tập đoàn. |
Mở rộng chiều dọc. Phù hợp cho các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn. | Mở rộng chiều dọc phức tạp. Phù hợp cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. |
Chủ yếu là mở rộng chiều dọc, thường được sử dụng trong các lĩnh vực cần cập nhật dữ liệu lớn như ngân hàng, viễn thông, chứng khoán, bán lẻ,… |
Ngôn ngữ lập trình hỗ trợ |
C, C#, C++, Objective C, Java, Ruby, Python, COBOL, .NET, Visual Basic | PHP, Java, Ruby, Visual Basic, .NET, Python | C, C#, C++, Objective C, D, Ruby, Java | C, C++, Java, Python, PHP, và R |
Hỗ trợ hệ điều hành |
|
|
|
|
Hỗ trợ XML |
Có | Có | Không | Có |
Cơ sở khóa | Cơ sở khóa bảng và cơ sở khóa hàng. | Cơ sở khóa bảng và cơ sở khóa hàng. | Chỉ có cơ sở khóa bảng. |
Cơ sở khóa giao dịch và cơ sở khóa hàng. |
Phân chia dữ liệu/ Data Partitioning |
Có | Có | Không | Không |
Loại dữ liệu hỗ trợ | Có cấu trúc
Bán cấu trúc Phi cấu trúc |
Có cấu trúc
Bán cấu trúc Phi cấu trúc |
Có cấu trúc
Bán cấu trúc |
Có cấu trúc Bán cấu trúc Phi cấu trúc |
UPSERT Logic |
Có | Không | Có | Không |
Giá trị rỗng
Null Value |
Không | Có | Có |
Có |
Ký tự |
Hỗ trợ bốn ký tự khác nhau là CHAR, VARCHAR2, NCHAR và NVARCHAR2. | Hỗ trợ ba ký tự là CHAR, VARCHAR, và TEXT. | Hỗ trợ hai ký tự là CHAR và VARCHAR. | Hỗ trợ hai ký tự là CHAR và VARCHAR. |
Cơ chế sao lưu | Cung cấp nhiều cơ chế sao lưu như sao lưu, sao lưu nóng, nhập, xuất, v.v. | Cung cấp ba cơ chế sao lưu chính là kết xuất SQL, sao lưu cấp hệ thống tập tin, lưu trữ liên tục. | Cung cấp hai cơ chế sao lưu là mysqlhotcopy và mysqldump. |
Cung cấp năm cơ chế sao lưu: sao lưu đầy đủ, sao lưu khác biệt, log giao dịch, log đuôi và chỉ sao lưu bản sao chép. |
Bảo mật |
Yêu cầu tên người dùng, mật khẩu và xác thực hồ sơ để truy cập cơ sở dữ liệu. | Cung cấp các tính năng bảo mật ở cấp độ mạng, bảo mật cấp độ truyền tải, và bảo mật cấp cơ sở dữ liệu. | Yêu cầu tên người dùng, mật khẩu và máy chủ để truy cập cơ sở dữ liệu. | Cung cấp các tính năng bảo mật theo đối tượng được phân cấp bao gồm máy chủ (server), cơ sở dữ liệu, dữ liệu và cá nhân sử dụng dữ liệu. |
Phân loại hệ thống | Hoạt động với cả hệ thống tĩnh và động. | Hoạt động với cả hệ thống tĩnh và động. | Chỉ hoạt động với hệ thống tĩnh. |
Hoạt động với cả hệ thống tĩnh và động. |
Lập trình viên nên chọn dùng cơ sở dữ liệu nào?
Lập trình viên nên chọn hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu phù hợp với yêu cầu cụ thể của dự án, dựa trên những ưu điểm và nhược điểm của từng loại cơ sở dữ liệu như sau:
|
Oracle Database | PostgreSQL | MySQL |
SQL Server |
Ưu điểm |
|
|
|
|
Nhược điểm | Chi phí cao, cả về yêu cầu phần cứng lẫn phí cấp phép | Hiệu suất có thể thấp hơn khi xử lý các bộ dữ liệu lớn |
|
|
Những câu hỏi thường gặp về Oracle Database
Oracle Database thuộc loại cơ sở dữ liệu nào?
Oracle Database là một Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS), xử lý dữ liệu dạng bảng, các bảng được ghi vào cơ sở dữ liệu sau đó lưu trữ và truy xuất để các ứng dụng khác sử dụng.
Oracle Database lưu trữ dữ liệu thế nào?
Ở cấp độ hệ điều hành, Oracle Database lưu trữ dữ liệu trong các cấu trúc được gọi là tệp dữ liệu. Mọi cơ sở dữ liệu Oracle Database, dù là CDB (Container Database) hay PDB (Pluggable Database) , đều phải có ít nhất một tệp dữ liệu.
Những vị trí IT nào cần kiến thức và kỹ năng sử dụng Oracle Database
Có rất nhiều vị trí IT tiềm năng yêu cầu lập trình viên thông thạo kiến thức và kỹ năng sử dụng Oracle Database như: Database Administration, Database Engineer, Database Developer, System and Database Admin, Database Management System Operation And Management, Data Analyst, Financial Analyst…
Oracle Database đang được ứng dụng trong những ngành nào?
Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu Oracle Database được đông đảo các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đa dạng ứng dụng, phổ biến nhất có thể kể tới các doanh nghiệp trong ngành tài chính – ngân hàng và các doanh nghiệp thương mại như: Mcredit – Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, Ngân Hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng VPBank, ACS Trading Vietnam (AEON),…
Oracle Database 19c là gì?
Oracle Database 19c là bản hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu Oracle được hỗ trợ lâu dài, phát triển tiếp từ dòng sản phẩm Oracle Database 12c, sở hữu kiến trúc đa tổ chức, đa khách hàng, cùng tính sẵn có và khả năng bảo mật cao dành cho doanh nghiệp.
Tổng kết Oracle database
Trong bài viết này, ITviec đã cùng bạn đọc khám phá tổng quan về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thông dụng Oracle Database, từ nguồn gốc, tính năng chính, công cụ cơ bản, các phiên bản phổ biến cho đến ưu và nhược điểm của phần mềm, đồng thời đưa ra so sánh với các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu khác như MySQL, PostgreSQL và SQL Server.
Oracle Database đã chứng tỏ vai trò quan trọng không thể phủ nhận đối với ngành công nghiệp IT ngày nay. Sở hữu những kiến thức trên, các lập trình viên sẽ tự tin hơn khi tham gia vào các dự án sử dụng Oracle Database, tận dụng hết khả năng của hệ thống này trong việc xây dựng những ứng dụng hiệu quả và bền vững.