Có đến 80% CV không hiểu những gì nhà tuyển dụng cần, theo một khảo sát các công ty đăng tuyển tại ITviec, nhất là phần kinh nghiệm & trình bày dự án chưa thuyết phục. Mẫu CV chuẩn cách viết mô tả Project này sẽ giúp bạn nằm trong top 20% CV chinh phục được nhà tuyển dụng với cách trình bày dự án ngắn gọn, đầy đủ mà lại hiệu quả!

Xem video “Hướng dẫn trình bày Dự án/ Projects trong CV IT” tại đây:

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ:

  • Nhà tuyển dụng thật sự tìm kiếm thông tin gì trong phần Dự án/ Projects của CV?
  • Mẫu CV chuẩn cách trình bày Dự án/ Projects trong CV IT
  • Hai công thức viết mô tả Dự án/ Projects được đảm bảo (và danh sách 50 động từ nên thêm vào CV)
  • Ba sai lầm lớn nhất tuyệt đối đừng phạm phải khi viết Dự án/ Projects trong CV

Vì sao nên trình bày Dự án trong CV & Nên chọn Dự án như thế nào?

Mục đích lớn nhất của phần Dự án/ Projects trong CV là để Trình bày các kỹ năng của bản thân. Ngoài ra, trình bày Dự án hiệu quả còn giúp nhà tuyển dụng biết được mức độ thấu hiểu của bạn về dự án, từ đó giúp bạn thể hiện tư duy bao quát hơn.

Việc trình bày các kỹ năng tốt trong Project sẽ mang lại lợi ích:

  • Một, Nhà tuyển dụng có thể thấy bạn sở hữu những kỹ năng phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển dụng.
  • Hai, Là nơi để bạn “khoe” rằng những kỹ năng này bạn thuần thục đến mức có thể áp dụng vào dự án thực tế và mang lại những thành tựu nhất định.

Ghi nhớ mục đích này sẽ giúp bạn hiểu hơn về việc nên chọn dự án nào, viết mô tả dự án như thế nào, không nên viết thế nào trong CV.

PRO TIP:

  • Chỉ chọn những dự án cho phép nhà tuyển dụng xem cách bạn có thể áp dụng những kỹ năng bạn đã sử dụng trong các dự án trước sang vị trí mà họ đang tuyển dụng như thế nào.
  • Ưu tiên chọn những dự án mà bạn đã đạt thành tích/kết quả nổi bật HOẶC áp dụng những công nghệ mới phù hợp với công việc bạn ứng tuyển.
  • Bạn nên liệt kê các dự án phù hợp nhất trước tiên và loại bỏ những dự án không liên quan.

Mẫu CV chuẩn cách trình bày Project trong CV IT

mẫu cv chuẩn - cách trình bày dự án projects

Mẫu CV chuẩn Cách trình bày Projects trong CV IT

Ở dòng đầu tiên, bạn nêu tên dự án, giống như cách liệt kê tên công ty thông thường. Nếu các dự án mà bạn tham gia không có tên, bạn có thể tự tạo một tiêu đề dùng để mô tả dự án. Sau đó, bạn có thể mở ngoặc thêm thời gian thực hiện dự án.

Ở dòng tiếp theo, nêu ra vai trò cụ thể của bạn trong dự án được nêu. Một lưu ý là đối với phần trình bày dự án thì bạn nên sử dụng vai trò thực tế trong dự án của bạn, không phải vai trò trong công ty thông thường của bạn. Việc làm rõ vai trò trong dự án sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định các kỹ năng của bạn theo vai trò trong dự án.

Ở dòng tiếp theo, bạn nên sử dụng các gạch đầu dòng để làm nổi bật các kỹ năng mà bạn đã sử dụng trong dự án. Phần sau của video này sẽ giúp bạn hiểu rõ làm thế nào để viết những câu mô tả đóng góp hấp dẫn và đầy đủ để làm nổi bật các kỹ năng của bạn, bao gồm cách viết các từ khóa có liên quan và sử dụng các con số để chứng minh khả năng đóng góp của bạn đối với dự án.

Ở dòng cuối cùng, bạn nên thêm một đường link dẫn đến dự án đã triển khai, hoặc tài khoản Github, hoặc portfolio online. Việc dẫn link vừa làm giúp nhà tuyển dụng hiểu dự án của bạn hơn, vừa giúp tạo độ uy tín cho CV.

Ngoài ra, những thông tin khác như dự án thuộc công ty hoặc tổ chức nào, dự định tương lai của dự án, v.v. đều không bắt buộc phải thêm vào. Bạn có thể cân nhắc thêm vào nếu những thông tin này giúp làm nổi bật kỹ năng và sự đóng góp của bạn.

Hai công thức viết mô tả Dự án “trúng” tâm lý nhà tuyển dụng

Công thức thứ nhất

Công thức CAR/ PAR đại diện cho:

  • Circumstances/ Problems – Vấn đề
  • Actions – Hành động
  • Results – Kết quả

Sử dụng công thức viết câu này giúp cho bạn trình bày nội dung dự án đầy đủ thông tin, làm nổi bật kỹ năng bản thân.

Ví dụ: Bạn là Product Owner của trang Cuộc thi viết Writing Contest năm 2023 trên ITviec, và trong phần trình bày Dự án:

  • Thay vì viết: “Phát triển quy trình gửi bài dễ dàng cho người tham gia”
  • Hãy viết: “Phát triển quy trình gửi bài thi viết mới giúp tăng số lượng bài viết lên 170% với trải nghiệm mới trong vòng 2 tháng”

Trong ví dụ này, bạn đã hàm ý rằng quy trình gửi bài dự thi viết cũ khó khăn đã khiến nhiều người dự thi không hoàn thành việc tham dự cuộc thi viết (vấn đề). Từ đó, bạn phát triển một quy trình nộp bài mới (hành động), dẫn đến việc tăng số lượng người tham dự thành công (kết quả).

Thay vì sử dụng những tính từ chủ quan như “dễ dàng”, bạn đã có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy vai trò và kỹ năng của bản thân trong dự án bằng kết quả và hành động.

Công thức thứ hai

Việc những con số có ý nghĩa vào trong câu là công thức chắc thắng được Laszlo Bock, người từng xem qua hơn 20,000 CV trong suốt sự nghiệp của mình và đứng sau toàn bộ quy trình tuyển dụng của Google, đảm bảo với bạn.

Ông tóm lại bằng công thức viết câu như sau:

Đã hoàn thành [X] được đo bằng [Y] bằng cách thực hiện [Z]

Cụ thể hơn:

  • X: Bắt đầu với một động từ đại diện cho kết quả đạt được (ví dụ: Tăng, Giảm, Hoàn thành, Mang lại,…)
  • Y: Đưa ra số liệu, kết quả đo lường mà bạn đạt được so với con số chuẩn mực của thang đo
  • Z: Mô tả bằng cách nào để bạn đạt được mục tiêu

Ví dụ:

Dành cho dự án phát triển ứng dụng:

  • Thay vì viết: “Phát triển dự án ứng dụng game ABC trên Android dành cho nhiều người chơi.”
  • Hãy viết: “Đạt được 4000 lượt tải ứng dụng trên Google Play Store khi phát triển và launch ứng dụng ABC”.

Dành cho Dự án đề xuất và quản lý hệ thống cloud:

  • Thay vì viết: “I managed cloud systems”
  • Hãy viết: “Achieved 100% reliability and high scalability file retrieval by integrating local server and AWS cloud services”.

Ba yếu tố kể trên có thể được sắp xếp sao cho phù hợp, miễn là đầy đủ tất cả các ý và phải bắt đầu bằng một động từ.

Và để giúp mọi người viết CV hấp dẫn nhà tuyển dụng hơn, sau đây là 50 động từ thường được sử dụng trong các mẫu CV chuẩn dành cho chuyên gia IT mà bạn có thể tối ưu cho CV của mình, bao gồm 25 từ tiếng Anh và 25 từ tiếng Việt.

Tiếng Anh Tiếng Việt
  1. Achieve
  2. Amplify
  3. Accelerate
  4. Accomplish
  5. Analyze
  6. Advance
  7. Automate
  8. Construct
  9. Coordinate
  10. Consolidate
  11. Decrease
  12. Deliver
  13. Develope
  14. Deploy
  15. Execute
  16. Endeavor
  17. Establish
  18. Expand
  19. Exceed
  20. Found
  21. Launch
  22. Outperform
  23. Pioneer
  24. Streamline
  25. Upgrade
  1. Tăng
  2. Giảm bớt
  3. Duy trì
  4. Đạt được
  5. Hoàn thành
  6. Nâng cao
  7. Tự động hóa
  8. Mở rộng
  9. Vượt qua
  10. Nâng cấp
  11. Vượt trội hơn
  12. Sản xuất
  13. Tăng cường
  14. Xây dựng/ Phát triển
  15. Thiết kế
  16. Hợp nhất
  17. Bàn giao
  18. Triển khai
  19. Sửa đổi
  20. Giải quyết
  21. Điều phối
  22. Thành lập
  23. Nỗ lực
  24. Mang đến
  25. Khuếch đại

3 lỗi cần tránh khi trình bày dự án trong CV IT

Lỗi #1: Chọn những dự án mà bạn có ít hoặc không có tác động

Việc chọn những dự án mà bạn có ít hoặc không có tác động gì là vô nghĩa đối với nhà tuyển dụng vì họ biết rằng thành tích mà dự án đạt được không phải của bạn nên bạn khó có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có những kỹ năng mà họ cần.

Nếu bạn nhớ đến mục đích chính của việc có phần Dự án trong CV là gì thì bạn sẽ dễ dàng chọn lựa hơn.

Luôn nhớ rằng, nhà tuyển dụng đọc CV của bạn để tìm kiếm kỹ năng mà họ cần cho vị trí đang tuyển, công sức mà bạn bỏ ra cho dự án sử dụng những kỹ năng đó.

Bạn chỉ cần dự án bạn chọn có thể thể hiện được kỹ năng “đánh trúng” vào nhu cầu của nhà tuyển dụng, CV của bạn sẽ chiến thắng những ứng viên khác.

Đương nhiên, nếu dự án bạn tham gia đạt được kết quả vượt mong đợi thì quá tốt, nếu không, bạn hãy chỉ nên tập trung vào việc mô tả khả năng tối ưu kỹ năng của bản thân cho dự án này.

Lỗi #2: Không bao gồm các số liệu có ý nghĩa

Bạn hiểu rằng bạn phải đưa các con số kết quả vào phần trình bày dự án theo mẫu CV chuẩn và công thức viết Project mà ITviec đã cung cấp trước đó. Tuy nhiên, những con số bạn viết có thực sự là điều nhà tuyển dụng quan tâm?

PRO TIP: Mỗi khi bạn viết một con số vào trong CV, hãy tự đóng vai nhà tuyển dụng, quản lý tương lai và hỏi bản thân “Rồi kết quả là gì?”

Nhờ vậy mà bạn có thể thể hiện được kết quả của dự án bạn làm hoặc vai trò của bạn trong dự án và xác định con số ý nghĩa ở đây nên là gì.

Nói cách khác, hãy “số liệu hóa” tác động thật sự mà dự án mang lại, đó mới chính là con số ý nghĩa mà bạn đang tìm kiếm.

Lỗi #3: Không điều chỉnh danh sách dự án

Việc bạn liệt kê tất cả những dự án bạn đã thực hiện mà không xem xét các kỹ năng áp dụng cũng là một cách để nhà tuyển dụng từ chối CV của bạn. Chỉ chọn những dự án phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển và thực sự ý nghĩa với bạn.

Hãy nhớ rằng bạn có rất ít khoảng trống trong CV, đừng lãng phí nó vào những dự án vô nghĩa, không có tác động thay vì những dự án thực sự quan trọng đối với sự nghiệp của bạn.

PRO TIP: Hãy sắp xếp thứ tự dự án theo mức độ liên quan đến kỹ năng của vị trí mà bạn đang ứng tuyển với dự án liên quan nhất ở đầu và giảm dần mức độ liên quan. Và trong những dự án có mức độ liên quan ngang hàng nhau, hãy sắp xếp theo thời gian ngược.

Trong trường hợp CV của bạn còn đủ chỗ thì bạn có thể liệt kê hết những dự án có liên quan nhưng nếu không còn chỗ thì bạn nên ưu tiên liệt kê từ trên xuống dưới, và bỏ qua những dự án kém liên quan hơn.

Tổng kết Mẫu CV chuẩn cách viết mô tả Projects

Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn là một Developer, Tester, UI-UX Designer, Product Owner, v.v. có bề dày kinh nghiệm đáng kể với hàng loạt dự án “khủng” nhưng lại bị nhà tuyển dụng đánh rớt CV chỉ vì cách trình bày dự án trong CV chưa thu hút, chưa “đánh đúng” những gì mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.

Chính vì thế, hãy lưu lại và áp dụng ngay những công thức viết mô tả Dự án/ Projects trong CV IT được đảm bảo nhất hiện nay!

 

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại chia sẻ cho bạn bè và đồng nghiệp nhé!