Bạn đang đối diện với thực trạng không thể giữ người ở công ty lâu dài? Liệu những lý do như “việc gia đình” có phải là lý do nghỉ việc thật sự? Đọc bài viết này để hiểu rõ những lý do nghỉ việc thật sự khi chuyên gia IT rời khỏi công ty bạn là gì và làm thế nào để nâng cao động lực cống hiến của họ đối với công ty.
Thông tin, số liệu trong bài viết được ITviec tiến hành khảo sát với 2207 chuyên gia IT tại Việt Nam và đúc kết trong Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2023-2024.
Cùng ITviec xây dựng một cộng đồng IT vững mạnh! Tham gia ngay Khảo sát Lương & Tuyển dụng IT 2024-2025 để chia sẻ góc nhìn của bạn và góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thị trường IT Việt Nam!
3 lý do nghỉ việc thật sự của chuyên gia IT
Lý do nghỉ việc hàng đầu: Mức lương thấp hơn mong đợi
33,9% chuyên gia IT tham gia Khảo sát lương IT 2023-2024 với ITviec đồng tình rằng “Lương thấp hơn mong đợi” là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc họ chán nản với công việc hiện tại và bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới. Trong khảo sát tương tự vào năm 2022 – 2023, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến kỹ sư công nghệ nghỉ việc.
Mức lương thấp hơn mong đợi sau một thời gian làm việc tại công ty có thể là kết quả của một trong những trường hợp sau:
- “Deal” lương không thành công nhưng ứng viên vẫn thích công ty và vị trí ứng tuyển;
- Ứng viên không nắm rõ mức lương của cùng vị trí trên thị trường ngay khi mới vào công ty nên “deal” hớ;
- Công ty đưa ra nhiều lời hứa hẹn về việc tăng lương và phát triển trong tương lai nếu họ chấp nhận mức lương này nhưng không hoàn thành được do nguyên nhân chủ quan của công ty và khách quan thị trường.
Khi phát hiện mình sở hữu mức lương thấp hơn thị trường cho cùng vị trí, trước đây, đa phần nhân viên thường sẽ suy nghĩ rằng chỉ cần họ chấp nhận và chăm chỉ làm việc trong một thời gian, họ có thể được tăng lương.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành IT được xem là một trong những ngành “đáng mơ ước” vì nhu cầu tuyển dụng luôn cao cùng mức lương đầu vào khá hấp dẫn. Vì vậy, khi chuyên gia IT cảm thấy họ xứng đáng được đãi ngộ tốt hơn với mức thu nhập hiện tại, họ sẽ mạnh dạn nhảy việc và tìm một nơi đề nghị mức thu nhập phù hợp hơn.
Lý do nghỉ việc thứ 2: Định hướng khác cho sự nghiệp
Mong đợi và mục tiêu của người lao động luôn thay đổi trong quá trình làm việc và phát triển, định hướng nghề nghiệp cũng như vậy. Khi chuyên gia IT nhận thấy định hướng nghề nghiệp mà họ muốn hướng tới khác với định hướng mà công ty mong đợi ở họ thì nghỉ việc là kết quả khó tránh khỏi. Cũng vì vậy, 33,1% chuyên gia IT tham gia khảo sát với ITviec chia sẻ rằng “Thay đổi định hướng sự nghiệp” là lý do họ chuyển việc.
Định hướng khác cho sự nghiệp ở đây có thể bao gồm, nhưng không giới hạn, những con đường sự nghiệp khác như start-up, làm việc tự do toàn thời gian (freelance), chuyển đổi ngành nghề/ công việc, v.v.
Các nhà quản lý nhân sự không nên “xem nhẹ” tầm quan trọng của việc hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho nhân viên, kể cả định hướng đó yêu cầu việc rời bỏ chức vụ hiện tại. Nếu làm vậy, điều đó có nguy cơ làm suy yếu tinh thần và năng suất bằng cách khiến những nhân viên tài năng cảm thấy mình không được coi trọng và có thể sẽ nghỉ việc sớm hơn dự định mong muốn của họ. Và về lâu dài, công ty của bạn có thể phải đối mặt với việc suy yếu năng suất và tinh thần làm việc nói chung.
Một số những lợi ích mà nhà quản lý nhân sự có thể đạt được nếu quan tâm đến việc hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho các chuyên gia IT:
- Thúc đẩy sự gắn bó và năng suất của nhân viên đối với công việc, doanh nghiệp
- Tạo nên một môi trường làm việc đa dạng, công bằng, hòa nhập và gắn kết
- Cải thiện trải nghiệm làm việc cho chuyên gia IT về công việc, doanh nghiệp hiện tại, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu với thị trường tuyển dụng ngành IT và giúp công ty có thể thu hút nhiều nhân tài trong cùng ngành
Các nhà quản lý nên cho những chuyên gia IT hiện tại thấy rằng họ nhận được sự hỗ trợ của cả công ty và người quản lý trong mong muốn phát triển chuyên nghiệp. Có thể áp dụng các chiến lược sau để thúc đẩy sự phát triển của nhân viên:
- Quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp và sớm nhận biết sự thay đổi trong định hướng sự nghiệp của chuyên gia IT thông qua phỏng vấn định kỳ mỗi quý, hoặc mỗi nửa năm;
- Hỗ trợ cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc;
- Tăng thêm ý nghĩa cho vai trò của chuyên gia IT bằng cách thể hiện sự trân trọng và cảm ơn họ về những đóng góp đặc biệt của họ cho sứ mệnh của công ty;
- Đề nghị đào tạo để giúp họ đạt được mục tiêu nghề nghiệp ở cấp độ công ty và cấp độ cá nhân.
Lý do nghỉ việc thứ 3: Công ty và sản phẩm không còn tiềm năng phát triển
23,7% chuyên gia IT tham gia khảo sát với ITviec khẳng định rằng “Công ty và sản phẩm không còn tiềm năng phát triển” là nguyên nhân thuộc phạm trù công ty khiến họ bắt đầu tìm kiếm những cơ hội mới.
Chẳng ai muốn làm việc mãi trong một môi trường không còn tiềm năng phát triển. Nếu những chuyên gia IT ở quá lâu tại một vị trí trong một công ty và sản phẩm không còn tiềm năng phát triển, họ có thể phải đối mặt với những bất cập như:
- Kiến thức chuyên môn lạc hậu, không được cập nhật, đổi mới và áp dụng vào thực tiễn
- Gói thu nhập thấp hơn mức thị trường so với số năm kinh nghiệm
- Làm chậm lộ trình thăng tiến nghề nghiệp do khi công ty và sản phẩm không còn tiềm năng phát triển, vị trí của bạn tại đó cũng không còn tiềm năng phát triển
- Sự ổn định về sự nghiệp bị đe dọa vì công ty có thể đối mặt với những khó khăn liên quan đến hoạt động kinh doanh do sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường
Trích: Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2023-2024
Những tiêu chí khi chuyên gia IT chọn công ty lý tưởng để gắn bó lâu dài
Theo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Chuyên Gia IT Tại Việt Nam 2023-2024”, sau đây là 5 tiêu chí hàng đầu thuộc 5 phạm trù khác nhau để tìm kiếm một “công ty lý tưởng” do chính 2207 chuyên gia IT chỉ ra:
Phạm trù “Mức lương”: Thu nhập như kỳ vọng, ít nhất ngang bằng với thị trường
Được trả công xứng đáng với khả năng chính là điều mà hơn 49,1% chuyên gia IT tham gia khảo sát đồng ý rằng họ vẫn luôn tìm kiếm ở một công ty lý tưởng để gắn bó lâu dài.
Ở đây, cụ thể các chuyên gia IT đề cập đến mức lương cứng – chưa bao gồm các khoản thưởng, chi phí đào tạo, chi phí sinh hoạt,… khác nằm trong gói thu nhập. Thực tế, những khoản thu khác ngoài lương cứng là những khoản tiền không chắc chắn và thường không được ghi nhận trong hợp đồng. Chính vì thế, chuyên gia IT tìm kiếm một mức lương cứng cố định ít nhất phải ngang bằng với thị trường, tương xứng với công sức và kinh nghiệm của họ.
Phạm trù “Vị trí”: Gần nhà (< 10km)
Nếu đây là năm đầu tiên bạn đọc Báo cáo Lương IT từ ITviec, hẳn bạn sẽ bất ngờ với tiêu chí này nhưng đây lại chính là tiêu chí của một công ty lý tưởng để gắn bó lâu dài mà một chuyên gia IT tìm kiếm qua nhiều năm. Có đến 45,8% chuyên gia IT đồng tình rằng họ vẫn “ưu ái” chọn gắn bó với những công ty ở gần nhà hơn.
Việc chọn công ty gần nhà vừa mang lợi ích về kinh tế – thời gian, vừa mang lại lợi ích về sức khỏe cho nhân viên IT. Đồng thời, khi những cơ hội làm việc remote/ làm việc từ xa từ những công ty chủ quan nước ngoài mà các chuyên gia IT không cần phải ra đường để làm việc vẫn đang “rộng mở” thì nếu thật sự phải ra khỏi nhà để làm việc, hiển nhiên một công ty gần nhà với chuyên gia IT sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn với những công ty xa nhà.
Phạm trù “Quản lý trực tiếp”: Lãnh đạo/ Sếp trực tiếp là người có tầm nhìn, đưa ra những định hướng rõ ràng
Khả năng lãnh đạo là điều cần thiết cho sự thành công của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay đội nhóm nào. Các nhà lãnh đạo cần có một tầm nhìn, mục đích và kế hoạch rõ ràng bằng văn bản và truyền cảm hứng cho tất cả thành viên trong công ty.
Vì sao việc “Sếp trực tiếp là người có tầm nhìn” lại được hơn 41,9% chuyên gia IT bình chọn là tiêu chí cho một công ty lý tưởng để gắn bó? Bởi vì:
- Người lãnh đạo có tầm nhìn sẽ mang đến nguồn cảm hứng và động lực để nhân viên tin tưởng làm việc với họ.
- Người lãnh đạo có tầm nhìn sẽ mang lại sự rõ ràng và tập trung để những nhân viên theo họ cũng có tầm nhìn tập trung hơn trong sự nghiệp của mỗi người.
Phạm trù “Phúc lợi nhân viên”: Đóng bảo hiểm trên 100% lương
Trong bối cảnh cắt giảm (layoff) trong ngành IT toàn cầu và tại Việt Nam vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp như hiện nay, nhiều chuyên gia IT cũng nhận thấy tình hình tìm kiếm một cơ hội mới đã trở nên cạnh tranh hơn. Từ giữa những yếu tố bất ổn định đó, một quỹ bảo hiểm ổn định có thể hỗ trợ kỹ sư công nghệ thông tin về mặt tài chính tạm thời trong thời gian chưa tìm được việc mới hoặc bảo toàn cho một tương lai khó lường là một yếu tố mà họ đề cao ở một công ty đáng gắn bó.
Chính vì vậy, 40,7% chuyên gia IT đồng tình rằng “Đóng bảo hiểm trên 100% lương” là một trong những yếu tố thuộc về phúc lợi nhân viên hàng đầu khiến họ muốn gắn bó lâu dài hơn với công ty.
Và thật ngạc nhiên khi Báo cáo Lương IT 2023 – 2024 chỉ ra rằng tiêu chí này được nhiều kỹ sư công nghệ thông tin đề cao hơn cả tiêu chí về “Bonus/ Thưởng theo dự án” (38,6%) và “Phúc lợi hấp dẫn cho người nhà” (31,1%). Quả là một tiêu chí đáng để những nhà quản lý nhân sự chú ý!
Phạm trù “Năng lực tài chính & Quản trị của Công ty”: Năng lực tài chính vững mạnh
Trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình cắt giảm toàn diện, nền kinh tế vĩ mô chưa “khởi sắc” và khó dự đoán là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Điều đó tác động trực tiếp đến tài chính của nhiều doanh nghiệp trên thị trường, bất kể quy mô công ty, và dẫn đến nhiều hệ lụy như cắt giảm, nợ lương, giảm gói thu nhập, cắt bỏ lợi ích,…
Cũng vì bối cảnh trên mà 38,7% chuyên gia IT chia sẻ rằng họ mong muốn tìm kiếm những công ty có “năng lực tài chính vững mạnh” để gắn bó và phát triển sự nghiệp lâu dài.
Một doanh nghiệp có năng lực tài chính vững mạnh là một doanh nghiệp có khả năng bắt đầu, phát triển và duy trì hoạt động kinh doanh và nhân sự với sự ổn định tài chính ngắn hạn và dài hạn. Các chuyên gia IT bắt đầu quan tâm hơn đến những yếu tố này, còn những nhà quản lý nhân sự đã chia sẻ một cách minh bạch, rõ ràng và công khai về năng lực tài chính của công ty để tạo nên một môi trường làm việc chắc chắn chưa?
Trích: Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2023-2024
Mức lương – thưởng công ty bạn đang trả có phải là lý do nghỉ việc của chuyên gia IT?
Dù ở trường hợp nào, gói thu nhập (lương – thưởng) luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu cần được cân nhắc.
Tuy nhiên, mỗi công ty lại đưa ra một mức lương và mức thưởng khác nhau, từ đó khó so sánh để đưa ra một mức “thị trường”. Vậy thì làm sao để biết mức lương hiện tại mà bạn đang trả cho chuyên gia IT của mình, mức lương mà bạn đang đăng lên các trang tuyển dụng,… đã tương xứng với trình độ kỹ năng, kinh nghiệm cũng như “giá” thị trường của chuyên gia IT và mang tính cạnh tranh với những nhà tuyển dụng khác hay chưa?
Có 2 cách vô cùng đơn giản để nhận biết điều đó:
- Cách 1:
Nhà tuyển dụng IT có thể lên ITviec.com, tìm kiếm vị trí mà bạn đang quan tâm và xem các nhà tuyển dụng khác trên thị trường hiện đang sẵn sàng trả bao nhiêu, thưởng thế nào, phúc lợi kèm theo như thế nào,… Sau đó, so sánh với gói thu nhập mà bạn sẵn sàng trao cho những chuyên gia IT của bạn hiện tại và trong tương lai.
- Cách 2:
Cách này đơn giản hơn và mang lại số liệu chính xác hơn.
Đó chính là hãy tham khảo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Chuyên Gia IT Tại Việt Nam 2023-2024” do ITviec tiến hành khảo sát với 2207 chuyên gia IT tại Việt Nam.
Không chỉ biết mức lương, bạn còn có thể tham khảo thêm về những mong muốn phát triển sự nghiệp của những chuyên gia IT. Từ đó, giúp hoạch định, xác định con đường nghề nghiệp rõ ràng hơn cho chuyên gia IT trong ít nhất 01 năm tới.
Tổng kết
Không một nhân viên nào muốn tiếp tục gắn bó với một công ty mà không thể đảm bảo sự ổn định trong sự nghiệp cho họ. Nếu công ty bạn đang có tất cả 3 lý do nghỉ việc kể trên, hãy thay đổi ngay. Thay vào đó, hãy thêm 5 tiêu chí của một công ty lý tưởng vào văn hóa của công ty để có thể giữ chân và thu hút nhân tài IT.
Và đừng quên tham khảo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Chuyên Gia IT Tại Việt Nam 2023 – 2024” nhé!