Tôi muốn gửi đến các bạn một chuỗi bài viết hoàn toàn mới tại ITviec Blog: Ask Chris Anything!
Đây là cơ hội để bạn hỏi tôi mọi thứ về:
- Cách thương lượng lương
- Khi nào thì phù hợp để chọn một công việc khác
- Tips để làm việc tốt hơn và tiến đến thành công
- Lời khuyên dành cho các nhà quản lý
- Bâng khuâng về những con đường sự nghiệp khác nhau…
ITviec và tôi sẽ chọn ra những câu hỏi hay nhất, và viết thành bài blog hoàn chỉnh.
Mọi thông tin cá nhân của bạn đều được giữ bí mật, vì vậy đừng ngại click điền vào form câu hỏi tại cuối bài viết. ITviec và tôi luôn sẵn lòng giúp cho developer Ít Nhưng Mà Chất như bạn phát triển sự nghiệp của mình.
Ok, mời các bạn cùng bước vào câu hỏi đầu tiên bắt đầu cho chuỗi bài viết “Ask Chris Anything!”
Câu hỏi
Chào Chris!
Tôi là một Full-stack Developer ở Hà Nội. Tôi thật vui vì được biết anh và ITviec. Tôi học hỏi được rất nhiều từ ITviec blog và những resource tại đây.
Một tháng trước, tôi nhận được offer làm việc với vai trò Senior Web Developer ở một công ty nước ngoài. Tôi chấp nhận. Dù đang trong thời gian thử việc, nhưng tôi vẫn nhận được nhiều lời khen từ cả khách hàng lẫn Tech Director.
Tôi đã rất vui. Nhưng sau đó biết được rằng công ty trả lương cho một Junior Developer cao hơn rất nhiều so với tôi.
Tham khảo thêm Junior và Senior Developer khác nhau như thế nào?
Tôi không hiểu. Tôi có 4 năm kinh nghiệm trong khi bạn junior kia chỉ có 2 năm. Tôi từng làm leader trong 2 năm, còn bạn ấy chưa hề có kinh nghiệm quản lý.
Hiện tại tôi nghĩ rằng mình thật ngu ngốc và tôi không có động lực làm việc nữa. Tôi không biết phải làm sao để thoát khỏi trạng thái này.
Tôi có nên thương lượng lại về lương khi kết thúc thử việc? Công ty đó sẽ nghĩ gì nếu tôi nói rằng tôi muốn thương lượng lại về lương? Tôi có nên nói với họ rằng tôi biết họ trả cho anh chàng junior đó bao nhiêu?
Thân mến
Một người bối rối ở Hà Nội
Câu trả lời
Chào “Một người bối rối ở Hà Nội,”
Tôi rất tiếc vì điều này lại xảy ra với bạn. Quả là một cảm giác tồi tệ khi biết được rằng người ở vị trí thấp hơn có mức lương cao hơn mình.
Bạn nên nói chuyện với sếp của mình. Đó là cách duy nhất để ngừng cảm thấy tồi tệ, chán nản.
Sau đây là những điều bạn có thể làm:
Hẹn một buổi gặp mặt riêng với sếp. Hãy thể hiện thái độ tích cực và thân thiện. Khi bạn gặp sếp, hãy truyền đạt những thông tin dưới đây theo thứ tự:
1. “Tôi thích làm việc tại đây.”
Bắt đầu bằng thái độ tích cực.
2. “Tôi thích làm việc cho anh.”
Khen ngợi sếp và giữ chất giọng thân thiện.
3. “Việc giữ công bằng là rất quan trọng, anh có nghĩ thế không?”
Sếp của bạn sẽ đồng ý như là điều tự nhiên. Bạn sẽ sử dụng nó sau.
4. “Có một điều ảnh hưởng đến động lực làm việc của tôi gần đây. Vì vậy tôi muốn nói với anh về nó. Tôi thích công việc của mình ở đây và tôi cần anh giúp tôi cùng giải quyết điều này.”
Sếp của bạn sẽ trong tư thế thoải mái nghe bạn trình bày vấn đề vì bạn đã mở đầu cuộc đối thoại một cách thân thiện.
5. “Tôi tình cờ biết được rằng một Junior Developer trong team mình có mức lương cao hơn tôi.”
Trình bày rõ ràng những gì bạn biết. Bạn không cần trình bày vì sao bạn biết thông tin đó.
6. “Tôi không hiểu. Anh ta là một developer tuyệt vời. Nhưng mặt khác, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn anh ta.”
Cho sếp của bạn biết rằng vấn đề nằm ở đâu. Trình bày về việc bạn có nhiều kinh nghiệm hơn người junior developer kia.
7. “Chẳng phải là sẽ công bằng hơn khi mà nhiều kinh nghiệm hơn đồng nghĩa với lương cao hơn?”
Đây là câu hỏi mà bạn muốn sếp của bạn trả lời. Vậy nên ngừng ở đây, và đợi câu trả lời của anh ta.
Sếp của bạn sẽ trả lời một trong những cách sau:
1. Thừa nhận rằng mức lương của bạn junior đó cao hơn bạn và giải thích vì sao.
Lắng nghe cẩn thận những điều sếp bạn nói, vì có thể có những lí do đúng đáng để lương của bạn junior kia cao hơn của bạn.
2. Từ chối thảo luận về lương.
Nếu sếp của bạn từ chối thảo luận về lương, đừng tranh cãi với anh ta, hãy bình tĩnh nói bạn biết sự thật rằng lương bạn junior kia cao hơn lương của bạn (bạn phải thật chắc chắn).
3. Chối rằng lương của bạn junior kia không cao hơn.
Nếu sếp chối rằng lương bạn junior kia không cao hơn, còn bạn thì 100% tự tin rằng thông tin đó là chính xác, thì có khả năng là sếp đang nói dối bạn. Điều này cũng thường thấy tại một số công ty.
Xem ngay 5 lời nói dối “như cơm bữa” của các quản lý và nhà tuyển dụng
Tôi nghĩ rằng cũng là hợp lí khi bạn muốn thảo luận về việc tăng lương ngay cả trong quá trình thử việc nếu bạn không hài lòng với câu trả lời của sếp. Hãy quyết định con số bạn muốn trước buổi nói chuyện này.
Sếp sẽ có 3 kiểu phản hồi sau:
- Đồng ý tăng lương cho bạn ngay.
- Đồng ý tăng lương cho bạn trong tương lai.
- Từ chối tăng lương.
Nếu là đáp án 1 thì chúc mừng bạn. Bạn vừa kiếm thêm được rất nhiều tiền.
Nếu là đáp án 2 hoặc 3, hoặc nếu bạn tin rằng sếp đang không trung thực, bạn có 2 lựa chọn:
- 1) chấp nhận,
- 2) tiếp tục tranh luận về điều mà bạn cho là công bằng.
Nếu bạn quyết định tranh luận, bạn có thể nói:
“Ok. Điều này thật sự ảnh hưởng đến động lực làm việc của tôi. Tôi không nghĩ rằng nó công bằng. Tôi không chắc rằng mình còn phù hợp với nơi này.”
=> Hướng tiếp cận này có thể khiến sếp của bạn cảm thấy bất ngờ và từ đó thay đổi cách nói chuyện với bạn. Tuy nhiên, khi niềm tin đã không còn và mối quan hệ trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến kết quả làm việc của bạn, hướng ra đi càng sớm càng tốt sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần nhanh hơn.
Sau quyết định của cuộc nói chuyện này, bạn có thể nghiêm túc nhìn nhận, tìm hiểu, nghiên cứu cũng như nói chuyện với chuyên gia, đồng nghiệp hoặc bạn bè làm IT ở nơi khác để biết mình cần chuẩn bị những gì, lộ trình làm mới cho bản thân như thế nào, và lựa chọn bến đỗ tiếp theo ra sao.
Mức lương là điều quan trọng đối với bạn, đừng bỏ qua cơ hội hiểu thêm về lương ngành công nghệ thông tin năm 2022-2023 trong báo cáo lương IT mới nhất của ITviec.
Nếu bạn chọn tương tác tích cực, bạn có thể hỏi lại:
“Nếu câu trả lời của sếp rõ ràng như vậy, và tôi thật sự nghĩ có những lý do chính đáng để sếp có kết luận này. Sếp có thể chia sẻ thêm những lý do đó được không?”
=> Đây có thể là bước chuyển đổi tư duy lớn nhất của bạn, vì nếu sếp của bạn có thể trả lời câu hỏi với sự trung thực và tích cực góp ý, bạn đã có thể mở rộng tư duy và cách nhìn nhận hơn về công việc, sự nghiệp của mình. Nếu như không thể, bạn cũng có lý do chính đáng để xác nhận rằng đây có lẽ không phải là nơi xứng đáng để bạn tiếp tục cống hiến.
LƯU Ý QUAN TRỌNG
CHỈ NÓI RA ĐIỀU NÀY NẾU BẠN ĐÃ SẴN SÀNG TÌM MỘT CÔNG VIỆC MỚI.
Chiến lược hiệu quả nhất để đạt được mức lương cao hơn chính là làm rõ quan điểm rằng bạn sẽ rời đi nếu như bạn không đạt được điều mình nghĩ là công bằng, với những lý lẽ, dẫn chứng xác đáng.
Trình bày một cách nhẹ nhàng. Đừng hù dọa. Đừng tức giận. Hãy nói một cách bình tĩnh rằng bạn thất vọng và có lẽ tốt nhất bạn nên theo đuổi mục tiêu của mình trong một môi trường khác. Dừng tại đây.
Sếp của bạn có thể sẽ suy xét tăng lương cho bạn sau khi bạn thể hiện rõ thái độ và luận điểm rõ ràng, xác đáng. Nếu có, chúc mừng bạn!
Nếu sếp không bằng lòng và cũng không thể đưa ra lập luận hay kế hoạch cụ thể cho bạn, thì bạn cũng hiểu rằng, có lẽ tốt hơn là bạn nên tìm kiếm một công việc mới.
Hãy nhớ rằng – việc tỏ thái độ hòa nhã trong lúc trò chuyện với sếp là RẤT QUAN TRỌNG. Đừng để cảm xúc lấn át. Đừng tức giận. Bạn có thể tỏ ra bối rối vì sự thật rằng một team member lại có mức lương cao hơn bạn. Hãy nhớ khen sếp và công ty ngay từ đầu cuộc đối thoại. Nói về việc bạn thích làm việc với anh ta lẫn công ty như thế nào.
Nếu bạn thích tip này, có thể bạn cũng hứng thú với ebook “9 Bí Quyết Đàm Phán Mức Lương Cao Hơn” của tôi. Bạn sẽ học được cách tạo dựng vị thế cho mình khi phỏng vấn, và cách thương lượng lương tốt hơn. Hãy download ebook và áp dụng ngay hôm nay!
Thân mến,
Chris
Đừng quên rằng mọi câu hỏi bạn đều có thể gửi cho tôi tại đây. Biết đâu câu hỏi của bạn sẽ là bài viết tiếp theo tại ITviec Blog!