Nội dung chính
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Stack Overflow thì làm việc từ xa (hoàn toàn hoặc kết hợp với làm việc tại văn phòng) Remote & Hybrid đang là mô hình làm việc phổ biến nhất của hơn 90.000 developer trên toàn thế giới, chiếm 83.59%.
Làm việc từ xa không còn là khái niệm quá mới mẻ, nhất là sau sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn “làm việc từ xa” như một mô hình làm việc toàn thời gian, developer cần xem xét mức độ phù hợp dựa trên một số thông tin sau:
- Các mô hình làm việc từ xa
- Ưu điểm và nhược điểm của làm việc từ xa
- 5 Quy tắc giúp developer làm việc từ xa hiệu quả
Các mô hình làm việc từ xa
- Mô hình Office-first Hybrid Work
Mô hình Office-first Hybrid Work yêu cầu nhân viên cần phải đến văn phòng hầu hết thời gian, họ được phép làm việc từ xa 1-2 ngày mỗi tuần, hoặc vài ngày mỗi tháng. Ở một số tổ chức, Office-first Hybrid Work được áp dụng theo từng trường hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào việc ai cần có mặt tại văn phòng vào thời gian nào.
Mô hình này thường sẽ phù hợp nhất với những vị trí công việc yêu cầu tương tác thường xuyên với khách hàng hoặc xử lý giấy tờ với các cơ quan chức năng, chẳng hạn: Sales, Admin, Kế toán…
- Mô hình Remote-first Hybrid Work
Ngược lại với mô hình trên, mô hình Remote-first Hybrid Work coi làm việc từ xa là lựa chọn mặc định, nhân viên chỉ cần đến văn phòng 1-2 ngày/tuần hoặc vài ngày trong tháng. Công ty hoạt động dựa trên mô hình này vẫn duy trì không gian văn phòng để mọi người đến làm việc, nhưng các chính sách và hoạt động đều phù hợp với làm việc từ xa.
Mô hình này thường sẽ được áp dụng cho những vị trí có thể xử lý công việc online, nhưng vẫn cần những buổi trao đổi trực tiếp để đảm bảo tính rõ ràng, liên tục và phối hợp nhịp nhàng với các phòng ban khác. Ví dụ: Product Owner, Business Analyst, Project Manager, Scrum Master…
Tham khảo:
- Mô hình Flexible Hybrid Work
Mô hình làm việc Flexible Hybrid Work cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn khi nào muốn làm việc tại văn phòng và khi nào muốn làm việc từ xa. Đôi khi nhân viên chỉ cần có mặt 1 ngày/tuần để họp với toàn công ty.
Các công ty hoạt động theo mô hình này tin rằng nếu nhân viên được tự chủ lựa chọn thời gian làm việc thì họ sẽ hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Hiện nay, rất nhiều các công ty IT tại Việt Nam đang triển khai mô hình làm việc từ xa này, đặc biệt là những công ty áp dụng phương pháp Agile/Scrum – quản lý công việc thông qua các Sprint cụ thể.
- Mô hình Partly Remote Hybrid Work
Trong mô hình Partly Remote Hybrid Work (làm việc từ xa bán phần), một vài nhóm được làm việc từ xa hoàn toàn, trong khi những nhóm khác làm việc tại văn phòng, tuỳ vào nhu cầu và đánh giá của công ty về năng lực, mức độ phù hợp của từng nhóm nhân viên cụ thể.
Thực tế thì mô hình này hầu như không khả thi đối với phòng ban IT nói riêng, mà thường được áp dụng cho toàn bộ tổ chức. Chẳng hạn những vị trí như Sales, Customer Service… là những vị trí đòi hỏi làm việc offline; trong khi những vị trí thiên về sử dụng công nghệ như Developer, Tester hoặc Marketing sẽ linh hoạt được lựa chọn làm việc từ xa.
- Mô hình Fully Remote Work
Mô hình Fully Remote Work (làm việc từ xa hoàn toàn) cho phép nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn, có thể ở nhà hoặc tại bất kỳ nơi nào khác không phải là công ty. Trong hình thức làm việc từ xa hoàn toàn này, có thể chia thành làm việc từ xa cùng múi giờ và làm việc từ xa khác múi giờ.
Mô hình này hiện nay thường được áp dụng trong 2 trường hợp:
- Công ty cho phép tất cả nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn (không loại trừ phòng ban, vị trí)
- Developer chọn làm việc từ xa cho những công ty có trụ sở tại nước ngoài với sự chênh lệch múi giờ nhất định.
Ưu điểm và nhược điểm khi làm việc từ xa
Nhắc đến khái niệm làm việc từ xa, VMware định nghĩa việc nhân viên thực hiện công việc tại bất cứ địa điểm nào khác/nằm ngoài văn phòng làm việc đều được xem là biểu hiện của làm việc từ xa (ví dụ: làm việc tại khu văn phòng chia sẻ (co-working space) hoặc làm việc tại nhà…).
Vậy mô hình làm việc này có ưu điểm gì mà dần trở nên phổ biến và được developer ưa chuộng?
Làm việc từ xa là hình thức làm việc phổ biến trong lĩnh vực lập trình (Nguồn: ShutterStock)
Ưu điểm khi làm việc từ xa
Làm việc từ xa mang lại nhiều lợi ích cả về chất lượng công việc lẫn cuộc sống, có thể kể đến như:
- Linh hoạt lựa chọn thời gian và địa điểm làm việc
Làm việc từ xa cho phép developer làm việc từ mọi nơi, mọi lúc và trên mọi thiết bị. Tính linh hoạt này cho phép developer có thể sắp xếp lịch làm việc cân bằng với cuộc sống cá nhân, và có thêm nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè, v.v, từ đó giúp cải thiện hiệu suất và hiệu quả làm việc .
- Cải thiện năng suất làm việc
Theo kết quả khảo sát năm 2023 của Remote.com (website chuyên cung cấp các công cụ và giải pháp khi tuyển dụng nhân sự toàn cầu), 58% công ty được hỏi đều nhận thấy rằng hiệu suất làm việc của nhân viên cao hơn hẳn khi làm việc từ xa, so với khi làm việc tại văn phòng; 72% trong số họ cho rằng việc kết hợp mô hình làm việc từ xa & yếu tố địa lý (ngoài quốc gia sinh sống) còn mang lại hiệu quả cao hơn.
Ít bị xao nhãng bởi các yếu tố xung quanh và được làm việc trong tâm thế thoải mái nhất là 2 lý do chính giúp developer sử dụng thời gian làm việc hiệu quả nhất để đạt được hiệu suất và hiệu quả tối đa.
- Mở rộng cơ hội việc làm
Một trong những lợi ích của làm việc từ xa đối với các developer là tăng khả năng tìm được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Developer có thể làm việc từ xa cho các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới, bất kể vị trí địa lý và múi giờ. Điều này giúp mở rộng thị trường việc làm, vị trí công việc cũng như cơ hội học hỏi cho developer, cho phép bạn làm việc cùng các tổ chức sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
- Tiết kiệm chi phí
Theo Flexjobs, trung bình tổng chi phí cho việc di chuyển qua lại từ nhà đến nơi làm việc (và ngược lại) dao động từ $2000 đến $5000 mỗi năm, trong bán kính 5-13 dặm. Đây là số tiền không hề nhỏ.
Lựa chọn làm việc từ xa nghĩa là bạn có thể tiết kiệm khoản chi phí này để phục vụ cho các nhu cầu khác. Bên cạnh đó, làm việc ngoài văn phòng cũng giảm đáng kể các chi tiêu của bạn dành cho ăn uống, mua sắm, giải trí… cùng đồng nghiệp.
Làm việc từ xa có thể giúp developer cân bằng cuộc sống tốt hơn (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Nhược điểm khi làm việc từ xa
Mặc dù làm việc từ xa mang lại những lợi ích thấy rõ cho các developer, nhưng cũng có những hạn chế nhất định.
- Khó khăn về giao tiếp
Làm việc từ xa có thể dẫn đến những thách thức về vấn đề giao tiếp, đặc biệt là khi làm việc trong các dự án phức tạp đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ.
Sự chênh lệch về mức độ sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng khi làm việc từ xa & sự hạn chế về quá trình làm rõ các thông tin đa tầng có thể dẫn đến những sai lệch không mong muốn và kéo dài thời gian hoàn thành công việc. Sự thiếu hụt hoặc sụt giảm các buổi giao lưu lẫn nhau cũng phần nào ảnh hưởng đến mức độ thấu hiểu và gắn kết giữa các thành viên trong tổ chức.
- Thách thức về công nghệ và bảo mật
Làm việc từ xa phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, đây có thể là một thách thức đối với một số developer. Các sự cố kỹ thuật như tốc độ internet chậm và trục trặc phần mềm có thể làm gián đoạn quy trình làm việc và ảnh hưởng đến năng suất. Vấn đề bảo mật cũng là một hạn chế đáng nói đối với những developer quyết định làm việc từ xa.
- Sức khoẻ và tinh thần giảm sút
Khi có thêm cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài, bạn đồng thời phải đối mặt với sự khác biệt về múi giờ, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ về dài hạn. Hơn nữa, theo chia sẻ của 11% người tham gia khảo sát của Buffer năm 2023 thì làm việc từ xa khiến họ khó dừng lại công việc hơn so với số còn lại; họ không thể ngừng suy nghĩ về những dòng code mặc dù đã hết thời gian làm việc.
Sự hạn chế về tương tác, giao tiếp (như đã đề cập) theo đó tăng cường áp lực và căng thẳng lên developer. Burn-out (kiệt sức) là vấn đề không hiếm gặp đối với các developer làm việc từ xa nếu không quản lý tốt và có kế hoạch phân chia công việc hợp lý.
- Ít cơ hội thăng tiến
Cũng từ kết quả báo cáo 2023 của Buffer, bên cạnh 36% người tham gia khảo sát cho rằng làm việc từ xa không ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến thì 28% người được khảo sát nói rằng họ ít có cơ hội thăng tiến hơn khi làm việc từ xa.
Nguyên nhân được họ đưa ra là sự cảm tính & thiên vị trong quá trình đánh giá của cấp trên đối với những nhân viên làm việc tại văn phòng và sự hạn chế của công ty để tìm được công cụ đánh giá hiệu quả công việc một cách công bằng.
5 “quy tắc ngầm” giúp developer làm việc từ xa hiệu quả
- Có kế hoạch làm việc từ xa phù hợp
Khi đã quyết định làm việc từ xa, developer cần xây dựng một thời gian biểu làm việc hàng ngày phù hợp để đạt và duy trì hiệu suất cao trong công việc, đồng thời cân bằng với cuộc sống.
Bạn có thể sử dụng các phần mềm nhắc công việc, hoặc các phần mềm time-blocking giúp sắp xếp thời gian làm việc và theo dõi hiệu suất (ví dụ: TimeCamp, Todoist, Google Calendar…); ngoài ra, đừng quên đặt chuông báo khi hết giờ làm việc để nghỉ ngơi hợp lý.
- Tạo không gian làm việc từ xa của riêng bạn
“Để làm việc từ xa hiệu quả, điều cần thiết là bố trí một phòng làm việc riêng. Ngoài các thiết bị cơ bản như máy tính/laptop, wifi tốc độ cao, bạn nên trang bị thêm camera và microphone để tiện họp online hàng ngày; đầu tư mua ghế công thái học để tốt cho cột sống cũng rất đáng để cân nhắc.” – Anh Tuấn, một Senior Developer tại công ty Tamara (có trụ sở tại Dubai) cho hay.
Xem thêm:
Lời khuyên ở đây là developer hãy đầu tư cho mình một không gian làm việc tiện nghi, thoải mái và yên tĩnh, đồng thời trang bị đầy đủ các công cụ cần thiết để mang lại năng suất cao khi làm việc.
Developer nên đầu tư không gian làm việc từ xa để làm việc hiệu quả nhất (Nguồn ảnh: Shutterstock)
- Tập trung vào công việc
Làm việc từ xa có thể gây xao nhãng hay phân tâm, developer cần lưu ý để duy trì được sự tập trung trong công việc.
Xác định các yếu tố gây xao nhãng (ví dụ: tiếng ồn từ các thành viên trong gia đình, các thiết bị giải trí, âm thanh…) và đưa ra những phương án giải quyết hiệu quả (chẳng hạn: làm việc vào buổi tối, thay đổi không gian làm việc, chia sẻ với gia đình về những khó khăn đang gặp phải để tìm sự đồng cảm và hỗ trợ, v.v) là yêu cầu tiên quyết để bạn có thể theo đuổi loại hình làm việc từ xa lâu dài.
- Ăn uống lành mạnh và luyện tập sức khoẻ điều độ
Làm việc từ xa có thể khiến developer trở nên lười vận động và dễ dãi trong việc ăn uống. Nhiều khi, để theo kịp công việc, các developer có thể ăn vội thức ăn nhanh, hoặc bận rộn đến mức quên ăn.
Hãy duy trì thói quen tốt không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Bạn có thể sử dụng điện thoại, hoặc đồng hồ thông minh để nhắc nhở ăn uống, cũng như đặt lời nhắc đứng lên vận động hoặc tập thể dục giữa giờ.
- Duy trì các mối quan hệ xã hội
Network rất quan trọng đối với các developer để cập nhật về công nghệ và các biến động trong ngành lập trình. Để tạo sự cân bằng trong cuộc sống, cũng như duy trì các mối quan hệ xã hội, các developer có thể tham gia các buổi gặp gỡ bên ngoài, các sự kiện hay meet-up về kỹ thuật, được chia sẻ/giới thiệu trong mạng lưới.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các developer những góc nhìn đầy đủ về làm việc từ xa. Nếu các developer đang cân nhắc hình thức làm việc không cần đến văn phòng như Remote hay Hybrid thì đừng chần chừ, hãy truy cập ITviec.com và tìm việc phù hợp ngay thôi!