Bạn băn khoăn khi nào nên nhảy việc?
Bạn không thích công việc hiện tại của mình? Hoặc nghĩ rằng mình xứng đáng có việc tốt hơn?
Tôi biết chính xác cảm giác của bạn!
Đọc câu chuyện này để biết cách mà CEO Amazon – Jeff Bezos đã dạy tôi khi nào nên nhảy việc!
Xem hàng ngàn việc làm IT chất trên ITviec
* Jeff Bezos là Founder – CEO của Amazon.com, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Đó là mùa thu năm 1999, thời điểm Internet bùng nổ. Tôi vừa tốt nghiệp trường kinh doanh được vài tháng.
Trước khi tốt nghiệp, tôi đã nung nấu quyết tâm sẽ làm việc trong ngành dot-com. Tôi bị thuyết phục rằng Internet sẽ thay đổi thế giới kinh doanh, và tôi muốn là một phần của nó.
Thế rồi tôi được mời làm việc tại Amazon.com. Tiếc rằng, tôi lại phải làm cho bộ phận Tài chính, vốn không phải lĩnh vực tôi thích. Và lương thì thấp tới nỗi tôi phải chật vật để chạy ăn và trả nợ học phí.
Song, vì quá khao khát được làm việc trong ngành Internet, tôi bèn tự thuyết phục bản thân rằng, thôi thì cứ nhận offer vào làm đã, rồi tìm cách chuyển bộ phận sau.
Vậy là tôi khăn gói từ quê chuyển lên Seattle. Một tháng trước khi bắt đầu “công việc mơ ước” ấy, tôi bỗng cảm thấy bất an.
“Tài chính” nghe có vẻ sang chảnh. Nhưng công việc của tôi lại chẳng như vậy chút nào.
Trách nhiệm chính của tôi là ru rú trong một cái phòng bé tí suốt cả ngày, cắm cúi làm một cái bảng tính quái quỷ để theo dõi và quản lý lương cho hàng ngàn nhân viên Amazon.
Đấy, ngay cả Amazon thần thánh lúc ấy cũng có những vấn đề trong hệ thống quản lý nội bộ.
Thi thoảng, nếu team Product hay Marketing yêu cầu, tôi được làm thêm việc là cung cấp số liệu để họ phân tích và ra quyết định.
Xem thêm Data Analyst là gì
Có lần, một thực tập sinh yêu cầu tôi cung cấp những số liệu cực kì phức tạp. Tôi đã phải dành cả một ngày để tìm ra những hàm mảng, rồi kiểm tra lỗi cho từng số liệu li ti nhỏ nhặt nhất.
“Chết tiệt, mình muốn phân tích những case kinh doanh thực tế, chứ không muốn phải là một con khỉ làm số liệu mà bất cứ ai cũng có thể sai bảo!” – Tôi bực mình nghĩ bụng.
Chưa hết. Lại còn sếp tôi, Bill, nữa chứ. Kỹ năng lãnh đạo của Bill phải nói chỉ toàn mớ lý thuyết suông.
Bill không ngồi với chúng tôi trong cái văn phòng chật hẹp ấy. Công việc của anh ta có thể mô tả đại khái như sau:
1) Lấy những phân tích do tôi hoàn thành rồi thuyết trình trong cuộc họp với những Vice President của các bộ phận.
2) Sau đó, anh ta sẽ yêu cầu tôi chỉnh sửa bảng phân tích – dựa trên phản hồi từ buổi họp.
Anh ta thậm chí còn chẳng biết cách làm các bảng biểu như thế nào! Và chẳng bao giờ anh ta mời tôi đi họp cùng! Với tôi, anh ta giống như một giao liên vô giá trị ngáng giữa tôi với các Vice President vậy.
Xem thêm 4 tố chất cần có của một Manager
Những chuyện khó chịu như vậy cứ tiếp diễn, và tôi bắt đầu nghĩ khi nào nên nhảy việc. Cân đi nhắc lại, tôi nghĩ, có lẽ mình ráng chịu đựng thêm một năm nữa, rồi tìm cơ hội để chuyển sang bộ phận Product hoặc Marketing. Tôi vẫn rất yêu ngành dot-com.
Xây dựng một sản phẩm như ITviec.com là mơ ước của tôi
Cho đến ngày nọ, một mồi lửa được quăng vào thùng dầu.
Một cô gái mới tốt nghiệp MBA được thuê vào làm chung nhóm với tôi. Tôi phát hiện ra rằng lương của cô ta cao hơn hẳn, dù lúc nhận việc, tôi được nói rằng mức lương của tôi là “chuẩn cho mọi MBA mới tốt nghiệp”. Đau nữa, là tôi có kinh nghiệm và kỹ năng về tài chính nhiều hơn cô ấy.
Tôi yêu cầu sếp tăng lương để bằng với cô ấy.
“Không. Anh đã chấp nhận mức lương đó khi nhận offer rồi.” Bill buông thõng một câu.
Tôi sôi hết cả máu. Rồi Jeff Bezos đã chỉ tôi một cách.
Đó là buổi “All Hand Meeting” hàng quý của Amazon, để thông báo và thảo luận về kết quả quý 3 năm 1999. Mọi người trong công ty đều tham dự.
Bezos điều khiển buổi họp như một lãnh đạo tài năng. Anh ấy truyền năng lượng, sự nhiệt tình và lòng tự tin khi nói về kết quả kinh doanh, cũng như tương lai tươi sáng của Amazon.
Cuối cuộc họp, Bezos trả lời câu hỏi từ các Amazonian.
“Tôi phải làm gì với một người sếp tồi? Tôi đã cố nói chuyện với sếp, nhưng anh ta không nghe, và mọi thứ chẳng khá hơn chút nào.” – Ai đó hỏi. Người đó còn nêu ra vài chi tiết nữa, tình huống nghe có vẻ không mấy tươi sáng, và sếp của anh ta thì đúng là sếp tồi. Hệt như tình huống của tôi.
Rồi Bezos làm tôi sốc khi anh nói thẳng, ngay trước hàng nghìn người.
“Bạn nên nghỉ việc.”
Ban đầu, tôi rất buồn.
Sau đó, tôi nhận ra nhân viên dưới quyền Bezos là những sếp khác, không phải tôi. Không CEO nào muốn quan tâm đến từng xung đột giữa các sếp đó với nhân viên của họ. Cho nên, hoặc là CEO nhận ra các sếp dưới quyền không tốt và sa thải họ; hoặc là nhân viên nên nghỉ việc để tìm một chỗ khác tốt hơn.
Bezos có lẽ còn không biết Bill. Và, tôi chợt nhận ra, có khi những người “ở trển” còn nghĩ Bill đang làm rất tốt công việc của anh ta.
Tôi nhận ra rằng Bezos đã đúng. Chỉ có một cách giải quyết.
Tuần sau đó, tôi đến gặp Bill trong văn phòng.
“Tôi muốn tăng lương. Để cho công bằng.”
“Không.”
“OK. Tôi nghỉ việc. Hôm nay là ngày tôi báo trước 2 tuần.”
Tôi đã bỏ công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp MBA chỉ sau 6 tuần. Tôi có nợ học phí phải trả, và chỉ còn vài đồng trong ngân hàng. Thật không biết phải làm gì tiếp theo.
Nhưng tôi vẫn ngẩng cao đầu rời khỏi văn phòng của Bill như thể đang có cả triệu đô la.
Đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi.
Sau đó, tôi dừng chân ở một công việc “chất” hơn nhiều tại Yahoo! Một vị trí tốt hơn, với mức lương cao hơn, tại trung tâm kinh doanh Internet của thế giới – Thung lũng Silicon. Oh yeah, và thời tiết cũng tốt hơn nữa chứ.
Ở Yahoo, tôi đã tạo ra Yahoo Webcam, thêm video vào Yahoo Mail, gặp Sean Parker (chủ tịch đầu tiên của Facebook) trước khi anh ta nổi tiếng, và làm cực kỳ nhiều những thứ vui nhộn khác.
Sau đó, tôi gia nhập AOL và mang họ vào thế kỷ 21, điều hành website kiếm việc lớn nhất Việt Nam, rồi khởi nghiệp với website chuyên về việc làm IT là ITviec.com. Cả một bầu trời tự hào.
Nếu tôi vẫn cứ tiếp tục công việc tào lao ở Amazon, những điều tốt đẹp này đã chẳng xảy ra.
Jeff Bezos đã dạy tôi biết khi nào nên nhảy việc – và có can đảm để nhảy việc – là một phần quan trọng trong quản lý sự nghiệp của tôi.
Cảm ơn Jeff!
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé!
Và xem ngay hàng ngàn việc làm IT chất tại ITviec.