Việc startup thế nào luôn là một đề tài thú vị dành cho những ai đang có ý định khởi nghiệp nhưng liệu có ai thật sự hiểu IT startup là gì, cần phải chuẩn bị và tiến hành thế nào? Nếu bạn đang có ý định thành một lập IT Startup, bài viết này chính là dành cho bạn!
Qua buổi trao đổi với anh Hồ Việt Lâm – Founder & CEO của Senspark, nơi sản xuất của game Bắn trứng khủng long và Line 98 “huyền thoại”, bạn sẽ được nghe những câu chuyện “người thật việc thật” để hiểu rõ hơn startup là gì, học được những kinh nghiệm xương máu từ người đi trước và chuẩn bị tốt hơn, làm việc thực tế hơn, không bị vỡ mộng bởi những câu chuyện khởi nghiệp như “mơ giữa đời thường”.
Thành lập vào năm 2012 tại TP. HCM với gần 10 thành viên, Senspark là công ty game mobile cho điện thoại thông minh và máy tính bảng chạy điều hành iOS, Android, Windows Phone. Mọi game app đều miễn phí, lợi nhuận đến từ dịch vụ quảng cáo tại app.
Những sản phẩm game nổi bật thuộc về Senspark có thể kể đến là Gold Miner, Shoot Dinosaur Eggs, Lines 98,…
Sau nhiều lần khởi nghiệp, anh nhận thấy việc khởi nghiệp cũng có cái tốt và cái bất cập riêng, không hẳn chỉ toàn “hoa hồng” như người ta vẫn tưởng:
Điểm trừ là chịu rất nhiều trách nhiệm. Tôi cần lo lắng cho nhân viên và sự nghiệp của họ lẫn tôi.
Điểm cộng là khi thành công, tôi đạt được danh vọng, địa vị và tiền bạc mà mình mong đợi.
Startup là gì?
Startup là gì? Theo Wikipedia, startup, hay còn gọi là start-up hay khởi nghiệp, là để chỉ những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, thường là những công ty công nghệ vừa được thành lập.
Để phân biệt giữa Khởi nghiệp và Lập nghiệp (entrepreneurship), ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT chia sẻ tại tọa đàm “Startup – Đường nào tới thành công?” vào năm 2016 đã chia sẻ:
“Một bên là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập nghiệp (entrepreneurship). Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm”. Ông ví dụ đơn giản rằng người khác bán phở, bạn cũng bán phở thì dù có thành công cũng không thể gọi là khởi nghiệp thành công được.
Hoặc theo như ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phân biệt rằng: “Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới”.
3 yếu tố quyết định sự thành công của một startup là gì?
Chia sẻ về lý do vì sao lại thành lập một IT startup, anh Lâm cũng thẳng thắn rằng ban đầu anh cũng không muốn thành lập công ty. Tuy nhiên, vì theo đuổi niềm đam mê và hiện thực những ý tưởng của cá nhân nhưng nếu không lập công ty thì anh khó có thể làm được.
Thế nhưng, liệu chỉ cần đam mê và chuyên môn cao là đủ để một Startup thành công? Cùng ITviec lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp của anh nhé!
Startup là gì? Là tìm được co-founder tốt!
“Tôi ước mình có kinh nghiệm đúng đắn trong việc chọn co-founder để tránh phải thất bại ở công ty đầu tiên.” Anh cho biết thêm, đó là khoảng thời gian nhiều mâu thuẫn, khó khăn đã xảy ra, và điều đó giúp anh ghi nhớ rằng phải tìm co-founder phù hợp để không lặp lại sai lầm.
Khi được hỏi một trong những yếu tố quyết định sự “sống còn” của một startup là gì, anh Lâm không ngần ngại mà khẳng định rằng, yếu tố đó chính là người founder hoặc co-founder, người đồng hành trên con đường khởi nghiệp.
Theo kinh nghiệm cá nhân, anh Lâm đặt ra một số tiêu chí khi tìm cho startup của mình một co-founder tốt:
- Hiểu rõ co-founder đó là ai và cách làm việc như thế nào.
- Tính cách phù hợp, bổ trợ với mình trong quá trình làm việc. Hai người với hai nét tính cách trái ngược, trong khi anh Lâm là người nóng tính, Đức – Co-founder Senspark, thì điềm tĩnh hơn nên khi có mâu thuẫn, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng.
- Đam mê và cùng chung tầm nhìn. Anh Lâm xác định rằng mình muốn xây dựng những thứ hay ho rồi từ từ tiền sẽ đến sau. Vì vậy khi chọn co-founder, anh tìm thấy Đức cũng có chung tầm nhìn này, hai người đã quyết định sẽ khởi nghiệp cùng nhau.
- Nền tảng, xuất thân không quá chệnh lệch. Cả hai người founder của Senspark đều xuất thân là dân công nghệ, có niềm đam mê với game, có kỹ năng kỹ thuật tốt. Cùng nền tảng sẽ dễ dàng trao đổi nhiều vấn đề, từ tech đến tài chính, marketing, kế toán…
Tìm đúng thị trường
Cách xác định thị trường cho startup là gì? Anh Lâm chia sẻ:
Tôi xác định ngách thị trường bằng cách xem xét người dùng cần sản phẩm nào mà chưa tồn tại hoặc chưa có sản phẩm tốt, và sản phẩm đó phù hợp với năng lực của team.
Vào khoảng thời gian ban đầu, Senspark tập trung phát triển các game thể loại casual. Anh Lâm nghĩ rằng thị trường này chưa có sản phẩm tốt, thể loại game này phù hợp nhiều người chơi, và Senspark có khả năng phát triển nhiều casual game hay. Theo cách này, Senspark tránh được cạnh tranh với các đối thủ là công ty game lớn làm game 3D, đồ họa đẹp đẽ, phức tạp.
Đồng thời, tuy chỉ là ngách thị trường nhỏ nhưng do nhắm đến thị trường toàn cầu, nên dù chỉ là giữ vị trí nhất định trong mảng casual game cũng đã là thành công đáng kể đối với Senspark. Chỉ cần có một game được thế giới đón nhận thì bạn đã thành công lớn.
Kết quả là cho đến nay, ba game Gold Miner, Shoot Dinosaur Eggs, Lines 98, tổng cộng đạt khoảng 10 triệu download, với nhiều lượt tải từ nước ngoài, và có khoảng 1 triệu người dùng tích cực hàng tháng.
Thực hiện được ý tưởng
Về việc đưa ý tưởng vào hành động thực tiễn, anh Lâm có vài lời khuyên nào dành cho dân IT muốn thành lập công ty của riêng họ:
- Thử làm những sản phẩm nhỏ trước. Học cách làm một sản phẩm hoàn thiện. Và tìm hiểu mô hình kinh doanh quanh nó.
- Đặt mục tiêu rõ ràng về thời điểm thành lập công ty. Ví dụ như bạn đề ra mục tiêu là sẽ thành lập công ty trong vòng ba năm tới, thì ngay từ bây giờ, bạn đã phải có kế hoạch về những thứ phải học thêm như kinh doanh, kế toán, marketing… để chuẩn bị từ từ.
- Đặt ra yêu cầu cao cho bản thân mình, ngay từ những công việc nhỏ nhất. Từ đó mới có thể tạo ra một sản phẩm chỉn chu, hoàn thiện. Tôi khuyên các bạn developer nên tạo thói tỉ mỉ trong công việc hàng ngày. Không chỉ để thành lập startup thành công mà còn để tiến xa hơn trong sự nghiệp của Dev.
Có một số resources có thể hữu ích dành cho các bạn muốn thành lập một IT business:
- Technology Entrepreuership: khoá học miễn phí về khởi nghiệp công nghệ
- Bitbucket: private source code git repository
- Trello: công cụ quản lý dự án
- Waveapps: công cụ quản lý tài khoản, tiền
- Sendy: (gửi email số lượng nhiều) / Mailchimp: (gửi email số lượng ít): email marketing
- WordPress: xây dựng website
Xem thêm: 3 lời khuyên dành cho Mobile Developer từ CEO của Grab
Những thử thách khi thành lập startup là gì?
Anh Việt Lâm chia sẻ rằng anh đã gặp phải rất nhiều thử thách trong ba lần khởi nghiệp của mình.
Khó khăn khi tìm co-founder
Như đã chia sẻ ở trên, Co-founder là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành bại của startup nên tìm một người vừa cùng chí hướng vừa hợp trong việc làm ăn quả không hề dễ dàng. Tại lần khởi nghiệp đầu tiên của anh Việt Lâm, việc thất bại đến từ mâu thuẫn không thể giải quyết giữa những co-founder.
Khó khăn về xác định tầm nhìn
Ban đầu khi thành lập, tầm nhìn của công ty là thứ rất mù mờ với hầu hết mọi người khi khởi nghiệp mà chưa rõ startup là gì hay mình startup nhằm phục vụ cho mục đích gì? Senspark khi vừa thành lập cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Tôi và Đức mạnh về lập trình mobile nên chỉ giới hạn làm sản phẩm cho mobile. Nhưng sau một thời gian thì phát hiện rằng “mobile” cũng là rất rộng và dàn trải.
Lúc này, hai người cùng ngồi lại, xác định tầm nhìn là tập trung hoàn toàn vào game để tạo lợi thế cạnh tranh và tích lũy được nhiều thành tựu hơn. Sau thảo luận, Senspark sẽ phát triển theo chiều sâu về game cho mobile:
- 3 năm đầu phát triển 2D và casual game (game đơn giản dành cho người chơi bình thường).
- 5 năm tiếp theo sẽ làm game 3D, online và middle core game.
- 10 năm tiếp theo sẽ làm hardcore, console game, game platform, game hardware.
Khó khăn về tài chính
Thời gian đầu phải chi tiêu nhiều thứ, sản phẩm đầu doanh thu hạn hẹp. Nhiều lần chúng tôi cũng thấy chán nản, nhưng rồi vì đam mê làm game, hai đứa tự động viên nhau phải cố gắng.
Senspark được thành lập chỉ với vài chục triệu tiền thưởng nhận được khi nghỉ công ty cũ và tiền tích lũy lúc đi làm của hai founder. Để duy trì công ty, mọi người nhận thêm dự án outsource tuy nhiên lại không thể dấn sâu vào các dự án outsource vì vẫn cần tập trung xây dựng sản phẩm của công ty thật tốt để tạo doanh thu bền vững.
Khó khăn về các kỹ năng cơ bản cần thiết để vận hành công ty
Đây hẳn là một trong những khó khăn lớn nhất khi bạn khởi nghiệp mà chưa chuẩn bị sẵn tinh thần startup là gì. Có rất nhiều đầu việc bạn cần tính đến như kế toán, thuế, kinh doanh, marketing, nhân sự, quản lý. Tuy nhiên, bạn nên giữ mọi việc đơn giản nhất có thể khi mới thành lập công ty.
Đa số về kế toán, thuế, marketing, kinh doanh, anh Lâm chia sẻ rằng anh đều thuê ngoài hoặc sử dụng các công cụ online. Làm thế này sẽ giữ được mọi thứ mức đơn giản hơn để tập trung phát triển sản phẩm. Ví dụ:
- Khi thành lập Senspark, anh thuê dịch vụ lập công ty để tránh làm các thủ tục rườm rà.
- Về marketing, tận dụng các kênh marketing online như: Facebook, ad network, forums để quảng bá cho sản phẩm trước khi tuyển nhân sự chính thức.
- Mảng kế toán, Senspark cũng outsource, chỉ tuyển một người làm admin phụ trách các vấn đề văn phòng, giấy tờ và các công việc non-tech khác của công ty.
- Về tài chính, Senspark tập trung hướng làm ra tiền (phát triển sản phẩm), tránh đi theo hướng gọi vốn đầu tư. Vì muốn gọi vốn đầu tư cũng mất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của Senspark, vì cũng có nhiều công ty gọi vốn thành công.
Đọc thêm: Startup công nghệ muốn thành công cần phải giải được bài toán Marketing
Khó khăn về kỹ thuật
Tuy hai người đồng sáng lập đều là dân “tech” nhưng vẫn gặp vấn đề kỹ thuật. Lý do là khi tự xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề lớn hơn rất nhiều.
Bạn phải có kiến thức kĩ thuật ở nhiều mảng để làm nhiều thứ lặt vặt (server, website…) và phải cực giỏi ở kiến thức chuyên môn kĩ thuật của sản phẩm để đưa ra sản phẩm chất lượng, có thể cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên không ai có thể biết hết mọi thứ nhưng nếu chưa biết thì bạn phải có khả năng học và hiểu mọi thứ nhanh.
Những sai lầm khi startup là gì?
Anh Lâm không ngần ngại mà chia sẻ rằng anh đã từng mắc phải hai sai lầm lớn trên con đường khởi nghiệp:
Sai lầm đầu tiên là sau khi có một, hai game (dạng cổ điển) ở Việt Nam đạt được download đáng kể vào đầu năm 2012, Senspark chuyển chiến lược sang làm một sản phẩm mới hoàn toàn nhắm vào thị trường quốc tế. Sản phẩm này được đầu tư kĩ về công sức và tài chính. Tuy nhiên lại đạt kết quả rất thấp so với mong đợi.
Để vượt qua, công ty đã thu hẹp quy mô game lại, làm một sản phẩm nhỏ, dễ chơi, quen thuộc hơn. Bài học rút ra là bạn nên làm những cái vừa với khả năng của mình, như vậy sẽ dễ thành công hơn.
Sai lầm thứ hai là vào đầu năm 2014 khi hiện tượng game Flappy Bird nổi lên và sau đó bị chính tác giả gỡ bỏ, cả thế giới rộ trào lưu làm phiên bản clone của Flappy Bird vì nghĩ sẽ tạo ra lợi nhuận lớn. Anh Lâm cũng đi theo con đường này trong nửa năm nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Bài học rút ra là bạn đừng làm theo trào lưu khi bạn chưa hiểu gì về nó.
Tiểu sử:
Anh Hồ Việt Lâm làm việc tại nhiều công ty outsourcing lớn nhỏ khác nhau trong khoảng hai năm rồi quyết định thành lập startup của riêng mình. Anh từng khởi nghiệp ba lần, hai lần thất bại, lần cuối cùng thì thành công với Senspark.
Sau khi đã hiểu Startup là gì, nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp trong việc Startup thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé!
Xem thêm việc làm Mobile Developer và việc làm Manager tại ITviec.