Nội dung chính
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành IT trong hơn 2 thập kỷ qua, nhiều công nghệ và khái niệm đã được cải biên và rút ngắn để phù hợp hơn với môi trường làm việc cũng như môi trường giao tiếp. Và “dev” là danh xưng phổ biến được gọi tên trong các cuộc trò chuyện thường ngày. Dev là gì, có những loại Dev nào trong ngành IT và những hướng phát triển dành cho Dev “chất” sẽ là chủ đề được thảo luận chủ yếu trong bài viết này. Mời bạn đọc tiếp ngay bên dưới!
Cập nhật ngay và mới nhất những Mức lương Ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam năm 2023!
Dev là gì?
Dev là viết tắt của “Developer” trong tiếng Anh, hay còn được biết đến là “Lập trình viên” trong tiếng Việt. Công việc của Dev thường tập trung vào sáng tạo, phát triển và bảo trì phần mềm/ứng dụng thông qua việc sử dụng các ngôn ngữ lập trình, có thể kể đến như: PHP, Python, Java, JavaScript…
Cách gọi Dev khá thông dụng trong môi trường làm việc IT bởi tạo cảm giác gần gũi và cũng thuận tiện cho quá trình giao tiếp. Nghề Dev cũng là nghề đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi cơ hội việc làm rộng mở, mức lương và các đãi ngộ thuộc hàng top so với những ngành nghề khác.
Các loại Dev chính trong ngành IT
Frontend Dev
- Công việc và mức lương
Frontend Dev chủ yếu phụ trách mảng giao diện (User Interface) cho các sản phẩm, website với mục tiêu cuối cùng là tạo sự thu hút, bắt mắt và giúp người dùng dễ thao tác và sử dụng. Từ các ý tưởng được phác hoạ trên wireframe hoặc mockup, Frontend Dev sẽ làm việc cùng Designer và Product Owner để nắm rõ yêu cầu và triển khai thành những sản phẩm giao diện cụ thể.
Mức lương Frontend Dev phổ biến nhất nằm trong khoảng từ $700 – $1800 mỗi tháng, có thể cao hơn tuỳ thuộc năng lực và số năm kinh nghiệm.
- Học gì để trở thành Frontend Dev
Muốn trở thành Frontend Dev thì ngoài những kiến thức nền tảng về giao thức và ứng dụng web, bạn cần phải thành thạo một số ngôn ngữ lập trình và framework cốt lõi sau đây:
- HTML và CSS
- JavaScript
- TypeScript
- Angular
- React JS
- Vue.js
Việc làm Frontend Dev toàn quốc trên ITviec!
Backend Dev
- Công việc và mức lương
Công việc của Backend Dev hiểu theo cách đơn giản nhất là đáp ứng những yêu cầu của người dùng khi thao tác trên giao diện Frontend. Người làm Backend sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình để xây dựng các ứng dụng, kết hợp với các công cụ MySQL, Oracle để tìm kiếm, lưu trữ và thay đổi dữ liệu khi cần thiết. Vai trò của Backend Dev vô cùng quan trọng trong một vòng đời phát triển của ứng dụng, đây cũng là vị trí rất khó tuyển tại các công ty IT bởi yêu cầu cao về năng lực chuyên môn và tư duy giải quyết vấn đề.
Chính vì những áp lực công việc mà Backend Dev phải đối mặt nên mức lương trả cho vị trí này có phần “nhỉnh” hơn so với Frontend Dev, dao động ở mức $1000 – $2500 mỗi tháng.
- Học gì để trở thành Backend Dev
Có rất nhiều sự lựa chọn giúp bạn tiến gần hơn đến con đường trở thành Backend Dev chuyên nghiệp. Trong giới hạn bài viết này, ITviec sẽ chỉ giới thiệu đến bạn những ngôn ngữ lập trình, platform được yêu thích nhất và được sử dụng rộng rãi hiện nay, bao gồm:
- Node.js
- Java/C#
- Python
- Ruby
- PHP
Việc làm Backend Dev toàn quốc trên ITviec!
Fullstack Dev
- Công việc và mức lương
Fullstack Dev là vị trí tổng hợp, đảm nhiệm cả 2 phần công việc: Frontend lẫn Backend. Người ở vị trí Fullstack vừa phụ trách thiết kế giao diện (UI, UX và flow), vừa đảm nhiệm luôn phần database và API của hệ thống. Định hướng trở thành Fullstack Dev sẽ giúp bạn dễ kiếm được việc làm hơn do sở hữu skill set rộng và dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa Frontend, Backend mỗi khi muốn tìm kiếm những điều mới mẻ trong công việc.
Nhiều start-up và các công ty nhỏ sẵn sàng bỏ ra mức lương cao (vượt xa mức trung bình của thị trường) để tuyển mộ Fullstack Dev tài năng – những người xây nền móng và giữ vai trò quan trọng, liên quan đến sự sống còn của sản phẩm, ứng dụng hoặc thậm chí là cả doanh nghiệp.
Khối lượng kiến thức lập trình nhiều hơn, yêu cầu kỹ năng cao hơn là những nguyên nhân khiến cho một Fullstack Dev nhận được mức lương vô cùng hấp dẫn so với các vị trí cùng cấp, dao động từ $1500 – $3000 mỗi tháng.
Việc làm Fullstack Dev toàn quốc trên ITviec!
- Học gì để trở thành Fullstack Dev
Như đã nói ở trên, Fullstack Dev là “chủ thầu quyền năng” cả về giao diện lẫn hệ thống bên dưới nên nếu muốn theo đuổi nghề này, bạn chắc chắn phải học tất cả những gì liên quan đến Frontend và Backend (kéo lên trên để xem lại những kiến thức mà ITviec đã đề xuất nhé).
Tham khảo bài viết: Lộ trình để trở thành Web Developer (Frontend, Backend và Fullstack)
Mobile Dev
- Công việc và mức lương
Công việc của Mobile Dev không chỉ tham gia vào quá trình viết mã nguồn (coding) mà còn tham gia vào toàn bộ quy trình phát triển, cập nhật các ứng dụng trên thiết bị di động. Khác với Dev thông thường, công việc Mobile Dev đòi hỏi bạn cần thường xuyên cập nhật và nắm bắt xu thế, thị hiếu của người dùng nhằm tạo ra những ứng dụng được yêu thích và được sử dụng rộng rãi trên các cửa hàng CH Play, Google Play, Apple Store.
Mức lương được trả cho một Mobile Dev sẽ dao động trong khoảng $800 – $1700.
- Học gì để trở thành Mobile Dev
Hiện nay, có 2 hệ điều hành chính – nơi Mobile Dev có thể phát triển các ứng dụng di động: iOS và Android. Tuỳ thuộc vào sở thích cũng như lựa chọn hệ điều hành, bạn sẽ được yêu cầu học những ngôn ngữ lập trình tương ứng. Nếu bạn là tín đồ của iOS và muốn ghi dấu ấn với những sản phẩm của riêng mình thì hãy học Swift hoặc Objective-C. Còn nếu yêu thích hệ điều hành Android thì Java là ngôn ngữ lập trình bạn cần phải học.
Việc đổi từ lập trình iOS sang lập trình Android (và ngược lại) không quá khó khăn, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một cái trước và chuyển sang hướng còn lại nếu cảm thấy đã thành thạo.
Việc làm Mobile Dev toàn quốc trên ITviec!
Game Dev
- Công việc và mức lương
Quy trình làm game khá giống với một quy trình phát triển phần mềm bình thường nên công việc của Game Dev cũng không quá khác biệt so với các loại Dev khác. Chỉ khác, thay vì tập trung phát triển các tính năng cho một ứng dụng thì Game Dev phát triển các tính năng cho game.
Theo đuổi nghề Game Dev, bạn có thể lựa chọn chuyên một mảng Frontend, Backend hoặc Fullstack để phát triển sản phẩm game của riêng mình.
Mức lương cho vị trí này phổ biến nhất từ $500 – $1500.
- Học gì để trở thành Game Developer
Như đã nói, phát triển game không có quá nhiều khác biệt với phát triển phần mềm nên xét về bản chất, Game Dev vẫn cần một nền tảng lập trình vững vàng như các loại Dev khác.
Và để trở thành Game Dev thực sự, bạn cần tìm hiểu thêm về các game engine đang “làm mưa làm gió” trên thị trường như Unity, Unreal Engine, GDevelop… cũng như trau dồi thêm những kỹ năng liên quan đến đồ hoạ như: thiết kế UI UX, photoshop, vẽ model 3D…
Việc làm Game Dev toàn quốc trên ITviec!
Mức lương Ngành công nghệ thông tin cho các Dev
Theo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2022-2023” do ITviec tiến hành khảo sát với 1257 chuyên gia IT tại Việt Nam, Developer là một trong những ngành có mức lương IT hấp dẫn nhất tại Việt Nam hiện nay:
Tên vị trí IT |
Số năm kinh nghiệm |
Mức lương trung vị |
Back-end Developer |
Từ 1 đến dưới 3 năm |
18 triệu đồng |
Từ 3 đến dưới 5 năm |
29 triệu đồng |
|
Từ 5 năm đến dưới 8 năm |
37 triệu đồng |
|
Front-end Developer |
Từ 1 đến dưới 3 năm |
15 triệu đồng |
Từ 3 đến dưới 5 năm |
30 triệu đồng |
|
Từ 5 năm đến dưới 8 năm |
40 triệu đồng |
|
Full-stack Developer |
Từ 1 đến dưới 3 năm |
19 triệu đồng |
Từ 3 đến dưới 5 năm |
25 triệu đồng |
|
Từ 5 năm đến dưới 8 năm |
37 triệu đồng |
|
Mobile Developer |
Từ 1 đến dưới 3 năm |
19 triệu đồng |
Từ 3 đến dưới 5 năm |
27 triệu đồng |
|
Từ 5 năm đến dưới 8 năm |
42 triệu đồng |
Cập nhật ngay và mới nhất những Mức lương Ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam năm 2023!
Hướng phát triển dành cho Dev
Thực tế thì không phải Dev nào cũng có hướng đi rõ ràng trong sự nghiệp, và mặc dù ITviec đã từng đưa ra một vài gợi ý về mục tiêu nghề nghiệp mà Dev có thể bắt đầu thì vẫn còn 3 hướng phát triển khá thú vị, được chia sẻ bởi David Brown – CEO Hays US, mà bất kỳ Dev nào cũng nên biết. Bạn có thể đọc bài gốc tại đây.
Hướng 1: CIO tương lai
CIO là một chuyên gia công nghệ cấp cao và có tầm ảnh hưởng lớn. Nhiệm vụ chính của CIO là thiết kế và triển khai các chiến lược phát triển công nghệ nhằm tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và nâng cao vị thế cho doanh nghiệp. Tầm quan trọng của CIO không kém cạnh so với CTO, là vị trí mà rất nhiều người ước mơ trở thành.
Để trở thành CIO, bạn cần xác định ngay từ đầu rằng con đường này tương đối dài hơi và đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên trì. Một số yếu tố dưới đây cũng là những điều bạn cần cân nhắc nếu như muốn trở thành CIO thực thụ:
1. Ít thời gian cho việc viết code
Không chỉ riêng vị trí CIO mà hầu hết các vị trí ở cấp quản lý đều giới hạn thời gian viết code của bạn, vậy nên bạn cần suy xét thật kỹ lưỡng xem viết code có phải là động lực to lớn nhất giữ niềm đam mê và động lực cho bạn đến thời điểm hiện tại hay không. Nếu code đối với bạn quan trọng như hơi thở thì CIO có thể không phải là hướng đi mà bạn có thể gắn bó lâu dài.
2. Là kết hợp của sự nhạy bén trong kinh doanh, kỹ năng mềm cùng kỹ năng kỹ thuật
Vì vị trí CIO mang tính quản lý cao nên những điều mà bạn quan tâm vẫn chủ yếu xoay quanh các chiến lược, tầm ảnh hưởng và sự hợp tác giữa các phòng ban. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có một nền tảng kỹ năng kỹ thuật vững vàng, biết vận dụng các kỹ năng mềm linh hoạt cùng sự nhạy bén trong kinh doanh thiên bẩm, CIO đích thị là hướng phát triển được sinh ra dành cho bạn.
3. Các bước đầu tiên giúp bạn chinh phục vị trí CIO
Không hề dễ dàng để hiện thực hoá ước mơ trở thành CIO vì vị trí này có mức độ cạnh tranh tương đối lớn. Tuy nhiên, chỉ cần bạn có tham vọng và giữ được nhiệt huyết, đam mê thì bạn hoàn toàn có thể leo lên những nấc thang cao nhất trong sự nghiệp. Nhằm giúp bạn có hình dung rõ ràng hơn về con đường bạn sẽ đi qua và đích đến bạn sẽ chinh phục, dưới đây là danh sách những gợi ý về các việc bạn cần ưu tiên thực hiện:
- Xây dựng nền tảng kỹ thuật vững chắc: Mặc dù những người làm ở các vị trí IT không nhất thiết phải có xuất phát điểm tốt nghiệp những ngành IT, tuy nhiên để trở thành CIO thì một chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn và các bằng cấp IT bổ sung liên quan là một lợi thế cực kỳ lớn. Ngoài ra, bạn cũng cần chủ động học hỏi để tích lũy được kinh nghiệm kỹ thuật đủ mạnh để có thể làm việc độc lập dưới tư cách một CIO.
- Phát triển các kỹ năng mềm: Từ cấp bậc Senior trở lên thì vai trò của các kỹ năng mềm được đánh giá là quan trọng hơn kỹ năng kỹ thuật; vậy nên để trở thành CIO, bạn cần phải trau dồi các kỹ năng mềm ngay từ bây giờ.
Biểu đồ phản ánh tỷ trọng giữa kỹ năng mềm và kỹ năng kỹ thuật tương ứng với từng cấp bậc
- Hoàn thiện các kỹ năng liên quan đến con người: Những CIO giỏi nhất trên thế giới đều rất đam mê với việc truyền động lực cho những người mà họ làm việc cùng. Từng có một CIO chia sẻ rằng “Công nghệ có thể không ngừng đổi mới, thông minh và thú vị hơn. Nhưng nếu không có những người đam mê cống hiến và nỗ lực hết mình thì đó cũng chỉ là một công việc nhạt nhẽo (thậm chí chẳng thể có sự ra đời của những công nghệ mới)”. Hiểu được rằng CIO cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong một chuỗi mắt xích to của đội nhóm sẽ là khởi đầu tốt để bạn hoàn thiện hơn các kỹ năng liên quan. Các khoá học đa dạng trên internet là sự tham khảo cho bạn, nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu.
- Liên tục phát triển sự nghiệp: Hãy mạnh dạn và chủ động tham gia các sự kiện kết nối với những chuyên gia, liên tục cập nhật những thay đổi của ngành IT và hoàn thành các khoá đào tạo kỹ thuật mà bạn nghĩ có thể giúp ích cho bạn trên con đường sự nghiệp tương lai.
Hướng 2: “Tắc kè hoa ngành công nghệ”
Bạn cảm thấy hạnh phúc với công việc viết code và luôn bị mê hoặc bởi việc muốn tìm ra xu hướng phát triển phần mềm trong tương lai thì hướng đi thứ 2 – tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật có vẻ phù hợp với bạn. “Tắc kè hoa ngành công nghệ” là một hình ảnh mà mọi người sẽ nhớ về bạn nếu theo đuổi hướng đi này.
Trước khi quyết định có theo đuổi dài hạn hướng phát triển thuần kỹ thuật này hay không, bạn cần cân nhắc một số yếu tố sau:
1. “Luôn cập nhật” là câu thần chú cửa miệng
Trong khi các nhiệm vụ cơ bản thường ngày như: thiết kế kiến trúc, viết code, kiểm tra lỗi, sửa lỗi… không có nhiều thay đổi thì thị trường công nghệ lại không bao giờ đứng yên. Vì vậy, để là người dẫn đầu biến hoá khôn lường, bạn phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới, không chỉ để bản thân không bị lỗi thời mà còn đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng khách hàng, người dùng.
Không dừng lại sự đổi mới ở công nghệ hay kỹ năng kỹ thuật, bạn cũng phải cam kết sự cải thiện cả về các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Hãy đảm bảo bạn có thể giải thích công việc của mình cho người khác, theo cách mà họ có thể hiểu được.
2. Bạn không nhất thiết phải dành cả ngày để viết code
Phải nhìn nhận một cách khách quan là chẳng có Dev nào có thể ngồi suốt 8 tiếng chỉ để tập trung vào công việc viết code. Và đến một thời điểm nào đó trong sự nghiệp thì ngoài viết code, bạn sẽ được đảm nhiệm những công việc liên quan khác như tham gia các cuộc họp, tương tác với khách hàng hay cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho những đàn em làm việc sau bạn… Điều này đặc biệt đúng nếu bạn làm việc cho các công ty lớn hoặc công ty Outsource với tần suất dự án đày đặc và nhân sự thay đổi liên tục.
3. Bạn có thể nhận được nhiều hơn những gì mình mong đợi
Dù bạn theo đuổi hướng phát triển này đơn giản chỉ vì một niềm đam mê bất tận với code, nhưng bằng thái độ cầu thị và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cùng với khả năng cập nhật xu hướng chuẩn xác, bạn có thể đạt được mức tài chính mà bạn không bao giờ từng nghĩ đến trước đó.
Chẳng hạn: Dev lập trình bằng ngôn ngữ Clojure, F# sẽ được trả lương cao hơn Dev lập trình bằng ngôn ngữ Ruby, Go với cùng số năm kinh nghiệm.
4. Các bước đầu tiên giúp bạn trở thành Dev “biến hoá khôn lường”
Nếu bạn đã cảm thấy con đường này phù hợp thì đừng ngần ngại bắt đầu ngay vào việc xây dựng kiến thức chuyên môn kỹ thuật, thông qua các dự án và ngành nghề để gia tăng vốn kinh nghiệm làm việc. Có nhiều cách để đạt được điều này:
- Phát triển kiến thức và nâng trình kinh nghiệm bằng các cơ hội đào tạo bên ngoài, bao gồm các khoá học và các cuộc thi Hackathon.
- Thực hành trong các môi trường khác nhau để có sự hiểu biết đa dạng, nhưng cũng đừng quên tập trung vào các kiến thức đặc thù của mỗi ngành để mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
- Cân nhắc chuyển sang bộ phận khác để có thêm trải nghiệm làm việc với nhiều team khác nhau.
- Cân nhắc các hợp đồng làm việc theo dự án (ngoài công việc chính) giúp bạn phát triển bộ kỹ năng kỹ thuật một cách nhuần nhuyễn.
Hướng 3: Phát triển startup
Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ kết thúc những chuỗi ngày làm công ăn lương để khởi tạo dự án IT start-up của riêng mình? Những hợp đồng làm việc với khách hàng có thể sẽ giúp bạn học cách quản lý dự án tốt hơn, và vì bạn phải chịu trách nhiệm chính cho các sản phẩm mà doanh nghiệp của bạn phát triển nên đó có thể là động lực để các kỹ năng của bạn được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian ngắn.
Mặc dù có rất điểm tích cực khi lựa chọn trở thành người làm chủ một start-up nhưng vẫn phải lưu ý rằng đây không phải là hướng phát triển phù hợp với tất cả mọi người. Bạn cần phải cân nhắc đến những yếu tố sau:
1. Bạn thực sự đang điều hành công việc kinh doanh của chính mình
Một trong những đặc quyền lớn nhất khi xây dựng IT start-up là bạn được phép lựa chọn các dự án bạn cảm thấy hứng thú, hợp tác với những khách hàng bạn yêu thích và tránh được các mâu thuẫn chốn văn phòng thường thấy… Hơn thế nữa, bạn có thể chủ động tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ bất kể khi nào bạn muốn mà không cần phải chờ sự phê duyệt của bất kỳ ai.
Tất nhiên bên cạnh sự linh hoạt kể trên, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khi vận hành doanh nghiệp của riêng mình. Bạn không được đảm bảo một mức lương cố định, bạn không chắc mình có ký được hợp đồng với khách hàng hay không, bạn thậm chí không biết khách hàng có trả tiền cho bạn đúng kỳ hạn hay không, bạn sẽ phải chủ động tiếp thị và “bán” thương hiệu cá nhân cũng như các sản phẩm của chính mình, bạn phải tự xử lý các vấn đề liên quan đến giấy tờ (hoặc phải trả lương cho người đại diện), bạn phải cam kết về khoản lương của nhân viên…
Tóm lại là rất nhiều các vấn đề phát sinh và nhiều rủi ro mà bạn sẽ phải đối mặt. Do đó, bạn cần phải hun đúc một nguồn động lực nội tại vô cùng to lớn cho chính bản thân, đảm bảo sự linh hoạt cần thiết và tổ chức công việc hợp lý nhằm duy trì động lực làm việc mỗi ngày. Sẽ không có cấp trên ở đây để hướng dẫn bạn phải làm gì tiếp theo, chính bạn là người phải quản lý mong đợi của khách hàng cũng như tự giác và cam kết với hiệu quả công việc mà mình phải tạo ra.
2. Không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy gắn kết với team
Nếu bạn đã quen với cảm giác là một phần trong team, khi làm việc với tư cách nhân viên trong một tổ chức, thì khi lựa chọn làm chủ, có thể bạn sẽ cảm thấy lạc lõng đôi lần. Những người bạn tuyển cho start-up không phải lúc nào cũng có cùng hệ quy chiếu và cách nhìn nhận giống bạn, họ cũng có thể chủ động giữ khoảng cách sếp-nhân viên vì một vài nguyên nhân nào đó…
Vì vậy, điều quan trọng là bạn có giữ được một cái đầu lạnh và quyết tâm xây dựng, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với những người đồng nghiệp mới, nhân viên mới hay không?
3. Các bước đầu tiên để trở thành Dev làm chủ
- Nhu cầu về chuyên môn của bạn trên thị trường ra sao? Hãy đảm bảo rằng nếu bạn bắt đầu sự nghiệp làm chủ thì ngoài kia, số lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng chuyên môn của bạn là vô cùng rộng lớn. Vì nếu nhu cầu không cao, bạn không thể tăng trưởng số lượng hợp đồng và không đủ tài chính để duy trì sự tồn tại của start-up. Bạn có thể tìm kiếm trên các trang tìm việc hoặc trao đổi với một số chuyên gia tuyển dụng mà bạn quen biết để lắng nghe ý kiến và góc nhìn chuyên môn từ chính họ.
- Chủ động nâng cao những kỹ năng còn thiếu: Vai trò của bạn hiện tại có còn là điểm thu hút trong 2 năm kế tiếp hay những kỹ năng nào khác bạn cần trau dồi để luôn giữ vị thế dẫn đầu? Đầu tư liên tục vào việc phát triển bản thân là yếu tố quan trọng để trở thành chủ doanh nghiệp thành công.
- Xem xét các yếu tố pháp lý: Nếu đã quyết định theo hướng thành lập IT start-up, bạn cần tìm hiểu tường tận những việc phải làm có liên quan về mặt pháp lý. Chẳng hạn, bạn sẽ định hình cho start-up của mình là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hay “công ty cổ phần” hay một loại nào khác? Loại hình nào sẽ mang lại nhiều lợi ích về thuế và quy mô trách nhiệm hơn? Các bước khai báo tên doanh nghiệp, địa chỉ, giám đốc điều hành, cổ đông và cổ phần… sẽ ra sao? Đây đều là những bước quan trọng đầu tiên mà bạn cần xác định để tiến đến xây dựng doanh nghiệp thực sự do bạn làm chủ.
Với những chia sẻ chi tiết bên trên, ITviec tin rằng dù bạn là “tay mơ” ngành IT hay là Dev nhiều năm kinh nghiệm thì đều có thể xác định được rõ ràng con đường sự nghiệp mình muốn đi, những kiến thức mình phải trau dồi từ hiện tại và những việc sơ khai cần bắt tay thực hiện trước tiên. Chúc bạn nhiều thành công với sự lựa chọn của mình nhé!
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!