CMS là gì? Hiện nay, có hơn 88 triệu trang web đang hoạt động sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS). Với CMS, người dùng có thể tạo các trang web và quản lý nội dung dễ dàng mà không cần phải viết code từ đầu. Tuy nhiên, việc chọn không đúng CMS sẽ khiến cho việc quản lý nội dung trở nên khó khăn hơn.
Để bạn có thể tìm được một nền tảng CMS phù hợp, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ:
- CMS là gì?
- Cách CMS hoạt động
- Top 10 CMS phổ biến nhất 2024, cùng với các tính năng và lợi ích của từng CMS
- Những tiêu chí nên cân nhắc khi chọn CMS
Xem thêm việc làm IT chất tại ITviec
CMS là gì?
CMS là viết tắt của cụm từ Content Management System, tạm dịch là Hệ thống Quản lý Nội dung.
CMS là một ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở hạ tầng cơ bản dùng để tạo ra một trang web. Nhiệm vụ chính của CMS là cho phép bạn phát triển một trang web mà không cần viết code từ đầu đến cuối. Các công cụ trên nền tảng CMS cho phép bạn phát triển trang web phục vụ nhiều chức năng khác nhau, đáp ứng các nhu cầu về bảo mật và khả năng mở rộng mà người dùng mong muốn.
Một số tính năng thường có của một CMS:
- Tạo và chỉnh sửa nội dung, trang web mới
- Quản trị vai trò người dùng
- Thiết kế linh hoạt
- Hỗ trợ tính năng mobile
- Hỗ trợ các công cụ tích hợp mạng xã hội
- Hỗ trợ các tính năng marketing
Vậy thì giữa hàng ngàn CMS trên thị trường hiện nay, làm sao bạn có thể chọn một CMS phù hợp với mình? Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn top 10 CMS phổ biến nhất 2024. Nhưng trước hết, bạn cần hiểu một số thông tin về CMS nhé.
Nếu bạn chắc chắn mình đã hiểu rõ về CMS là gì thì bạn có thể “nhảy” ngay đến Top 10 CMS phổ biến nhất 2024.
Các thuật ngữ CMS thường dùng
Traditional CMS là gì?
Traditional CMS, hay còn gọi là CMS truyền thống, là loại CMS được phát triển để kết nối front-end (giao diện người dùng) và back-end (nơi quản lý nội dung và cơ sở dữ liệu). Chính vì thế, traditional CMS “xử lý” mọi thứ từ cơ sở dữ liệu cho đến giao diện hiển thị.
Traditional CMS là loại hình CMS chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường trong nhiều năm, vì traditional CMS cho phép người dùng tùy biến trang web, nội dung mà không cần đến bất kỳ kiến thức nào về lập trình. Nói cách khác, traditional CMS giúp người dùng tùy biến hệ thống front-end và back-end mà không cần đụng vào code bằng cách thông qua các extension.
Do với traditional CMS, back-end và front-end được kết nối với nhau trên cùng một hệ thống nên bạn có thể hình dung là trong khi bạn đang viết và sản xuất thông tin ở back-end thì người dùng cũng đang truy cập trang web đó để xem thông tin.
Headless CMS là gì?
Khi tìm hiểu về CMS là gì, hẳn bạn đã vài lần nghe đến cụm từ “headless CMS”. Vậy thì headless CMS là gì, những ai cần biết đến headless CMS?
Trái với CMS truyền thống chính là Headless CMS, tạm dịch là CMS “không đầu”. Headless CMS là những CMS không hỗ trợ quản lý nội dung ở phía hiển thị front-end mà tập trung vào back-end, tách bạch hoàn toàn back-end và front-end trong quá trình phát triển trang web.
Đối tượng sử dụng headless CMS chủ yếu là các developer vì Headless CMS sử dụng API RESTful, cho phép developer phân phối nội dung lên bất kỳ giao diện front-end nào, ví dụ như web, ứng dụng iOS, ứng dụng Android,… chỉ từ một nguồn back-end duy nhất. Ngoài ra, với headless CMS, developer còn có thể linh hoạt sử dụng các công cụ và framework quen thuộc để phát triển trang web.
Extension là gì? Plugin là gì? Theme là gì?
Theo mặc định, CMS cho phép bạn tạo các bài đăng và các trang web cũng như sửa đổi thiết kế tổng thể của cả trang web. Bạn có thể tùy biến các tính năng bổ sung như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization – SEO), các chức năng tìm kiếm, bảo mật và các tùy chỉnh khác thông qua các extension (tạm dịch: tiện ích mở rộng) như plugin và theme.
Plugin là gì?
Extension hoặc plugin là một thành phần phần mềm mang một chức năng cụ thể. Thêm extension hoặc plugin vào một trang web sẽ mở rộng chức năng của trang web đó hoặc có thể tích hợp hệ thống của trang web với dịch vụ của bên thứ ba.
Hầu hết các nền tảng CMS đều có thư viện plugin hoặc extension riêng. Chẳng hạn, WordPress có hàng nghìn plugin miễn phí trong thư viện plugin chính thức của họ. Bạn cũng có thể mua chúng từ các “chợ plugin” của bên thứ ba như CodeCanyon và Mojo Marketplace và tích hợp vào CMS mà bạn đang dùng một cách dễ dàng.
Theme là gì?
Còn đối với việc tùy biến giao diện trang web, bạn có thể sử dụng theme. Theme là một gói các tệp template giúp nhất quán giao diện trực quan của một trang web mà không ảnh hưởng đến chức năng cốt lõi của trang web đó.
Một lưu ý nhỏ là khi nói đến thiết kế và chức năng, một theme thường có mục đích sử dụng cho một phân khúc trang web cụ thể. Ví dụ như theme của một trang E-commerce sẽ khác với theme của một trang tin tức. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa các tệp để thêm hoặc xóa một số hình ảnh và đồ họa cũng như bảng màu chung của trang web.
Giống như plugin, bạn có thể tải xuống các theme qua thư viện theme sẵn có của CMS hoặc qua “chợ theme” của bên thứ ba.
Quá trình cài đặt của cả plugin và theme đều tương đối đơn giản. Việc tùy biến cấu hình và sửa đổi chúng có thể sẽ cần đến một số kiến thức kỹ thuật cơ bản, nhưng nhìn chung vẫn dễ hơn so với việc học coding từ đầu.
Phân loại CMS
Hiện nay, có ba loại phần mềm CMS phổ biến:
- CMS mã nguồn mở (open source CMS)
- CMS độc quyền (proprietary CMS)
- CMS phần mềm dưới dạng dịch vụ (Software-as-a-Service – SaaS), bao gồm các giải pháp dựa trên cloud.
CMS mã nguồn mở (open source CMS):
CMS mã nguồn mở là những CMS cho phép người dùng tải xuống, cài đặt và sử dụng mà không mất phí ban đầu.
Mặc dù hầu hết các giải pháp miễn phí có sẵn đều đã có thể hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn có vô số tùy chỉnh có tính phí để đáp ứng các nhu cầu kinh doanh khác nhau, chẳng hạn như plugin cho trang web E-commerce, công cụ giúp bạn tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm hoặc tùy chỉnh theme và bố cục thiết kế.
Với CMS mã nguồn mở, bạn có thể phải trả tiền trong các trường hợp:
- Yêu cầu trợ giúp kỹ thuật trong quá trình cài đặt và thiết lập.
- Tùy chỉnh để mở rộng phần mềm ngoài những tính năng cơ bản.
- Các templates, extension và plugin tương thích (mặc dù vẫn có nhiều extension miễn phí).
Một vài điểm hạn chế của CMS mã nguồn mở mà bạn cũng nên cân nhắc trước khi sử dụng:
- Dễ bị tổn thương trước các vấn đề bảo mật.
- Về đường dài, CMS mã nguồn mở có thể tốn nhiều chi phí hơn bạn dự trù.
- Thiếu một đội ngũ hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ khi cần thiết.
Một số CMS mã nguồn mở phổ biến: WordPress, Strapi, Ghost, Joomla, Drupal,…
CMS độc quyền (proprietary CMS):
Phần mềm CMS độc quyền hoặc thương mại được xây dựng và quản lý bởi một công ty duy nhất. Chủ sở hữu đối với loại CMS này thường sẽ không công khai source code mà chỉ cấp phép cho những người đã mua giấy phép mới có thể sử dụng source code đó.
Người sử dụng CMS độc quyền cần:
- Mua phí bản quyền để sử dụng phần mềm (vẫn có bản trải nghiệm dùng thử cho developer).
- Trả phí hàng tháng hoặc hàng năm cho các bản cập nhật hoặc hỗ trợ.
- Có thể phải trả thêm chi phí cho việc tùy chỉnh và nâng cấp, cũng như cho việc đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật hoặc người dùng liên tục.
Bạn thường có thể tùy chỉnh CMS độc quyền với các chức năng tích hợp sẵn, mặc dù việc này có thể phải trả thêm phí. Nếu bạn đang tìm kiếm một CMS độc quyền cho một trang web hoàn toàn mới, tốt nhất bạn nên chọn một giải pháp có tất cả các tính năng và chức năng quan trọng để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai thay vì phải tùy chỉnh nhiều lần để tiết kiệm chi phí.
Nếu bạn đang triển khai CMS độc quyền với một trang web đã có sẵn hệ thống back-end, bạn có thể sẽ cần phải phát triển thêm để tích hợp.
Một số CMS độc quyền phổ biến: Adobe Experience Manager, Kentico, SiteCore,…
CMS phần mềm dưới dạng dịch vụ (Software-as-a-Service – SaaS):
Các giải pháp SaaS CMS thường bao gồm các tính năng như phần mềm quản lý nội dung web, lưu trữ web và hỗ trợ kỹ thuật chỉ với một nhà cung cấp duy nhất. Đây là các giải pháp ảo được lưu trữ trên đám mây và dựa trên mô hình trả phí đăng ký, thường là trên mỗi người dùng hoặc mỗi trang web. Phí đăng ký thường bao gồm:
- Lượng truyền dữ liệu (tức là băng thông đến và đi từ trang web của bạn)
- Lưu trữ cho nội dung và dữ liệu của bạn
- Hỗ trợ liên tục
Có hai loại CMS đám mây:
- CMS đám mây “hoàn toàn”: Đây là những hệ thống độc quyền dưới sự kiểm soát của nhà cung cấp, vì vậy không phải lúc nào bạn cũng có thể tùy chỉnh hoặc thay đổi chức năng của chúng cho phù hợp với nhu cầu của mình.
- CMS đám mây “một phần”: Loại này được đặt trên hệ thống web server đám mây của riêng bạn, cung cấp tính linh hoạt cao hơn vì bạn có thể sửa đổi chức năng bằng các module bổ sung hoặc bằng cách thay đổi source code.
CMS đám mây thường mang lại một số lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ:
- Chi phí thiết lập ban đầu thường thấp và đã bao gồm việc triển khai cơ bản.
- Nhà cung cấp SaaS sẽ giải quyết các vấn đề nâng cấp, bảo trì và kỹ thuật.
- Phần mềm có thể truy cập được từ bất kỳ máy tính, máy tính xách tay hoặc điện thoại di động nào có kết nối internet.
- Các gói đăng ký có thể mở rộng dễ dàng. Bạn có thể thêm nhiều trang web hoặc người dùng hơn khi nhu cầu của bạn thay đổi.
10 CMS phổ biến nhất 2024
Dựa trên mức độ phổ biến trên toàn cầu và độ đa dạng của ngành nghề có thể sử dụng, ITviec đã tổng hợp lại danh sách 10 CMS phổ biến nhất 2024, kèm theo ưu điểm, nhược điểm và chi phí của mỗi loại CMS:
WordPress.org
WordPress.org là nền tảng CMS được sử dụng nhiều nhất và theo BuiltWith, WordPress.org hỗ trợ khoảng 42% tổng số trang web trên internet. Còn theo W3Techs, WordPress.org được sử dụng bởi 43,2% tổng số trang web.
Một lưu ý là WordPress.org với WordPress.com là hai nền tảng khác nhau. WordPress.org là một CMS mã nguồn mở miễn phí được thiết kế với mục đích ban đầu là viết blog, nhưng hiện tại được sử dụng bởi tất cả các loại trang web/cửa hàng trực tuyến, phù hợp với doanh nghiệp. Trong khi đó, WordPress.com là một nền tảng lưu trữ blog (blog hosting), phù hợp với blog cá nhân không mang tính thương mại.
Bạn có thể bắt đầu học sử dụng WordPress với 17 tài liệu học WordPress hay và mới nhất năm 2024.
Ưu điểm WordPress.org:
- WordPress có thể hỗ trợ bạn xây dựng bất kỳ loại trang web nào (cửa hàng trực tuyến, trang web đấu giá, trang blog,…) mà không yêu cầu bất kỳ kỹ năng coding nào.
- Có hàng ngàn theme và plugin WordPress có sẵn trong “chợ WordPress”, cả trả phí và miễn phí.
- WordPress được thiết kế để hỗ trợ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn nhiều plugin SEO hữu ích từ “chợ”.
- WordPress sở hữu một cộng đồng người dùng và hỗ trợ lớn, do đây là một CMS mã nguồn mở nên rất dễ thu hút người dùng tham gia.
- WordPress cho phép bạn tải xuống tất cả nội dung ở định dạng XML, giúp bạn dễ dàng chuyển sang một hệ thống khác trong tương lai.
Khuyết điểm WordPress.org:
- Bạn sẽ cần tự thiết lập dịch vụ lưu trữ và tên miền, đồng thời bạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý sao lưu và bảo mật.
- Bởi vì WordPress cung cấp rất nhiều tùy chọn và linh hoạt nên đôi khi bạn có thể cảm thấy hơi khó khăn khi mới bắt đầu.
Chi phí WordPress.org:
Tự bản thân CMS WordPress.org sẽ không tốn một chi phí nào cả để bắt đầu và sử dụng. Tuy nhiên, để bắt đầu sử dụng thì bạn sẽ cần một tên miền và một tài khoản liên kết với máy chủ lưu trữ web có thể chạy WordPress. Hai yếu tố này có thể tốn của bạn khoảng $10/ tháng tùy vào gói dịch vụ sử dụng.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển, bạn có thể cần phải trả phí cho những extension cần thiết cho trang web của mình.
Wix
Wix là một nền tảng CMS phổ biến, thân thiện với người dùng và có sẵn gói sử dụng miễn phí. Theo BuiltWith, Wix đứng thứ 2 ngay sau WordPress.org về mức độ CMS phổ biến trên toàn Internet với 9,64%.
Nếu bạn là một người mới muốn phát triển trang web, trình tạo kéo và thả của Wix có thể giúp bạn dễ dàng tạo các trang phù hợp với sở thích cá nhân.
Ưu điểm Wix:
- Giao diện kéo và thả của Wix giúp bạn dễ dàng tạo các trang có giao diện như ý muốn. Bạn có thể chọn bất kỳ phần nào trên trang và trực tiếp chỉnh sửa tại chỗ đó.
- Có rất nhiều template có sẵn mà bạn có thể chọn trong Wix. Chúng hoàn toàn responsive nên tương thích nhiều trình duyệt, từ điện thoại di động đến máy tính.
- Bạn có thể thêm nhiều ứng dụng, tính năng vào trang web từ Chợ ứng dụng Wix.
Khuyết điểm Wix:
- Một bạn đã chọn một template trên Wix, bạn không thể thay đổi sang một template khác.
- Nếu bạn muốn phát triển cửa hàng E-commerce thì bạn phải nâng cấp lên gói trả phí.
- Wix không cho phép bạn tải xuống và xuất dữ liệu trên trang dễ dàng. Khi bạn muốn di chuyển dữ liệu trên Wix sang một CMS khác, bạn có thể tải xuống các bài blog (trừ hình ảnh) nhưng nếu bạn lấy dữ liệu của bất kỳ trang web nào, bạn sẽ cần sao chép và dán các trang này theo cách thủ công, không tải xuống được.
- Nếu bạn đang sử dụng gói Wix miễn phí, bạn sẽ có một tên miền theo format của Wix và quảng cáo của Wix được đặt trên trang web của bạn. Mọi số tiền kiếm được tiền quảng cáo này sẽ thuộc về Wix, không phải bạn.
Chi phí Wix:
Bạn có thể sử dụng Wix hoàn toàn miễn phí với những khuyết điểm nhỏ kể trên.
Ngoài ra, còn có các gói trả phí từ $13/ tháng (trả trước theo năm). Trong đó, gói dành cho cửa hàng E-commerce với hình thức thanh toán trực tuyến sẽ tốn $23/ tháng trở lên (trả trước theo năm).
Joomla
Joomla là một nền tảng CMS mã nguồn mở miễn phí phổ biến, cung cấp rất nhiều template và extension khác nhau. Cũng theo BuiltWith, Joomla hỗ trợ 1,43% tổng số trang web trên Internet.
So với các nền tảng CMS khác, phần mềm cốt lõi của Joomla vốn đã cung cấp khá nhiều chức năng sẵn có, phù hợp với nhiều ngôn ngữ lập trình. Tuy vậy, thiết lập ban đầu của Joomla có thể là một thách thức đối với người dùng không có kiến thức về lập trình.
Ưu điểm Joomla:
- Joomla mang đến nhiều không gian để tùy biến trang web, gia tăng tính linh hoạt. Đây sẽ là một lựa chọn tốt nếu bạn đang muốn xây dựng một trang web phức tạp hoặc khác biệt so với những template phổ biến trên thị trường.
- Mặc dù Joomla đặc biệt hữu ích cho các developer, nhưng bạn vẫn có thể chỉnh sửa và đăng tải nội dung mà không cần biết đến code.
- Giống như WordPress, Joomla là CMS mã nguồn mở nên bạn sẽ nhận được rất nhiều hỗ trợ từ cộng đồng nếu gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
- Bạn có thể sử dụng Joomla để phát triển một cửa hàng E-commerce vì có sẵn các extension phục vụ cho mục đích này.
Khuyết điểm Joomla:
- Joomla khá phức tạp khi tùy biến các tính năng. Bạn nên có một developer hỗ trợ khi phải làm việc với Joomla.
- Không có nhiều sự lựa chọn về extension. Nếu bạn đã quen với một CMS có hàng nghìn theme và plugin có sẵn giúp mở rộng chức năng cốt lõi, như WordPress, bạn có thể sẽ cảm thấy không hài lòng với kho tài nguyên của Joomla.
- Gặp một số vấn đề về tính tương thích nếu bạn cài đặt nhiều extension và module khác nhau.
Chi phí Joomla:
Cũng giống với WordPress.org, Joomla hoàn toàn miễn phí sử dụng nhưng bạn sẽ cần tốn phí cho dịch vụ lưu trữ và tên miền.
Ngoài ra, bạn có thể sẽ cần phải trả phí để có một developer đồng hành cùng bạn trong quá trình phát triển trang web với Joomla, tùy vào việc bạn đang muốn phát triển tính năng nào.
Drupal
Drupal cũng là một nền tảng CMS mã nguồn mở. Nhiều trang web lớn, như trang The Economist và một số trang web của trường đại học lớn ở Mỹ, sử dụng Drupal để phát triển.
Drupal là một lựa chọn tốt nếu bạn đang muốn xây dựng một trang web có mức độ tùy chỉnh cao để xử lý số lượng lớn dữ liệu. Drupal là CMS phù hợp với các developer.
Ưu điểm Drupal:
- Drupal hỗ trợ tùy chỉnh nhiều loại nội dung.
- Có rất nhiều module có sẵn mà bạn có thể thêm vào trang web của mình. Những module này hoạt động giống như plugin của WordPress.
- Cộng đồng hỗ trợ rộng lớn.
- Quản lý người dùng thật dễ dàng, với một hệ thống tích hợp, nơi bạn có thể tạo vai trò mới và chỉ định quyền của họ.
Khuyết điểm Drupal:
- Với Drupal, nếu bạn không phải là một lập trình viên có kinh nghiệm thì có thể sẽ khó để bạn thay đổi giao diện trang web hoặc thêm các tính năng bổ sung vì Drupal không thân thiện với người mới bắt đầu như WordPress.
- Hầu hết các trang web Drupal đều có theme được các nhà phát triển tùy chỉnh riêng biệt, và chúng có thể rất tốn kém nếu bạn muốn sử dụng.
HubSpot CMS Hub
HubSpot CMS Hub là một hệ thống quản lý nội dung tích hợp được thiết kế dành riêng cho marketers (nhà tiếp thị) và chủ doanh nghiệp.
Được xây dựng trên nền tảng CRM của HubSpot bao gồm tất cả các loại công cụ tự động hóa tiếp thị, bán hàng, dịch vụ và vận hành, CMS Hub là một giải pháp lý tưởng cho các doanh nghiệp đang phát triển cũng như các doanh nghiệp lớn đang tìm kiếm một hệ thống tất-cả-trong-một để quản lý trang web của họ.
Ưu điểm HubSpot CMS Hub:
- Trình tạo trang web HubSpot rất dễ sử dụng ngay cả khi bạn có ít hoặc không có kỹ năng phát triển web.
- Đối với developer, HubSpot CMS Hub có các chức năng serverless, tùy chọn theme linh hoạt và công cụ command line để bạn có thể thực hiện các thay đổi và tùy chỉnh nội dung nhanh hơn.
- HubSpot CMS Hub tích hợp các tính năng bảo mật, bao gồm Web Application Firewall (WFA) và CDN toàn cầu cùng với một đội ngũ bảo mật chuyên dụng để giữ an toàn cho trang web của bạn.
Khuyết điểm HubSpot CMS Hub:
- Không có phiên bản miễn phí, nhưng bạn có thể sử dụng bản dùng thử miễn phí.
- HubSpot CMS không phù hợp để phát triển các trang web E-commerce. Tin tốt là HubSpot CMS dễ dàng tích hợp với WordPress và WooCommerce.
Chi phí HubSpot CMS Hub:
CMS Hub có bốn cấp độ: Free, Starter, Professional và Enterprise.
Cụ thể:
- Gói Free hoàn toàn không tốn phí.
- Gói Starter có giá $25/ tháng và đầy đủ tất cả các tính năng bạn cần để xây dựng một trang web hoạt động ổn định.
- Gói Professional có giá $400/ tháng.
- Gói Enterprise có giá $1200/ tháng.
- Các cấp độ cao hơn sẽ phù hợp hơn nếu bạn muốn xây dựng các ứng dụng web phức tạp với các quy trình nội bộ và quy trình cá nhân hóa.
Magento
Magento là một trong những CMS phát triển nền tảng E-commerce tốt nhất hiện nay. Có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới sử dụng Magento như Nike, Ford, Coca Cola,…
Phần mềm CMS Magento tập trung vào bảo mật, SEO và tùy chỉnh để tối ưu hóa tất cả các loại trang web E-commerce. Vì mục đích phục vụ của Magento hướng đến các nền tảng này nên Magento đủ mạnh mẽ để xử lý một số lượng lớn sản phẩm và đơn đặt hàng.
Bạn có đọc đầy đủ về tính năng Magento, ưu điểm và cách sử dụng Magento hiệu quả ở bài viết về Magento mà ITviec đã tổng hợp.
Ghost
Ghost là một nền tảng CMS được thiết kế dành riêng cho các blogger. Và Ghost là một trong những “headless CMS” phổ biến trong “giới” blogger. Bạn có thể kéo lên phần đầu của bài viết để đọc lại về headless CMS nếu đã quên mất headless CMS là gì nhé.
Tuy nhiên, nếu bạn không phải là developer hoặc bạn chỉ muốn sử dụng Ghost để viết blog, bạn vẫn có thể sử dụng nhờ vào những ưu điểm sau đây.
Ưu điểm Ghost:
- Bạn có thể sử dụng Markdown khi viết bài trong Ghost editor. Markdown là một ngôn ngữ đánh dấu văn bản mà bạn chỉ cần thêm các ký tự đặc biệt xung quanh các từ để làm cho chúng in đậm, in nghiêng,… Ví dụ như: <i>là để in nghiêng chữ</i>, <b>là để in đậm chữ</b>,…
- Ghost có một trình chỉnh sửa nội dung sử dụng thẻ. Cách hoạt động tương tự các “blocks” của WordPress trong Block Editor.
- Ghost có sẵn tính năng hỗ trợ SEO được tích hợp trong CMS nên bạn không cần thêm bất kỳ plugin nào.
- Ghost được thiết kế chuyên cho các trang cung cấp nội dung tính phí, ví dụ như một tạp chí, một khóa học hoặc ấn phẩm trực tuyến mà người xem phải trả tiền.
Khuyết điểm Ghost:
- Không linh hoạt.
- Không được hỗ trợ bởi nhiều web server, web hosting.
Chi phí Ghost:
Bản thân phần mềm Ghost là miễn phí sử dụng, nhưng bạn vẫn sẽ phải trả tiền để mua một tên miền và dịch vụ lưu trữ web.
Bạn có thể mua dịch vụ lưu trữ Ghost từ gói Ghost(Pro) với giá cơ bản là $36/ tháng, nhưng bạn sẽ cần nâng cấp nếu muốn mở rộng gói người dùng hoặc người đăng ký, có thể lên đến $249/ tháng.
Sitefinity
Sitefinity là một nền tảng CMS tuyệt vời cho ngành tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing). Điều làm cho CMS này trở nên độc đáo là các doanh nghiệp có thể thu hút và giữ chân khách truy cập một cách dễ dàng. Ngoài ra, nền tảng này giúp cá nhân hóa hành trình của khách truy cập khiến họ hài lòng hơn.
Trải nghiệm đa kênh của Sitefinity rất phù hợp với các trang web lớn có lưu lượng truy cập cao hoạt động trong những ngành có nhịp độ nhanh. Ví dụ: Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã chuyển sang sử dụng Sitefinity vào năm 2020 để cung cấp quyền truy cập vào những thông tin sức khỏe quan trọng.
Ưu điểm Sitefinity:
- Cung cấp thông tin chi tiết để giúp tối ưu hóa hành trình của khách truy cập.
- Sử dụng giao diện kéo và thả để tạo và quản lý thiết kế và nội dung một cách hiệu quả.
- Thiết kế responsive giúp hiển thị tốt trên nhiều nền tảng.
- Quản lý đa kênh giúp quản lý các tài khoản Facebook, Google, Microsoft, Twitter, LinkedIn, và GitHub trực tiếp từ Sitefinity.
- Hỗ trợ email marketing.
Khuyết điểm Sitefinity:
- Tích hợp bên thứ ba bị hạn chế.
- Không cập nhật tự động.
- Không trực quan.
- Các trang đôi khi vô tình bị khóa.
Chi phí Sitefinity:
Sitefinity cung cấp giấy phép và nhiều gói đăng ký tính phí. Tuy nhiên, chi phí này sẽ được tùy chỉnh theo nhu cầu của bạn. Hơn nữa, bạn có thể thử qua bản dùng thử 30 ngày để kiểm tra nền tảng.
TYPO3
TYPO3 là một nền tảng CMS mã nguồn mở, miễn phí và có tuổi đời gần 30 năm, kể cả trước khi “nghề viết blog” tồn tại. Đây là một CMS dành cho doanh nghiệp, phù hợp cho các trang web mạng nội bộ của công ty nói riêng, cũng như các trang web nói chung.
Ưu điểm TYPO3:
- TYPO3 có thể xử lý các trang web thực sự lớn và là một lựa chọn tốt cho các công ty quốc tế lớn.
- Vì là mã nguồn mở nên TYPO3 có thể được mở rộng theo bất kỳ cách nào bạn muốn, nhất là nếu như bạn có kiến thức về lập trình.
- Bạn có thể dễ dàng sửa đổi quyền truy cập của các cá nhân và đội nhóm khác nhau.
- Có hơn 6.000 extension và ứng dụng mà bạn có thể thêm vào trang TYPO3 để mở rộng các tính năng mới.
- TYPO3 tách giao diện người dùng web khỏi giao diện quản trị, điều này rất tốt cho bảo mật.
Khuyết điểm TYPO3:
- Không có theme có sẵn, vì vậy có thể bạn sẽ phải tự thiết kế theme cho mình.
- Bạn sẽ cần có trình độ chuyên môn kỹ thuật khá cao để thiết lập và chạy TYPO3 cũng như duy trì CMS này.
Kentico
Kentico là một headless CMS. Kentico có thể cung cấp nội dung một cách hiệu quả trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau. Ngoài ra, các công cụ marketing sẵn có của CMS này sẽ giúp bạn tiếp cận nhiều đối tượng hơn và tương tác với khách truy cập.
Kentico sẽ rất phù hợp với các doanh nghiệp cần xây dựng một trang web lớn đa chức năng. Một ví dụ về doanh nghiệp lớn tin dùng Kentico chính là Skype, dùng cho việc liệt kê các sản phẩm cũng như cập nhật blog.
Ưu điểm Kentico:
- Dễ dàng triển khai các chiến lược kỹ thuật số, bao gồm quản lý nội dung, E-commerce và các công cụ digital marketing.
- Triển khai các giao thức bảo mật mới nhất và các tính năng sao lưu dữ liệu.
- Cung cấp thông tin chi tiết về hành trình và hành vi của khách truy cập.
Khuyết điểm Kentico:
- Chi phí cao hơn các nền tảng CMS khác.
- Yêu cầu kiến thức kỹ thuật để phát triển trang web.
Chi phí Kentico:
Bạn có thể trải nghiệm trước với gói dùng thử 14 ngày và nâng cấp lên như sau:
- Gói Business: $11,100/ năm.
- Gói Enterprise: $19,900/ năm.
- Gói Corporate: Mức giá tùy chỉnh theo nhu cầu doanh nghiệp.
Cách CMS hoạt động
Để hiểu nguyên lý hoạt động của CMS, trước tiên bạn cần biết các thành phần tạo nên một trang web và cách xây dựng một trang web từ bước đầu tiên.
Một trang web được cấu tạo như thế nào?
Một trang web bao gồm hai phần chính – front-end và back-end. Front-end là phần mà người dùng cuối nhìn thấy trong trình duyệt của họ, chẳng hạn như bài đăng trên blog, thư viện hình ảnh và video. Front-end bao gồm các ngôn ngữ đánh dấu tiêu chuẩn được gọi là HTML, ngôn ngữ thiết kế CSS và JavaScript.
Trong khi đó, back-end bao gồm cơ sở dữ liệu và chức năng của một trang web. Các ngôn ngữ lập trình khác nhau được sử dụng trong quá trình xây dựng back-end có thể bao gồm PHP, Python, Ruby và Java.
Một trang web hoạt động như thế nào?
Để hiển thị trang web của bạn trên web, bạn cũng cần đăng tải tất cả nội dung trang web lên web server một cách thủ công.
Cơ sở dữ liệu web server sẽ lưu trữ nội dung của bạn và đẩy nội dung đó từ back-end lên front-end bất cứ khi nào người dùng truy cập trang web của bạn.
CMS hoạt động như thế nào?
Với CMS, người dùng có thể tập trung tùy chỉnh front-end trong quá trình phát triển trang web, chẳng hạn như tùy chỉnh thiết kế của trang web và sắp xếp, quản lý nội dung và không cần phải quá lo lắng về back-end. Nội dung trên một trang web có thể hiểu là các tệp dựa trên văn bản, như tài liệu .PDF, hình ảnh, video, và tệp âm thanh,…
Ngoài ra, CMS còn có nhiều tính năng hữu ích trong việc xây dựng một trang web, ví dụ như:
- Hầu hết các phần mềm CMS cũng sẽ cung cấp cho bạn một giao diện để bạn có thể kiểm soát các phiên bản sửa đổi.
- Bạn cũng có thể sử dụng CMS để định dạng cấu hình cài đặt trang web của mình và một hệ thống cấp phép.
Toàn bộ quá trình sử dụng CMS đều thân thiện với người mới bắt đầu và không yêu cầu nhiều kiến thức kỹ thuật.
Các câu hỏi CMS thường gặp
Nên lựa chọn CMS dựa trên tiêu chí gì?
Để chọn nền tảng CMS phù hợp với trang web của bạn, bạn nên xem xét các yếu tố sau:
- Loại trang web: Đảm bảo CMS bạn chọn trang bị tất cả các công cụ cần thiết để hỗ trợ loại trang web mà bạn muốn phát triển. Ví dụ: WordPress phù hợp để xây dựng blog, trong khi Magento phù hợp để phát triển các trang web E-Commerce.
- Khả năng mở rộng: Một CMS tốt nên có khả năng mở rộng linh hoạt để thích ứng với những thay đổi khi doanh nghiệp của bạn phát triển.
- Hỗ trợ: Dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, nhanh chóng và có thể hỗ trợ bất cứ lúc nào.
- Giao diện người dùng trực quan: Một CMS có UI-UX thân thiện sẽ giúp bạn sử dụng dễ dàng mà không cần có kiến thức kỹ thuật.
- Bảo mật: Các tính năng bảo mật tích hợp sẵn có của CMS luôn được cập nhật theo quy chuẩn mới nhất và có khả năng dự đoán tất cả các loại tấn công, phần mềm độc hại.
- Giá cả: Nếu sử dụng CMS mã nguồn mở, bạn không cần trả phí ban đầu nhưng sẽ phải trả tiền cho các extension và template thiết kế. Chính vì thế, nếu bạn có một ngân sách nhất định, hãy cân nhắc giữa các lựa chọn.
Làm thế nào để bắt đầu sử dụng CMS?
Trước khi sử dụng CMS, trước tiên bạn cần mua dịch vụ lưu trữ web (web hosting). Web hosting là một dịch vụ cho phép bạn lưu trữ tất cả nội dung, tệp và cơ sở dữ liệu cần thiết cho trang web của mình.
Lưu ý rằng bạn cần kiểm tra xem nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hỗ trợ CMS bạn đã chọn hay không. Ví dụ: Các gói lưu trữ Hostinger WordPress được Hostinger thiết kế dành riêng cho các trang web WordPress. Bạn có thể kiểm tra các giải pháp lưu trữ CMS khác nhau từ Hostinger và chọn giải pháp phù hợp nhất cho nền tảng CMS của bạn.
Bước tiếp theo là đăng ký tên miền. Một số nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, như Hostinger, bao gồm các tên miền miễn phí với hầu hết các gói dịch vụ lưu trữ. Ngoài ra, bạn có thể đăng ký thông qua công ty đăng ký tên miền.
Sau khi bạn đã mua dịch vụ lưu trữ và tên miền, đã đến lúc thiết lập CMS từ tài khoản dịch vụ lưu trữ của bạn. Hầu hết các web server đều hỗ trợ người dùng thiết lập CMS chỉ bằng một cú nhấp chuột để tinh gọn hóa quy trình này.
Khi CMS đã đi vào hoạt động, bạn có thể truy cập bảng điều khiển dưới tên miền đã đăng ký để bắt đầu tùy chỉnh trang web của mình và tạo ra những nội dung hữu ích.
Tổng kết
Từ viết blog đến E-commerce, CMS giúp các doanh nghiệp và cả cá nhân hiện thực hóa một trang web “trong mơ” dễ dàng hơn nhiều, nhất là với những ai không quá giỏi về lập trình. Hiểu rõ CMS là gì và chọn đúng CMS bạn cần giữa hàng nghìn sự lựa chọn sẽ giúp bạn tiến xa hơn với trang web của mình.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!