Điện toán đám mây là gì? Điện toán đám mây là công nghệ đã cách mạng hóa việc người dùng truy cập và sử dụng tài nguyên máy tính. Bài viết dưới đây tổng hợp các kiến thức cần thiết giúp bạn hiểu và phân biệt được các giải pháp điện toán đám mây, từ đó có chiến lược đúng đắn để ứng dụng hoặc phát triển sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.

Đọc bài viết này để hiểu rõ:

  • Điện toán đám mây là gì?
  • Cách thức hoạt động của điện toán đám mây
  • Phân loại điện toán đám mây theo mô hình triển khai và mô hình cung cấp dịch vụ
  • Những cơ hội nghề nghiệp liên quan đến điện toán đám mây

Điện toán đám mây là gì? 

Điện toán đám mây là gì? Điện toán đám mây là công nghệ cho phép công ty và người dùng phân phối tài nguyên điện toán qua mạng Internet, mà không cần tự mình quản lý máy chủ vật lý, hoặc phải cài đặt các phần mềm quản lý trên chính thiết bị của họ. 

Tài nguyên có thể đưa “lên mây” để quản lý từ bất cứ đâu rất đa dạng, bao gồm: hệ điều hành, cơ sở hạ tầng, phần mềm, ứng dụng, bộ nhớ, dữ liệu, dịch vụ, lưu trữ, tin nhắn, sự kiện, thanh toán… 

Điện toán đám mây hoạt động như thế nào?

Sau khi đã hiểu điện toán đám mây là gì, bạn sẽ cần hiểu cách mà điện toán đám mây hoạt động.

Các tài nguyên điện toán sẽ nằm ở máy chủ ảo (đám mây), cho phép người dùng truy cập và sử dụng từ các thiết bị khác nhau khi có kết nối internet và truy cập vào máy chủ ảo này. Doanh nghiệp không tốn chi phí và công sức “nuôi” số lượng lớn máy chủ vật lý, mà có thể mua các tài nguyên điện toán cần thiết từ các nhà cung cấp dịch vụ có sẵn.

điện toán đám mây là gì - itviec blog

Nguồn nội dung @spiceworks.com

Ứng dụng của điện toán đám mây là gì?

Lưu trữ đám mây

Lưu trữ đám mây là ứng dụng phổ biến nhất của điện toán đám mây. Với dịch vụ này, người dùng có thể xem, lưu trữ và tải file như tập tin dữ liệu, hình ảnh video,.. từ máy tính cá nhân lên bộ nhớ trên đám mây và ngược lại. Điện toán đám mây cũng cho phép chia sẻ dữ liệu và cộng tác trực tuyến. 

Ví dụ: DropBox, OneDrive, Media Fire, Hot FileRapidShare

Tạo môi trường kiểm thử và phát triển phần mềm

Điện toán đám mây cung cấp nhiều môi trường có sẵn đa dạng và linh hoạt, phù hợp với nhu cầu kiểm thử và phát triển sản phẩm khác nhau của doanh nghiệp, giúp cắt giảm thời gian và chi phí để thiết lập cơ sở hạ tầng CNTT cũng như nguồn nhân lực.

Phân tích Big Data

Điện toán đám mây được doanh nghiệp ứng dụng vào việc phân tích Big Data để thu được thông tin chi tiết có giá trị về kinh doanh.

Ví dụ: Các nhà bán lẻ sử dụng dữ liệu về xu hướng mua hàng của khách hàng để có kế hoạch tiếp thị cho một nhóm nhân khẩu học nhất định.

Truyền phát sản phẩm giải trí

Điện toán đám mây cho phép người dùng truy cập vào các kho âm nhạc, phim ảnh, game online… trên hầu hết mọi thiết bị, ở bất cứ đâu bằng cách đăng nhập vào tài khoản của họ, đồng thời đơn vị phát triển cũng có thể cập nhật nội dung, thay đổi giao diện,… ngay lập tức.

Ví dụ: Spotify, Netflix,…

Quản lý thương mại điện tử

Doanh nghiệp thương mại điện tử có thể tiết kiệm chi phí và quản lý hoạt động dễ dàng trên nền tảng đám mây.

Ví dụ: Amazon,…

Ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh

Nhiều dịch vụ đám mây cung cấp cho người dùng cuối các dịch vụ chỉnh sửa ảnh miễn phí trong một giao diện đồ họa chung. 

Ví dụ: Fotor, Adobe Cloud,…

Ứng dụng diệt virus

Các ứng dụng diệt virus dựa vào đám mây giúp dọn dẹp hệ thống định kỳ, bằng cách phát hiện virus, gửi báo cáo đến trung tâm dữ liệu đám mây và khắc phục các mối đe dọa.

Ví dụ: Kaspersky, Sophos…

Ứng dụng họp trực tuyến

Điện toán đám mây cung cấp các máy chủ ảo là nền tảng của các ứng dụng họp trực tuyến, cho phép các cá nhân kết nối, chia sẻ màn hình và chia sẻ bản trình bày trên cơ sở thời gian thực

Ví dụ:  Zoom, Google Meet, GoTo,…

Ứng dụng mạng xã hội

Một số ứng dụng social media dựa trên điện toán đám mây cho phép hàng triệu người dùng kết nối trên cơ sở thời gian thực và giao diện chung, từ bất cứ đâu trên thế giới.

Ví dụ: Facebook, Yammer, TwitterLinkedIn,…

GPS

Điện toán đám mây được ứng dụng trong dịch vụ hỗ trợ GPS cho người dùng cuối, với tính năng điều hướng trên cơ sở thời gian thực.

Ví dụ: Google Maps,…

Tham khảo thêm: Định vị vị trí – Geolocation là gì? Lợi ích và Ứng dụng?

Giải pháp back-up dữ liệu

Trong trường hợp sự cố diễn ra, dữ liệu có thể bị mất vĩnh viễn nếu bị lưu trữ vật lý. Nhưng với điện toán đám mây, bạn có thể chuẩn bị kế hoạch khôi phục dữ liệu một cách dễ dàng bằng việc sao lưu trong một trung tâm dữ liệu dự phòng từ xa.

3 mô hình triển khai điện toán đám mây

phân loại điện toán đám mây là gì - itviec blog

Nguồn nội dung @executech.com

1. Public cloud – Đám mây công cộng

Public cloud – Đám mây công cộng

Định nghĩa Public cloud là hạ tầng đám mây dùng chung thuộc sở hữu của nhà cung cấp, được phân vùng và phân phối cho nhiều khách hàng thuê lại. Ví dụ: Amazon Web Services (AWS), Google Cloud, Microsoft Azure, AlibabaIBM
Phù hợp với Khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ít chi phí và không yêu cầu tính bảo mật cao.
Ưu điểm – Tiết kiệm chi phí quản lý, cơ sở hạ tầng và tài nguyên máy chủ.

– Có khả năng mở rộng hoặc thu hẹp.

– Không bị giới hạn về địa lý và thời gian lưu trữ, cho phép nhiều người sử dụng cùng lúc.

Hạn chế – Ít lựa chọn tùy chỉnh.

– Quyền kiểm soát thấp.

– Rủi ro từ thay đổi của nhà cung cấp.

– Mức độ bảo mật không cao do dùng chung máy chủ.

2. Private cloud – Đám mây riêng tư

Private cloud – Đám mây riêng tư

Định nghĩa Private cloud là hạ tầng đám mây dành riêng cho một tổ chức, được đặt và vận hành trong trung tâm dữ liệu tại chỗ của khách hàng, có tường lửa bảo vệ, do khách hàng toàn quyền kiểm soát, hoặc được quản lý bởi bên thứ ba.
Phù hợp với Khách hàng là doanh nghiệp lớn, có nhu cầu trực tiếp quản lý, sử dụng nhiều máy chủ và cần tính bảo mật cao.
Ưu điểm – Có tính bảo mật rất cao.

– Có quyền tự chủ với các máy chủ.

– Có khả năng tùy chỉnh.

– Không có rủi ro từ những thay đổi của nhà cung cấp.

Hạn chế – Chi phí đầu tư cao.

– Cần có đội ngũ IT giàu kinh nghiệm để vận hành, quản lý.

3. Hybrid Cloud – Đám mây lai

Hybrid Cloud – Đám mây lai

Định nghĩa Đám mây lai là một môi trường đám mây duy nhất, dùng để quản lý nhiều môi trường khác. Ở đó, các ứng dụng có thể di chuyển giữa các môi trường được kết nối thông qua API), mạng riêng ảo (VPN), mạng cục bộ (LAN) và/hoặc mạng diện rộng (WAN). 

Các hình thức của đám mây lai có thể thuộc một trong những trường hợp sau:

– Có 2 hoặc nhiều private cloud.

– Có 2 hoặc nhiều public cloud.

– Có ít nhất 1 private cloud và 1 public cloud.

– Có một môi trường ảo hoặc vật lý được kết nối với ít nhất một private cloud hoặc public cloud.

Phù hợp với Khách hàng muốn sử dụng cùng lúc dịch vụ của cả 2 mô hình để phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.
Ưu điểm – Độ bảo mật cao hơn public cloud.

– Khả năng tùy chỉnh linh hoạt và tốn ít chi phí hơn private cloud.

Hạn chế – Có thể xảy ra xung đột giao tiếp giữa các thành phần trong public cloud và private cloud.

– Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao.

– Quy trình triển khai phức tạp.

Tham khảo thêm: API là gì? 4 đặc điểm nổi bật của API

3 mô hình cung cấp dịch vụ điện toán đám mây

Có 3 mô hình cung cấp dịch vụ đám mây phổ biến nhất là: IaaS, PaaS, SaaS. So với mô hình lưu trữ tại chỗ (on premise) trước đây, các mô hình dịch vụ đám mây sẽ chia một phần quyền kiểm soát cho bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

Nhà cung cấp dịch vụ đám mây là bên thứ ba cung cấp một số thành phần của điện toán đám mây theo các mô hình IaaS – PaaS – SaaS.

Dịch vụ đám mây hoạt động dựa trên quy tắc: Cung cấp theo nhu cầu – Chỉ trả phí khi sử dụng – Tính phí theo mức sử dụng. Quy tắc này tương tự như việc nhà bạn có đồng hồ đo điện nước và bạn chỉ phải trả tiền cho khối lượng điện nước mà mình đã sử dụng, khác với điện toán truyền thống là bạn phải mua đứt máy chủ vật lý và tốn chi phí ngay cả khi không dùng đến.

phân loại điện toán đám mây là gì - itviec blog

So sánh mô hình lưu trữ tại chỗ với 3 mô hình dịch vụ đám mây. Nguồn nội dung @businesstechweekly.com

1. IaaS (Infrastructure As A Service) – Dịch vụ Cơ sở hạ tầng

IaaS (Infrastructure As A Service) – Dịch vụ Cơ sở hạ tầng

Đặc điểm – Nhà cung cấp quản lý cơ sở hạ tầng và xử lý các sự cố phần cứng, giống như người chăm sóc, bảo trì ngôi nhà.

– Khách hàng có thể lưu trữ, xử lý ứng dụng phần mềm và dịch vụ của mình thông qua bảng điều khiển hoặc API.

Ưu điểm – Là mô hình linh hoạt nhất, khách hàng có toàn quyền kiểm soát hệ thống nhưng không phải mua và bảo trì phần cứng.

– Khả năng mở rộng linh hoạt theo nhu cầu.

– Tiết kiệm chi phí vì khách hàng chỉ cần mua tài nguyên theo nhu cầu.

Hạn chế – Phụ thuộc nhiều nhất vào quá trình làm việc và thương lượng với các nhà cung cấp so với hai mô hình còn lại.

– Chỉ nên sử dụng khi bạn có kinh phí thấp hoặc cần dựa vào Big Data.

– Tính bảo mật kém.

2. PaaS (Platform As A Service) – Dịch vụ Nền tảng

PaaS (Platform As A Service) – Dịch vụ Nền tảng

Đặc điểm – Nhà cung cấp cũng quản lý phần cứng giống như IaaS, nhưng đồng thời cũng quản lý phần nền tảng như hệ điều hành, phần mềm trung gian và thời gian chạy.

– Khách hàng sử dụng nền tảng có sẵn đó để phát triển, chạy, quản lý ứng dụng và xử lý các dữ liệu cần thiết.

Ưu điểm – Cho phép triển khai các ứng dụng nhanh chóng, mà không cần phải lo lắng về việc duy trì hạ tầng hoặc vận hành ứng dụng như: thu mua tài nguyên, công cụ phát triển đắt tiền, hoạch định dung lượng, giấy phép phần mềm, bảo trì phần mềm, vá lỗi…

– Có thể truy cập nhiều library, framework, template và các công cụ khác từ nhà cung cấp, giúp tăng tốc và đơn giản hóa quá trình phát triển.

Hạn chế – Có thể gặp vấn đề về thời gian chạy.

– Ngôn ngữ lập trình và framework bạn định sử dụng có thể không tương thích.

– Có thể gặp các sự cố nếu nhà cung cấp thực hiện các sửa đổi.

3. SaaS (Software As A Service) – Dịch vụ Phần mềm

SaaS (Software As A Service) – Dịch vụ Phần mềm

Đặc điểm – Nhà cung cấp sẽ quản lý mọi thứ, kể cả nâng cấp và bảo trì phần mềm. Thông thường mô hình SaaS dùng để chỉ ứng dụng dành cho người dùng cuối. Ví dụ như: Dropbox, HubSpot, Slack, Microsoft Office 365, Adobe Creative Cloud, MailChimp,…

– Khách hàng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản trên trình duyệt web để sử dụng phần mềm hoàn chỉnh.

Ưu điểm – Là mô hình dễ tiếp cận nhất, cung cấp nhiều giải pháp sẵn có, thiết lập đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải là chuyên gia IT hoặc developer.

– Người dùng cuối có thể sử dụng phần mềm mà không cần cài trực tiếp trên máy.

Hạn chế – Hiệu suất của các ứng dụng không cao như khi được cài đặt trên PC.

– Khả năng triển khai các tính năng tùy chỉnh phức tạp còn hạn chế vì phải phụ thuộc vào cấu hình của nhà cung cấp.

– Cần đường truyền Internet nhanh và an toàn.

– Mức độ bảo mật dữ liệu thấp.

So sánh nhanh IaaS – PaaS – SaaS

IaaS PaaS SaaS
Viết tắt của Infrastructure as a service Platform as a service Software as a service
Thường sử dụng bởi Kĩ sư hạ tầng Developer Người dùng cuối
Dịch vụ chính Cung cấp tất cả tài nguyên điện toán ảo  Cung cấp các công cụ để phát triển ứng dụng Cung cấp phần mềm
Yêu cầu kĩ thuật Yêu cầu kiến thức kĩ thuật cao Yêu cầu kiến thức kĩ thuật cơ bản Không yêu cầu kiến thức kĩ thuật
Developer có quyền kiểm soát Hệ điều hành, Thời gian chạy, Phần mềm trung gian,… Dữ liệu, ứng dụng Không có
Chi phí Cao nhất Trung bình Thấp nhất
Tính cơ động Cao Thấp Không có
Độ phụ thuộc vào nhà cung cấp Thấp Trung bình Cao
Nhà cung cấp nổi bật AWS, Google Compute Engine, Rackspace, Digital Ocean, VCloud Express,… Windows Azure, Salesforce.com, Google App Engine, OpenShift, Heroku Google Workspace, Salesforce, Dropbox, CISCO, MS Office,…

Tham khảo thêm: Kafka là gì? Những lợi ích tuyệt vời mà Kafka mang lại cho Dev

Ưu điểm và Khuyết điểm điện toán đám mây là gì?

Ưu điểm điện toán đám mây

  • Tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực: Giảm chi phí cố định để mua và bảo trì thiết bị, giảm bớt nhân lực IT nội bộ vì mọi thứ có thể được quản lý, bảo trì, cập nhật bởi nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
  • Linh hoạt, cơ động: Cho phép nhân viên tại các khu vực địa lý khác nhau có thể truy xuất, xử lý tài nguyên và cộng tác nhanh chóng thông qua Internet, không giới hạn. Cho phép mở rộng hoặc thu hẹp bất cứ lúc nào, dễ dàng đáp ứng khi nhu cầu kinh doanh thay đổi.
  • Tốc độ cao: Cho phép triển khai dịch vụ, nâng cấp, cập nhật hoặc sử dụng số lượng lớn tài nguyên cần thiết cho hệ thống chỉ trong thời gian rất ngắn.
  • An toàn và đáng tin cậy: Dữ liệu trên đám mây đồng thời có thể được sao lưu tại các trung tâm dự phòng của nhà cung cấp, giúp việc khôi phục dữ liệu trở nên dễ dàng hơn và tránh rủi ro mất dữ liệu.

Khuyết điểm điện toán đám mây

  • Phụ thuộc cao vào Internet: Khi mất kết nối hoặc kết nối Internet yếu, các dịch vụ sẽ bị gián đoạn, làm tăng thời gian ngừng (downtime) của hệ thống và sẽ không có cách nào khác để truy cập dữ liệu từ đám mây.
  • Vẫn có rủi ro về bảo mật: Tuy các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn luôn cam kết về bảo mật, nhưng khi sử dụng dịch vụ của bên thứ ba nghĩa là bạn phải chấp nhận nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu, trộm cắp tài sản trí tuệ, vi phạm hợp đồng hoặc bị hacker tấn công.
  • Hạn chế quyền kiểm soát: Khi sử dụng máy chủ của nhà cung cấp, khách hàng có thể bị hạn chế quyền kiểm soát đối với công cụ, ứng dụng và dữ liệu có thể xử lý.
  • Rắc rối khi đổi nhà cung cấp: Khách hàng có thể gặp khó khăn khi muốn đổi sang nhà cung cấp khác, do một số ứng dụng hoạt động được trong nền tảng đám mây này có thể không tương thích với môi trường của nhà cung cấp khác.
  • Chi phí phát sinh: Chi phí là cả một lợi ích của điện toán đám mây, nhưng các chi phí phát sinh để truyền và di chuyển dữ liệu, duy trì và mở rộng băng thông,… có thể gây tốn kém, đặc biệt là đối với các công ty nhỏ hoặc start-up.

Các câu hỏi điện toán đám mây thường gặp

1. Thực chất “đám mây”/ cloud là gì?

“Đám mây” hay Cloud là gì? “Đám mây” là cách gọi ví von của bộ nhớ ảo trên Internet. Với bộ nhớ ảo, vị trí lưu trữ chính xác ở đâu không quan trọng, đồng thời người dùng có thể tiếp cận nhanh chóng từ bất cứ đâu, giống như việc “lưu trữ trên đám mây trôi dạt nào đó”. 

Theo Medium, thuật ngữ “cloud” hay “đám mây” có thể xuất phát từ hai nguồn: 

  • Một là, trong một kế hoạch nội bộ của một nhóm các nhân viên công nghệ của công ty Compaq (Mỹ) vào năm 1996.
  • Hai là, trong một bài giảng vào năm 1997 của Giáo sư Ramnath Chellappa (Đại học Emory – Mỹ), ông đã định nghĩa “điện toán đám mây” là “mô hình điện toán trong đó ranh giới của điện toán sẽ được xác định bởi cơ sở kinh tế hơn là giới hạn kỹ thuật.”

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc đầu tiên tạo ra thuật ngữ “đám mây” này.

2. Lịch sử tóm tắt về điện toán đám mây

Trước điện toán đám mây có 2 loại điện toán:

  • Điện toán máy chủ – máy khách: tất cả dữ liệu và quyền kiểm soát nằm ở phía máy chủ.
  • Điện toán Phân tán: cải tiến hơn Điện toán máy chủ – máy khách khi tất cả các máy tính được nối mạng với nhau, cho phép người dùng chia sẻ tài nguyên khi cần. 

Cuối cùng, điện toán đám mây ra đời để khắc phục hạn chế của Điện toán Phân tán.

  • Năm 1961, John MacCharty (nhà khoa học máy tính được coi là cha đẻ của AI) đã có ý tưởng rằng “Điện toán có thể được bán như một tiện ích, giống như điện và nước”, nhưng mãi đến 1999, ý tưởng này mới được thực hiện bởi Salesforce.com. Công ty này bắt đầu cung cấp ứng dụng doanh nghiệp qua internet, đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên Điện toán đám mây.
  • Năm 2002, Amazon cho ra mắt Amazon Web Services (AWS) cung cấp dịch vụ lưu trữ, điện toán qua internet. 
  • Năm 2006, Amazon mở rộng Dịch vụ thương mại điện toán đám mây đàn hồi mở cho mọi người sử dụng.
  • Năm 2009, Google Play bắt đầu cung cấp ứng dụng điện toán đám mây cho doanh nghiệp và Microsoft cũng tham gia cuộc chơi với Microsoft Azure. Sau đó các công ty khác như Alibaba, IBM, Oracle, HP cũng giới thiệu Dịch vụ đám mây của họ. Từ đó, công nghệ điện toán đám mây bắt đầu bùng nổ.

3. Mô hình dịch vụ đám mây Serverless

Ngoài 3 mô hình dịch vụ đám mây cơ bản, các mô hình Serverless – điện toán không máy chủ cũng đã xuất hiện, bao gồm:

  • BaaS – Backend As A Service – Dịch vụ Backend: Khách hàng sử dụng API đã có sẵn của nhà cung cấp và chỉ cần xử lý phần front-end. 
  • FaaS – Function As A Service – Dịch vụ Function: Developer chỉ cần viết code trong đám mây, nhà cung cấp dịch vụ sẽ lưu trữ và quản lý toàn bộ hoạt động phụ trợ, từ cơ sở hạ tầng cho đến các ứng dụng. 

Điểm chung của các mô hình Serverless là người dùng có thể tập trung phát triển các dịch vụ hay sản phẩm mà không cần phải quan tâm đến máy chủ, việc quản lý và phân bổ tài nguyên của hệ điều hành sẽ thuộc trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

4. Các nghề nghiệp liên quan đến điện toán đám mây là gì?

  • Cloud Engineer (Kĩ sư đám mây): Cloud Engineer là người thiết kế giải pháp đám mây, xây dựng, mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng đám mây, đồng thời hỗ trợ quản lý cơ sở hạ tầng đám mây như bảo trì, hỗ trợ máy khách.
  • Cloud Consultant (Tư vấn viên đám mây): Cloud Consultant là người làm việc với khách hàng để xác định nhu cầu, tư vấn giải pháp đám mây có thể hoạt động tốt nhất với mô hình kinh doanh của họ và xử lý các khiếu nại của khách hàng.
  • Cloud architect (Kiến trúc sư đám mây): Cloud architect là người xây dựng và giám sát chiến lược điện toán đám mây của khách hàng từ đầu đến cuối, bao gồm: phát triển các giải pháp đám mây dành riêng cho khách hàng, tạo các kế hoạch thực thi để giải quyết các vấn đề cụ thể mà khách hàng đặt ra với hệ thống hiện tại của họ.
  • DevOps Cloud Engineer: DevOps Cloud Engineer phối hợp với developer để tích hợp các giải pháp dựa trên đám mây trên các nền tảng khác nhau để cải thiện hiệu suất của toàn bộ cấu trúc.
  • Security engineer (Kỹ sư bảo mật): Security engineer thiết kế, triển khai và thử nghiệm các biện pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu trong hệ thống đám mây, đồng thời xử lý và khắc phục lỗ hổng trong hệ thống bảo mật.

Xem thêm việc làm Cloud Computing trên ITviec:

Việc làm Cloud Engineer

Việc làm Cloud architect

Việc làm DevOps Cloud

Việc làm Security

Tổng kết

Điện toán đám mây là công nghệ chủ chốt trong thời đại chuyển đổi số, và nó sẽ luôn được phát triển và mở rộng.

Có vô số các xu hướng công nghệ liên quan đến điện toán đám mây mà bạn có thể tìm hiểu sâu hơn như AI, Machine Learning, Blockchain, Serverless Computing, Edge Computing, Cloud Gaming, Bảo mật… Để tăng lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp và cá nhân cần thường xuyên cập nhật kiến thức và ứng dụng mới nhất của điện toán đám mây là gì để xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại chia sẻ cho bạn bè và đồng nghiệp nhé!