Kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành IT vẫn có lúc cảm thấy chưa đủ tự tin khi nhấn nút “Ứng tuyển”. Hiểu được tâm lý đó, ITviec đã tiến hành trò chuyện với nhiều nhà tuyển dụng trên ITviec để giới thiệu với các ứng viên IT một CV checklist gồm 10 hạng mục nên làm và nên chú ý và gợi ý những mẫu CV chuyên nghiệp.

Đọc bài viết sau đây để nắm rõ:

  • 10 điều mà mọi mẫu CV chuyên nghiệp đều cần phải làm
  • Những mẹo viết CV thú vị và hữu ích dành cho chuyên gia IT
  • Gợi ý các mẫu CV chuyên nghiệp

Xem video sau để hiểu rõ hơn về lý do vì sao bạn cần thực hiện 10 điều này để có mẫu CV chuyên nghiệp:

Thứ 1: Mẫu CV chuyên nghiệp luôn có một đoạn giới thiệu ngắn ở đầu CV

Hãy giải thích cho nhà tuyển dụng biết vì sao bạn là người thích hợp cho vị trí mà họ đang tìm kiếm, bao gồm cả số năm kinh nghiệm. Một đoạn giới thiệu ngắn cũng cho thấy rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển, và công ty nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp ghi điểm tốt hơn.

Nếu bạn chưa biết cách viết đoạn giới thiệu ngắn như thế nào hiệu quả, vì đây là đoạn cần khả năng viết lách một tí, thì bạn có thể nhờ ChatGPT để có ý tưởng. ChatGPT là một công cụ vô cùng hữu ích với những ai nắm vững cách sử dụng ChatGPT để viết CV.

Thứ 2: Thêm kỹ năng, từ khóa và kinh nghiệm theo Mô tả Công việc

Sau đây là 3 bước thêm Kỹ năng theo Mô tả Công việc vô cùng hiệu quả.

Bước 1: Phân tích Mô tả Công việc và liệt kê các kỹ năng, bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.

Bạn nên lưu ý đến cả những đầu việc liên quan đến việc sử dụng kỹ năng ngoài mục “Kỹ năng” được liệt kê ở mỗi Mô tả Công việc.

Bước 2: Viết lại kỹ năng đó trong CV bằng cách dùng chính xác từ ngữ trong Mô tả Công việc.

Điều này giúp nhà tuyển dụng dù đọc lướt qua CV cũng có thể nhận diện từ khoá quen thuộc. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp sử dụng hệ thống ATS (Applicant Tracking System – Hệ thống Theo dõi Ứng viên) để sàng lọc những hồ sơ không phù hợp với yêu cầu công việc thì việc sử dụng đúng kỹ năng cũng giúp CV vượt qua vòng scan.

Bước 3: Trình bày những kỹ năng đã liệt kê dưới dạng thành tựu đạt được trong phần dự án hoặc kinh nghiệm làm việc.

Trình bày dự án là một phần tương đối khó viết do bạn cần phải biết cách chọn lọc dự án, số liệu kết quả và viết thành câu thu hút, hấp dẫn. Chính vì thế, bạn có thể tham khảo bài viết về mẫu CV có cách trình bày dự án hiệu quả và “đánh trúng” tâm lý nhà tuyển dụng.

PRO TIP: Để giúp nhà tuyển dụng tập trung vào các kỹ năng bản thân, bạn nên tạo một mục chỉ chuyên để liệt kê các kỹ năng liên quan đến công việc.

Thứ 3: Mẫu CV chuyên nghiệp có mục kinh nghiệm theo thời gian đảo ngược

Thứ tự thời gian đảo ngược giúp nhấn mạnh các kỹ năng gần đây và phù hợp nhất của bạn bằng cách giới thiệu các vị trí mới nhất. Cách sắp xếp này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng xác định kỹ năng của ứng viên.

Cách sắp xếp theo thứ tự thời gian đảo ngược đặc biệt hữu ích cho những ứng viên có nhiều kinh nghiệm làm việc, vì cách sắp xếp này tập trung vào lịch sử công việc để thể hiện hướng phát triển phát triển nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi.

Thứ 4: Lưu CV ở định dạng PDF

Điều thứ 4 bạn cần ghi nhớ là nên đảm bảo rằng CV đều hiển thị như nhau bất kể được mở bằng loại chương trình nào. Trừ khi nhà tuyển dụng yêu cầu cụ thể, một cách tối ưu nhất là bạn nên gửi CV ở định dạng PDF thay vì định dạng .docx để tránh lỗi định dạng.

Tệp .docx cũng là một lựa chọn phổ biến nhưng có hai nhược điểm chính:

  1. Khi chuyển đổi tệp .docx sang định dạng tệp khác, có thể phát sinh các vấn đề về định dạng.
  2. CV có thể bị người khác chỉnh sửa nếu ở dưới dạng Word.

Có thể bạn sẽ thắc mắc nếu muốn giữ đúng định dạng CV thì sao không lưu dưới dạng tệp ảnh (.jpg hoặc .jpeg)? Hiển nhiên sẽ không có ai gửi CV dưới dạng hình ảnh nhưng bạn có thể hiểu vấn đề như sau.

Như đã đề cập trước đó, nhiều công ty sử dụng hệ thống ATS để scan CV và tìm các từ khóa và thông tin quan trọng khác nhằm quyết định xem CV có đủ điều kiện qua vòng scan CV hay không. Tuy nhiên, nếu ứng viên gửi CV là tệp hình ảnh, hệ thống ATS có thể sẽ không nhận ra bất kỳ từ nào trong CV được vì đây là tệp hình, không phải tệp văn bản và cuối cùng là CV đó bị loại. Cũng vì lý do này .docx và .pdf được coi là định dạng tốt nhất cho ATS.

Thứ 5: Kiểm tra đầy đủ thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân trong CV là một phần tưởng dễ mà lại là… dễ thiếu. Bạn có cần địa chỉ nhà chi tiết trong CV không? LinkedIn thì sao?

Mục Cần thiết không? Lý giải
Năm sinh Cần thiết Nhà tuyển dụng thường sẽ có một độ tuổi mà họ đã nhắm từ trước cho vị trí ứng tuyển, dựa vào kinh nghiệm và văn hóa công ty. Thêm năm sinh vào CV sẽ giúp quá trình screen CV trở nên hiệu quả hơn.
Chức vụ Tùy tình huống Nếu bạn là người chuyển ngành, chức vụ ở ngành cũ sẽ không cần thiết.

Nếu bạn đã là người trong ngành IT, bạn có thể để chức vụ hiện tại.

Địa chỉ nhà Không cần thiết Đây là thông tin cá nhân bảo mật, việc thêm chi tiết địa chỉ nhà không ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng.

Nếu được yêu cầu, bạn chỉ nên thêm tên thành phố làm làm việc hiện tại.

Số điện thoại Cần thiết Thậm chí, bạn nên để khoảng 2 số điện thoại, 1 số chính và 1 số “phòng hờ” nếu có.
Email Cần thiết Bắt buộc phải có và phải là email làm việc chuyên nghiệp được kiểm tra thường xuyên.
Hồ sơ LinkedIn Nên Hồ sơ LinkedIn hiện tại không phải là mục bắt buộc phải có nhưng nếu bạn có một hồ sơ trên LinkedIn bạn dùng để kết nối với những chuyên gia khác trong cùng ngành, bạn nên để.
Mạng xã hội Tùy tình huống Nếu các trang mạng xã hội chỉ dùng để cập nhật đời sống thường nhật, bạn không nên thêm trong CV.

Nếu bạn có tài khoản GitHub hay Behance dùng để đăng các sản phẩm, bạn nên thêm trong CV.

Blog/ Website cá nhân Tùy tình huống Cũng như trên, tùy vào việc nội dung trong Blog cá nhân có giúp làm rõ hơn, tôn lên kỹ năng của bản thân hay không. Nếu có thì bạn nên thêm trong CV.

PRO TIP: Bạn có thể liệt kê tên mục trước mỗi thông tin, ví dụ như SĐT: 0123456789, Email: hamy@gmail.com, nhưng bạn cũng có thể tiết kiệm không gian trên CV bằng cách bỏ qua tên mục. Dù sao thì chúng cũng đã có định dạng phổ biến, dễ hiểu.

Thứ 6: Độ dài hợp lý của CV là từ 1 đến 2 trang

Theo người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng tại Google, Mr. Laszlo Bock, một nguyên tắc chung là cứ một trang CV là đủ cho 10 năm kinh nghiệm. Một CV ngắn gọn và rõ ràng sẽ giúp bạn ưu tiên truyền tải những thông tin quan trọng nhất về bản thân.

Một CV dài kín về tất cả những kỹ năng, thành tựu từ thời còn đi học cho đến 10 năm kinh nghiệm sau khi ra trường thường sẽ bao gồm cả luôn những kỹ năng không cần thiết hoặc đã lỗi thời so với công việc hiện tại đang yêu cầu. Thiếu sự cô đọng, tập trung trong thông tin sẽ khiến nhà tuyển dụng hoang mang, chú ý vào những kỹ không cần thiết trong CV.

Nếu bạn muốn đọc một Mô tả Công việc rõ ràng về kỹ năng, công việc cần phải làm thì nhà tuyển dụng cũng muốn đọc một CV cô đọng, tập trung về những kỹ năng bạn có thể mang đến.

Thứ 7: Không cần thiết phải để reference (người tham chiếu) trong CV

Lý do chính là reference (người tham chiếu) thường chỉ được yêu cầu ở giai đoạn cuối trong quá trình tuyển dụng. Có nghĩa là một ứng viên có thể phải trải qua một, hai hoặc thậm chí ba cuộc phỏng vấn rồi nhà tuyển dụng mới yêu cầu reference với những ứng viên họ thấy phù hợp nhất. Trong khi đó, mục đích CV là giúp bạn có được cuộc phỏng vấn đầu tiên trước.

Ngoài ra, bạn có thể sẽ khó thay đổi reference sau này nếu bạn đưa thông tin đó vào CV ngay từ đầu.

Việc liên hệ reference gần như đã nằm trong mọi quy trình tuyển dụng hiện đại nên việc đưa thông tin reference vào CV không giúp bạn tạo ra bất kỳ lợi thế nào so với những ứng viên khác.

Thứ 8: Mẫu CV chuyên nghiệp chỉ nên có tối đa 3 màu khác nhau

Bây giờ, bạn có thể lấy CV của mình ra và kiểm tra xem bạn đang sử dụng bao nhiêu màu trên cùng một CV, tính luôn cả màu nền và màu chữ, không tính ảnh cá nhân. Nếu bạn đang sử dụng nhiều hơn 3 màu trên cùng một CV, bạn nên cẩn thận.

Ngoại trừ vị trí mà bạn đang ứng tuyển yêu cầu tính sáng tạo vượt trội, thì việc CV ứng tuyển màu xanh hay đen sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đến kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích trong CV.

Thậm chí, quá nhiều màu sắc sẽ làm giảm tính dễ đọc, tính chuyên nghiệp, độ uy tín và dễ gây nhầm lẫn cho nhà tuyển dụng. Còn đối với hệ thống ATS, việc có quá nhiều hình thù trang trí, màu sắc có thể khiến hệ thống bị rối loạn trong quá trình scan.

Vậy thì một CV an toàn chỉ nên có 2 màu đen – trắng. Tuy nhiên, một CV chỉ gồm 2 màu cơ bản không thực sự giúp CV nổi bật. Sử dụng cách phối màu một cách cẩn thận có thể giúp nhà tuyển dụng điều hướng tốt hơn khi đọc CV của bạn và chuyển sự tập trung của họ vào các kỹ năng, thông tin mà bạn muốn thể hiện.

PRO TIP: Sử dụng màu trắng làm màu nền, màu đen làm chữ viết và một màu khác (với các tông màu khác nhau) làm nổi bật các thông tin quan trọng mà bạn muốn nhà tuyển dụng chú ý đến như kỹ năng, thành tựu công việc.

Ngoài ra, màu sắc còn gợi lên cảm xúc ở người đọc, chẳng hạn như màu vàng và các màu ấm khác tượng trưng cho sự ấm áp và tích cực.

Trong tâm lý học màu sắc, màu xanh dương (và các tông màu xanh dương) là lựa chọn phổ biến trong các ngành như năng lượng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, tài chính và hàng không, vì màu xanh dương tạo cảm giác an toàn cho người đọc – một cảm giác quan trọng trong ngành IT. Vì vậy, màu xanh dương là một lựa chọn an toàn cho mẫu CV chuyên nghiệp đối với nhiều chuyên gia IT.

Mặc dù bạn có thể không nhận được lời mời làm việc chỉ dựa vào một CV màu sắc nhưng phối màu cẩn thận có thể giúp các nhà quản lý tuyển dụng ấn tượng hơn và xem xét CV cẩn thận hơn.

Thứ 9: Thêm chứng chỉ vào CV

Ngoài những chứng chỉ, bằng cấp do nhà tuyển dụng yêu cầu, nếu bạn có những bằng cấp, giấy phép khác liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển, cho thấy bạn được công nhận đủ tiêu chuẩn cho vị trí này, hãy nhớ thêm vào CV nhé.

Ví dụ: Nếu bạn đang ứng tuyển cho vị trí IT Helpdesk hoặc những vị trí thuộc IT Support, một giấy chứng nhận CompTIA A+ sẽ chứng minh kỹ năng IT đã được kiểm tra và ghi nhận bởi bằng cấp chuẩn quốc tế.

Nhưng chứng chỉ nào thì mới nên được thêm vào CV? Các chứng chỉ từ các khóa học online có được xem là chứng chỉ chuyên nghiệp không?

Một chứng chỉ chuyên nghiệp hay bằng cấp là một chứng chỉ chuyên môn được tiêu chuẩn hóa. Nghĩa là những ai muốn có chứng chỉ đều phải đáp ứng các yêu cầu giống nhau do các hiệp hội, tổ chức hoặc công ty chuyên nghiệp cấp. Bạn thường cần phải vượt qua các kỳ thi và có thể cần phải đáp ứng các yêu cầu nhất định về trình độ học vấn và kinh nghiệm để có được tham gia kỳ thi.

Trong khi đó, chứng chỉ được cấp bởi các khóa học online thường không được xem là chứng chỉ chuyên nghiệp. Nguyên nhân vì các khóa online thường không được tiêu chuẩn hóa.

Đa phần các khóa online cấp chứng chỉ cho bất kỳ ai đã hoàn thành khóa học mà không cần kỳ thi, nên chứng chỉ ở các khóa online thường chỉ cho thấy rằng bạn có kiến thức ở lĩnh vực đó, nhưng chưa có kinh nghiệm (ở lĩnh vực đó) hoặc kiến thức chưa được đánh giá và đảm bảo.

Nếu bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành IT, bạn nên đính kèm trong CV các chứng chỉ cao cấp vì đó là một thành tích trong sự nghiệp của bạn dùng để thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng đến sự cống hiến của bạn cho lĩnh vực IT.

Ví dụ như: Chứng chỉ Cisco Certified Internetwork Expert – CCIE; Certified Information Systems Security Professional – CISSP; Project Management Professional – PMP dành cho Project Manager;…

Thứ 10: Nhờ bên thứ ba review CV

Kể cả khi bạn đã hoàn thành hết 9 mục kể trên, bạn vẫn nên nhờ một chuyên gia IT, hoặc một nhà tuyển dụng IT trong network để xem qua CV.

Họ sẽ giúp bạn nhìn ra những lỗi còn sót khác như chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi định dạng, v.v. Đồng thời, từ kinh nghiệm bản thân, họ còn có thể tư vấn thêm cho bạn những mẹo nhỏ khác để thiết kế một mẫu CV chuyên nghiệp hơn.

PRO TIP: Bạn có thể cố tình thêm lỗi chính tả hoặc những từ vô nghĩa ngẫu nhiên vào CV. Nếu người đánh giá nói rằng “CV của bạn đã ổn rồi!” và không có nhận xét nào khác, nghĩa là họ không thực sự xem xét kỹ lưỡng CV. Bạn nên tìm một người đánh giá “có tâm” khác.

Và đừng quên xóa chúng đi trước khi gửi CV nhé!

Các thiết kế mẫu CV chuyên nghiệp

Tính năng Hồ Sơ trên ITviec đã bao gồm hầu hết các điểm trong checklist kể trên, giúp bạn có một CV đầy đủ thông tin từ phần Kỹ năng riêng biệt, thông tin cần có cho đến các gợi ý viết CV chuẩn.

Ngoài ra, với thiết kế sẵn có được nhiều nhà tuyển dụng trên ITviec công nhận, các chuyên gia IT không cần phải lo lắng về việc chọn màu, chọn mẫu thiết kế cho CV của mình khi sử dụng tính năng Hồ sơ trên ITviec mà vẫn có được một mẫu CV chuyên nghiệp dành cho chuyên gia IT.

Checklist Mẫu CV chuyên nghiệp

Để tổng kết lại Checklist 10 điều chuyên gia IT cần lưu ý cho một mẫu CV chuyên nghiệp, các ứng viên IT hãy nhớ lưu Checklist sau đây nhé!

mẫu cv chuyên nghiệp checklist

Để viết CV IT hay và để việc viết CV không còn là một trở ngại lớn đối với các chuyên gia IT, ứng viên IT không cần phải giỏi “văn” mà chỉ cần lưu ý kiểm tra theo Checklist CV IT kể trên là đã có ngay một CV có thể ứng tuyển ngay lập tức.

 

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại chia sẻ cho bạn bè và đồng nghiệp nhé!