Là một lập trình viên, bạn không cần phải phát triển mọi ứng dụng lại từ đầu bởi vì đã có các công cụ được thiết kế để hỗ trợ bạn, framework là một trong những công cụ hữu dụng đó. Vậy thì framework là gì? Đồng thời, ITviec giới thiệu đến bạn top 15+ framework back-end, front-end và mobile phổ biến nhất 2024.
Đọc bài viết sau để hiểu rõ:
- Framework là gì?
- Phân biệt Framework và Libraries
- 15+ framework back-end, front-end và mobile phổ biến nhất 2024
Framework là gì?
Framework là gì?
Framework là gì? Framework, hay software framework, là một nền tảng để phát triển các ứng dụng phần mềm.
Framework là những công cụ và thư viện mà các nhà phát triển khác đã tạo để đạt được một mục tiêu kỹ thuật cụ thể hoặc để làm cho việc phát triển bằng một ngôn ngữ cụ thể dễ dàng hơn. Nói cách khác, framework giúp các nhà phát triển phần mềm có thể xây dựng các chương trình cho một nền tảng cụ thể.
Ví dụ, một framework có thể bao gồm các classes và chức năng được xác định từ trước để xử lý đầu vào, quản lý thiết bị phần cứng và tương tác với phần mềm hệ thống. Điều này làm tinh gọn lại quá trình phát triển vì các lập trình viên không cần phải làm lại từ đầu mỗi khi họ muốn phát triển một ứng dụng mới.
Ngoài ra, cũng có một số ứng dụng yêu cầu một framework cụ thể để có thể vận hành.
Ví dụ: Một chương trình Windows có thể cần Microsoft .NET Framework 4.0 để chạy trong khi framework này không được cài đặt trên tất cả các máy Windows (đặc biệt là các PC chạy những phiên bản Windows cũ hơn). Trong trường hợp này, gói trình cài đặt Microsoft .NET Framework 4 phải được cài đặt để chương trình chạy.
Lưu ý về các loại framework
Hiện nay chưa có cách chia framework thành các “loại” cụ thể. Developer có thể chia framework:
- Theo ngôn ngữ: JavaScript frameworks, HTML & CSS frameworks,…
- Theo hệ điều hành hỗ trợ: Windows framework, Android framework, iOS framework,…
- Theo ứng dụng: Web Development, Front-end Development, Back-end Development, Data Science framework,…
Và trong mỗi cách phân loại lại có những framework cụ thể. Trong phạm vi bài viết này, ITviec sẽ gợi ý các framework được phân loại theo ứng dụng.
Lưu ý: Thông thường, thuật ngữ “framework” thường đề cập đến các nền tảng phát triển phần mềm nói chung nhưng thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng để mô tả một framework cụ thể, nằm bên trong một môi trường lập trình lớn.
Ví dụ, nhiều Java frameworks, như Spring, ZK và Java Collections Framework (JCF) có thể được dùng để phát triển các phần mềm Java.
Trong nhiều trường hợp, một framework được hỗ trợ chỉ bởi một hệ điều hành.
Ví dụ: Một phần mềm được viết cho framework ứng dụng Android sẽ chỉ chạy trên thiết bị Android mà không yêu cầu cài đặt các tệp bổ sung khác.
Hay như Apple cũng tạo ra nhiều frameworks cụ thể phù hợp với các chương trình OS X. Những frameworks này được lưu trữ trong một file mở rộng .FRAMEWORK và được cài đặt trong danh mục /System/Library/Frameworks.
Một vài OS X frameworks như: AddressBook.framework, CoreAudio.framework, CoreText.framework, and QuickTime.framework.
Phân biệt Framework và Library (Thư viện)
Tuy đã hiểu được framework là gì, nhiều developer vẫn nhầm lẫn giữa Framework và Library.
Cả framework và library đều là những đoạn code do người khác viết, được sử dụng để giúp giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển phần mềm. Nhiều developers cũng sử dụng hai thuật ngữ này thay thế lẫn nhau, nhưng cả hai đều có những điểm khác biệt nhất định:
Tiêu chí | Framework là gì? | Library là gì? |
Định nghĩa | Framework là một đoạn code thể hiện kiến trúc của dự án. | Library là một tập hợp các chức năng có thể tái sử dụng bởi phần mềm máy tính. |
Quyền kiểm soát | Framework nắm quyền kiểm soát với bạn, có nghĩa rằng framework sẽ quy định chỗ nào cần bạn thêm code vào. | Bạn là người nắm quyền kiểm soát (person in-charge), bạn có thể chọn sử dụng library ở đâu và khi nào bạn muốn. |
Tính năng | Framework cung cấp tiêu chuẩn để phát triển và deploy ứng dụng. | Quan trọng trong quá trình program linking và binding. |
Tính linh hoạt | Framework có tiêu chuẩn và kiến trúc bắt buộc. | Library linh hoạt với nhiều quyền kiểm soát hơn. |
Ví dụ | Angular JS, Vue JS là JavaScript framework. | React.js, Jquery là JavaScript library. |
Nhìn chung, nếu so với việc xây nhà, thì framework là đổ móng với giàn giáo dùng để chọn framework nào sẽ định hình cho cái ứng dụng/ web. Còn thư viện thì như là sơn sửa nội thất, có thể thay đổi đa dạng khác nhau.
Top 15+ framework phổ biến nhất 2024
Thuật ngữ sử dụng trong bài:
“Batteries-included” framework là gì? Framework “bao gồm pin” là thuật ngữ dùng để chỉ những framework đã đầy đủ chức năng và sẵn sàng để được sử dụng ngay mà không cần (hoặc giảm thiểu tối đa) sử dụng những thư viện, package từ bên ngoài/bên thứ 3.
Thuật ngữ “mượn” hình ảnh khi bạn mua một món đồ điện tử, ví dụ như remote (điều khiển), thì món đồ đó đã được lắp sẵn pin trong thiết bị, bạn chỉ cần mua và sử dụng ngay, không cần phải tìm mua pin từ bên ngoài.
Top 6 framework back-end phổ biến cho Backend Developer
Tìm việc làm Backend Developer “chất” trên ITviec ngay nào!
Việc đánh giá các framework có hiệu suất tốt giúp các Developer dễ dàng xác định framework nào phù hợp để phát triển hệ thống backend.
Sau đây là 5 back-end framework phổ biến nhất hiện nay, trong đó có Django, Node.js Express và Spring Boot là 3 framework hứa hẹn nhất, và cũng nhận được nhiều đánh giá cao:
Django
Django là một framework web mã nguồn mở và miễn phí được viết bằng Python. Được xây dựng bởi một nhóm các lập trình viên giàu kinh nghiệm, Django đảm nhận việc phát triển web để các nhà phát triển có thể tập trung vào việc viết ứng dụng mà không cần phải làm tất cả mọi thứ từ đầu.
Một trong những lợi thế của Django là có thể chuyển từ phát triển ý tưởng sang hoàn thành toàn bộ dự án một cách rất nhanh chóng và hiệu quả. Là một loại framework “batteries-included”, Django đi kèm với mọi thứ bạn cần để xây dựng và triển khai một ứng dụng web đầy đủ tính năng hữu dụng như các tính năng như xác thực và nhắn tin ngay lập tức.
Django còn có thể giảm số lượng code, đơn giản hóa việc tạo các ứng dụng web và đẩy nhanh thời gian phát triển.
Ngoài ra, framework Python này sẽ giúp các lập trình viên tránh mắc phải các lỗi bảo mật thông thường bằng cách tự động bảo vệ trang web. Để làm được điều này, Django sẽ quản lý tài khoản và mật khẩu mà không cần ghi thông tin liên quan vào file cookie, nơi những thông tin đó có thể bị đánh cắp.
Các tính năng của Django được “đóng gói” theo cách tiếp cận công ước về cấu hình tương tự như cả Vue và Rails (là 2 framework sẽ được đề cập trong bài viết này). Đây sẽ là một lựa chọn mà các lập trình viên thường đánh giá cao trong bất kỳ công nghệ nào.
Nên sử dụng Django khi:
- Cần tốc độ phát triển nhanh chóng để đẩy nhanh dự án
- Một tập hợp nhiều tính năng phong phú được thiết lập sẵn
- Tự bản thân Python đã là một lợi ích lớn trong việc phát triển ứng dụng
Một số trang web phổ biến được phát triển bằng Django là Disqus, Instagram, Mozilla, Pinterest.
Spring Boot
Spring Boot là một phần mở rộng của Spring, giúp cho việc phát triển, testing và triển khai thuận tiện hơn. Spring Boot là một framework dựa trên Java, dùng để xây dựng các ứng dụng phía máy chủ, nhằm mục đích đơn giản hóa hoạt động của các microservices. Nhóm phát triển framework này đã tuyên bố rằng Spring Boot có thể được sử dụng cho các ứng dụng WAR truyền thống cũng như các ứng dụng Java độc lập.
Framework này ra đời để việc lập trình không cần tốn nhiều thời gian để thiết lập và cấu hình môi trường. Spring Boot có thể mang đến các cấu hình XML linh hoạt, quy trình xử lý hàng loạt, giao dịch cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc đơn giản và các công cụ phát triển. Spring Boot hoạt động bằng cách cung cấp code mặc định, giúp khởi chạy các dự án Spring mới trong thời gian thực.
Một trong số các lợi ích nổi bật của Spring là có thể dễ dàng xây dựng và kiểm tra các ứng dụng Java, với các cài đặt mặc định để kiểm thử đơn vị (unit testing) và kiểm thử tích hợp (integration testing). Framework này cũng giúp cấu hình các components cho ứng dụng dựa trên Spring, giảm thời gian phát triển và tăng hiệu quả của quá trình phát triển.
MIT, Platform, Zillow, TransferWise và Intuit là một trong những công ty sử dụng framework này.
ExpressJS framework cho nền tảng Node.js
Node.js là một nền tảng máy chủ, dựa trên Javascript, có thể đáp ứng hầu hết các yêu cầu mà các lập trình viên tìm kiếm ở một framework. Trong Node.js có các framework khác nhau, cụ thể như Express, hay còn gọi là ExpressJS, được coi là phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi. Nhìn chung, đây là một framework có thể mở rộng dễ dàng và lý tưởng cho việc phát triển các kiến trúc vi mô cho các ứng dụng phía máy chủ.
Tham khảo: 15+ Tài liệu học NodeJS “chất” dành cho Developer
Một trong những đặc điểm nổi bật là framework này sử dụng engine V8. Nhiều dự án ứng dụng web lớn đã được phát triển dựa trên engine này như trình duyệt Chrome và các trình duyệt web khác.
Framework này cho phép viết code và khởi chạy trên máy chủ, đây cũng là điều làm cho Express trở nên có giá trị như vậy. Nhờ vào hiệu suất cao và khả năng tạo ra các dự án thuộc nhiều loại khác nhau trên cơ sở Node.js cung cấp mà hiệu quả của framework này vượt trội hơn so với nhiều framework khác trên thị trường.
Framework này cung cấp các giao diện API đầu vào và đầu ra theo hướng sự kiện. Express sở hữu khả năng thông dịch mã JavaScript với engine V8 của Google.
Ưu điểm của framework backend này còn bao gồm giao diện thân thiện và dễ sử dụng và hỗ trợ tiện ích bổ sung để nâng cao khả năng hoạt động của các ứng dụng. Nhờ vào đó, thời gian phát triển được rút ngắn. Quá trình phát triển backend được thực hiện với việc sử dụng các NPM package.
Ngoài ra, framework này tương thích với những framework khác như Kranken, LoopBack hoặc Sails. Express cũng có thể kết nối với các cơ sở dữ liệu như MySQL, Redis và MongoDB.
Các công ty lớn như IBM, PayPal, Twitter hoặc Walmart đã sử dụng Express để phát triển các ứng dụng web.
ASP.NET Core
ASP.NET Core là một framework miễn phí và nguồn mở “kế thừa” ASP.NET – một backend framework vốn được sử dụng rộng rãi. ASP.NET Core là một modular framework có thể chạy toàn bộ framework .NET trên Windows và .NET Core.
ASP.NET Core là một backend framework hỗ trợ ứng dụng web đa nền tảng như Windows, Mac và Linux. Hệ thống backend sử dụng cùng một ngôn ngữ C# trên tất cả các nền tảng.
Với ASP.NET Core, bạn không cần viết nhiều code bởi vì hệ thống backend của framework này vốn dĩ đã khá thuận tiện với lập trình viên rồi. Nhờ vậy, thời gian phát triển ứng dụng được rút ngắn và cũng hiệu quả hơn về mặt chi phí. Ngoài ra, ít code hơn cũng có nghĩa là bảo trì ít hơn. ASP.NET Core có thể được tự động duy trì trong các trường hợp chỉ có một lượng ít code. Lập trình viên có thể tối ưu hóa mã ASP.NET chỉ với một vài câu lệnh.
Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng ASP.NET Core framework là hiệu suất tốt hơn. Sử dụng các bản cập nhật và các cải tiến mới nhất giúp lập trình viên cải thiện code và nâng cao hiệu suất của ứng dụng. Trình biên dịch có sẵn của ASP.NET có khả năng tăng cường code khi ASP.NET Core được biên dịch lại với code.
Đọc ngay: 10 tài liệu lập trình ASP.NET hay cho Web Developer
TensorFlow
TensorFlow của Google là một nền tảng đa năng mã nguồn mở được sử dụng để xây dựng mô hình học máy và học sâu cho các giải pháp đám mây, di động, web và máy tính để bàn. Đây được coi là một trong những khuôn khổ tốt nhất cho khoa học dữ liệu.
Bạn có thể nhập nhiều dữ liệu khác nhau khá dễ dàng — từ hình ảnh và đồ thị sang SQL và do phần phụ trợ C và C++ nên TensorFlow chạy khá nhanh.
Ví dụ: Các data scientists Airbnb sử dụng framework này để tạo mô hình deep learning nhằm phân loại hiệu quả các hình ảnh trong danh sách vì chúng là chìa khóa để chọn đúng nơi để ở trong kỳ nghỉ. Điều này đã giúp công ty tạo ra một giải pháp phân loại các loại phòng để tăng trải nghiệm người dùng và đảm bảo rằng thông tin được cung cấp bởi chủ nhà.
TensorFlow đã được sử dụng rất nhiều bởi một số công ty kinh doanh thành công nhất từ các ngành khác nhau như Airbus, Intel, Twitter, Coca-Cola, eBay, Snapchat, PayPal và nhiều công ty khác. Nhiều doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ cũng có thể hưởng lợi rất nhiều từ TensorFlow do tính linh hoạt và dễ sử dụng của framework này.
Flask
Ngay cả khi đem ra so sánh với các framework có kích thước nhỏ như Express, Flask vẫn là một framework dành cho micro web được đánh giá cao.
Flask là một framework web vi mô dựa trên Python mà không yêu cầu các thư viện và công cụ cụ thể. Framework backend này không yêu cầu xác thực biểu mẫu, lớp trừu tượng cơ sở dữ liệu (DBAL – DataBase Abstraction Layer) hoặc các components cần chức năng từ nguồn bên ngoài. Các lập trình viên đã quen thuộc với Python có thể dễ dàng thích nghi với khi làm việc với Flask.
FLASK microframework được thiết kế để mang đến hiệu suất cao cho hầu hết người dùng nhờ vào việc framework này có ít mức độ trừu tượng giữa người dùng và cơ sở dữ liệu, cache và request.
Mặt khác, framework này có tính module cao. Flask sử dụng modular code giúp toàn bộ quá trình đơn giản hơn cho các lập trình viên. Framework này cho phép họ ngay lập tức tạo ra nhiều máy chủ và ứng dụng Flask, được phân phối trên các mạng máy chủ mở rộng với các mục đích cụ thể.
Nên sử dụng Flask khi:
- Cần tích hợp ứng dụng web của bạn với các nguồn dữ liệu và dự án Python khác
- Tìm kiếm tùy chọn đơn giản nhất có thể để phát triển web phía máy chủ
- Dự án cần được tùy chỉnh nhiều và không phù hợp với framework “batteries-included”
Top 5 framework web phổ biến cho Web Developer
Tìm việc làm Web Developer “chất” trên ITviec ngay nào!
Trong những năm gần đây, số lượng các website framework dành cho lập trình web đã có sự gia tăng đáng kể. Sau đây là 5 web framework phổ biến dành cho Web Developer:
Angular
Angular là một framework JS open-source, dựa trên Typescript, giúp dễ dàng xây dựng các ứng dụng web. Angular giúp web developer giải quyết các khó khăn khi phát triển ứng dụng bằng cách kết hợp các template khai báo, dependency injection, đầy đủ công cụ và hơn thế nữa.
Angular giúp lập trình viên phát triển ứng dụng web, di động và máy tính.
Framework JavaScript phổ biến này được sử dụng trong các ứng dụng công khai và các trang web như Google Cloud Platform và AdWords, cũng như nhiều công cụ nội bộ của Google.
Angular là “người kế thừa” hiện đại của framework JavaScript AngularJS vô cùng phổ biến và nhiều tính năng. Dựa trên những triết lý tương tự như người tiền nhiệm của nó, Angular tập trung nhiều hơn vào kiến trúc dựa trên components để thúc đẩy khả năng tái sử dụng (re-usability). Một số tính năng thiết kế khiến AngularJS trở nên phổ biến trong giới lập trình vẫn được xuất hiện ở Angular, chẳng hạn như liên kết dữ liệu hai chiều (two-way data binding).
Framework này cũng mang đến nhiều tích hợp của bên thứ ba để cung cấp chức năng Reactive cùng với các tính năng và bổ sung khác để thực hiện các dự án phát triển lớn.
Nên sử dụng Angular khi:
- Ứng dụng không yêu cầu kỹ thuật phức tạp
- Cần một framework nhưng có thể tạo ra nhiều nền tảng
- SEO không phải là một phần quan trọng trong quá trình kinh doanh của ứng dụng
Đọc ngay: Angular là gì? Có phải là vũ khí hạng nặng của Front-end Developer?
Ruby On Rails
Ruby on Rails đã luôn tiên phong trong các dự án phát triển web kể từ khi website trở nên phổ biến vào đầu những năm 2000. Kể từ đó đã hơn hai thập kỷ trôi qua nhưng Rails đã luôn là một framework phổ biến và liên tục đổi mới.
Tuy đã có “tuổi” nhưng Rails vẫn bao gồm các tính năng và chức năng hiện rất phổ biến trong số các framework được thiết kế gần đây. Các tính năng này bao gồm tập trung vào công ước về cấu hình (convention over configuration), mẫu phần mềm DRY, thiết kế MVC và lập trình phản ứng, không đồng bộ.
Rails thực tế đã đi tiên phong và là hiện thân của cách tiếp cận “batteries-included” trong giới framework. Rails bao gồm mọi điều bạn đang tìm kiếm từ ORM, Di chuyển cơ sở dữ liệu, Middleware, Caching (bộ nhớ đệm) và Security (bảo mật). Với rất nhiều lợi thế mạnh mẽ, có thể hiểu tại sao Rails là công nghệ được sử dụng rộng rãi trong toàn ngành IT và trong số một số ứng dụng web lớn nhất thế giới.
Nên sử dụng Ruby on Rails khi:
- Quan tâm đến thời gian phát triển
- Cần tìm kiếm một framework “batteries-included” cho dự án
- Phiên bản “mặc định” là đã đủ dùng
Đọc ngay: Ruby on Rails là gì? 17 tài liệu học Ruby on Rails mới nhất
Laravel
Laravel là một framework dựa trên PHP có thể mang lại giá trị tối đa với chi phí tối thiểu cho các nhà phát triển sử dụng nó. Theo Google Trends, Laravel là framework PHP mạnh mẽ nhất, với một nền tảng chuẩn hóa và đầy đủ tính năng để phát triển một ứng dụng web PHP hiệu suất cao.
Được thiết kế như một framework end-to-end, Laravel cung cấp mọi thứ từ ORM (Object Relational Mapping) đến Middleware, Caching, Security và Session Management ngay từ lần cài đặt đầu tiên.
Là một framework web hiện đại, Laravel tuân theo thiết kế dựa trên components. Song song với đó, Laravel có cú pháp thanh lịch và mang tính biểu đạt, Laravel rất phù hợp để phát triển ứng dụng nhanh chóng. Framework này còn sử dụng mô hình thiết kế model-view-controller, dễ hiểu và dễ sử dụng.
Nên sử dụng Laravel khi:
- Logic kinh doanh phức tạp
- Các ứng dụng lớn và có khả năng mở rộng cao là một lợi thế
- Đang tìm kiếm một framework PHP “batteries-included”
Đọc ngay: Laravel là gì? Tổng quan về Laravel A-Z cho người mới bắt đầu
ReactJS
Nói một cách chính xác, React hoàn toàn không phải là một framework. Về mặt kỹ thuật, các lập trình viên gọi React là một thư viện front-end để hỗ trợ tạo chức năng cho các dự án. Tuy nhiên, hầu như trên toàn thế giới, các lập trình viên vẫn sử dụng React như là một framework và vẫn dùng React để thảo luận và so sánh giữa các framework web khác. Chính vì thế, React vẫn là một framework giống như bất kỳ framework nào khác trong bài viết này.
Thậm chí, React còn là một công nghệ front-end hàng đầu với một cộng đồng người dùng rộng lớn và sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Facebook kể từ khi ra mắt.
Với thiết kế dựa trên components, React mong muốn tối đa hóa cơ hội tái sử dụng các thành phần và hướng đến sự đơn giản cùng các nguyên tắc thiết kế mạnh mẽ. Là một giải pháp front-end đa nền tảng, React giúp các lập trình viên có thể kết hợp dễ dàng với các công nghệ back-end trong quá trình phát triển web.
React còn “trình làng” DOM ảo để cải thiện hiệu suất và điều đó đã giúp React trở thành một trong số các framework hiệu quả cao, hấp dẫn và đáng tin cậy nhất cho các front-end developer.
Nên sử dụng React khi:
- JavaScript là công nghệ cốt lõi
- Tìm kiếm một công nghệ đáng tin cậy trên quy mô lớn
- Hỗ trợ đa nền tảng từ chỉ một framework
- Ứng dụng chứa các tính năng “cao cấp” và mức độ tương tác cao
- SEO là một yếu tố quan trọng với sản phẩm đầu ra
Đọc ngay: Top 40 câu hỏi phỏng vấn ReactJS từ cơ bản đến nâng cao
VueJS
Vue là một framework JavaScript phía máy client đơn giản, dễ tiếp cận và nhanh chóng. Vue tự hào rằng có thể giúp các developer tạo ra nhiều chức năng hơn với ít code hơn – đây cũng là tính năng được nhiều developer đánh giá cao.
Vue kết hợp các ưu điểm từ DOM ảo của React với liên kết dữ liệu hai chiều của Angular vào framework web để mang lại rất nhiều lợi ích cho các web developer hiện đại. Thêm vào đó, Vue còn tuân theo công ước về cấu hình (convention over configuration) tương tự như Ruby on Rails.
Những lý do kể trên đã giúp Vue trở thành một framework JavaScript đáng chú ý và phù hợp với nhiều dự án phát triển cả hiện tại và trong tương lai gần.
Nên sử dụng Vue khi:
- Đề cao hiệu suất toàn diện của ứng dụng cuối
- Ưu tiên tiến độ phát triển nhanh chóng
- Với kích thước chỉ bằng một phần mười của Angular, Vue có thể phù hợp với các dự án nhỏ
Đọc thêm: Top 10 Thư viện và Framework front end dùng nhiều nhất 2024
Top 5 framework mobile phổ biến nhất
Tìm việc làm Mobile Developer “chất” trên ITviec ngay nào!
Swiftic
Swiftic là một trong những framework phát triển ứng dụng di động iOS phổ biến nhất. Swiftic sở hữu giao diện dễ điều hướng. Thay vì phải làm tất cả mọi thứ từ đầu, Swiftic giúp bạn phát triển ứng dụng nhanh chóng và dễ dàng nhờ vào các components có sẵn trực tuyến.
Nhìn chung, framework này nhận được nhiều sự yêu thích như vậy là nhờ vào các components trực quan cùng với một số tính năng chính của framework bao gồm tích hợp bên thứ ba như quảng cáo ứng dụng, quảng cáo trên mạng xã hội, phiếu giảm giá và thẻ khách hàng thân thiết, v.v.
Hơn nữa, framework này rất hấp dẫn vì Swiftic mang đến giao diện người dùng UI và UX mượt mà và các mô hình làm việc đơn giản. Cụ thể là một bảng điều khiển tích hợp giúp quá trình phát triển và launch ứng dụng tinh gọn hơn.
Các ứng dụng phổ biến sử dụng Swifitic bao gồm Facebook, Uber, Slack, Lyft, Accenture, LinkedIn, Whatsapp, Khan Academy và hơn thế nữa.
React Native
React Native là framework mã nguồn mở của Facebook dùng để phát triển các ứng dụng di động native sử dụng JavaScript. Có thể nói, React Native là sự kết hợp tốt nhất giữa phát triển native với React về mặt thiết kế giao diện.
Về khả năng “toàn diện” của React Native, Cựu Head of Mobile Engineering tại Wix.com, Tal Kol từng chia sẻ:
“Hầu hết các công ty phát triển di động trên các nền tảng native hiện tại phải chấp nhận nhượng bộ, chịu thiệt ở một khía cạnh nào đó. Đó có thể là về năng suất (phát triển cùng một sản phẩm nhiều lần với các kỹ sư khác nhau trên các stacks khác nhau), về chất lượng (tạo ra các ứng dụng chất lượng thấp) hoặc về phạm vi (tập trung vào một nền tảng).
Giải pháp để không phải nhượng bộ ở bất kỳ khía cạnh nào nữa chính là phát minh ra các stack mobile mới – React Native là một ví dụ.”
Các ứng dụng phổ biến sử dụng React Native bao gồm Facebook, Instagram, Pinterest, Skype, Uber Eats, Bloomberg, Flipkart, Wix, v.v.
Flutter
Ra mắt vào năm 2017, Flutter là bộ công cụ UI của Google để xây dựng các ứng dụng cho thiết bị di động, web và máy tính từ một codebase duy nhất – đây cũng là điểm cộng lớn nhất của Flutter khi cho phép lập trình viên phát triển các ứng dụng di động cho Android và iOS cùng một lúc. Nhờ vậy, framework này giúp quá trình phát triển trở nên đơn giản và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức.
Framework này có giao diện người dùng linh hoạt và dễ hiểu, đồng thời mang lại hiệu suất gốc tốt trên nền tảng iOS và Android.
Framework phát triển ứng dụng di động Flutter bao gồm bộ phát triển phần mềm (Software Development Kit – SDK) và thư viện UI dựa trên widget. Các widget gốc của Flutter cũng giảm thiểu thời gian dành cho việc testing vì có rất ít hoặc gần như không có vấn đề về khả năng tương thích.
Các ứng dụng phổ biến sử dụng Flutter bao gồm Google Ads, Google Pay, Alibaba, Baidu, Bytedance, Kotak, Groupon, Square, iRobot, v.v.
Xamarin
Xamarin là một nền tảng phát triển ứng dụng mã nguồn mở miễn phí để xây dựng các ứng dụng Android, iOS với .NET và C#. Xamarin là một phần của nền tảng .NET sở hữu một cộng đồng người dùng với hơn 60.000 thành viên từ hơn 3.700 công ty và luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Xamarin sử dụng các mẫu thiết kế MVC, cho phép phát triển UI ứng dụng bằng cách sử dụng model pattern. Bạn có thể xem được phần nào của ứng dụng sẽ sử dụng UI gốc cho từng nền tảng (iOS, Android, Mac, Windows).
Không cần tạo các API khác nhau cho Android và iOS vì Xamarin cho phép bạn sử dụng cùng một API để xây dựng ứng dụng trên Android và iOS. Do đó, bạn sẽ nhận được những dòng code hiệu quả và hiệu suất cao.
Với Xamarin, bạn có thể tích hợp nhiều SDK khác nhau bằng cách sử dụng các hệ điều hành khác nhau. Ngoài ra, do dùng chung codebase nên bạn có thể sử dụng nhiều lần, nói cách khác, giảm một phần ba thời gian và công sức của bạn.
Các ứng dụng phổ biến sử dụng Xamarin bao gồm World Bank, Storyo, FreshDirect, Skulls of the Shogun, Olo, Insightly, v.v.
Ionic
Ionic là một framework chuyên dùng để tạo Progressive Web Apps (PWA), ứng dụng di động kết hợp và đa nền tảng. Ionic sử dụng Apache Cordova (PhoneGap) cộng với Angular và cho phép các lập trình viên tạo các ứng dụng Android và iOS hoạt động liền mạch với nhau.
Framework này hỗ trợ developer trong việc tạo các native apps giàu tính năng. Tính năng nổi bật nhất của Ionic là framework này cho phép các lập trình viên sử dụng các thành phần UI khác nhau trong framework ứng dụng, bao gồm inputs, chế độ xem, điều hướng dễ dàng và trang actions.
Các tính năng của Ionic:
- Phát triển ứng dụng cho nhiều nền tảng.
- Giao diện người dùng nhất quán.
- Nâng cao hiệu suất.
- Sự linh hoạt của người dùng.
Ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng framework là gì?
Ưu điểm của framework là gì?
Phát triển phần mềm là một quy trình nhiều bước, đòi hỏi rất nhiều nhiệm vụ, bao gồm viết code, thiết kế và testing. Riêng với việc viết code đã là một quá trình vô cùng phức tạp. Chính vì thế, framework giúp cho cuộc sống của các lập trình viên trở nên “dễ thở” hơn bằng cách cho phép họ kiểm soát toàn bộ quá trình phát triển phần mềm, hoặc phần lớn quá trình, chỉ từ một nền tảng duy nhất.
Vậy thì những lợi ích chính của framework là gì?
- Hỗ trợ developer viết code tốt hơn và phù hợp các design pattern.
- Có thể tránh được việc lặp code hoặc dư thừa code.
- Dễ dàng làm việc với các công nghệ phức tạp hơn.
- Do framework là mã nguồn mở nên các tính năng luôn được cập nhật liên tục, mới nhất và ít lỗi nhất, bởi nhiều lập trình viên khác.
- Một vài đoạn code và tính năng đã được thử nghiệm trước bởi nhiều nhà lập trình viên khác nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.
- Quá trình testing và debug có thể được thực hiện bởi cả những lập trình kể không sở hữu code nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Thời gian cần thiết để phát triển một ứng dụng được giảm đáng kể.
Nhược điểm của framework là gì?
- Đôi khi framework không phải là giải pháp tốt nhất:
Trừ khi công ty hoặc sản phẩm của bạn gặp một vấn đề mà chỉ có chính xác framework đó mới mang lại giải pháp khắc phục, thì ngoài ra việc sử dụng framework không hoàn toàn hiệu quả.
Việc sử dụng framework thật ra tốn thời gian, năng lượng và tiền bạc hơn bạn nghĩ. Nguyên nhân bởi vì khi bắt đầu làm việc với một framework, bạn cần phải tìm hiểu cách thức hoạt động của nó và bạn cần training lại cho những người làm cùng dự án. Hãy thử nghĩ mà xem, nếu thời gian và công sức bạn dành cho việc “học” framework đó mà được dùng để tìm ra giải pháp thì sẽ tốt hơn chăng?
Hơn nữa, bạn không sử dụng hết tất cả những tính năng mà framework mang lại.
Ví dụ: Bạn muốn thiết kế một chiếc xe đạp. Bạn quyết định chọn framework A vì framework đó bao gồm khung và bánh xe. Nhưng nó cũng đi kèm bàn đạp phanh, động cơ và tay lái vì đây là framework dành cho xe hơi.
Sau đó, bạn cần phải dỡ bỏ chiếc xe hơi này để tạo ra chiếc xe đạp mong muốn. Thành quả cuối cùng mà bạn nhận về có thể là một chiếc xe máy – gần giống với chiếc xe đạp bạn muốn tạo ra nhưng không phải. Đương nhiên, chẳng điều gì có thể nhận định rằng một chiếc xe máy thì tốt hơn chiếc xe đạp cả.
Thế đấy, thời gian mà bạn dùng để tái tạo lại framework để cố gắng cho ra điều bạn muốn có thể được sử dụng tốt hơn bằng cách tạo ra điều bạn muốn mà không dựa vào framework.
Hãy cân nhắc kỹ trước khi sử dụng framework vì nó có thể phức tạp hóa hoặc làm chậm quá trình triển khai dịch vụ. Trong thị trường ngày nay, tốc độ và độ tin cậy là yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm.
- Giới hạn nhất định:
Bạn không thể sửa đổi tính năng cốt lõi của framework.
Điều này có nghĩa là khi bạn sử dụng một framework, bạn buộc phải tôn trọng các giới hạn của nó và làm việc theo cách mà nó được thiết lập. Chính vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn chọn một framework phù hợp với nhu cầu của bạn.
- Công khai:
Một framework mở vừa mang lại lợi ích, và cũng vừa mang lại bất lợi cho lập trình viên.
Vì framework có sẵn cho tất cả mọi người, nó cũng mở cho những người có ý định xấu. Với một người có ý định tấn công phần mềm bạn đang xây dựng, họ có thể nghiên cứu framework bạn đang sử dụng để biết cách hoạt động và tìm ra những sai sót để chống lại bạn.
Sau khi đã hiểu rõ framework là gì cùng với danh sách 15+ những framework phổ biến nhất hiện nay, ITviec mong bạn đã có thêm thông tin để có thể lựa chọn đúng framework cho dự án của mình.
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!