Vùng an toàn là khái niệm không quá mới và là mối đe doạ của bất cứ ai, không riêng gì Developer. Nhưng đôi khi bạn có thể vô tình bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và an phận với vùng an toàn của chính mình.

Developer ở trong vùng an toàn quá lâu có thể thiếu động lực để bứt phá và khó có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn trong sự nghiệp. Nói cách khác, muốn thành công trong sự nghiệp lập trình, Developer cần biết cách bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Đọc bài viết để tìm hiểu:

  • Khái niệm vùng an toàn là gì?
  • Dấu hiệu cho thấy Developer đang ở trong vùng an toàn
  • Vì sao Developer cần bước ra khỏi vùng an toàn?
  • 5 cách bước ra khỏi vùng an toàn để thành công hơn dành cho các Developer

Vùng an toàn là gì?

Vùng an toàn là trạng thái tâm lý mà con người cảm thấy an toàn, thoải mái và quen thuộc với môi trường sống xung quanh. Trong công việc, khi ở trong trạng thái an toàn, nhân viên sẽ cảm thấy dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ, có thể kiểm soát mọi tình huống và duy trì được mức hiệu suất ổn định.

Một người khi ở trong vùng an toàn thường có biểu hiện “khép mình”, ít thể hiện hứng thú với những thay đổi, thử thách mới hoặc trải nghiệm mới mà họ chưa chắc chắn về kết quả. Ngược lại, với những thứ nằm ngoài vùng an toàn, họ thường có xu hướng không chắc chắn, dễ gây ra tình trạng lo lắng, thậm chí áp lực. 

Tương tự, vùng an toàn của các Developer là trạng thái bạn cảm thấy thỏa mãn với hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng của bản thân và cảm thấy “ổn” với những nhiệm vụ được lặp đi lặp lại hàng ngày, không có tính đột phá. Bạn hài lòng với những công việc quen thuộc, thậm chí tự hào khi đạt được kết quả tốt trong công việc, dù bản thân có thể chưa nỗ lực hết 100% năng lực thực sự.

Đôi khi, biểu hiện của một Developer đang làm việc trong vùng an toàn và một Developer luôn giữ được sự ổn định về mặt hiệu suất/hiệu quả làm việc bất kể tính thử thách không quá rõ ràng để nhận diện. Hãy cùng ITviec tìm hiểu kỹ hơn về những dấu hiệu “đáng báo động” cho thấy bạn đang trong vùng nguy hiểm nhé.

vung-an-toan-01

(Vùng an toàn là trạng thái thỏa mãn với hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng của bản thân mà không muốn có thêm thử thách. Nguồn ảnh: storyset.com)

Dấu hiệu cho thấy Developer đang ở trong vùng an toàn

Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến nhất và phản ánh tương đối chính xác về tình trạng “ủ kén” quá lâu của bạn tại môi trường làm việc. Rất có thể bạn sẽ giật mình khi làm bài kiểm tra này cùng ITviec đấy.

Thử xem có bao nhiêu dấu hiệu dưới đây tương đồng với tình trạng của bạn nhé:

01. Bạn nhận ra công việc của mình đang lặp đi lặp lại

Một trong các dấu hiệu nhanh chóng nhất để bạn bắt đầu đặt câu hỏi “Phải chăng mình đang ở trong vùng an toàn?” là khi bạn làm việc như thói quen, công việc quen thuộc đến mức bạn không cần phải đặt bất cứ câu hỏi nào, nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn, quy trình làm việc không gặp trở ngại hay khó khăn.

Ví dụ: Trong dự án số 1, bạn đảm nhận nhiệm vụ triển khai UI cho website thương mại điện tử; dự án số 2 bạn vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ tương tự – triển khai UI cho website thương mại điện tử khác với các category & tính năng khá tương đồng với dự án số 1. 

Các dự án tiếp theo của bạn cũng không mang tính đột phá, hầu như đều sử dụng lại những kiến thức & kinh nghiệm từ các dự án trước chứ ko mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thông tin mới hoặc cập nhật thêm kỹ năng chuyên môn. Nếu bản thân bạn không có ý định tìm kiếm/đề xuất phương án triển khai mới hiệu quả hơn, chỉ lặp lại những việc đã làm và dùng những công cụ quen thuộc thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong vùng an toàn.

02. Bạn không muốn thực hiện nhiệm vụ mới

Khi ở trong vùng an toàn của công việc, bạn thường cảm thấy như thể bạn đang kiểm soát thế giới, làm chủ tình thế và tất nhiên bạn sẽ không muốn “phá huỷ” trạng thái này ngay lập tức. 

Cảm giác thoả mãn đó có thể là rào cản khiến bạn trở nên thụ động, không hứng thú hoặc bất mãn khi được giao thực hiện nhiệm vụ mới hoặc khi sếp/đồng nghiệp chia sẻ những ý tưởng cải tiến mới để gia tăng hiệu quả công việc. Bạn liên tục nói “Không” hoặc “Không thể” đối với mọi vấn đề trước khi nghĩ về giải pháp cho nó một cách thấu đáo và có cơ sở.

Ví dụ: Vị trí hiện tại của bạn là Front-end Developer. Sếp đề xuất trao cho bạn cơ hội phụ trách Back-end trong dự án mới với định hướng giúp bạn phát triển kỹ năng toàn diện hơn, với sự hỗ trợ của đồng nghiệp có chuyên môn Back-end khác. Thay vì vui vẻ đón nhận cơ hội, bạn lại tỏ ra khó chịu và nghĩ rằng mình đang bị giao thêm việc không cần thiết.

Xem thêm:

Việc làm Front-end Developer

Việc làm Back-end Developer

Việc làm Full-stack Developer

03. Bạn không nghĩ rằng nâng cấp bản thân là điều cần thiết

Rất nhiều Developer (kể cả bạn) khi đạt đến một số năm kinh nghiệm nhất định thường sẽ thấy hài lòng và tự tin với vốn kiến thức, kỹ năng của mình và không có nhu cầu trau dồi, học hỏi thêm. Khả năng cao là bạn đang mắc kẹt trong vùng an toàn do chính mình tạo ra.

Ví dụ: Bạn đang là Full-stack Developer, có chuyên môn chính về ngôn ngữ lập trình Java. Với xu hướng phát triển cũng như ảnh hưởng của công nghệ AI, công ty bạn cung cấp các khóa đào tạo về AI nói chung, ngôn ngữ lập trình Python nói riêng, để nhân viên có cơ hội trau dồi kỹ năng. Tuy nhiên, kể cả là được học miễn phí, bạn cũng không hề cảm thấy hứng thú và cảm thấy như đang bị ép buộc. Bạn từ chối vì cảm thấy việc học này không cần thiết, mất thời gian.

04. Bạn thường trì hoãn mọi thứ

Thông thường, khi ở trong vùng an toàn, bạn sẽ khó có những giây phút cảm thấy hứng khởi hoặc dâng trào động lực làm việc. Đó cũng là lý do bạn liên tục trì hoãn công việc, các deadline thường xuyên được dời lại phía sau.

Đừng đổ lỗi cho các lý do không mong muốn, nếu cứ tiếp tục như thế, bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ và khó có thể thăng tiến thêm.

Ví dụ: Nhiệm vụ của bạn là phải hoàn tất review 100 dòng code trong vòng 1 tuần. Nhưng vì cảm xúc chán nản, bạn chỉ review được 60 dòng code. Còn 40 dòng code, bạn đẩy sang lịch làm việc của tuần kế tiếp. Tuy nhiên, tình trạng dời deadline như thế này không được cải thiện; công việc của bạn vẫn ngổn ngang, chưa biết khi nào có thể hoàn thành 100%.

Vì sao Developer cần bước ra khỏi vùng an toàn?

Những bất lợi cho sự nghiệp của Developer nếu ở lâu trong vùng an toàn

Trong lĩnh vực thay đổi nhanh chóng như ngành công nghệ, nếu bạn không tiến về phía trước có nghĩa là bạn đang thụt lùi. Ở lâu trong vùng an toàn sẽ khá nguy hiểm với sự nghiệp khi bạn không vận dụng được sự sáng tạo và đổi mới trong công việc.

Một số bất lợi lớn nếu bạn ở lâu trong vùng an toàn: 

  • Năng lực bản thân bị thụt lùi
  • Đánh mất cơ hội thăng tiến
  • Thu nhập không như mong đợi

4 lợi ích khi Developer sớm bước ra khỏi vùng an toàn

  • Học hỏi thêm các kỹ năng và kinh nghiệm có ích cho phát triển sự nghiệp về lâu dài
  • Nắm bắt được các cơ hội thăng tiến
  • Tăng thêm thu nhập
  • Xây dựng được mạng lưới nghề nghiệp chất lượng

Bước ra khỏi vùng an toàn sẽ giúp bạn theo kịp với những phát triển và tiến bộ mới nhất của ngành, điều này có thể dẫn đến nhiều cơ hội việc làm hơn và thăng tiến nghề nghiệp tốt hơn. 

vung-an-toan-02

(Bước ra khỏi vùng an toàn sẽ giúp Developer theo kịp với những phát triển và tiến bộ mới nhất của ngành. Nguồn ảnh: storyset.com)

Ngoài ra, việc học các công nghệ mới có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng mới và cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, nâng cao hiệu suất và hiệu quả làm việc.

Tuy nhiên, cho dù nhận thấy bản thân đang ở trong vùng an toàn thì phải thừa nhận rằng, bạn rất khó bước ra khỏi đó bởi tâm lý ngại thay đổi thói quen, ngại thay đổi cách làm việc hay cách tư duy. Mặt khác, bạn lo lắng phải đối mặt với sự không chắc chắn và cảm thấy sợ khi bước ra vùng an toàn. 

Vậy phải làm thế nào để từng bước thoát ra khỏi vùng an toàn, giúp bản thân có giá trị hơn?

5 cách bước ra khỏi vùng an toàn để thành công hơn dành cho các Developer

Học thêm ngôn ngữ lập trình mới

Học thêm ngôn ngữ lập trình mới là cách tốt nhất để các Developer như bạn thử thách bản thân. Khi viết code bằng ngôn ngữ mới, Developer phải suy nghĩ khác đi để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ mang lại tư duy linh hoạt và cải thiện khả năng giải quyết vấn đề của bạn. 

Bên cạnh đó, việc học các ngôn ngữ mới có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về lĩnh vực bạn đang làm, tăng cường sự đổi mới và sáng tạo trong công việc. Niềm vui khi biết thêm một ngôn ngữ mới sẽ củng cố sự tự tin và truyền cảm hứng cho bạn để bước ra khỏi vùng an toàn thành công.

Một vài lời khuyên cho bạn khi học ngôn ngữ lập trình mới:

  • Nếu bạn là Front-end Developer và bạn đã quen với lập trình React và Redux, bạn có thể học thêm ngôn ngữ Elm hay Clojure.
  • Truy cập HackerRank để tập giải quyết vấn đề, bắt đầu từ những câu hỏi nhỏ và dần dần tiến tới những câu hỏi khó hơn. 
  • Xây dựng các dự án mới mà bạn thấy thích như Game, Website, Mobile App… về bất cứ lĩnh vực nào bạn quan tâm. Bạn có thể bắt đầu với các dự án nhỏ và tiến dần lên. 
  • Hãy thử chia sẻ những gì bạn đang học trên mạng xã hội như đăng lên LinkedIn, Twitter, Medium hoặc dev.to

Đọc thêm: Top 10 ngôn ngữ lập trình nên học trong năm 2023

Mở rộng mạng lưới nghề nghiệp 

Việc cải thiện kỹ năng mềm như giao tiếp, mở rộng mối quan hệ sẽ là động lực thúc đẩy bạn phát triển sự nghiệp tốt hơn. 

Gặp gỡ những đồng nghiệp, “tiền bối” trong ngành sẽ giúp bạn học hỏi và trau dồi những kỹ năng, kinh nghiệm mới cũng như nhanh chóng cập nhật được những thay đổi tiến bộ liên quan đến công việc, lĩnh vực bạn đang làm; từ đó tạo nền tảng tích cực cho sự nâng cấp của bản thân.

Không ngừng học hỏi để đạt đến “vùng tăng trưởng” (growth-zone)

Khi bạn không ngừng rèn luyện một ngôn ngữ lập trình hoặc một kỹ năng nào đó, bạn sẽ trở nên thuần thục và tiến tới ngưỡng “an toàn”. Lúc này, công việc chuyên môn của bạn đạt được hiệu suất ổn định và bạn không cảm thấy khó khăn hay rủi ro nào. 

Khi bạn nhận thấy cần phải học hỏi thêm và tiếp tục rèn luyện các kiến thức/kỹ năng mới thì các vùng an toàn mới sẽ liên tục mở ra cho đến khi bạn chạm được “vùng tăng trưởng” (growth-zone). Vậy thì, từ “vùng an toàn” hiện tại, bạn cần đi qua những giai đoạn nào để mở ra “vùng tăng” mới?

Theo Positive Psychology, khi nhận thức của bạn muốn đưa bạn bước ra khỏi “vùng an toàn” thì thông thường trải qua 3 giai đoạn để đến được “vùng tăng trưởng” (Growth-Zone):

  • Giai đoạn 1: Bước qua “vùng sợ hãi”

Quá trình “thoát kén” và bước ra khỏi vỏ bọc an toàn không hề đơn giản. Khi bạn nhen nhóm ý tưởng bước ra khỏi vùng an toàn hiện tại, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn nỗi sợ: sợ thất bại, sợ người khác đánh giá, thiếu tự tin vào bản thân… và bạn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của những người xung quanh.

Nhưng hãy yên tâm, chỉ cần bạn chuẩn bị tâm lý đủ vững vàng và xác định rằng mọi sự thay đổi đều cần thời gian thì bạn sẽ từng bước vượt qua nỗi sợ nhanh chóng. Lời khuyên của những người từng trải cũng là gợi ý hay giúp bạn được truyền cảm hứng và tự tin hơn với quyết định của mình.

  • Giai đoạn 2: Trau dồi bản thân tại “vùng học tập”

Khi những nỗi sợ vô hình lẫn hữu hình dần qua đi, bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện bản thân như được trở lại thời gian mới vào nghề. Bạn hứng khởi với những thách thức mới, hăng say tìm giải pháp cho bất cứ vấn đề nào phát sinh và dần làm chủ được những kỹ năng thiết yếu trong công việc.

“Vùng học tập” sẽ dần mở rộng ra một cách tự nhiên, bạn cũng dần trở thành vận động viên chạy đường dài cừ khôi mà chính bạn đôi khi cũng vô thức không thể nhận diện.

  • Giai đoạn 3: Tự tin bước vào “vùng tăng trưởng”

Từ “vùng an toàn” nhàm chán, giờ bạn đã thu thập được vô vàn khối lượng kiến thức và tự tin hơn khi phát biểu trước mọi người bởi nền tảng kỹ năng vững chắc. Đó là khi bạn chủ động tìm kiếm các mục tiêu nghề nghiệp mới, xác định mục đích cho mỗi việc bạn làm, phát hiện khát vọng phát triển từ nội tại để hướng tới cuộc sống mà bạn ước mơ.

“Vùng tăng trưởng” chính xác là những khoảnh khắc nói trên. 

vung-an-toan-03

(Bước ra khỏi vùng an toàn. Nguồn ảnh: positivepsychology.com)

Vòng lặp cứ thế tiếp nối, và bạn sẽ lại đối mặt với vùng an toàn của chính mình ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trải dài vùng tăng trưởng bằng cách chủ động lên kế hoạch học tập ngôn ngữ lập trình mới, cải thiện các kỹ năng cần thiết cho công việc và thử sức mình với những yêu cầu “khó nhằn” hơn.

Thử thách bản thân với nhiệm vụ mới

Khi cảm thấy bản thân đã học hỏi được các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một level cao hơn, bạn nên thử thách bản thân ở một nhiệm vụ mới trong lĩnh vực lập trình. 

Ví dụ: Từ vị trí Junior Developer, hãy đề xuất với cấp trên về cơ hội trở thành Senior Developer. 

Điều này sẽ giúp bạn được làm việc thực tế, học hỏi và vượt qua ranh giới của bản thân. 

Việc hoàn thành tốt công việc ở level cao hơn cũng giúp bạn có thêm góc nhìn về ngành lập trình và định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Tham khảo: Làm thế nào để từ Junior Developer lên Senior Developer nhanh chóng?

Đọc nhiều sách

Đầu tư vào bản thân như đọc thêm nhiều sách, tạo thói quen đọc sách thường xuyên sẽ giúp bạn nâng cao hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các Developer như bạn những góc nhìn cần thiết về việc bước ra khỏi vùng an toàn để thành công hơn trong sự nghiệp. Hãy tiếp tục thúc đẩy bản thân thoát khỏi vùng an toàn để học hỏi những điều mới, xây dựng các dự án mới, và chia sẻ những gì học được lên mạng xã hội để lan truyền cảm hứng nhé!

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!