Nội dung chính
Thiết kế Game là làm gì? Game Designer là ai? Thiết kế game không phải là công việc liên quan đến thiết kế đồ họa như mọi người vẫn nhầm, mà là tạo ra những câu chuyện, nhân vật, mục tiêu… trong trò chơi.
Game Designer là một “mảnh ghép” trong một team làm game bao gồm Game Programmer, Game Artist, Game Animator và QC Tester,…
Cùng ITviec tìm hiểu kỹ hơn về công việc thiết kế game cũng như vị trí Game Designer qua buổi trò chuyện với anh Nguyễn Đại Cát – Co-founder & COO tại Zedraw Studio, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game.
Việc làm Game Designer toàn quốc trên ITviec!
Thiết kế game là gì?
Tổng quan quy trình làm game
Để hoàn chỉnh một game, quy trình phát triển bao gồm 8 bước:
- B1: Liệt kê và chọn ý tưởng.
- B2: Viết Game Design Document (GDD).
- B3: Phân rã task để lên backlog và estimate thời gian development.
- B4: Lên kế hoạch phát triển sản phẩm (priority, scope, timing, content).
- B5: Các team (game designer, game programmer, artist, QC,…) tham gia phát triển game.
- B6: Chuẩn bị cho release sản phẩm (planning, tracking, publishing, operation, marketing, customer service…).
- B7: Release sản phẩm.
- B8: Phân tích kết quả và lên kế hoạch cải thiện (tuỳ quy mô và loại sản phẩm).
Trong 8 bước thuộc quy trình làm game, Game Designer chủ yếu làm việc ở B2, B4, B5, có thể một chút ở B1, B3 và B8.
Xem thêm: Lập trình game là gì? Chơi game giỏi sẽ trở thành Game Developer thành công?
Thiết kế game là gì? Công việc chính của Game Designer là gì?
Thiết kế game là công việc liên quan đến việc tạo ra những câu chuyện, nhân vật, mục tiêu, quy tắc và thử thách hấp dẫn để thúc đẩy tương tác giữa các nhân vật, giữa người dùng hoặc đối tượng khác trong trò chơi.
Người thực hiện công việc thiết kế game gọi là Game Designer. Theo anh Cát chia sẻ, sau đây là những công việc mà một Game Designer chịu trách nhiệm:
- Thiết kế khái niệm, nguyên tắc, luật chơi, mục tiêu, phần thưởng trong game
- Viết Game Design Document (GDD)
- Cải thiện tính năng: Sau khi game ra mắt và có người chơi, sẽ có data đổ về. Từ đó, Game Designer sẽ là người so sánh data với mục đích ban đầu đề ra để quyết định xem có cải thiện hoặc phải cắt bỏ tính năng nào không.
Không chỉ thế, Game Designer còn phải theo sát team, theo đúng chuẩn ý tưởng, câu chuyện ban đầu và phải kiểm tra lại sản phẩm đầu ra của các bên. Do vậy, người làm thiết kế game cần chú ý:
- Đảm bảo quá trình phát triển được document rõ ràng, dễ hiểu để các bên có thể làm đúng yêu cầu.
- Khi làm việc với artist, cần mang tính “cảm giác” nhiều hơn là technical. Game Designer cần so sánh art và định hướng ban đầu của sản phẩm để đảm bảo đi đúng hướng.
Xem thêm: Unity và Unreal Engine – Nên chọn game engine nào?
Hai yếu tố quan trọng khi thiết kế game
Trước khi thực hiện các bước phát triển game cụ thể, người thiết kế game cần phải xác định trước 2 thành phần quan trọng và đầu tiên của game đó là Elements (đối tượng) và Mechanics (cơ chế hoạt động).
Việc xác định yếu tố nào là quan trọng hơn, cái nào quyết định cái nào trong game, sẽ giúp cho việc thiết kế đúng định hướng hơn và nếu bế tắc thì dễ dàng tìm phương pháp giải quyết hơn.
Game Designer dựa trên yêu cầu của Game Product Owner và xác định xem thành phần nào quyết định thành phần nào. Có những game Mechanics dựa trên Elements và cũng có những game ngược lại.
Anh Cát đưa ví dụ để mọi người dễ hình dung:
Ví dụ như trong game Candy Crush, ta xác định được 2 thành phần:
- Elements: Đối tượng là viên kẹo.
- Mechanics: Cơ chế chủ đạo là “match 3″, động tác kéo qua kéo lại.
Ở game này, mechanics quyết định elements. Đơn giản là vì động tác “kéo” và tạo thành hàng 3 là yếu tố quan trọng của game, còn elements dù là viên kẹo hay bông hoa cũng không ảnh hưởng đến game. Tuy nhiên, nếu vẫn là elements viên kẹo đi với mechanics khác thì chưa chắc.
Ngược lại, ở game Võ Lâm Truyền Kỳ, elements quyết định mechanics. Ở game này, tạo hình đóng vai trò quan trọng hơn vì tạo hình cần phải cho thấy được thế giới “võ lâm”, kiếm hiệp,… và đây cũng mới chính là điều thu hút người chơi.
Còn mechanics “hack & slash” chỉ góp phần làm cho thế giới ấy trở nên hoàn hảo hơn.
Những nguyên tắc thiết kế game
Anh Cát chia sẻ 4 nguyên tắc thiết kế mà Game Designer cần nằm lòng: 1. Xác định mục đích Business trong thiết kế game:
Bạn cần hiểu rõ mục đích cuối cùng của game là gì. Nếu không thì bản thân game bạn tạo ra sẽ không mang lại một giá trị cụ thể nào. Ví dụ như:
- Business của game A là để xây dựng thương hiệu cho studio thì các feature trong game nên hướng tới việc thu hút user chơi càng lâu và càng nhiều tương tác càng tốt mà không cần quan trọng việc kiếm lợi nhuận cho game.
- Business của game B là Xem quảng cáo thì gameplay nên được thiết kế có session ngắn, có yếu tố gây nghiện.
2. Đặt mình vào vị trí của user:
Hiểu được tệp người dùng của mình là ai, điều gì sẽ khuyến khích họ chơi game, nhu cầu của họ là gì,… thì mới thiết kế game đúng được.
3. Viết document có mục đích:
- Khi viết, bạn cần hiểu rằng mình viết dành cho đối tượng nào đọc (User, Programmer, hay Client) thì người ta mới đọc và hiểu được
- Mục đích viết document để làm gì: Dùng trong sản xuất hay dùng để tra cứu.
4. Xác định KPI (chỉ số đo lường hiệu quả) của mỗi tính năng:
Để biết được rằng tính năng đó mình thiết kế ra có hữu ích hay không, bạn cần thiết lập những chỉ số để đánh giá. Đồng thời, một tính năng không nên có quá nhiều thông số đánh giá hay mục tiêu cho tính năng để đỡ gây nhầm lẫn.
Ví dụ: Bạn thiết kế một tính năng mới với mục tiêu giữ chân người chơi ở lại game thì thông số để đánh giá hiệu quả của tính năng này là tỷ lệ người chơi rời game (Churn Rate).
Nếu sau khi release mà thông số này không được cải thiện thì bạn thất bại, ngay cả khi chức năng này mang lại những giá trị mạnh mẽ khác ngoài dự kiến. Nếu thành công thì những yếu tố đó đã phải được liệt kê từ khâu Phân tích (trước khi bắt đầu thiết kế).
Làm thế nào để cải thiện kỹ năng thiết kế game?
Anh Cát chia sẻ một vài cách để cải thiện kỹ năng thiết kế game mà anh vẫn áp dụng thường xuyên:
- Chơi nhiều game, nhiều thể loại khác nhau. Việc chơi nhiều game, sẽ cho bạn tiếp cận với những thứ bạn chưa biết hoặc tự giải đáp được những vấn đề bạn đang gặp phải khi thiết kế.
- Nghiên cứu, phân tích business của các game.
- Cải thiện không ngừng cách viết GDD.
Nghề Game Designer là gì?
Tầm quan trọng của Game Designer trong quy trình làm game
“Nếu Game là một cơ thể sống thì Programer là sức khoẻ, Artist là vẻ đẹp còn Game Designer chính là linh hồn.”
Anh Cát chia sẻ rằng nếu một game thiếu đi game designer thì giống như một bộ phim thiếu đạo diễn, một dàn nhạc giao hưởng thiếu nhạc trưởng. Và tất nhiên là sản phẩm đó sẽ không trọn vẹn và không thể hay nhất.
Chính vì thế, một sản phẩm muốn hay thì phải có Game Designer tài giỏi.
Các kỹ năng, tố chất cần thiết để trở thành Game Designer
Có ý kiến cho rằng công việc Game Designer là tổng hợp công việc của một người tác giả, một người nghệ sĩ, và một lập trình viên. Chính vì thế, một người Game Designer vừa phải hiểu technical và vừa “cảm” được nghệ thuật.
Dựa trên tính chất công việc của Game Designer, anh Cát chia sẻ những kỹ năng cần thiết của một Game Designer thành công:
- Là một người yêu game, trước hết là vậy.
- Hiểu biết sâu về tất cả thể loại game để có thể thiết kế nhiều loại game.
- Kỹ năng phân tích.
- Kỹ năng viết tài liệu kỹ thuật (technical writing).
- Khả năng truyền đạt tốt bằng lời, khả năng thuyết phục vì phải làm việc với nhiều bên.
- Khả năng logic tốt.
Riêng với một người Game Designer, 3 kỹ năng cuối đóng vai trò vô cùng quan trọng vì:
Game Designer thậm chí còn là người “truyền cảm hứng” cho đồng đội trong quá trình phát triển game nên phải có khả năng truyền đạt tốt.
Ngoài ra, Game Designer cần có khả năng viết document tốt, truyền tải mạch lạc, có thể trả lời mọi thắc mắc của trong thiết kế để quá trình phát triển thuận lợi.
Cơ hội nghề nghiệp của Game Designer
Anh Cát nhận định về cơ hội nghề nghiệp chung của Game Designer trên thị trường:
Ngành này tuy không “sớm nở chóng tàn”, nhưng trong đợt dịch vừa qua thì cực kỳ hấp dẫn luôn.
Nguyên nhân là do nhu cầu chơi game tăng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hơn, xu hướng game hóa gamification – cái gì bản chất không phải là game cũng biến thành game như biến finance thành game và gọi là gamefi. Có nhiều mảng đã “game hóa” như ngân hàng, y tế và giáo dục.
Nhìn rộng ra thì cũng do bản chất con người đã thích chơi trò chơi nói chung rồi, dù là game offline như board game, game tay cầm, hay game online. Nếu bạn làm tốt thì thị trường luôn chào đón bạn.
Chính vì thế, đã theo ngành game, dù ở là bất kỳ vị trí nào thì cũng không lo bị thất nghiệp. Ở những công ty sản xuất game lớn như game 2A hay 3A, Game Designer thường được “chuyên nghiệp hóa” thành từng vị trí Game Designer như sau và mỗi vai trò lại yêu cầu những kỹ năng chuyên môn khác nhau tùy vào vị trí đó. Cụ thể:
- Product Owner
- Gameplay Designer
- UI UX Designer
- Economy Designer
- System Designer
- Operation Designer
- Sound Designer
Còn với dự án game nhỏ và đơn giản thì một người Game Designer thường đảm nhận hết. Có thể thấy, nghề Game Designer có rất nhiều mảng cũng giống như programmer và artist. Mỗi mảng đòi hỏi thế mạnh và kỹ năng và bạn hoàn toàn có thể thiết kế một career path dài hơi theo khả năng của mình.
Việc làm Game Designer TP. HCM trên ITviec!
Theo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2022-2023” do ITviec tiến hành khảo sát với 1257 chuyên gia IT tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy mức lương ngành Game nói chung ở Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn như:
Ngành |
Tỉnh thành |
Mức lương trung bình |
Game |
Hà Nội |
27.3 triệu đồng |
Đà Nẵng |
33 triệu đồng |
|
TP. HCM |
28.2 triệu đồng |
Cập nhật đầy đủ Mức lương Ngành công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam năm 2023 ngay!
Các bước phát triển sự nghiệp của Game Designer
Nghề Game Designer yêu cầu mức độ kỹ năng mềm khá cao nên người nào có kỹ năng mềm tốt thì con đường phát triển sự nghiệp tốt hơn. Nhìn chung, con đường phát triển lên cao cho Game Designer cũng mở rộng
Từ vị trí Game Designer bạn có thể lên làm Technical Expert về một mảng cụ thể như sound, UI-UX, gameplay,… hoặc một số vị trí khác trong ngành như Marketing, Producer, Product Owner, Product Manager, Scrum Master…
Tài liệu thiết kế game nên tham khảo
- Level Up! The Guide to Great Video Game Design (Scott Rogers)
- The Art of Game Design: A Book of Lenses (Jesse Schell)
- The Predictioneer’s Game (Bruce Bueno de Mesquita)
- The Art of Strategy (Avinash K.Dixit và Barry J.Nalebuff)
- https://thietkegame.com/ (Christian Nguyễn)
Game Designer trong ngành IT nói gì?
Ngành nào cũng dễ mắc sai lầm, Game Designer hoặc Game Product Owner cũng không tránh khỏi.
Từ chính những kinh nghiệm của bản thân, anh Cát “đúc kết” lại những cái sai lầm dễ mắc phải nhất của một người Game Designer dù đã có kinh nghiệm:
- Sợ hãi hay stress khi bí ý tưởng:
Việc cảm thấy sợ hãi hay stress trong quá trình làm việc là điều bình thường, dù có kinh nghiệm cỡ nào thì cũng vấp phải.
Anh Cát khuyên rằng mỗi khi bí ý tưởng, hãy làm những việc khác để thư giãn đầu óc. Việc nhìn chăm chăm vào mỗi một cái cây sẽ làm cho mình không nhìn thấy được cả cánh rừng, không nhìn thấy được hướng đi khác. Anh chia sẻ rằng nhiều ý tưởng của anh đến từ việc “tán dóc” với bạn bè.
Đồng thời, nên tập thói quen ghi chú để những ý tưởng đến bất chợt khi đang lái xe, khi đang trò chuyện không bị mất đi.
- Nhồi nhét quá nhiều KPI vào trong một tính năng hoặc nhiều tính năng cho một KPI:
Điều này dẫn đến việc chồng chéo trong data, không biết tính năng đó có hoạt động như mong đợi hay không.
Nhiều khi số liệu này cao là do tính năng này hay tính năng khác mình không biết được, do mình cho KPI này vào quá nhiều tính năng khác nhau.
- Tự mặc định người dùng:
Game Designer hoặc Game Product Owner hay có thói quen tự mặc định người dùng.
Ví dụ như mình cho rằng nút bấm nhỏ, tay người Việt Nam không click được đâu. Khi mình launch game, 10 triệu người chơi đều click được nút bấm đó thì thành ra giả định của mình sai.
Lời khuyên ở đây là không tự mặc định người dùng mà phải có số liệu cụ thể.
- Nhận feedback có chọn lọc:
Trong quá trình prototype, việc người nghe tiếp nhận, bài xích hay khen chê không mang giá trị cao vì sản phẩm chưa hoàn thiện. Thay vì vậy chúng ta nên chọn lọc feedback, khai thác những ý hay, bỏ qua những ý thừa thãi.
Anh Cát cũng chia sẻ thêm rằng kể cả khi sản phẩm đã hoàn thiện thì vẫn phải nghe feedback chọn lọc.
Ví dụ như game hướng đến nhóm đối tượng A nhưng mình lại lo lắng khi nghe feedback của nhóm đối tượng B thì việc đó là vô nghĩa.
- Lo lắng về việc triển khai ý tưởng thay vì bắt tay vào làm:
Anh Cát chia sẻ thật tình từ chính kinh nghiệm lâu năm của bản thân:
Ý tưởng có khi chỉ đáng giá 5 xu, quan trọng là hơn nhau chỗ làm ra, cách mình truyền đạt với users, release thế nào, tệp khách hàng đúng hay không,…
Chính vì thế, thay vì dành quá nhiều thời gian để lên ý tưởng, bạn nên ghi ra giấy, hệ thống hóa, mind-map thành logic cụ thể. Suy nghĩ quá nhiều mà không ghi ra, không logic, không sắp xếp nó lại thì chỉ là tốn thời gian.
Với những thông tin vô cùng bổ ích được chia sẻ bởi anh Nguyễn Đại Cát về công việc thiết kế game và vị trí Game Designer, ITviec mong bạn hiểu rõ thêm về nghề này và định hướng được một con đường sự nghiệp rõ ràng.
Việc làm Game Designer Hà Nội trên ITviec!
Thông tin về anh Nguyễn Đại Cát
Nguyễn Đại Cát có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game, trong đó có 9 năm cho thị trường Nhật Bản tại 2 công ty GIANTY VN (2012-2017) và Ateam VN (2017-2021).
Trong suốt thời gian đó anh đã kinh qua khá nhiều vị trí trong quy trình sản xuất và vận hành các sản phẩm game như Gameplay Designer, Economy Designer, System Designer, Operation Designer, Content Writer, Planner, Product Owner…
Một số sản phẩm game global nổi bật Cát đã tham gia design và vận hành: Desperado (2012), Madzone (2015), War of Legions (2013), Dark Summoner (2012).
Hiện tại, Cát đang là Co-founder, COO, kiêm Product Director và Game Designer tại Zedraw Studio – một công ty startup game vừa mới thành lập từ đầu năm 2022.
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!