RPA là một trong những công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng. Nhờ vậy, RPA Developer trở thành một trong những ngành nghề mới, hấp dẫn, thu hút được nhiều nhân tài với mức lương hấp dẫn, đãi ngộ tuyệt vời.
Để giúp hiểu thêm về những tố chất cần thiết của một RPA Developer cũng như mức lương, cơ hội nghề nghiệp của RPA Developer tại Việt Nam hiện nay, ITviec đã có buổi trò chuyện với Nguyễn Tấn Phát – RPA Technical Lead và Nguyễn Trọng Duy – RPA Team Leader tại CMC Global – một trong những đơn vị triển khai dịch vụ IT hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ phát triển RPA cho doanh nghiệp.
Làm thế nào để trở thành RPA Developer?
Trình độ code yêu cầu
“Chỉ cần biết nền tảng, code cơ bản là được”, Duy chia sẻ.
Hầu hết RPA chỉ làm việc với low-code nên chỉ cần biết ở mức cơ bản để xử lý những trường hợp lỗi. Chỉ có automation truyền thống mới yêu cầu nhiều code phức tạp, còn RPA thì không cần.
Tuy nhiên, nếu RPA Developer biết code căn bản liên quan tới Java, Python, C++, C#, Visual Basic, SQL or JavaScript thì đó sẽ là điểm cộng và tiếp nhận RPA nhanh hơn. Có những task vụ vẫn đòi hỏi Developer phải dùng code.
Về bằng cấp RPA thì các RPA Developer có thể tìm học và thi lấy chứng chỉ RPA ở UIPath và Automation Anywhere. Ở đây có các khóa học và cấp bằng từ cơ bản đến nâng cao.
Tham khảo thêm: RPA là gì? Ứng dụng và triển khai RPA trong quy trình của doanh nghiệp
Những kỹ năng và tố chất cần thiết
Theo Phát và Duy chia sẻ, để trở thành RPA Developer, điều quan trọng nhất chính là tư duy / mindset giải quyết vấn đề và xử lý thông tin. Bởi vì làm việc với công nghệ RPA là phải làm việc với quy trình nhiều nên cần khả năng xử lý vấn đề, xử lý thông tin / dữ liệu, suy nghĩ logic, data analytics để có thể phân tích input / output của quy trình đó.
Kỹ năng quan trọng thứ hai chính là khả năng giao tiếp nhanh nhẹn. Để phát triển một con bot cần chi phí lớn nên việc thuyết phục được cấp trên, khách hàng chọn đi theo giải pháp RPA rất cần thiết. Một người RPA Developer cần gợi ý những lựa chọn tối ưu nhất, phân tích cho cấp trên hoặc người dùng hiểu là bot có thể làm được và không làm được những gì.
Cuối cùng chính là tiếng Anh. Hiện tại RPA chưa phổ biến ở Việt Nam, mới chỉ phổ biến ở nước ngoài là chính. Do đó, tài liệu cũng chủ yếu là tiếng Anh nên cần phải trau dồi ngoại ngữ để có thể đọc hiểu tài liệu và giao tiếp với cộng đồng RPA khi cần hỗ trợ.
Ngoài ra, với những bạn mong muốn trở thành Lead thì nên có khả năng viết document (SDD – Solution Design Document và PDD – Process Definition Document) và bộ kỹ năng quản lý bao gồm quản lý dự án, quản trị nhân lực, quản trị rủi ro, kỹ năng thuyết trình.
Dù ở bất kỳ level nào, RPA Developer cũng nên liên tục cập nhật công nghệ mới, phiên bản mới của công nghệ RPA và thực hành luôn khi có thể.
Cơ hội nghề nghiệp của RPA Developer tại Việt Nam hiện tại
Theo Phát chia sẻ, Việt Nam là nước đang phát triển và công nghệ RPA chỉ mới du nhập vào trong khoảng vài năm trở lại đây. Trong giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện ở tất cả các ngành, công nghệ RPA được dự đoán sẽ trở thành một ngành nghề hấp dẫn và mức lương dành cho RPA Developer chắc chắn sẽ cao.
Về mức độ cạnh tranh, Duy cũng nhận định là hiện nay rất khó tuyển nhân lực chất lượng tốt về RPA ở Việt Nam nên hầu hết chỉ tuyển người có mindset tốt về technical và solution trước, sẽ training về RPA sau, nên có thể thấy mức độ cạnh tranh khi ứng tuyển vị trí Developer chuyên về RPA đang còn rất “dễ thở”.
Trên thế giới, Mỹ và châu Âu là hai khu vực đang phát triển rất mạnh về RPA ở các ngành như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, hàng không,… Ở khu vực châu Á, Trung Quốc đang là quốc gia phát triển mạnh nhất về công nghệ RPA.
Lương RPA Developer tại Việt Nam
Theo Duy và Phát quan sát, lương RPA Developer tại Việt Nam có thể rơi vào khoảng sau, chia theo cấp bậc:
Cấp bậc RPA Developer | Mức lương tương ứng |
RPA Developer Intern | 3 – 5 triệu |
RPA Developer Fresher | 5 – 10 triệu |
Junior RPA Developer | 10 – 18 triệu |
Middle RPA Developer | 18 – 25 triệu |
Senior RPA Developer | 25 – 40 triệu |
RPA Developer Leader | >50 triệu (có thể lên đến tầm 70 – 80 triệu) cho quy mô team tầm khoảng 10 – 20 người |
RPA Developer Lead trong ngành IT nói gì?
Khi được hỏi chia sẻ về nhận định: “Một trong những thất bại thường thấy nhất khi triển khai RPA đó là thiếu training cho bot và người dùng (từ phía khách hàng)”, Duy cho rằng nhận định này đúng… nhưng cũng chưa đúng.
Đúng ở chỗ thất bại thường thấy khi phát triển RPA chính là thiếu training cho bot hoặc người RPA Developer. Khi họ chưa được training đầy đủ về các bước để làm bot thì họ dễ mắc phải những sai lầm, nhất là khi chưa hiểu rõ yêu cầu hoặc chưa có document thiết kế trước mà đã vội “nhảy vào” code.
Tuy nhiên, nhận định trên lại sai ở chỗ thiếu thông tin / training đến khách hàng. Duy chia sẻ rằng:
“Đối với CMC Global, khi RPA Developer bàn giao công nghệ cho khách hàng thì mình phải làm sao cho họ dễ hiểu, dễ sử dụng nhất có thể. Kể cả trong quá trình tư vấn, mình luôn tư vấn khách hàng nên làm quy trình thế nào, chọn giao diện thế nào, nhận được xác nhận mới bắt đầu làm.
Trong quá trình làm việc, bên mình phải dự đoán được những lỗi dễ xảy ra, trao đổi liên tục với khách hàng để họ nắm được, họ đưa thêm thông tin để mình hoàn thiện.
Sau khi bàn giao sản phẩm, bên mình vẫn luôn kiểm tra hiệu suất của bot và tỷ lệ xảy ra lỗi để hoàn thiện thêm sản phẩm.
Nhìn chung, mình không đưa thiếu thông tin cho khách hàng mà là mình chưa lấy đủ thông tin từ client để hoàn thành RPA nên mới thất bại.”
Nhờ vào những chia sẻ chân thành từ hai chuyên gia đến từ CMC Global, ITviec mong rằng bạn đã hiểu thêm về nghề nghiệp RPA Developer vô cùng thú vị. Mong bạn sẽ có những định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
Thông tin chuyên gia
Anh Nguyễn Tấn Phát hiện là RPA Technical Leader tại CMC Global.
Anh có 5 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT với nhiều vị trí, domain khác nhau như Hàng không, Ngân hàng, Bảo hiểm, Logistic,… và 2 năm kinh nghiệm ở vai trò leader dẫn dắt đội nhóm.
Trong quá trình làm việc, anh đã không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, và đạt được nhiều chứng chỉ, trong đó có nhiều chứng chỉ liên quan đến RPA như Automation Anywhere Certified Advanced RPA Professional (A2019), Kryon RPA Manager,…
Anh Nguyễn Trọng Duy hiện là RPA Team Leader tại CMC Global.
Anh có 3 năm kinh nghiệm tại nhiều vị trí như Backend software engineer (Java), Frontend software engineer (Vuejs) trước khi đến với RPA.
Trong lĩnh vực RPA, anh từng tham gia các dự án lớn hợp tác cùng đối tác tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Anh đã dành được các chứng chỉ liên quan đến RPA như Automation Anywhere Certified Advanced RPA Professional (A2019), Kryon RPA Manager, Blue Prism Developer Accreditation Exam, Automation Anywhere Certified Master RPA Professional – Version 11,…
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!