Làm nghề lập trình, ai cũng muốn thăng tiến nhanh. Vậy bạn phải làm sao?

Đọc ngay bài phỏng vấn của ITviec với anh Lê Trường Vĩnh Phú, Country Manager của Knorex – một công ty công nghệ chuyên về R&D và nghiên cứu, để biết được:

  • Con đường trở thành Country Manager của anh Phú
  • 3 Điều lập trình viên nên làm để thăng tiến
  • Kinh nghiệm hay từ công việc của anh cho các bạn làm nghề lập trình

Xem việc làm Developer chất trên ITviec

1. Anh có thể nói về con đường trở thành Country Manager của Knorex?

Rời trường đại học năm 2010, anh sang Singapore làm Research Assistant tại đại học NUS (National University of Singapore). Đến năm 2011, anh đầu quân cho Knorex lúc đó mới thành lập.

Lúc đó anh làm vị trí Research Engineer, chuyên về nghiên cứu và phát triển. Ban đầu, anh dự định là sẽ làm ở Singapore một thời gian rồi quay về Việt Nam với mong muốn giúp các bạn Developer Việt tài năng và có tham vọng có môi trường tốt để phát triển.

Rất may mắn là định hướng đó của anh hợp với nhu cầu của công ty thời điểm đó, khi họ muốn mở một Tech Center ở Việt Nam.

Khi đó, giống như các Start-up khác, những người đầu tiên ở công ty phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Do đó, dù anh là Research Engineer thì anh cũng xung phong kiêm luôn tuyển dụng và xây dựng quy trình tuyển dụng, cũng như tiếp xúc các đối tác về research. Khi có thử thách thì ai cũng phải tiên phong chấp nhận nó thể phát triển.

Khi tham gia vào quá trình tuyển dụng, anh nhận thấy các bạn Developer Việt có một số lợi thế đặc thù và để xây dựng một team kỹ thuật mạnh thì có thể dựa vào các bạn.

Bằng chứng là thời kì đầu, rất nhiều Developer Việt tham gia vào Knorex, làm thuần về kỹ thuật và R&D. Và anh được đề xuất về Việt Nam để xây dựng team ở đây.

Ban đầu Knorex ở Singapore có 5-7 người, tới thời điểm anh về Việt Nam là đã lên được 25 người. Cho tới cuối năm 2018 thì Knorex đã có 130 nhân sự trên 8 văn phòng ở các nước. Riêng ở Việt Nam, trong hơn 5 năm, anh đã phát triển team  từ 2 người lên đến 40 người.

2. Công việc cụ thể của anh là gì?

Hiện tại ngoài kiêm luôn vai trò Head of R&D thì anh chủ yếu là giữ vai trò Country Manager. Anh chịu trách nhiệm quản lý văn phòng ở Việt Nam, tập trung chính về tuyển dụng và xây dựng thương hiệu cho công ty chứ không chịu trách nhiệm về kinh doanh.

So với ngày xưa lúc mới làm Country Manager ở Knorex Việt Nam thì các thử thách đã lớn hơn nhiều.

Khi ở Singapore thì anh làm thuần về kỹ thuật, team tương đối nhỏ. Tới khi anh về Việt Nam xây dựng team thì cũng chỉ tập trung và phát triển team nhanh chóng thôi.

Tuy nhiên, khi những văn phòng ở các nước khác được thành lập nữa như ở Châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan thì đã trở thành cross-country team. Vì có cấu trúc khác  nhau nên thử thách cũng khác nhau. Anh phải quản lý để đảm bảo được quá trình làm việc giữa các team được thuận lợi và dễ dàng, vì tất cả đều có khác biệt về văn hóa.

Xem thêm chia sẻ của anh Phú về: “Làm sao để xây dựng một team mạnh?

nghe-lap-trinh-1

Tập thể nhân viên Knorex và anh Phú

3. Điều gì khiến anh ngạc nhiên về nhân sự làm nghề lập trình ở Việt Nam?

Với các bạn theo nghề lập trình người Việt, kỹ năng kỹ thuật của các bạn khiến anh rất ấn tượng. Bên cạnh đó là khả năng học công nghệ mới rất nhanh và các bạn rất thành thạo những công nghệ đã học.

Cùng một câu hỏi về kỹ thuật với các Developer nước ngoài và Việt Nam, thì anh đánh giá cao câu trả lời của Developer người Việt hơn. Anh tin là bạn hiểu rõ về câu trả lời hơn, thẳng thắng về những cái mình biết và không biết. Thái độ của các bạn cũng rất tự tin và trung thực.

Tuy nhiên, các bạn lại có 2 hạn chế:

  • Khả năng giao tiếp chưa tốt: thật sự thì tiếng Anh của các bạn làm nghề lập trình ở Việt Nam chưa tốt tới mức có thể làm việc ở môi trường quốc tế  hoặc có thể dễ dàng làm trong một quy trình quốc tế. So với các bạn nước khác thì kỹ năng tiếng Anh của họ tốt hơn nhiều.
  • Các bạn chưa tự tin về tiềm năng và khả năng phát triển của mình: khả năng các bạn có thể phát triển hơn nữa và có thể cạnh tranh ngang hàng với bất cứ ai làm nghề lập trình ở quốc gia nào. Tuy nhiên, vì môi trường làm việc khiến các bạn không có sự tự tin vào bản thân nên thông thường hay đặt ra rào chắn cho mình trước khi thử một cái gì đó, từ đó làm giảm khả năng phát triển của bạn.

Việc làm Developer tại TP HCM

Việc làm Developer tại Hà Nội

4. Anh đã có sai lầm gì trong công việc?

Có một sai lầm về mặt tuyển dụng mà anh nhớ mãi.

Có một bạn là Sale Account với công việc là làm việc qua lại với các văn phòng của Knorex các nước. Khi bạn không đạt yêu cầu về performance, anh đã chủ động chấm dứt hợp đồng sớm với bạn. Nhưng vấn đề là quá trình kết thúc hợp đồng không tốt nên đối với bạn đó là một sự việc rất bất ngờ và nhạy cảm.

Hôm đó là ngày làm việc cuối cùng của bạn, trước khi ra về bạn đề nghị được đứng trước công ty để nói lời tạm biệt. Thực ra, đối với một Manager thì điều đó không được khuyến khích. Vì trong trường hợp một người đang có quá nhiều xúc cảm như vậy mà đứng trước team nói sẽ  không kiểm soát được mình.

Đúng như vậy, bạn đã nói những điều không hay về công ty cũng như trực tiếp chỉ trích anh trước mặt cả team. Điều đó thực sự có ảnh hưởng đến các thành viên khác và cũng là cú shock với anh vì đó là lần đầu tiên anh trải qua một sự việc như vậy.

Ngay sáng hôm sau, anh mới chia sẻ với mọi người lý do rất khách quan về quyết định kết thúc hợp đồng của bạn. Anh thẳng thắn nói chuyện với cương vị một Manager là phải bảo vệ công ty bằng cách làm điều tốt nhất cho team. Những thiếu sót khác anh sẽ tự cải thiện và chịu trách nhiệm.

Anh rút ra bài học là với một Manager, quá trình thương lượng kết thúc hợp đồng nên làm nhanh chóng và khéo, đừng dễ dãi tạo ra những cơ hội để sự không thoải mái lan rộng ra.

Trong những trường hợp thấy rõ rằng người đối diện cảm thấy không thoải mái khi đang nói chuyện như trên thì mình càng phải không để kéo dài, vì không thể làm một tình huống từ không thoải mái sang thoải mái được.

nghe-lap-trinh-2

Anh Phú trong một lần làm diễn giả

5. Anh đã phỏng vấn rất nhiều bạn làm nghề lập trình viên. Vậy những phẩm chất nào anh tìm kiếm ở một ứng viên?

Để làm nghề lập trình, điều kiện đầu tiên là kỹ năng kỹ thuật phải phù hợp với đúng vị trí, mindset và thái độ phải phù hợp với văn hóa công ty.  Với anh thì anh coi trọng:

  • Kỹ năng có thể học được nhanh: những lĩnh vực mà Knorex tham gia như Data Science, Digital Advertising, IoT… thì phát triển rất nhanh. Những cái mình biết trước đây nhiều khi bây giờ chẳng giúp ích được gì cho mình cả nên quan trọng là phải có kỹ năng học hỏi nhanh, đồng thời dũng cảm bỏ đi những thứ mình biết trước đó vì có thể nó không còn phù hợp nữa.
  • Cần có “grow mindset”: rất nhiều Junior Developer ở Việt Nam mà anh đã từng nói chuyện qua không tự tin vào khả năng học hỏi của bản thân và nói: “Em cần một người Senior dạy cho cái này cái kia.”

Đọc thêm: Junior và Senior Developer khác nhau ra sao?

Thực ra việc học hỏi phải xuất phát từ bản thân mình, phải thấy được cơ hội học tập và phát triển ở mọi nơi, mọi người mình gặp ở mọi môi trường. Còn nếu bạn cứ mong đợi có một người thầy dạy mình thì bạn sẽ tự giới hạn bản thân chỉ trong những gì người thầy đó biết và dạy lại bạn.

  • Có thái độ “cống hiến trước” rồi những thứ khác sẽ được ghi nhận. Khi bạn tham gia vào một môi trường mới, không ai biết bạn là ai cả, thì bạn phải đóng góp và tạo ra ảnh hưởng tích cực cho công ty thì người ta mới công nhận bạn chứ!

Những vị trí cao cấp ở Knorex đều là do các bạn tự kiếm được, đã chứng minh bằng năng lực của mình chứ anh không cho các bạn cái gì trước cả. Ngay cả anh làm vậy thì các bạn trong team khác cũng chắc gì đã phục đúng không?

Đọc bài viết này “3 Điểm khác biệt giữa công ty Outsourcing và Product” để thấy được sự khác nhau giữa hai loại hình công ty.

6. 3 Điều mà anh khuyên các Junior Developer để ứng tuyển thành công?

  • CV phải chỉnh chu, ngắn gọn: nghĩa là phải tô đậm những vị trí đã làm và kỹ năng mềm như Tiếng Anh. Anh đọc một CV chỉ chừng 10-20 giây, ngay cả những CV đặc biệt cũng chỉ khoảng 2-3 phút. Nên những CV không ngắn gọn, chỉn chu là sẽ bỏ qua ngay.

Quá trình lọc CV diễn ra rất nhanh như vậy nên các bạn làm CV càng ngắn gọn, càng tô đậm được những vị trí và kỹ năng của mình thì càng được qua vòng CV.

Tham khảo các bài viết hay nhất về viết CV IT của ITviec.

  • Thể hiện mình quan tâm về công ty: khi phỏng vấn, bạn cần phải thể hiện bạn quan tâm về công ty đang ứng tuyển và về vị trí mình đang apply vào. Dĩ nhiên, công ty thì đã rõ về việc tuyển ai vào vị trí này rồi, nhưng các bạn đi phỏng vấn thì đôi lúc lại không rõ về vị trí đó.
  • Nói rõ kỳ vọng, mong muốn của mình với công việc này. Suy cho cùng, buổi phỏng vấn là lúc cả bạn và công ty xem xét kì vọng của nhau để xem nó có hợp với nhau không.

Chẳng hạn, có những bạn đi phỏng vấn không trả lời được câu hỏi là: “Em dự định trở thành người như thế nào?” Anh thích những bạn nói rõ việc muốn phát triển con đường sự nghiệp theo hướng nào.

Bạn muốn thành Full-stack Developer, Back-end Developer hay là chưa biết và muốn học tất cả mọi công nghệ. Nếu bạn mong muốn trở thành Senior Developer thì có muốn quản lý con người luôn hay không hay chỉ đơn thuần làm về kỹ thuật thôi. Bạn càng vạch ra rõ về con đường làm nghề lập trình của mình thì người phỏng vấn mới xem là có thể đáp ứng được cho bạn không.

Xem thêm: 21+ Con đường sự nghiệp cho Developer

7. 3 Điều một Junior Developer cần làm để được thăng tiến?

(1) Bạn phải có tinh thần tạo ảnh hưởng và cống hiến cho công ty trước.

Anh có làm việc với một CEO thì anh ấy chia sẻ một điều anh rất tâm đắc: “Điều gì làm nên một Manager? Đó là “sự quan tâm”, là quan tâm về cái mình đang làm và quan tâm đến người khác. Cũng như có cả “responsibility”, có trách nhiệm với việc mình đang làm và “accountability” – nghĩa vụ, trách nhiệm với người khác.”

Có nhiều trường hợp liên quan như vậy ở Knorex. Vì công ty làm về product nên nếu có những thắc mắc hay vấn đề của khách hàng thì Account Manager sẽ gửi  cho tất cả mọi người.

Khi chưa ai biết vấn đề nằm ở đâu  hay ở team nào cả thì có những bạn Junior Developer đã  chat lập tức với những bên liên quan về vấn đề đó và giải quyết ngay lập tức.

Ngược lại, cũng có những bạn làm lâu năm nhưng không hề quan tâm, đợi có người quy về trách nhiệm cho bạn thì bạn mới bắt tay làm. Những bạn Junior luôn đón nhận thử thách và tìm cách giải quyết, cũng như chủ động chăm sóc khách hàng thì rất đáng để anh cho thăng tiến.

(2) Bạn phải là người phát triển bản thân theo thời gian và vẫn muốn tiếp tục chuyện đó.

Có một số bạn có số kinh nghiệm làm việc trong nghề lập trình rất lâu nhưng chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại với độ khó tương đương thôi.

Với Knorex, được thăng tiến không tính theo số năm kinh nghiệm mà tính theo tính chất công việc. Khi giữ chức cao hơn, bạn phải sẵn sàng và có khả năng làm với những vấn đề khó và phức tạp hơn, hệ thống quan trọng hơn trong công ty.

Anh đã từng làm việc với 2 bạn Fresher từ Đại học Bách Khoa TPHCM cách đây khoảng 2 năm. Trong vòng 1,5- 2 năm, 2 bạn đã được anh cho lên làm Senior, nhảy 2 bậc và mức lương IT cũng tăng gấp đôi.

Các bạn luôn thể hiện sự “ownership”, chủ động trong mọi thứ bạn làm nên anh cũng tạo cơ hội cho các bạn đi event tại Singapore rất nhiều về JavaScript mỗi năm để học nhiều thứ mới.

Mỗi khi trong công ty có phát triển component và feature mới thì bất cứ ai cần hai bạn cũng sẵn sàng đón nhận thử thách. Ngay cả có những cái mới các bạn chưa hề biết, chưa hề tiếp xúc qua nhưng vẫn rất nhiệt tình nhận việc.

Bạn chủ động đi học online course, đi event gặp người này người kia để hỏi và tự học. Quan trọng là các bạn rất tự tin là học được và làm được. Tinh thần đó rất đáng được anh cho thăng tiến.

(3) Sẵn sàng đón nhận thử thách mới.

Khi bạn lên Senior hoặc phải quản lý 1 team thì phải chấp nhận là có những thử thách, vấn đề khó xảy ra mình chưa gặp bao giờ, quan trọng là mình phải đón nhận nó và học cách giải quyết.

Thực tế, có nhiều bạn vì làm ở Knorex rất lâu và đóng góp rất nhiều nên được thăng tiến lên làm Technical Manager. Nhưng từ khi trở thành Manager, thì những sự việc các bạn phải đối mặt rất khác. Đó là quản lý con người, giúp team member cảm thấy có được động lực, không lạc lõng và cống hiến cho công ty.

Các bạn đó không phát triển kỹ năng và chuẩn bị tâm lý kịp nên team đó bị giảm năng lực và performance của bạn trong vị trí mới không được tốt.

Tham khảo thêm: Manager không phải là con đường thăng tiến duy nhất của lập trình viên

8. Có hành vi hay thái độ nào khiến anh lập tức không tuyển một ứng viên không?

  • Không hiểu công việc mình đang ứng tuyển. Ví dụ cơ bản nhất là có một bạn ứng tuyển làm Data Scientist, nhưng bạn chỉ hiểu nó là làm về data thôi. Thực sự bạn không hiểu vai trò quan trọng của vị trí này ra sao với team, hay không hiểu được cách làm việc của vị trí này với các team khác. Vậy nên anh sẽ từ chối ngay.
  • Không hứng thú hay thể hiện rõ đam mê về công ty. Khi anh hỏi: “Bạn có biết gì về Knorex không? Lý do vì sao bạn lại ứng tuyển vào Knorex?” thì có nhiều bạn nói: “Em không biết gì về Knorex cả!”. Nếu vậy anh sẽ hỏi lại: “Nếu vậy Knorex làm những game bài bạc hay những web người lớn thì bạn có tham gia không?”

Có thể vì bạn bận quá nên chưa tìm hiểu, nhưng ít ra bạn cũng phải thẳng thắn nói: “Xin lỗi anh, em chưa tìm hiểu. Anh có thể chia sẻ cho em không?” Sau khi bạn nắm được rồi, bạn sẽ hỏi lại anh thì đó mới là biểu hiện của việc bạn đang hứng thú với công việc và công ty.

  • Không nắm rõ những cái mình đã làm ra hoặc đã ghi trong CV. Có nhiều bạn làm rất nhiều thứ nhưng lại không hiểu rõ những cái mình làm. Bạn nói bạn đã làm vị trí đó mà anh hỏi vài câu bạn không trả lời được, không nắm rõ cái cơ bản về cái mình đã làm thì anh cũng từ chối tuyển.

Anh rất thích những bạn thẳng thắn chia sẻ mình đã làm gì và những cái mình không biết. Những cái bạn biết bạn giải thích cụ thể vào, còn những cái bạn không biết thì thẳng thắn nói không biết là được.

9. Có những hành vi nào khiến anh quyết định: “Mình sẽ không bao giờ cho bạn này thăng tiến”?

  • Bạn chưa chứng minh được khả năng và sự ảnh hưởng mà mình tạo ra mà đã đòi hỏi. Tất cả những sự thăng tiến, phúc lợi và sự kính trọng của mọi người ở Knorex được tạo ra từ cống hiến và sự ảnh hưởng của người đó với công ty và với mọi người.
  • Bạn không phát triển bản thân theo thời gian. 1 năm trước bạn cũng làm những việc đó, 3 năm sau bạn làm y hệt. Thực ra có những người đạt đến một trình độ nào đó sẽ cảm thấy là đã ổn định. Dĩ nhiên anh sẽ không giúp bạn ấy thăng tiến lên chức vụ cao hơn.
  • Mindset và thái độ không tốt. Anh đặc biệt xem xét hai vấn đề này trước khả năng kỹ thuật. Vì kỹ thuật trong nghề lập trình là cái bạn học được nhanh. Còn Mindset thì nếu bạn không chú trọng phát triển sẽ không thể tiến bộ. Anh sẽ không bao giờ thỏa hiệp một bạn có kỹ năng kỹ thuật tốt nhưng mindset không tốt.

Ví dụ, môi trường ở Knorex đòi hỏi các Developer phải chủ động trong công việc và giải quyết vấn đề chứ không phải làm theo một quy trình có sẵn.

Có nhiều bạn cũng chủ động đó nhưng lại kể lể và than phiền, đưa ra rất nhiều vấn đề khác nhau mà cái quan trọng là lại không đưa ra giải pháp. Do đó, anh cũng sẽ không giúp bạn đó thăng tiến.

Nói cho cùng, bạn càng lên Senior thì càng thấy nhiều vấn đề hơn. Nếu anh cho bạn nhiều quyền lợi và quyền lực hơn thì anh cũng mong đợi bạn phải có những giải pháp tốt hơn. Đó là một sự thay đổi lớn trong trách nhiệm chứ không đơn thuần là tăng chức tăng lương thôi.

Xem thêm: Manager là gì?

10. Điều gì khiến Knorex là một môi trường lý tưởng cho những ai làm nghề lập trình? 

Điều khác biệt rõ nhất là ở Knorex có một cross-country team. Các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, văn hóa khác nhau và Technical Manager đôi khi cũng không ở cùng các bạn.

Ví dụ, có những team mà Manager ngồi ở Singapore, quản lý các bạn ở Việt Nam và Ấn Độ. Hoặc cũng có những team mà Technical Manager ở Việt Nam mà member ở Singapore và Ấn Độ.

Xem ngay: Những lý do có thể khiến bạn không muốn trở thành IT Manager

Nếu các bạn không quan tâm về chuyện anh là ai, anh đến từ đâu mà chỉ muốn làm việc hiệu quả trong một môi trường đa văn hóa thì rất lý tưởng cho các bạn. Cũng nhờ vậy các bạn sẽ tăng được khả năng tiếng Anh.

Dĩ nhiên được tuyển vào Knorex thì tiếng Anh của bạn đã phải tương đối tốt rồi. Nhưng công ty cũng có ngân sách riêng cho mỗi bạn để đi học thêm tiếng Anh cho tiến bộ hơn nữa.

11. Knorex đã làm gì để cải thiện môi trường làm việc cho các Developer?

Thử thách lớn nhất của Knorex là giữ chân người tài. Thông thường, một người làm nghề lập trình chỉ làm việc ở một nơi khoảng 2 năm, ngay cả những kỹ sư của Google, Facebook cũng thế. Và Knorex tự tin là có thể cho các bạn:

  • Có động lực làm việc và  mối quan hệ tốt với đồng nghiệp.  Ở Knorex, các Manager và team member đều được khuyến khích có những buổi găp mặt 1-1. Không chỉ tâm sự mà còn cập nhật ngoài công việc và nhờ đó mọi người hiểu nhau hơn. Manager sẽ hỏi: “Anh có điểm gì khiến em chưa hài lòng? Em có cảm thấy thoải mái khi làm việc không?” Member sẽ phản hồi và giúp Manager cải thiện.

Ngoài ra, mỗi team sẽ có một buổi họp hàng tuần, mỗi quý sẽ có 1 buổi gặp mặt trao đổi, cập nhật về công ty.

Việc thiết lập mối quan hệ thân thiết giữa Manager và nhân viên là rất quan trọng. Vì với nhiều người, họ chưa quan tâm công ty có product gì, họ chỉ biết là họ đang làm việc với ai, vì sao phải có động lực để làm việc và cống hiến nhiều hơn.

Lúc này, những mối quan hệ khăng khít giữa Manager và team member sẽ giúp bạn làm việc phấn khởi, gắn kết tập thể thành một khối và sẽ làm bạn muốn ở lại Knorex lâu hơn.

  • Engineering và research culture đang được phát triển theo hướng toàn cầu. Workflow về phát triển sản phẩm, engineering và research culture tại Knorex đều đang được chuẩn hóa và đưa lên một cấp độ cao hơn. Đây sẽ là một môi trường tốt để các bạn Developer yên tâm làm việc và phát triển. Để làm điều đó thì tập thể Knorex luôn nhìn ra bên ngoài và học hỏi từ những công ty tốt khác.

Công ty luôn tạo điều kiện cho các bạn làm nghề lập trình đi event để thuyết trình về những cái mình làm, cũng như tiếp thu những cái công ty khác đang làm.

  • Vấn đề đào tạo được cải thiện tốt hơn cho bạn. Nếu bạn ở công ty lâu hơn 1 năm sẽ được 12-13 triệu cho 1 năm để học tập. Bạn có thể học bất cứ thứ gì liên quan đến công việc cũng được miễn là giúp bạn phát triển bản thân. Các anh chị quản lý sẽ cố gắng hỗ trợ bạn việc đó.

Cảm ơn anh Phú vì đã chia sẻ những thông tin bổ ích. Chúc anh luôn thành công trong công việc.

Robby2

Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!

Xem thêm việc làm Developer trên ITviec