“Blockchain và Web3 là hai thuật ngữ công nghệ tách biệt.” Đây là lầm tưởng phổ biến vì trên thực tế, mối liên hệ giữa blockchain và Web3 vô cùng mật thiết. Đặc biệt khi cả hai đều phát triển mạnh mẽ nhất dưới sự hỗ trợ lẫn nhau. Bài viết đi sâu vào những cơ chế của từng công nghệ, từ đó phân tích về mối liên hệ giữa Web3 và Blockchain.

Đọc bài viết này để hiểu rõ:

  • Giải thích ngắn gọn Web3 là gì?
  • Giải thích ngắn gọn Blockchain là gì?
  • Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3
  • Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 mang lại lợi ích gì?

Web3 là gì?

Web3 là gì?

Web3, hay còn được gọi là Semantic Web3, là thế hệ Internet cải tiến thứ 3. Công nghệ này sử dụng chuỗi khối (blockchain), mạng lưới phi tập trung (decentralization), và giao thức mật mã (Cryptographic protocol), cho phép người dùng tương tác ngang hàng mà không cần qua trung gian (hay tổ chức) nào khác.

Khi thế hệ Internet hiện tại (hay còn gọi là Web2) là một hệ thống tập trung được kiểm soát bởi một số thực thể, Web3 được tạo ra để phá vỡ mạng lưới hiện tại bằng cách phân tán các thực thể một cách minh bạch để bất kỳ người dùng nào cũng có quyền kiểm soát dữ liệu và thông tin kỹ thuật số của họ.

Một số đặc điểm chính của Web3 bao gồm:

  • Phân tán dữ liệu và giao thức: Mạng lưới phân tán và ngang hàng của Web3 không có sự tham gia của tổ chức thứ ba, cho phép người sáng tạo nội dung kiếm tiền từ dữ liệu của chính họ.
  • Quyền sở hữu dữ liệu được xác định: Người dùng khi kiếm được tiền từ dữ liệu của họ sẽ được thanh toán trực tiếp thông qua blockchain.
  • Mở: Các mã nguồn mở của Web3 đều được các nhà phát triển công khai để thể hiện tính minh bạch và dễ tiếp cận hơn với người dùng.
  • Không cần tin tưởng: Không cần thiết lập sự tin tưởng nhờ vào việc loại bỏ các bên trung gian, từ đó người dùng có thể tự do tương tác công khai và riêng tư.
  • Không cần quyền: Không có giới hạn và không có tổ chức nào kiểm soát việc ai có thể tham gia vào mạng lưới Web3.
  • Toàn hiện: Công nghệ IoT (Internet of Things), một trong những ứng dụng của Web3, loại bỏ triệt để mọi rào cản tiếp cận với Internet, cho phép người dùng truy cập mọi lúc, mọi nơi.

Trên thực tế, Web3 không yêu cầu các bên tham gia phải tin tưởng nhau. Các giao dịch thông qua Web3, khi được thực hiện, phải thông qua việc xác minh dữ liệu và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật.

3 Công nghệ hỗ trợ tạo nên Web3

  • Chuỗi khối (Blockchain): Là nền tảng chuỗi khối với mã nguồn mở được duy trì bởi một mạng lưới các nút ngang hàng. Bất kỳ ai đều có thể truy cập và tham gia viết code trong mạng lưới.
  • Hợp đồng thông minh (smart contract): Được tự động code bởi ngôn ngữ cấp cao như Solidity hoặc Vyper trên blockchain khi những điều khoản được thiết lập, hợp đồng này không có sự can thiệp của bên thứ ba và không thể thay đổi.
  • Tài sản kỹ thuật số và mã thông báo (tokens): Đây là những tài sản có giá trị tồn tại ở dạng kỹ thuật số, như tiền điện tử, stablecoin, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC – Central bank digital currency) và NFT. Hoặc cũng có thể bao gồm các phiên bản tài sản có thật dưới dạng mã hóa, như tác phẩm nghệ thuật hoặc vé hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao.

Hiểu được điều này, bạn cũng có thể “đoán” được về mối liên hệ giữa blockchain và Web3. Web3 sử dụng công nghệ blockchain và các giao thức phức tạp để tạo ra một môi trường liên lạc an toàn giữa các ứng dụng, dữ liệu và người dùng. Nhưng mối liên hệ này sẽ được giải thích kỹ hơn ở phần sau.

Một số ứng dụng thực tế của Web3

Số lượng giao dịch được thông qua Web3 vẫn đang tăng lên. Dưới đây là bốn ví dụ đã được ghi nhận trong Báo cáo Triển vọng Xu hướng Công nghệ của McKinsey cho năm 2023:

  1. Vào tháng 11 năm 2022, JPMorgan Chase – một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã thực hiện giao dịch blockchain xuyên biên giới đầu tiên. Cụ thể là tiền gửi bằng đô la Singapore và đồng yên Nhật được mã hóa. Giao dịch này là một phần của Project Guardian, sự hợp tác giữa JPMorgan Chase và DBS Bank.
  2. Securitize, một công ty chứng khoán tài sản kỹ thuật số, hợp tác với công ty đầu tư toàn cầu KKR để ra mắt quỹ token hóa phát hành trên chuỗi khối Avalanche. Token hóa mở ra vốn cổ phần tư nhân cho nhiều nhà đầu tư cá nhân hơn bằng cách số hóa các hoạt động và giảm mức đầu tư tối thiểu.
  3. 100 Thieves, một thương hiệu thể thao điện tử, đã tặng NFT vòng cổ kim cương cho người hâm mộ nếu họ tạo ví kỹ thuật số trên nền tảng này trong vòng 75 giờ. Kết quả là hơn 300.000 người đã tham gia và đổi NFT.
  4. Vào năm 2021, Nike đã ra mắt nền tảng Web3 của riêng mình vào năm 2022 có tên .Swoosh và cung cấp NFT cho khách hàng. Nền tảng .Swoosh đóng vai trò là trung tâm giới thiệu sản phẩm mới, đồng thời là không gian để khách hàng chia sẻ các thiết kế ảo.

Blockchain là gì?

Blockchain là gì?

Có lẽ thuật ngữ Blockchain – công nghệ “góp phần” tạo nên mối liên hệ giữa blockchain và Web3, sẽ quen thuộc hơn với nhiều người.

Về cơ bản, công nghệ chuỗi-khối (Blockchain) là một mạng lưới dữ liệu cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu hoặc thông tin một cách bảo mật dưới một hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp.

Mỗi khối (block) trong hệ thống đều lưu trữ thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với các khối trước đó, tạo nên một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Quan trọng là, một khi mạng lưới đã chấp nhận dữ liệu thì sẽ không thể thay đổi. Điều này được tận dụng để ngăn chặn các giao dịch trái phép.

Có 4 khái niệm chính để định nghĩa blockchain:

  • Sổ cái chung: Hãy coi blockchain như một cuốn sổ tay chung mà những thực thể liên quan có thể viết vào nhưng không ai có thể xóa hoặc thay đổi thông tin trong đó. Cuốn sổ này được lưu giữ ở nhiều nơi cùng một lúc nên ai cũng được cập nhật phiên bản mới nhất, giúp tránh nhầm lẫn hoặc các tác vụ lặp lại.
  • Quyền: Blockchain cho phép một số thực thể nhất định thực hiện những việc như chỉnh sửa hay thêm bớt thông tin trong sổ. Điều này giúp giữ an toàn cho mọi thứ và đảm bảo rằng chỉ những ai phù hợp mới được phép truy cập thông tin nhạy cảm. 
  • Hợp đồng thông minh: Hợp đồng thông minh là một bộ quy tắc mà các tổ chức tham gia đều phải đồng ý trả trước để đảm bảo mọi người đều tuân thủ thỏa thuận.
  • Sự đồng thuận: Trong blockchain, đây là quá trình mọi người kiểm tra và đồng ý rằng những gì được thêm vào sổ ghi chép là chính xác.

Đọc hiểu thêm: Blockchain là gì?

Giải thích ngắn gọn về cách hoạt động của Blockchain

Cách thức hoạt động của Blockchain như một cuốn sổ cái kỹ thuật số phi tập trung, là nơi mà mỗi giao dịch đều được ghi lại một cách rõ ràng và không thể thay đổi. Quan trọng là, cuốn sổ cái này không có sự can thiệp và quản lý của bất kỳ tổ chức nào. Mỗi nút trong mạng lưới sẽ giữ một bản sao của cuốn sổ này, đảm bảo tính phân tán và ngăn chặn khả năng bị gian lận hay tấn công.

Hiểu đơn giản, Blockchain là một chuỗi các khối, với mỗi khối là dữ liệu của một giao dịch cụ thể. Mỗi giao dịch mới được thực hiện đồng nghĩa với một khối mới được tạo ra.Từ đó liên kết mật mã với khối trước đó tạo thành một chuỗi các khối liên tục.

Mỗi mạng lưới blockchain đều cần có sự tham gia của:

  • Người dùng blockchain: Những cá nhân (thường là người dùng) tham gia vào blockchain và thực hiện giao dịch với những người trong cùng mạng lưới.
  • Cơ quan quản lý: Là những cá nhân hay tổ chức tham gia có nhiệm vụ giám sát các giao dịch diễn ra.
  • Các nhà khai thác: Các cá nhân thẩm quyền nhất định, mục đích là để xác định, tạo, quản lý và giám sát mạng blockchain.
  • Cơ quan cấp chứng chỉ số: Các cá nhân phát hành và quản lý nhiều loại chứng chỉ cần thiết để cấp phép hoạt động cho ứng dụng blockchain.

Một số ứng dụng thực tế của Blockchain

  • Tiền điện tử: Bitcoin, Ethereum, v.v. là những loại tiền điện tử phổ biến nhất sử dụng công nghệ Blockchain để xây dựng hệ thống thanh toán kỹ thuật số không qua trung gian cho người dùng trên toàn thế giới.
  • Quản lý chuỗi cung ứng: Các tổ chức lớn như Walmart, Pfizer, AIG, v.v. đang thử nghiệm Blockchain để giúp quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, từ theo dõi việc nhập hàng đến phân phối.
  • Y tế: Hệ thống y tế sử dụng Blockchain để lưu trữ và quản lý hồ sơ, tăng tính an toàn và hiệu quả trong quá trình chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia.

Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3

Tuy đã hiểu Web3 là gì và Blockchain là gì, nhưng mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 chính xác là như thế nào?

Có thể khẳng định rằng, Blockchain là nền tảng hạ tầng cho sự phát triển của Web3.

Đồng thời, Blockchain cũng cần Web3 để mở rộng tính ứng dụng của mình.

Cụ thể:

Web3 phát triển dựa trên nền tảng hạ tầng Blockchain

Công nghệ blockchain sẽ giúp cải thiện khả năng ứng dụng Web3 bằng cách cung cấp các tính năng như thanh toán không cần tin cậy, quản lý phi tập trung, khả năng tương tác xuyên chuỗi, và cơ hội sở hữu tài sản kỹ thuật số trong quá trình tham gia vào các trò chơi.

Bởi vì Blockchain cung cấp bằng chứng mật mã của các giao dịch nên vai trò của công nghệ này trong Web3 là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc nâng cao mức độ tin cậy của người dùng mạng. Có thể nói, sự uy tín của blockchain cho phép hai tổ chức không xác định và thậm chí không có cơ sở tin tưởng lẫn nhau có thể đàm phán và hoàn tất giao dịch trực tuyến.

Một ví dụ thực tế cho việc mở rộng Web3 dựa trên công nghệ blockchain là các dApp (decentralized app – ứng dụng phi tập trung) cho phép tương tác phi tập trung giữa người dùng và ứng dụng, chẳng hạn như các ứng dụng quản lý chuỗi cung ứng, ứng dụng tài chính và nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nhờ tính phi tập trung của các ứng dụng trò chơi dựa trên Blockchain như Axie Infinity, người chơi Web3 có thể thu thập và trao đổi NFT cũng như toàn quyền kiểm soát thông tin và tài sản mà họ sở hữu.

Tham khảo thêm: Game blockchain là gì? Làm thế nào để phát triển Game blockchain?

Tuy nhiên, sự phát triển của Web3 không hoàn toàn phụ thuộc vào blockchain. Chẳng hạn như các công nghệ học máy (machine learning), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và các công nghệ khác cũng cho phép các ứng dụng phi tập trung (DApp) kết nối người dùng với thế giới thực, giống như trong môi trường Web3.

Blockchain mở rộng khả năng ứng dụng nhờ Web3

Khả năng ứng dụng của blockchain trong thời đại hiện nay đang ngày càng mở rộng vào mọi ngành nghề. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Web3, độ phủ sóng của công nghệ này sẽ gia tăng, cụ thể là những đầu mục liên quan đến tài chính kỹ thuật số.

Các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi), thị trường công nghệ kỹ thuật số (NFT) sẽ là những bước tiến mới của blockchain dưới sự hỗ trợ của Web3.

Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 mang lại lợi ích gì?

Ngoài việc hiểu về mối liên hệ giữa Blockchain và Web3, sự kết hợp chúng giúp mang đến nhiều lợi ích cho người dùng: 

  • Không chịu sự quản lý: Blockchain mang lại sự tin cậy và minh bạch cho tất cả các ứng dụng Web3 mà không cần sự can thiệp của bất kỳ tổ chức nào.
  • Cải thiện tính bảo mật: Blockchain được biết đến rộng rãi nhờ khả năng cung cấp bảo mật tuyệt vời mà không cần trung gian, nghĩa là tất cả dữ liệu sẽ an toàn trước các cuộc tấn công mạng và gian lận.
  • Tăng sự tin cậy: Hợp đồng thông minh tạo niềm tin để hợp tác giữa các bên chưa từng làm việc với nhau.
  • “Nâng cấp” cơ sở hạ tầng thanh toán: Mặc dù chưa được áp dụng phổ biến nhưng Web3 vẫn có tiềm năng khắc phục những hạn chế của hệ thống thanh toán truyền thống và trở thành cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số.

Các câu hỏi Mối Liên Hệ Giữa Blockchain và Web3 thường gặp

Web3 là gì?

Web3, hay còn được gọi là Semantic Web3, là thế hệ web cải tiến thứ 3. Web3 sử dụng chuỗi khối (blockchain), mạng lưới phi tập trung, và giao thức mật mã (Cryptographic protocol), nhằm cho phép người dùng tương tác ngang hàng mà không cần phải qua trung gian (hay tổ chức) nào khác.

Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 là gì?

Mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 là mối quan hệ hai bên cùng phát triển. Web3 giúp mở rộng thị trường ứng dụng của blockchain vào nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) hay thị trường công nghệ kỹ thuật số (NFT). Còn blockchain giúp Web3 giải quyết những vấn đề liên quan đến giao dịch tiền điện tử, ví dụ như bảo mật, rút gọn thời gian giao dịch.

Như vậy, mối liên hệ giữa Blockchain và Web3 tạo ra nền tảng cho một nền kinh tế kỹ thuật số mới, mà tại đó, tài sản được lưu trữ và trao đổi an toàn mà không cần qua trung gian.

Lợi ích của Blockchain trong công nghệ Web3 là gì?

Blockchain mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong công nghệ Web3, chẳng hạn như:

  • Không phụ thuộc vào một cơ sở dữ liệu trung tâm.
  • Tăng cường tính bảo mật của dữ liệu và cũng khó bị tấn công hơn.
  • Dữ liệu không thể bị sửa đổi một khi đã được thêm vào khối.
  • Không cần sự can thiệp của các tổ chức trung gian.

Tổng kết mối liên hệ giữa blockchain và Web3

Tóm lại, mối liên hệ giữa blockchain và Web3 là nền tảng cho sự phát triển lẫn nhau. Dù hai công nghệ này hoàn toàn có thể đứng độc lập và mang đến những lợi ích đóng góp vào việc cải thiện Internet trong thời đại kỹ thuật số, nhưng việc kết hợp giữa Web3 và Blockchain sẽ giúp giải quyết những bài toán kinh tế khó nhằn liên quan đến bảo mật thông tin và giao dịch giữa các thực thể.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!