Nội dung chính
Với sự phát triển của những gã khổng lồ công nghệ như “Super App” WeChat, Alibaba, LINE hay Shopee, khái niệm “Mini App” hẳn đã không còn xa lạ với cộng đồng công nghệ. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh doanh nghiệp, Mini App mang lại ý nghĩa, lợi ích của Mini App là gì? Và đặc biệt hơn, làm thế nào để Mini App có thể tiếp cận hàng triệu traffic cho một doanh nghiệp vừa – nhỏ và Startup?
Hàng triệu lượt truy cập nghe có vẻ… hoang đường, nhưng hoàn toàn có thể, vì Mini App của WeChat đã làm được câu chuyện đó (với con số thậm chí là hàng trăm triệu traffic… mỗi ngày). Doanh nghiệp của bạn cũng có thể đạt được thành công đó, chỉ cần nắm được cách thức thực hiện.
Để tìm hiểu thêm về Mini App là gì và vì sao doanh nghiệp nên cân nhắc phát triển Mini App, ITviec đã có buổi trò chuyện với nhiều thông tin vô cùng thú vị với anh Lâm Vương – Technical Lead, và anh Nguyễn Trung Kiên – Director of Engineering, cùng làm việc tại TIKI.
Xem ngay Việc làm Developer toàn quốc “chất” nhất trên ITviec
Mini app là gì?
Mini app về bản chất cũng chỉ là một ứng dụng chạy trên một nền tảng. Điểm khác biệt ở đây là “nền tảng” mà Mini app chạy trên đó lại chính là một ứng dụng khác (hay còn gọi là ứng dụng chủ, app chủ). Khi số lượng Mini app đạt đến một con số đủ để tạo thành một hệ sinh thái mà người dùng có thể sử dụng hằng ngày, liền mạch cho mọi nhu cầu liên quan thì những ứng dụng chủ này sẽ được gọi là Super App – siêu ứng dụng.
Có nhiều cách để doanh nghiệp phát triển Mini App trên App chủ, như:
- Cách 1: Mini App thuộc quyền sở hữu của App chủ và do chính App chủ phát triển, ví dụ: Shopee, Grab. Cách làm này giúp các developer của app chủ có thể truy cập vào source code để phát triển mini app. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng có đủ nguồn lực về người và về tài chính để làm theo cách này. Với hình thức này, App chủ sẽ không cần đối tác.
- Cách 2: Doanh nghiệp tự phát triển ứng dụng và tìm giải pháp để đưa vào app chủ. Ví dụ như sử dụng WebView.
- Cách 3: Doanh nghiệp được phép truy cập vào source code của App chủ và tự code Mini App. Tuy nhiên, cách làm này sẽ làm ảnh hưởng đến tính bảo mật của App chủ nên sẽ khó được áp dụng.
- Cách 4: Doanh nghiệp hợp tác với App chủ để tạo Mini App và hiển thị trên App chủ thông qua các công cụ phát triển ứng dụng do App chủ cung cấp, ví dụ như WeChat, Zalo, MoMo, TIKI. Cách làm này đơn giản, tiện lợi cho các doanh nghiệp hơn vì họ có thể quản lý trực tiếp ứng dụng của mình.
Mini App có thể là giải pháp phù hợp cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng tệp người dùng, tăng độ nhận diện thương hiệu và tăng traffic dẫn về ứng dụng.
Lợi ích của Mini app đối với doanh nghiệp?
- Tiết kiệm nguồn lực phát triển sản phẩm
Theo anh Kiên chia sẻ, thời gian phát triển sản phẩm được rút ngắn đáng kể khi doanh nghiệp phát triển Mini App trên App chủ nhờ vào những bộ công cụ sẵn có, framework được thiết kế riêng cũng như nhiều components UI hữu ích.
Đồng thời, khi phát triển Mini App trên nền tảng Super App, doanh nghiệp có thể dễ dàng chỉ cần code một lần nhưng lên được nhiều nền tảng. Thông thường, một ứng dụng cần ít nhất hai người Developer, mỗi người riêng biệt cho hệ điều hành Android và iOS, hoặc/và cần thêm một người phát triển website. Còn đối với Mini App, doanh nghiệp chỉ cần đúng một người Developer là đã có thể phát triển được sản phẩm cả 3 nền tảng nhờ vào code platform mà App chủ cung cấp. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhân lực và chi phí.
Khi thời gian và nhân lực được tối ưu hóa, chi phí phát triển sản phẩm cũng sẽ được tiết kiệm tối đa.
- Được tiếp cận với tập người dùng sẵn có từ Super App
Dựa trên số liệu chính thức từ WeChat, trong tháng 1/2022, số lượng người dùng active mỗi ngày của WeChat là gần 1 tỷ người dùng, trong đó có 450 triệu người dùng mỗi ngày truy cập vào các ứng dụng Mini App thuộc WeChat Mini Programs. Số lượng ứng dụng Mini App hiện nay của WeChat đã vượt qua con số 3 triệu Mini App. Quả là những con số biết nói.
Với số lượng người dùng active mỗi ngày lớn như vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ muốn tiếp cận và tương tác dù chỉ là vài phần trăm của con số đó. Đó cũng chính là điểm hấp dẫn lớn nhất đối với doanh nghiệp khi lựa chọn phát triển Mini App trên Super App.
- Tận dụng hệ sinh thái sẵn có từ Super App
Hệ sinh thái sẵn có của Super App cũng là một điểm thu hút khác đối với doanh nghiệp. App chủ sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp những tiện ích sẵn có như thanh toán, giao nhận, quảng bá chiến dịch, trải nghiệm tương tác, chat với người bán,… để doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào việc phát triển sản phẩm cho thật tốt.
- Nâng cấp giải pháp trải nghiệm người dùng
Nhờ vào hệ sinh thái sẵn có của các App chủ, khách hàng của Mini App sẽ được trải nghiệm quy trình khách hàng liền mạch từ khâu lựa chọn, giao dịch, thanh toán, theo dõi đơn hàng, hỗ trợ khách hàng,… mà không cần phải phát triển quy trình từ con số 0. Từ đó, giúp tăng tỷ lệ quay lại (return rate) của khách hàng đối với Mini App.
- Mini App có thể “tách ra” nếu đã đủ lớn mạnh
Mini App có thể đóng vai trò như là một “bước đệm thử” của doanh nghiệp khi mới bắt đầu tiến vào thị trường. Khi bạn cảm thấy sản phẩm của bạn đã đủ hoàn thiện, có lượt khách hàng quay lại tương đối ổn định và đạt kỳ vọng, bạn hoàn toàn có thể tự xây dựng Native App nếu có nhu cầu.
Anh Lâm bổ sung thêm nhận định: “Doanh nghiệp sẽ không chọn Super App để sống hoài với họ vì một doanh nghiệp không thể sống phụ thuộc vào một doanh nghiệp khác mãi được.”
Tuy nhiên, khi tách ra, doanh nghiệp cần phải giải quyết những bài toán khác về công nghệ và nguồn lực – những bài toán vốn dĩ đã được App chủ “lo lắng” giúp trước đây, nên vẫn có nhiều doanh nghiệp chọn ổn định với Super App. Đồng thời, với những Super App có lượt traffic “khủng”, như WeChat, hẳn doanh nghiệp có thể chọn ở lại và phát triển thêm Native App nếu cần thiết.
Xem ngay Việc làm Developer TP. HCM “chất” nhất trên ITviec
So sánh giữa Mini App – PWA – Native app
Về nhận định liệu Mini App có thay thế PWA hay Native App hoặc ngược lại không, anh Lâm khẳng định rằng,
“Mini App, Progressive Web App (PWA) và Native App đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trừ khi nào Native App có code platform thì mới thay thế được Mini App, còn không thì khó mà thay thế được.”
Anh Lâm cũng chỉ ra những ưu và khuyết điểm của từng dạng sản phẩm:
Mini App | PWA | Native App | |
Định nghĩa | Bản chất vẫn là app. Điểm khác biệt là chạy trên một app khác. | Làm cho một web giống một cái app hơn. Giống native app nhưng hiển thị ở web. | Là “đỉnh cao” của sản phẩm ứng dụng. |
Thời gian phát triển sản phẩm nhanh | Nhanh nhì. Thời gian phát triển sản phẩm nhanh nhưng không nhanh bằng PWA, do cũng tùy thuộc vào công nghệ mình muốn phát triển. Tuy nhiên, lại tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với Native App vì code một lần chạy được trên đa nền tảng. |
Thời gian phát triển sản phẩm nhanh nhất vì code web rất nhanh. Đồng thời, cũng không cần thời gian deploy, đưa lên app store hoặc app chủ như Native App và Mini App. Với những ai đã có web rồi thì đỡ tốn thời gian build thêm app, cứ chạy thẳng trên web thôi. |
Thời gian phát triển sản phẩm lâu nhất. |
Chất lượng hiệu suất | Chất lượng sản phẩm khá tốt do app chủ đã hỗ trợ hết. |
Chất lượng sản phẩm kém nhất trong 3 hình thức vì hiệu suất tối đa cũng chỉ như một web bình thường. Ưu điểm là web app trở nên thân thiện hơn với mobile: – Lưu thông tin như một app bình thường – Chạy background. |
Hiệu suất tốt nhất. |
Quản lý chất lượng | App chủ sẽ là cơ quan chủ quản quản lý chất lượng. | Người sở hữu web, webmaster, sẽ là người quản lý chất lượng. | Team Developer của doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý chất lượng với thang đo chất lượng do người dùng công chúng đánh giá. |
Xét về mặt phát triển sản phẩm doanh nghiệp nên sử dụng giải pháp nào cho bài toán nào? | Mini App dành cho những doanh nghiệp muốn làm ra ứng dụng trong thời gian nhanh và chi phí tiết kiệm, tiếp cận lượng khách hàng nhanh chóng. | PWA dành cho những doanh nghiệp không quan trọng về mặt ứng dụng, có cũng được, không có cũng được. | Native App dành cho những doanh nghiệp muốn quản lý tất cả, mọi công nghệ đều thuộc về mình. |
Xem ngay Việc làm Developer Hà Nội “chất” nhất trên ITviec
Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi chọn “App chủ” cho Mini App?
Anh Lâm chia sẻ: “Khi lựa chọn Super App để “cộng sinh”, điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần lưu ý chính là hệ sinh thái của Super App đó phù hợp với Mini App mà mình muốn phát triển hay không.”
Xét về mặt lý thuyết, doanh nghiệp có thể chọn bất kỳ Super App nào để hợp tác phát triển, miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu về mặt công nghệ. Tuy nhiên, để tối ưu được hoạt động của Mini App, doanh nghiệp vẫn nên chọn những “App chủ” có hệ sinh thái gần với những gì mình đang tìm kiếm.
Ví dụ: Nếu bạn mong muốn phát triển sản phẩm về E-Commerce, những Super App như TIKI, Lazada hay Shopee chắc chắn sẽ phù hợp với bạn về mặt hệ sinh thái hơn là Zalo hay MoMo.
Điều thứ hai mà anh Lâm chia sẻ chính là hãy xem xét những công cụ (ví dụ như bộ components UI) mà Super App đó cung cấp cho đối tác đầy đủ hay không, công nghệ dễ áp dụng hay không.
Điều cuối cùng là liệu Super App mình muốn cộng tác có sẵn sàng hỗ trợ những vấn đề xuất hiện trong quá trình phát triển Mini App hay không.
Tổng quan về Tini App của TIKI
Nếu doanh nghiệp đang mong muốn phát triển Mini App theo cách 4 đã giới thiệu ở trên, bạn có thể tìm hiểu thêm về chương trình Tini App do TIKI phát triển.
Tini App – tên gọi của các Mini App thuộc TIKI, là chương trình phát triển Mini App dành cho đối tác muốn hợp tác với TIKI. Tini App ra mắt vào năm 2021 và sau hơn 1 năm ra mắt, Tini App đã nhận về hơn 20 Mini App thuộc nhiều nhóm ứng dụng khác nhau như Tài chính điện tử (Fintech), Mua sắm, Game,…
Đồng thời, Tini App có đội ngũ Developer TIKI luôn sẵn sàng hỗ trợ đội ngũ phát triển của doanh nghiệp bất kỳ khi nào có thắc mắc, cần trợ giúp. Trong năm 2021, TIKI với cuộc thi TIKI Hackathon dành riêng cho Developer phát triển ứng dụng Mini App với Tini App đã góp phần xây dựng một cộng đồng nhà phát triển với nhiều ý tưởng mới lạ, kinh nghiệm thực tế và cùng nhau phát triển ứng dụng.
Tini App của TIKI có thể giải quyết những bài toán nào?
Đối với doanh nghiệp, Tini App có thể mang lại những ưu điểm:
- Doanh nghiệp có thể tự phát triển sản phẩm trên nền tảng TIKI với thời gian phát triển sản phẩm nhanh, chi phí rẻ
- Cung cấp hệ sinh thái sẵn có (như thanh toán, vận chuyển, chat với người bán,…), vô cùng phù hợp với những Mini App thuộc nhóm mua sắm
- Tập người dùng active mỗi ngày lớn và sẵn có của TIKI: Khoảng ~100,000 Active Users mỗi ngày.
Nhờ vào kiến trúc Dual Thread, Tini App có thể giúp Mini App được phát triển với thời gian ngắn hơn, hiệu suất tốt hơn và hoạt động độc lập với TIKI app. Đối với nhà phát triển, Tini App mang đến giải pháp phát triển ứng dụng toàn diện với bộ công cụ bao gồm:
Công cụ | Định nghĩa | Công dụng |
Tini Console | Là “cửa ngõ” để tạo Mini App. | Tạo ra app, quản lý version, quản lý app, phân quyền trong app. |
Tini Studio (IDE) | Nơi dùng để code một Mini App. | Tini Studio có simulator để simulate (giả lập) app đó sẽ hoạt động như thế nào trước khi đẩy lên local host. |
Dev Assistant | Công cụ để kiểm tra vận hành của Mini App trên ứng dụng TIKI. | Khác với Tini Studio – chỉ có thể giả lập khi chạy mỗi Mini App, Dev Assistant giúp Developer “xem thử” Mini App sẽ chạy như thế nào trên môi trường TIKI app. |
Tini Design System | Hệ thống vẽ UI-UX và flow Tini app dành cho designer. | Tini Design System do chính team UI-UX của Tini app phân tích và hệ thống thành các flow quen thuộc (thanh toán, log in, tìm kiếm và khám phá sản phẩm). Designer có thể dùng Tini Design System để vẽ UI. |
Tini UI | Bộ thư viện phát triển UI theo Tini Design System dành cho Developer. | Tini UI hiển thị flow, các bước, UI được có sẵn thiết kế theo Tini Design System. |
Quy trình phát triển Tini App với bộ công cụ:
Anh Kiên chia sẻ thêm: “Nhờ vào UI thân thiện, Developer dù ở level nào cũng có thể phát triển Mini App với TIKI. Đối với những Senior Developer đã có kinh nghiệm phát triển Native App thì sẽ còn nhanh hơn vì các bạn đã có sẵn mindset phát triển sản phẩm đúng đắn, dễ dàng chuyển đổi.”
Một vài ứng dụng Mini App đã được tạo ra với Tini App và đang chạy ổn định như:
- DoriDori – Nền tảng Recommerce đầu tiên tại Việt Nam
- Hexa: Reach the Star – Trò chơi ghép hình được yêu thích
- Tefal Club – Nơi chia sẻ công thức và video nấu ăn cho mọi gia đình
- …
Tham khảo thêm những ứng dụng được tạo ra từ bộ công cụ Tini App tại trang TINI Showcase.
Hướng phát triển của Tini App trong tương lai
Trong tương lai xa hơn, theo như chia sẻ từ anh Lâm và anh Kiên, TIKI sẽ muốn “biến” Tini App thành một bộ công cụ phát triển ứng dụng có thể được sử dụng ngay cả bên ngoài nền tảng của TIKI. Developer chỉ cần tải bộ công cụ Tini App về và phát triển Native App mà họ mong muốn. TIKI hướng đến mục tiêu phát triển Tini App trở thành bộ công cụ giúp Developer chỉ cần code một lần và có thể chạy trên nhiều nền tảng khác nhau.
Còn đối với tương lai gần dành cho doanh nghiệp đang phát triển Mini App với TIKI, TIKI mong muốn có thể cung cấp thêm các giải pháp về Marketing ngay trên TIKI cho đối tác bằng cách xây dựng công cụ giải pháp về Marketing – Targeting và Retargeting. Trong tương lai gần, đối tác có thể thực hiện những giải pháp quảng cáo như hiển thị banner, gửi notification,…
Tham khảo: Kafka – Nền tảng điều phối message phân tán
Cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của Super App, các Mini App liên tục ra đời đã làm thay đổi toàn cảnh “bức tranh lớn” về phát triển ứng dụng hiện nay. Đồng thời, chúng còn thay đổi hành vi của người dùng. Có thể trong tương lai, tải xuống và đăng ký/ đăng nhập sẽ không còn những thao tác đầu tiên mà người dùng sẽ làm khi tiếp cận với một ứng dụng mới nữa.
Dù bạn nhìn nhận nó theo cách nào, thì ở cấp độ doanh nghiệp, Super App và Mini App là câu chuyện không thể nào “ngó lơ” được nữa, nhất là với tốc độ phát triển của Super App ở châu Á.
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!