Full Stack Developer luôn nằm trong top những công việc tiềm năng, nhận được sự săn đón từ nhiều công ty, bởi sự linh hoạt và đa năng của vị trí này. Hãy cùng ITviec khám phá công việc và mức lương Full Stack Developer để có sự lựa chọn tốt nhất cho sự nghiệp của mình nhé.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu các nội dung:

  • Lập trình viên Full Stack là ai? Trách nhiệm của Full Stack Developer?
  • Mức lương nhà phát triển Full Stack tại Việt Nam
  • Hé lộ các kỹ năng được trả lương cao của Full Stack Developer
  • Bật mí các bí kíp tăng lương cho Full Stack Developer

Lập trình viên Full Stack là gì?

Lập trình viên Full Stack là chuyên gia lập trình có thể đảm nhiệm phát triển cả phần giao diện người dùng (front-end), lẫn xử lý dữ liệu và logic ứng dụng (back-end) của một ứng dụng. Nhờ bộ kỹ năng đa dạng, các nhà phát triển Full Stack có thể đưa ra các giải pháp toàn diện, linh hoạt cho các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình phát triển sản phẩm. 

Ngoài ra, các nhà phát triển Full Stack có thể làm việc độc lập, từ đầu đến cuối trong một dự án mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào các nhóm chuyên môn khác. Nhờ vào đó, các lập trình viên Full Stack giúp các công ty tiết kiệm thời gian cũng như giảm bớt chi phí nhân sự và vận hành. 

Trách nhiệm của một Full Stack Developer là gì?

Sau đây là một số đầu việc mà Full Stack Developer có thể đảm nhiệm:

Phát triển Front-End

  • Tạo giao diện người dùng đẹp mắt, thân thiện với người dùng, giúp thu hút và giữ chân khách hàng. Trách nhiệm này đòi hỏi các nhà phát triển Full Stack cần có kiến thức cơ bản về thiết kế UI và UX. 
  • Thành thạo các ngôn ngữ lập trình front-end như HTML, CSS, JavaScript.
  • Áp dụng các framework và thư viện phổ biến như Angular, React, Vue.js, jQuery để tối ưu hóa hiệu suất và trải nghiệm người dùng.

Phát triển Back-End

  • Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu, logic ứng dụng hiệu quả, đảm bảo tính bảo mật và khả năng mở rộng.
  • Thành thạo các ngôn ngữ lập trình back-end như Java, Python, Ruby, PHP. Tuy nhiên, việc học và thành thạo tất cả các ngôn ngữ là chuyện không thể. Bạn nên chọn lại những ngôn ngữ lập trình Back End đáng học.
  • Quản lý cơ sở dữ liệu hiệu quả, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu.
  • Quản lý dự án: Nhiều Full Stack Developer có vai trò giám sát các dự án phát triển phần mềm từ đầu đến cuối. Mức độ giám sát này đòi hỏi kỹ năng quản lý dự án xuất sắc và khả năng hiểu từng cấp độ của quy trình phát triển phần mềm.

Đọc bài viết độc quyền ITviec x Toidicodedao: Full-Stack Developer là gì? Có lợi ích gì cho sự nghiệp của bạn?

Mức lương Full Stack Developer mới nhất 

Theo khảo sát của Glassdoor cập nhật vào 12.5.2024, mức lương trung bình năm 2024 cho một Full Stack Developer ở Hoa Kỳ là 121.997 USD. Con số này bao gồm mức lương cơ bản trung bình là 95.673 USD/năm và mức lương bổ sung trung bình 26.324 USD. Các khoản trả thêm có thể bao gồm hoa hồng, chia sẻ lợi nhuận và tiền thưởng. Vậy ở Việt Nam, mức lương Full Stack Developer là bao nhiêu? 

Theo báo cáo Mức lương & Mong đợi nghề nghiệp của các chuyên gia IT 2023 – 2024 từ ITviec, thì mức lương Full Stack Developer trung vị tại Việt Nam sẽ có sự chênh lệch nhất định theo số năm kinh nghiệm như sau:

Mức lương trung vị (Đơn vị: đồng/ tháng)

< 1 năm  1 – 2 năm  3 – 4 năm 5 – 8 năm  > 8 năm 
Lương Full Stack Developer 10.000.000 19.000.000 28.000.000 38.000.000 55.000.000

So sánh với lập trình viên mới ra trường có mức lương trung bình 7.000.000 – 10.000.000đ/tháng, các lập trình viên có kinh nghiệm từ, thường có ít nhất hai năm trở lên, sẽ được khuyến nghị mức lương từ 17.000.000 – 35.000.000đ/ tháng.

Trong khi đó, nhóm Full Stack Developer có thu nhập cao nhất, khoảng 35.000.000 – 40.000.000đ/ tháng, bởi họ có đủ kỹ năng về hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, web server,… để làm tất cả từ việc tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, phân tích, đề xuất , thiết kế, lập trình, sửa lỗi, triển khai, bảo trì…

Đọc thêm: Lập trình web lương bao nhiêu? Yếu tố nào ảnh hưởng đến lương?

Hé lộ các kỹ năng giúp nâng cao lương Full Stack Developer

Kiến thức chuyên sâu về công nghệ Back-End

Hiểu biết chuyên sâu về các công nghệ back-end như Node.js, Python và Ruby on Rails là một trong những kỹ năng được săn đón nhất đối với nhà phát triển Full Stack. Những công nghệ này đóng vai trò thiết yếu cho việc phát triển phía máy chủ, quản lý cơ sở dữ liệu và đảm bảo các ứng dụng web chạy trơn tru.

Việc thành thạo các công nghệ này cho phép các nhà phát triển Full Stack xử lý logic phía máy chủ phức tạp, phát triển và tích hợp API, đây vốn là những thành phần quan trọng của các dự án phát triển web lớn.

Hiểu biết về thực hành DevOps

Tiếp theo, thành thạo về thực hành DevOps, bao gồm Tích hợp liên tục và Triển khai liên tục (CI/CD) là một điểm cộng nổi bật có thể giúp Full Stack Developer được trả lương cao.

Việc hiểu biết và thực hành thành thạo DevOps sẽ mang đến cho các Full Stack Developer sự thuận lợi trong công việc, giúp họ triển khai nhanh chóng các ứng dụng web, tiết kiệm thời gian làm việc, nhưng vẫn mang lại hiệu suất cao. Nắm vững các phương pháp thực hành này không chỉ cải thiện vòng đời phát triển mà còn đảm bảo rằng các Full Stack Developer có thể làm việc liền mạch với các thành viên khác trong nhóm, góp phần tạo nên quá trình phát triển web nhanh và linh hoạt hơn.

Đọc thêm: Mối quan hệ “mật thiết” giữa CI/CD DevOps

Có kinh nghiệm làm việc với dịch vụ đám mây

Kinh nghiệm làm việc với các dịch vụ điện toán đám mây như AWS, Azure hoặc Google Cloud Platform ngày càng trở nên quan trọng. Những nền tảng này cung cấp một loạt dịch vụ không thể thiếu cho quá trình phát triển web hiện đại, từ lưu trữ đến phân tích dữ liệu. Am hiểu về các dịch vụ đám mây có thể mở ra những cơ hội nghề nghiệp được trả lương cao hơn cho Full Stack Developer.

Ngoài ra, các Full Stack Developer toàn diện có thể điều hướng các môi trường đám mây và tận dụng dịch vụ của chúng để triển khai và mở rộng quy mô ứng dụng một cách hiệu quả.

Thành thạo JavaScript và các JavaScript framework

JavaScript không chỉ thống trị việc phát triển web mà các framework của nó như React, Angular và Vue.js cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các ứng dụng web tương tác hiệu quả. Là một nhà phát triển Full Stack, khả năng sử dụng những công cụ này một cách hiệu quả có thể làm tăng đáng kể giá trị của bạn trên thị trường việc làm.

Kiến thức về quản lý cơ sở dữ liệu

Thành thạo quản lý cơ sở dữ liệu, bao gồm cả cơ sở dữ liệu SQL và NoSQL, là một trong những kỹ năng quan trọng của nhà phát triển Full Stack, giúp họ hiểu tường tận hơn về cách lưu trữ, truy xuất và thao tác dữ liệu hiệu quả.

Khi dữ liệu ngày càng trở thành “xương sống” của các ứng dụng web, các nhà phát triển Full Stack có kỹ năng quản lý cơ sở dữ liệu, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc với các cơ sở dữ liệu phổ biến như MongoDB, PostgreSQL và MySQL,… sẽ có thể đóng góp vào quá trình đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó nâng cao cơ hội được trả mức lương hấp dẫn hơn.

Tìm hiểu chi tiết về các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến qua chuỗi bài viết:

Bật mí các bí kíp tăng lương Full Stack Developer

Nâng cao kỹ năng chuyên môn 

Để liên tục học hỏi và mở rộng các bộ kỹ năng liên quan đến công việc, Full Stack Developer hãy cân nhắc việc học thêm và nâng cao các ngôn ngữ lập trình như JavaScript, SQL, CSS/HTML, C#, Python và React.

Đồng thời, làm quen với các môi trường, framework và nền tảng lập trình thiết yếu như Node.js, Django, Container, GitHub và Kubernetes.

Nâng cao các kỹ năng mềm 

Ngoài kỹ năng chuyên môn, các nhà phát triển Full Stack cần sở hữu kỹ năng giao tiếp cá nhân linh hoạt, ứng biến và xử lý hiệu quả mọi vấn đề. Đây được xem là kỹ năng để giúp bạn tương tác và trao đổi với các thành viên khác trong nhóm, với khách hàng và các bên liên quan. Do đó, bạn cần tập trung vào phát triển các kỹ năng như tính sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy phát triển, khả năng phân tích, hoạch định chiến lược….

Hiểu các phương pháp phát triển phần mềm như DevOps, CI/CD và Agile cũng có thể nâng cao kỹ năng làm việc của bạn và giúp bạn trở thành một chuyên gia toàn diện.

Luôn cập nhật xu hướng công nghệ

Ngành công nghệ không ngừng phát triển và việc cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất là điều cần thiết đối với các nhà phát triển Full Stack. Việc cập nhật thông tin về các công nghệ, phương pháp mới sẽ giúp bạn trở thành một chuyên gia được săn đón. Tham dự các hội nghị, các diễn đàn trực tuyến và tương tác với cộng đồng nhà phát triển là cách để giúp bạn luôn cập nhật và dẫn đầu xu hướng.

Xây dựng mạng lưới mối quan hệ chuyên nghiệp 

Mạng lưới quan hệ đóng một vai trò quan trọng trong sự thăng tiến nghề nghiệp và tăng lương của các Full Stack Developer. Kết nối với các chuyên gia trong và khác trong ngành, tham dự các buổi gặp mặt, tham gia cộng đồng trực tuyến để mở rộng và học hỏi nhiều kiến thức mới từ các mối quan hệ mở rộng.

Việc xây dựng mối quan hệ với những cá nhân có sức ảnh hưởng có thể mang lại cho bạn những cơ hội và hiểu biết quý giá, cuối cùng là nâng cao khả năng tăng thu nhập của bạn.

Xem thêm: Top 8 công việc IT có mức lương ngành công nghệ thông tin cao nhất năm 2024

Tổng kết

Nhu cầu tuyển dụng Full Stack Developer ngày càng tăng, do đó mức lương cho vị trí này vẫn đang được đánh giá là khá hấp dẫn, thậm chí những Full Stack Developer thực sự tài năng có thể nhận được mức thu nhập không giới hạn. Tuy nhiên, khi lựa chọn nghề nghiệp này, bạn cũng nên cân nhắc nhiều yếu tố như điểm mạnh của bản thân, sở thích, vị trí mong muốn, địa điểm làm việc, cơ hội thăng tiến… thay vì chỉ mải tập trung vào mức lương hấp dẫn.