Linux là gì? Linux là hệ điều hành mã nguồn mở nổi tiếng, đặc biệt thống trị trong lĩnh vực máy chủ trong nhiều năm qua. Nếu bạn muốn tìm hiểu Linux là gì, khai thác sức mạnh của hệ điều hành Linux cho các mục tiêu cá nhân hoặc doanh nghiệp và gia nhập vào cộng đồng Linux lớn mạnh, bài viết này sẽ là hướng dẫn toàn diện và hữu ích cho bạn.

Đọc bài viết này để:

  • Hiểu sâu về bản chất của hệ điều hành Linux là gì và những hiểu lầm về khái niệm Linux đang được sử dụng.
  • Khám phá những tính năng và lợi thế của Linux là gì để nó trở thành hệ điều hành hàng đầu.
  • Biết cách lựa chọn bản phân phối Linux phù hợp.
  • Khám phá các chứng chỉ Linux có thể giúp ích cho sự nghiệp của bạn.

Linux là gì?

Linux là gì?

Linux là một hệ điều hành (OS) mã nguồn mở, do Linus Torvalds tạo ra vào năm 1991 và được cộng đồng phát triển thành một trong những OS phổ biến nhất hiện nay.

Nói một cách chính xác, Linux về bản chất chỉ là hạt nhân (kernel) của hệ điều hành. Khi nói bạn đang sử dụng “hệ điều hành Linux”, thực chất bạn đang sử dụng một Linux distribution, hay Linux distro (tạm dịch: bản phân phối Linux). 

Do đó, khái niệm “hệ điều hành Linux” trong bài viết này dùng để chỉ các Linux distro. Cùng tìm hiểu thêm về Linux distro ngay sau đây.

Linux distro là gì?

Linux distro – hay bản phân phối Linux là giLinux distro là các hệ điều hành được phát triển dựa trên nhân Linux. Nó có vai trò đóng gói nhân Linux cùng với các phần mềm và tiện ích cần thiết, tạo thành một hệ điều hành hoàn chỉnh mà mà người dùng có thể cài đặt và khởi chạy. 

Một Linux distro bao gồm những gì?

Ngoài nhân Linux, một Linux distro có thể bao gồm các thành phần như: trình quản lý gói, trình cài đặt, các công cụ GNU, môi trường desktop, các tiện ích và ứng dụng,…

hệ điều hành linux-distribution

Ví dụ về cấu trúc Linux distro SUSE, bao gồm nhân Linux (kernel) và các thành phần bổ sung khác. Nguồn: suse.com

Ai tạo ra các Linux distro?

Bất cứ ai cũng có thể phát triển các Linux distro của riêng mình, bằng cách sử dụng mã nguồn mở Linux, hoặc chỉnh sửa các Linux distro đã có.

Do đó, hiện có hàng trăm bản phân phối Linux distro khác nhau, với mục tiêu người dùng hoặc hệ thống khác nhau.

  • Hầu hết các Linux distro có thể sử dụng ngay, tuy nhiên cũng có một số distro được đóng gói dưới dạng mã nguồn mở và developer phải biên dịch trong khi cài đặt.
  • Một số distro mang mục đích thương mại, tính phí người dùng như Fedora, Red Hat Enterprise Linux, openSUSE, Ubuntu, Oracle Linux,…
  • Một số distro khác do cộng đồng phát triển như Debian hay Slackware…

Tóm lại, Linux là gì? Linux là từ chỉ phần hạt nhân, còn Linux distro mới thực sự là một hệ điều hành. Tên gọi đúng hơn của các Linux distro là “hệ điều hành dựa trên Linux”.

Các thành phần trong hệ điều hành Linux là gì?

Linux được xây dựng trên kiến ​​trúc module, được tạo thành từ nhiều thành phần hoạt động cùng nhau, cung cấp chức năng hệ điều hành hoàn chỉnh.

Các thành phần này được tổ chức thành các lớp (layer) khác nhau. 

hệ điều hành linux-architecture

Kiến trúc hệ điều hành Linux có thể chia làm 3 layer chính:

  1. Hardware layer (Phần cứng): Các thành phần vật lý, hay phần cứng của máy như: bộ nhớ (RAM), bộ xử lý (CPU), đĩa…
  2. Kernel layer: Kernel (hạt nhân) là lõi của hệ điều hành, có vai trò trung gian giao tiếp giữa phần cứng và phần mềm. Các chức năng chính của kernel là: quản lý bộ nhớ, quy trình và các device driver.
  3. User Process layer: Đây là lớp trên cùng, nơi người dùng tương tác với hệ điều hành. Layer này bao gồm Shell, System Utilities Applications.
  • Shell: Shell nhận lệnh từ người dùng, sau đó dịch các yêu cầu này sang ngôn ngữ máy và chuyển đến kernel để thực thi lệnh.

Linux Shell cung cấp 2 hình thức giao diện nhập lệnh:

Giao diện

Ưu điểm

Nhược điểm

Command Line Interface – CLI (Giao diện dòng lệnh)

  • Nhanh
  • Cung cấp đầy đủ quyền truy cập vào hệ thống
  • Khó sử dụng
Graphic User Interface – GUI (Giao diện người dùng đồ họa)
  • Cung cấp các đồ hoạ dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp cho người dùng không thành thạo dòng lệnh.
  • Không cung cấp đầy đủ quyền truy cập vào hệ thống.
  • Thực thi chậm hơn CLI.
  • System Utilities (Tiện ích hệ thống): là tập hợp các chương trình thực hiện các tác vụ cấp hệ thống, ví dụ như quản lý quy trình, kiểm soát tài khoản người dùng và định cấu hình cài đặt hệ thống. 
  • Applications (Ứng dụng): là các phần mềm được người dùng sử dụng để thực hiện tác vụ của mình. Hầu hết các bản phân phối Linux đều cung cấp cửa hàng ứng dụng (giống Appstore) để tìm kiếm và cài đặt ứng dụng dễ dàng.

linux-cach-hoat-dong

Mô tả cách thức hoạt động giữa các layer trong kiến trúc Linux. Nguồn: algodaily

Ngoài ra, các thành phần quan trọng khác trong hệ điều hành Linux là gì?

  • Bootloader (bộ nạp khởi động):

Khi bạn bật máy tính, nó sẽ trải qua quá trình tự khởi động gọi là booting. Bootloader (bộ nạp khởi động) sẽ có chức năng chính là tải kernel vào bộ nhớ và bắt đầu quá trình khởi động này.

  • Daemon:

Daemon là các quy trình chạy ngầm (background process) bắt đầu trong quá trình khởi động. Linux chứa nhiều quy trình daemon như định cấu hình kết nối mạng, phản hồi các thiết bị USB được kết nối, quản lý thông tin đăng nhập của người dùng, quản lý hệ thống tệp,…

Nhìn chung, daemon đảm bảo các chương trình chạy trơn tru trên hệ thống.

Một số quy trình daemon phổ biến bao gồm:

  • systemd. Daemon trung tâm chịu trách nhiệm quản lý các tiến trình daemon khác.
  • sshd. Daemon cho phép kết nối an toàn với máy chủ từ xa và cho phép truyền tệp.
  • Httpd. Daemon máy chủ web nhận các yêu cầu HTTP và phục vụ các trang web.
  • cron. Daemon thực thi các tác vụ hoặc tập lệnh đã lên lịch từ crontab vào những thời điểm được yêu cầu.
  • Init system (Hệ thống khởi tạo):

Init system (Hệ thống khởi tạo) là một quy trình daemon được bắt đầu bởi kernel. Init system có vai trò khởi tạo không gian người dùng trong khi khởi động và quản lý các quy trình hệ thống trong thời gian chạy. 

  • Graphic server (Máy chủ đồ họa):

Graphic server (Máy chủ đồ họa) là một framework cơ bản trên Linux hiển thị đồ họa trên màn hình. Thành phần này triển khai Hệ thống X Window (X11 hoặc X) và cho phép quản lý cửa sổ, nhập liệu bằng bàn phím/chuột và hỗ trợ nhiều màn hình.

  • Môi trường desktop:

Môi trường desktop là một thành phần không bắt buộc có trên tất cả các hệ thống Linux. 

Mỗi môi trường desktop cung cấp: 

  • Các ứng dụng cài sẵn (ví dụ: trình quản lý tệp và thư mục, công cụ chỉnh sửa văn bản, trình duyệt web, trò chơi, và các tác vụ phổ biến khác)
  • Giao diện người dùng đồ họa (GUI) cho phép người dùng tương tác với hệ điều hành bằng chuột và bàn phím (Ví dụ: cửa sổ, menu thả xuống, cách hiển thị tệp và thư mục…)

Các môi trường máy tính để bàn phổ biến nhất trong Linux là Gnome, KDE và Xfce.

Các tính năng nổi bật của hệ điều hành Linux là gì?

Mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí: 

Bản chất mã nguồn mở miễn phí là ưu thế rất lớn của Linux, khiến hệ điều hành này có một cộng đồng người dùng lớn mạnh, liên tục đóng góp, cải tiến, sửa lỗi và phân phối các tính năng mới của Linux, đảm bảo rằng Linux luôn đi đầu trong các tiến bộ công nghệ.

Mã nguồn mở cho phép người dùng Linux:

  • Tự do chạy chương trình, dù là cho bất kỳ mục đích nào.
  • Tự do nghiên cứu và thay đổi cách thức hoạt động của chương trình theo ý muốn.
  • Tự do phân phối lại các bản sao, hoặc phân phối bản sao của các phiên bản đã sửa đổi cho người khác.

Khả năng tùy chỉnh linh hoạt: 

Linux có khả năng cấu hình cao và tuỳ thuộc vào thiết kế module mà người dùng có thể tùy chỉnh các phiên bản Linux của riêng họ. Tùy thuộc vào ứng dụng, Linux có thể được tối ưu hóa cho các mục đích khác nhau như:

  • Hiệu suất mạng.
  • Hiệu suất tính toán.
  • Triển khai trên nền tảng phần cứng cụ thể.
  • Triển khai trên các hệ thống có bộ nhớ, lưu trữ hoặc tài nguyên máy tính hạn chế.

Ngoài ra, người dùng có thể:

  • Chọn các Linux distro khác nhau cho ứng dụng khác nhau.
  • Điều chỉnh một distro cụ thể kết hợp với cấu hình nhân tùy chỉnh.
  • Tùy chỉnh mở rộng các chủ đề, biểu tượng và cài đặt để cá nhân hoá trải nghiệm.

Tính ổn định cao: 

Linux có tính ổn định cao, có thể xử lý khối lượng lớn công việc một cách dễ dàng nhờ:

  • Thiết kế module của hạt nhân Linux đảm bảo các thành phần riêng lẻ có thể được cập nhật hoặc sửa đổi mà không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. 
  • Linux được phát triển, cập nhật liên tục và kiểm thử nghiêm ngặt bởi cộng đồng Linux lớn mạnh.

Do đó, Linux thường là lựa chọn đáng tin cậy cho các hệ thống quan trọng.

Hiệu suất tối ưu: 

Thiết kế hạt nhân Linux ưu tiên phân bổ tài nguyên, đảm bảo tài nguyên hệ thống được sử dụng hiệu quả để các quy trình chạy trơn tru. 

Do đó, Linux giúp tối ưu hiệu suất quản lý tài nguyên và có thể xử lý khối lượng công việc nặng ngay cả trên cấu hình phần cứng khiêm tốn.

Bảo mật mạnh mẽ: 

Linux có kiến ​​trúc bảo mật mạnh mẽ và các biện pháp bảo mật chủ động:

  • Linux cung cấp các bản cập nhật bảo mật nhanh chóng và thường xuyên.
  • Bản chất mã nguồn mở cho phép cộng đồng Linux nhanh chóng xác định và “vá” các lỗ hổng bảo mật. 
  • Linux sử dụng hệ thống phân quyền nghiêm ngặt, người dùng được cấp quyền truy cập riêng biệt, ngăn chặn truy cập trái phép, giảm thiểu rủi ro về phần mềm độc hại hoặc vi rút.

Khả năng tương thích cao: 

Linux có khả năng thích ứng, chạy liền mạch trên nhiều loại cấu hình phần cứng khác nhau, từ môi trường desktop, máy chủ, thiết bị di động, hệ thống nhúng (embedded), hoặc các môi trường điện toán đa dạng.

Để hiểu thêm về tính tương thích của Linux, cùng xem Linux được ứng dụng thế nào trong các môi trường khác nhau ngay bên dưới:

Những ứng dụng của hệ điều hành Linux là gì?

Hệ điều hành máy chủ (Server OS): 

Linux là hệ điều hành thống trị lĩnh vực máy chủ, bao gồm cả web server, database server, email server và cloud server…. 

Linux được thiết kế để hỗ trợ các ứng dụng đa luồng và khối lượng công việc lớn của máy chủ nhờ:

  • Tính ổn định, hiệu suất cao
  • Khả năng mở rộng mạnh mẽ
  • Giao diện dòng lệnh 
  • Khả năng viết kịch bản mạnh mẽ
  • Kho phần mềm rộng lớn 

Các máy chủ dựa trên Linux nổi bật là: CentOS, Ubuntu Server và Red Hat Enterprise Linux (RHEL).

Web Hosting:

Sự kết hợp giữa nhân Linux và các phần mềm mã nguồn mở, ví dụ như web server Apache, hệ thống cơ sở dữ liệu MySQL hoặc PostgreSQL, tạo thành ngăn xếp LAMP (Linux, Apache, MySQL, PHP/Perl/Python). Đây là một thiết lập mạnh mẽ để lưu trữ các trang web và ứng dụng động.

Linux là hệ điều hành lý tưởng cho lưu trữ web vì: 

  • Tính ổn định của Linux đảm bảo xử lý lượng lớn dữ liệu và lưu lượng truy cập, hạn chế downtime (tạm dịch: thời gian ngừng hoạt động). 
  • Tính bảo mật cao của Linux giúp bảo vệ các trang web và dữ liệu nhạy cảm khỏi các mối đe dọa trên mạng.
  • Thiết kế module của Linux cho phép quản lý tài nguyên web hiệu quả và tối ưu cấu hình máy chủ để tối đa hóa hiệu suất. 

Giải pháp lưu trữ web dựa trên Linux cho phép các doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng khi nhu cầu về trang web hoặc ứng dụng của họ tăng lên.

Môi trường Điện toán đám mây:

Linux là hệ điều hành được ưu tiên lựa chọn cho các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây vì: 

  • Khả năng mở rộng, tính linh hoạt và khả năng tương thích của Linux phù hợp để xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng đám mây.
  • Khả năng kết nối mạng mạnh mẽ và phân bổ tài nguyên hiệu quả của Linux đảm bảo liên lạc thông suốt giữa các dịch vụ và máy chủ đám mây. 
  • Khả năng xử lý đồng thời nhiều quy trình và luồng của hạt nhân Linux cho phép thực thi hiệu quả khối lượng công việc lớn trên đám mây.
  • Bản chất mã nguồn mở của Linux phù hợp với các tính chất của điện toán đám mây, như thúc đẩy hợp tác, tùy chỉnh và đổi mới. 

Các nhà cung cấp đám mây hàng đầu như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud Platform (GCP) và Microsoft Azure đều đang cung cấp các phiên bản điện toán đám mây chạy Linux cho máy chủ, desktop và các dịch vụ đám mây của họ.

Hệ thống nhúng và IoT: 

Linux được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực hệ thống nhúng và thiết bị IoT, từ thiết bị gia dụng thông minh, bộ định tuyến, bảng hiệu số, hệ thống giải trí đến các hệ thống tự động hóa công nghiệp.

Linux phù hợp với yêu cầu của các hệ thống nhúng và IoT nhờ:

  • Khả năng thích ứng với nhiều kiến ​​trúc phần cứng
  • Hệ sinh thái Linux nguồn mở phong phú
  • Dấu chân nhỏ, mức tiêu thụ điện năng thấp

Xem thêm: Embedded software là gì?

Môi trường desktop:

Ứng dụng của Linux trong môi trường desktop không nổi bật như các môi trường kể trên, tuy nhiên nó cũng là hệ điều hành desktop với các ưu điểm:

  • Cho phép người dùng cá nhân hóa máy tính của họ để phù hợp với quy trình làm việc và gu thẩm mỹ cá nhân. 
  • Cung cấp hệ điều hành miễn phí; với nhiều tuỳ chọn phần mềm và môi trường phát triển có sẵn.
  • Ổn định và an toàn cho các tác vụ hàng ngày như duyệt web, trải nghiệm đa phương tiện, chỉnh sửa tài liệu và chơi game…

Các môi trường desktop phổ biến của Linux là: GNOME, KDE, XFCE và Cinnamon.

Containerization (Công nghệ ảo hoá):

Công nghệ ảo hoá cung cấp các container (vùng chứa) – môi trường biệt lập nơi các ứng dụng có thể chạy độc lập mà không can thiệp lẫn nhau.

Linux cung cấp các chức năng cốt lõi của nó như: khả năng kết nối mạng, quản lý quy trình và phân bổ tài nguyên để giúp các container hoạt động hiệu quả.

Ví dụ: 

Docker (nền tảng ảo hoá phổ biến) hay Kubernetes (nền tảng điều phối vùng chứa mã nguồn mở) đều dựa trên nhân Linux để phân phối, quản lý vùng chứa hiệu quả.

Các ứng dụng khác:

Ngoài ra, nhân Linux còn được ứng dụng trong:

  • Headless OS – Hệ điều hành máy chủ dành cho các hệ thống không yêu cầu giao diện người dùng đồ họa (GUI), hoặc hệ thống kết nối trực tiếp đến thiết bị đầu cuối và bàn phím.
  • Hệ điều hành mạng cho bộ định tuyến, bộ chuyển mạch, máy chủ hệ thống tên miền, thiết bị mạng gia đình, và hệ điều hành mạng nội bộ,…

Ưu điểm đối với developer của Linux là gì? 

Hỗ trợ hầu hết ngôn ngữ lập trình và nhiều framework

Nhờ đó Linux cung cấp môi trường phát triển lý tưởng cho các nhu cầu lập trình đa dạng.

Cung cấp các công cụ phát triển phần mềm phổ biến

Linux là nền tảng của một số công cụ/ứng dụng phát triển phần mềm được sử dụng rộng rãi như: 

  • Các môi trường phát triển tích hợp (IDE)
  • Trình soạn thảo văn bản
  • Trình biên dịch, trình thông dịch cho hầu hết mọi ngôn ngữ lập trình
  • Trình gỡ lỗi 
  • Git để kiểm soát nguồn phân tán
  • Các trình chỉnh sửa mã nguồn: Vim, Emacs,…

Giao diện dòng lệnh (CLI) linh hoạt

Giao diện Linux với các tiện ích cho phép developer thực thi các lệnh, quản lý tệp và tự động hóa các tác vụ một cách nhanh chóng, chính xác.

Cộng đồng nguồn mở và bản chất hợp tác

Bản chất nguồn mở giúp cộng đồng developer của Linux luôn có nguồn tài nguyên dồi dào, liên tục cải tiến, đi đầu trong các xu hướng phát triển phần mềm.

Tính ổn định và hiệu suất cao

Tính ổn định của Linux cho phép developer tập trung vào việc viết code hơn là xử lý các sự cố ổn định của hệ thống. Ngoài ra, Linux cũng là môi trường chạy các công cụ phát triển và môi trường thử nghiệm lý tưởng với khả năng quản lý tài nguyên hiệu quả, chi phí thấp.

Hỗ trợ DevOpsCI/CD

Với các công cụ dòng lệnh mở rộng, khả năng tạo tập lệnh và các công nghệ chứa như Docker và Kubernetes, Linux đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa DevOps, hỗ trợ tự động hóa, khả năng mở rộng và cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng các đường dẫn CI/CD hiệu quả. 

Xem thêm: Việc làm DevOps hấp dẫn trên ITviec

Top 10 Linux distro phổ biến nhất

Sau khi hiểu tổng quan Linux là gì, bạn cần biết sự khác nhau giữa các Linux distro để có thể chọn được bản phân phối phù hợp với nhu cầu và trường hợp sử dụng của mình.

Distro Đối tượng phù hợp nhất

Ưu điểm nổi bật

Ubuntu
  • Người mới bắt đầu.
  • Người dùng chuyển sang từ các hệ điều hành khác.
  • Giao diện thân thiện với người dùng.
  • Hệ sinh thái phần mềm lớn.
  • Hỗ trợ cộng đồng mạnh mẽ. 
  • Quá trình cài đặt dễ dàng.

Linux Mint

(dựa trên Ubuntu)

  • Người dùng mới làm quen với Linux.
  • Người dùng ưu tiên sự ổn định và đơn giản.
  • Môi trường desktop đơn giản, ổn định, giao diện trực quan, gần gũi.

Một môi trường desktop nổi tiếng của Linux Mint là Cinnamon, cung cấp giao diện quen thuộc giống như bố cục máy tính để bàn truyền thống.

  • Cung cấp nhiều phần mềm và codec đa phương tiện được cài đặt sẵn, cho phép người dùng dễ dàng xử lý các tác vụ máy tính phổ biến.
Debian
  • Cộng đồng đam mê mã nguồn mở.
  • Người dùng ưu tiên sự ổn định và tự do thao tác trên phần mềm.
  • Là distro lâu đời và có ảnh hưởng nhất, làm nền tảng phát triển nhiều distro khác.
  • Ổn định và an toàn, lý tưởng cho môi trường máy chủ và các hệ thống quan trọng.
  • Cam kết nguyên tắc mã nguồn mở, đảm bảo quyền tự do và quyền kiểm soát của người dùng.
  • Hệ thống quản lý gói mạnh mẽ gọi là APT. 

Red Hat Enterprise Linux (RHEL)

Doanh nghiệp và người dùng thương mại.

Đặc biệt phù hợp cho các hệ thống quan trọng, cần tính bảo mật cao.

  • Có tùy chọn mở rộng cho doanh nghiệp.
  • Có dịch vụ hướng dẫn và hỗ trợ cấp doanh nghiệp từ chuyên gia.
  • Tập trung mạnh vào bảo mật với các tính năng tiên tiến như:
    • SELinux: Linux được tăng cường bảo mật.
    • Các biện pháp kiểm soát truy cập bắt buộc.
    • Nhóm chuyên gia xử lý nhanh các lỗ hổng bảo mật.

CentOS

CentOS là phiên bản mã nguồn mở và miễn phí dựa trên Red Hat Enterprise Linux, phù hợp để triển khai cấp doanh nghiệp.
  • Tương thích với các ứng dụng và gói phần mềm của RHEL.
  • Tính ổn định do có chu kỳ nâng cấp dài hơn.
  • Hỗ trợ lâu dài.
  • Đơn giản, nhẹ, chạy nhanh.

Fedora

Fedora thực tế là môi trường thử nghiệm của RHEL và CentOS. 

Do đó, nó thường được dùng cho mục đích học tập và phát triển Linux.

  • Cung cấp các phiên bản phần mềm mới nhất.
  • Nền tảng lý tưởng để thử nghiệm và triển khai các tính năng, cải tiến, công nghệ mới.
  • Thúc đẩy tính hợp tác cộng đồng, ưu tiên phần mềm mã nguồn mở và miễn phí.

Arch Linux

  • Người dùng nâng cao hoặc các chuyên gia Linux. 
  • Người muốn đi đầu trong quá trình phát triển Linux và tận hưởng các tính năng mới nhất.
  • Hệ thống cơ sở nhẹ, tối giản, cho phép người dùng tuỳ chỉnh môi trường Linux ở mức độ cao. 
  • Mô hình phát hành cuốn chiếu, do đó người dùng luôn có quyền truy cập vào các phiên bản phần mềm mới nhất.
  • Cung cấp Arch User Repository (AUR) – kho lưu trữ do người dùng đóng góp.
  • Cung cấp Arch Wiki – nguồn tài liệu chi tiết, toàn diện để người dùng tự tìm hiểu.
Kali Linux

(dựa trên Debian)

  • Chuyên gia an ninh mạng.
  • Người dùng quan tâm đến penetration test (kiểm thử thâm nhập).
  • Kali Linux cung cấp các công cụ cài đặt sẵn để kiểm tra bảo mật và điều tra kỹ thuật số.
  • Cung cấp các công cụ kiểm thử thâm nhập như Nmap, Metasploit Framework, Maltego và Aircrack-ng.

Pop!_OS

(dựa trên Ubuntu)

  • Game thủ.
  • Người dùng ưu tiên năng suất.
Được tối ưu hoá cho việc chơi game như: 

  • Hỗ trợ tối ưu cho các card đồ họa.
  • Có cửa hàng phần mềm Pop!_Shop chuyên cung cấp các game tương thích với Linux.
  • Tích hợp các công nghệ như Steam và Proton để hỗ trợ chơi game nâng cao.
  • Cung cấp các ứng dụng tối thiểu giúp tiết kiệm dung lượng và tối ưu thời lượng pin của laptop.
MX Linux

(dựa trên Debian)

  • Người dùng mới bắt đầu, cần giao diện đơn giản nhưng vẫn có thể sử dụng hiệu quả tài nguyên hệ thống.
  • Những người dùng có phần cứng cũ.
  • Cân bằng giữa giao diện thân thiện, quen thuộc và hiệu quả sử dụng tài nguyên. 
  • Tối ưu hoá hiệu suất hệ thống của cả phần cứng cũ lẫn máy tính hiện đại.

Nên sử dụng Linux distro nào?

Dù đều thừa hưởng tính năng cốt lõi của nhân Linux, mỗi distro có thể cung cấp các ứng dụng phần mềm, tiện ích, công cụ và giao diện người dùng khác nhau. Do đó, bạn cần nắm được sự khác nhau giữa các distro của Linux là gì, và lựa chọn dựa theo trọng tâm và mục tiêu mà mình hướng đến.

Gợi ý:

Mục đích/ Trọng tâm

Linux distro phù hợp
Nhu cầu sử dụng desktop thông thường
  • Ubuntu
  • Linux Mint
  • Fedora
  • openSUSE
  • Pop!_OS

Dùng cho máy chủ

  • CentOS
  • Ubuntu Server
  • Debian
  • Fedora Server
  • Red Hat Enterprise Linux (RHEL)
Ưu tiên quyền bảo mật và riêng tư
  • Tails
  • Qubes OS
  • Parrot Security OS
  • Whonix
  • Kali Linux

Ưu tiên hệ thống nhẹ

  • Lubuntu
  • Xubuntu
  • Puppy Linux
  • Bodhi Linux
  • antiX

Sử dụng cho doanh nghiệp và mục đích thương mại

  • Red Hat Enterprise Linux (RHEL)
  • SUSE Linux Enterprise
  • Ubuntu LTS (Long-Term Support)
  • CentOS
  • Oracle Linux

Thân thiện với developer

  • Ubuntu (với các biến thể Ubuntu Studio, Ubuntu Kylin,…)
  • Fedora
  • Arch Linux
  • Manjaro
  • Solus
Tối giản và có thể tùy chỉnh
  • Arch Linux
  • Gentoo
  • Void Linux
  • Slackware
  • LFS (Linux From Scratch)

Ngoài ra, bạn có thể xem xét các yếu tố sau khi chọn Linux distrro: 

  • Có dễ sử dụng không?
  • Khả năng tương thích phần cứng ở mức độ nào?
  • Gói phần mềm có sẵn không?
  • Hỗ trợ cộng đồng và tài liệu có phong phú không?

So sánh hệ điều hành Linux với các hệ điều hành khác

Yếu tố so sánh

Linux Windows macOS
Chi phí  Hệ điều hành mã nguồn mở, hoàn toàn miễn phí. Yêu cầu giấy phép sử dụng. Có bản miễn phí và trả phí.

Yêu cầu giấy phép sử dụng. Chi phí cao do chỉ chạy độc quyền trên phần cứng của Apple.

Khả năng sử dụng

Linux có các distro dễ sử dụng như Ubuntu, nhưng cũng có các distro dành cho người dùng cao cấp như Arch. Đơn giản và thân thiện với người dùng.

Đơn giản và thân thiện với người dùng.

Độ an toàn và ổn định

  • Ít bị tấn công bởi các phần mềm độc hại.
  • Mã nguồn mở cho phép xác định và xử lý nhanh các lỗi.
  • Hệ thống phân quyền chặt chẽ giúp bảo mật tốt hơn.
  • Là mục tiêu tấn công của hầu hết các phần mềm độc hại.
  • Cần cài đặt phần mềm antivirus.
  • Ít bị tấn công bởi các phần mềm độc hại.
  • Phần mềm bảo mật cập nhật thườnng xuyên.

Người dùng nổi bật

Phổ biến với những người thích nghiên cứu, học hỏi hoặc tự tạo dự án, do Linux là hệ điều hành duy nhất cung cấp code có sẵn và có cộng đồng lớn mạnh. Phổ biến với người dùng phổ thông và trong môi trường doanh nghiệp.

Phổ biến trong giới sáng tạo.

Hệ thống tệp

Không có ổ đĩa. 

Các tệp, thư mục đều xuất phát từ một thư mục gốc duy nhất.

Quản lý tệp trong các disk (ổ đĩa) như: C, D, các ổ đĩa ngoài như CD, USB,..

Tương tự Linux.

Trình quản lý gói

(phần mềm cho phép bạn cài đặt, cập nhật và gỡ cài đặt chương trình hiệu quả hơn cách thủ công)

Trình quản lý gói được cài đặt mặc định, phụ thuộc vào bản phân phối. Ví dụ: Ubuntu đi kèm với APT, Arch đi kèm với Pacman, v.v. Không đi kèm với trình quản lý gói mặc định, người dùng cần tự cài đặt.

Trình quản lý gói được cài đặt theo mặc định, gọi là homebrew.

Giao diện người dùng

Có thể tùy chỉnh theo sở thích cá nhân. Giao diện người dùng đồ họa (GUI) nhất quán trên các phiên bản.

Giao diện người dùng trực quan, dễ sử dụng và nổi tiếng về tính thẩm mỹ.

Tính tương thích phần mềm Hạn chế hỗ trợ cho một số ứng dụng độc quyền. Hỗ trợ tương thích hầu hết các phần mềm phổ biến. 

Tương tự Windows.

Tính tương thích phần cứng 

Tính tương thích phần cứng phụ thuộc vào thiết bị và bản phân phối của người dùng. Tính tương thích phần cứng phụ thuộc vào thiết bị của người dùng. macOS được thiết kế dành riêng cho phần cứng của Apple, nên tương thích phần cứng chặt chẽ và hiệu suất tốt nhất.
Giao diện dòng lệnh  Giao diện dòng lệnh mạnh mẽ và linh hoạt (Bash, Shell). Giao diện dòng lệnh Command Prompt (CMD) và PowerShell.

Giao diện dòng lệnh dựa trên Unix (Terminal, Shell).

5 chứng chỉ Linux thường được yêu cầu nhiều nhất khi tìm việc

Với sự cạnh tranh việc làm mạnh mẽ, các chuyên gia có các chứng chỉ Linux sẽ có nhiều cơ hội được nhận offer và có mức lương tốt hơn.

Dưới đây là 5 chứng chỉ Linux phổ biến nhất trong các yêu cầu tuyển dụng mà bạn có thể ưu tiên lựa chọn:

Chứng chỉ Phí Chứng chỉ yêu cầu học trước khi thi
Phù hợp nhất cho
Linux Foundation Certified System Administrator $300 Không yêu cầu Người muốn trở thành Linux Administrator
RHCE- Red Hat Certified Engineer $400/ 1 chứng chỉ Yêu cầu một số kỹ năng, kiến thức cơ bản về ứng dụng máy tính và hệ điều hành

Người muốn trở thành:

  • Linux System Administrator
  • DevOps Engineers
  • Cloud Administrator

CompTIA Linux+

Gồm 2 bài thi:

  • LX0-103
  • LX0-104
$219/ 1 bài thi
  • LX0-103: Không yêu cầu
  • LX0-104: Khuyến khích học CompTIA A+ CompTIA Network+ và 1 năm kinh nghiệm quản trị Linux
Người muốn làm việc ở các vị trí network technical support hoặc network administrator
Oracle Linux Certification $245 Không yêu cầu

Oracle Linux System Administrator hoặc người có kinh nghiệm thực tế về Linux và kinh nghiệm triển khai Linux 6 trước đây.

LPI Certification Programs

Bao gồm 3 chứng chỉ:

  • LPIC-1: Linux Administrator
  • LPIC-2: Linux Engineer
  • LPIC-3: Linux Enterprise Professional
$200/ 1 chứng chỉ
  • LPIC-1: Cần có kiến ​​thức cơ bản về Linux
  • LPIC-2: Phải có chứng chỉ LPIC-1 còn hiệu lực
  • LPIC-3: Phải có chứng chỉ LPIC-2 còn hiệu lực và hoàn thành một trong 300 bài kiểm tra Linux chuyên biệt
Dành cho tất cả những chuyên gia IT muốn làm các vị trí liên quan đến Linux

Khám phá việc làm “chất” liên quan đến Linux trên ITviec:

Tổng kết 

Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ Linux là gì, những yếu tố khiến Linux trở nên khác biệt so với các hệ điều hành khác. Cộng đồng Linux sôi nổi và liên tục phát triển, do đó điều quan trọng đối với những người sử dụng Linux là luôn cập nhật, học hỏi, để khai thác tối ưu tiềm năng của hệ điều hành này.

Đừng quên đón chờ loạt bài viết hướng dẫn chi tiết và hữu ích về các Linux distro trên ITviec blog nhé!