Nội dung chính
IoT là gì mà cả developer trẻ và developer lão luyện đều bắt đầu hứng thú tham gia nghiên cứu? Thậm chí, IoT là gì mà còn được dự đoán sẽ triển thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 3.000 tỉ USD trong năm 2026?
“IoT sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 3.000 tỉ USD trong năm 2026.” – Dự báo được đưa ra bởi tạp chí Business Insider, dựa trên khảo sát thường niên về Internet of Things, phỏng vấn với 35 công ty, tập đoàn lớn về công nghệ.
Để cùng tìm hiểu kỹ càng về IoT là gì, ITviec đã có buổi phỏng vấn với anh Nguyễn Văn Long – Head of IoT tại VNG Corporation, để được giải đáp IoT là gì, các ứng dụng của Iot và làm thế nào để trở thành một IoT Developer.
Xem thêm việc làm IoT trên ITviec
Công nghệ IoT là gì? Internet of Things là gì?
IoT là viết tắt của từ “Internet of Things” – “Internet vạn vật” hay “Mạng lưới vạn vật kết nối”.
IoT định hướng kết nối những thiết bị, công cụ, đồ vật trong đời sống hàng ngày với internet để con người có thể giao tiếp, truy cập, điều khiển, thu thập được thông tin và quản trị các thiết bị đó nhằm làm tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng.
Anh Long đưa ra một ví dụ vô cùng đơn giản để mọi người có thể hiểu IoT là gì:
Nói đơn giản là ngày xưa máy lạnh chỉ là máy lạnh, gắn điện vào là sử dụng được thôi. Không có khái niệm mạng hay xử lý gì cả. Nhưng sau này, người ta gắn máy lạnh vào internet, trên mỗi máy lạnh có một bộ vi xử lý. Người dùng có thể kiểm soát để bật/tắt, điều khiển máy lạnh mà không nhất thiết phải có mặt ở đó.
Ứng dụng của công nghệ IoT là gì?
Sau khi đã hiểu được khái niệm IoT là gì, ta có thể thấy ứng dụng của IoT trong đời sống hiện nay rất phổ biến và đa dạng. Có thể kể đến như:
- Nông nghiệp thông minh
- Đô thị thông minh
- Nhà máy thông minh
- Văn phòng thông minh
- Nhà thông minh
- ….
Ứng dụng của IoT được thể hiện rõ nét nhất trong các mô hình “nhà thông minh”:
Khi bạn là người cuối cùng ra ngoài, bạn chỉ cần bật tính năng “Tôi đi ra khỏi nhà” trên ứng dụng. Tự động, hệ thống đèn sẽ tắt, máy lạnh sẽ tắt, rèm kéo lại, cửa sổ đóng.
Khi bạn quay về nhà, chỉ cần ở hầm gửi xe thôi, bạn bật tính năng “Tôi đã về nhà” thì hệ thống sẽ biết ngay và bắt đầu khởi động lại hệ thống đèn, máy lạnh mở, rèm kéo ra, cửa sổ mở…
IoT Developer là ai?
Anh Long chia sẻ rằng, “Thật ra IoT Developer cũng là lập trình viên thôi. Những vị trí về IoT nhưng chỉ đơn giản là ứng dụng thôi thì vẫn yêu cầu như một lập trình viên bình thường, không cần tố chất hay kỹ năng IoT gì đặc biệt.”
Anh cũng nhấn mạnh rằng, “Một số ý kiến cho rằng Firmware Developer là cách gọi khác của IoT Developer nhưng hai vị trí này hoàn toàn khác nhau”. Anh cụ thể hơn về việc làm của hai vị trí này:
Lập trình firmware là lập trình cấp thấp, chủ yếu giao tiếp với phần cứng, có khả năng gọi trực tiếp xuống phần cứng và điều khiển phần cứng.
Một bạn làm IoT Developer sẽ lập trình ở nhiều layer hơn so với một bạn làm Firmware Developer – chỉ tập trung ở layer firmware.
IoT Developer cần những tố chất nào?
Khi được hỏi nhận định của mình về ý kiến “IoT là xu hướng mà tất cả các developer đều muốn theo”, anh Long cho rằng “Anh thấy ngành nào ứng dụng công nghệ cũng là xu hướng hết (cười). IoT cũng là xu hướng. Quan trọng là bạn có đam mê hay không thôi. Khi tham gia bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn phải làm việc tập trung, làm đến nơi đến chốn thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển.”
Ngành IoT này sẽ phù hợp với những bạn có đam mê: tìm tòi, khám phá, thử nghiệm các thiết bị mới. Bạn sẽ cảm thấy rất hứng thú vì có nhiều thứ để học, rất nhiều ứng dụng cụ thể vào đời sống hằng ngày, có thể nhìn thấy được.
Còn nếu bạn đang làm software mà muốn chuyển qua làm IoT thì cần tìm hiểu thêm về:
- Cơ bản trước hết IoT là gì
- Các thiết bị IoT, các ứng dụng IoT
- Lập trình nhúng & tìm hiểu về các loại máy tính nhúng
- Các chuẩn và giao thức truyền dữ liệu trong IoT: MQTT, M2M, LoRa…
Và một số kiến thức khác.
Xem thêm việc làm IoT trên ITviec
Mức lương của IoT Developer
Về việc IoT đang thu hút sự quan tâm của nhiều Developer, anh Long cũng chia sẻ thêm về mức lương hấp dẫn của một IoT Developer,
Một IoT Developer sẽ có mức lương khoảng 20-30 triệu/tháng. Còn Senior IoT Developer thì vô chừng lắm, tùy theo kỹ năng đặc thù của từng bạn, cũng khoảng 30-60 triệu/tháng.
Nhà tuyển dụng cần gì ở một IoT Developer?
Trên cương vị là Head of IoT – trực tiếp tuyển nhân sự IoT Developer cho team, anh Long đưa ra 3 kiểu tuyển dụng chính mà anh thường áp dụng:
- Khi team không có kỹ năng hoặc có nhưng rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của sản phẩm:
Anh sẽ chọn những bạn có kỹ năng mà team còn thiếu để bù trừ hoặc những bạn đã từng làm sản phẩm mà anh định làm. Và ưu tiên các bạn có chuyên môn cao. Ví dụ: AI, Machine Learning, sản xuất phần cứng, xử lý lập trình trên camera…
Chẳng hạn, khi tuyển bạn lập trình firmware hoặc thiết kế phần cứng bên dưới thì anh yêu cầu bạn phải tốt nghiệp những ngành chuyên môn (liên quan đến kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…) từ trường Bách Khoa. Hoặc những bạn đã có kinh nghiệm làm việc tương tự ở những công ty khác.
- Team có năng lực nhưng số lượng nhân lực hiện tại không đủ:
Anh sẽ ưu tiên chọn những bạn senior, có khả năng deliver tốt để kịp tiến độ dự án.
Ví dụ như cần một bạn viết Angular cho Front-end thì anh chỉ tập trung vào các kỹ năng liên quan đến Front-end thôi. Sau đó, anh sẽ nói thêm về lĩnh vực công ty đang làm, nếu bạn đó thấy hứng thú và có kỹ năng phù hợp thì làm.
Đọc thêm: Angular là gì? Giúp ích gì cho Front-end Developer?
- Khi không có áp lực về yêu cầu sản phẩm hay nguồn lực:
Anh sẽ đề xuất tuyển các bạn fresher để đào tạo vì anh thấy các bạn học hỏi khá nhanh.
Ngoài ra, khi tuyển một IoT Developer, nhà tuyển dụng còn sẽ đề cao những khả năng sau:
- Khả năng code:
Code là khả năng bắt buộc với các bạn muốn làm IoT. Một người làm về IoT thì vẫn cần biết code (lập trình), chỉ khác là họ lập trình ở layer nào thôi. Chẳng hạn: lập trình ở mã máy, hệ điều hành, firmware hay lập trình trên ứng dụng.
Chỉ riêng vị trí hardware design (thiết kế phần cứng) là trọng số code khá ít, có thể code hoặc không. Nhưng anh Long nhấn mạnh rằng nhà tuyển dụng vẫn sẽ ưu tiên cho những bạn có kỹ năng lập trình cơ bản.
- Khả năng giao tiếp, trình bày tốt:
Anh Long, với tư cách là nhà tuyển dụng, cũng dành điểm cộng cho những bạn có khả năng giao tiếp tốt vì điều này rất có lợi cho việc phát triển team về lâu dài.
Xem thêm việc làm IoT trên ITviec
Tài liệu IoT là gì tham khảo
- RFC Editor: Tìm hiểu về cơ bản IoT là gì, các chuẩn giao tiếp và truyền dữ liệu trong IOT như: Bluetooth, WiFi, ZigBee, MQTT IoT, CoAP, DDS, NFC, Cellular, AMQP, LoRaWAN, RFID…
- Các giải pháp nền tảng trên Cloud. Ví dụ: Amazon Web Service (AWS), Microsoft Azure…
- Các bài viết về ứng dụng IoT điển hình như: Top 10 Applications of IoT
Và tất nhiên là cả Goolge.com để tìm hiểu tất tần tật về IoT là gì.
Head of IoT trong ngành IT nói gì?
“Những gì liên quan đến môi trường vận hành, môi trường production đều phải tuân thủ quy trình chặt chẽ.”
Khi được hỏi về một trong những sai lầm trong quá trình làm việc và bài học rút ra được, anh Long kể về lúc anh còn làm quản lý team vận hành hệ thống CDN tại VNG.
Lúc đó, team anh được yêu cầu thực hiện một thay đổi gấp trên hệ thống. Theo nguyên tắc thì mỗi khi muốn thực hiện thay đổi, cần phải tuân thủ các bước như:
- Code xong thì chuyển qua test trên môi trường staging
- Staging OK thì push lên môi trường production để test lại lần cuối
- Thời gian push lên production được quy định là nửa đêm (thời gian thấp điểm) để trong trường hợp có lỗi gì, team còn kịp thời fix hoặc rollback (trả lại tình trạng ban đầu)
Tuy nhiên, do vì bị hối thúc và một phần do chủ quan, anh nghĩ rằng thay đổi này không quan trọng nên anh đã không làm theo quy trình như trên.
Dẫn đến hậu quả là:
- Sau khi thực hiện thay đổi khoảng 4-5 tiếng, một bên thứ 3 đã phát hiện lỗi và thông báo
- Team tìm root cause và giải quyết lỗi mất đến 7,8 tiếng
- Trong thời gian xảy ra lỗi và team tìm cách khắc phục, có khoảng 60-70% user bị ảnh hưởng, không thể sử dụng được dịch vụ
Hậu quả cũng tương đối nghiêm trọng nên sếp đã gọi anh vào để làm rõ vấn đề và ghi nhận lại lỗi lầm theo quy chế của công ty.
Từ sai lầm đó, anh Long rút ra bài học là những gì liên quan đến môi trường vận hành, môi trường production đều phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Đôi khi, mình hời hợt hoặc không có đủ thời gian để đánh giá thì rất dễ dẫn đến sai sót.
Khi thực hiện thay đổi A, anh sẽ định nghĩa xem thay đổi đó là gì, có “đẻ” ra thêm thay đổi B phía sau hay không, khả năng phát sinh cao hay thấp. Để thực hiện thay đổi A này cần có các điều kiện gì, các bước review, test ra sao… Sau khi thực hiện thay đổi mà nó thất bại thì mức độ nghiêm trọng như thế nào (có thể xếp hạng theo level từ 1-5)…
Cảm ơn anh Nguyễn Văn Long và những chia sẻ vô cùng chân thật về IoT là gì cũng như làm thế nào để trở thành một IoT Developer.
Tiểu sử:
Sau khi tốt nghiệp ngành Toán – Khoa học máy tính tại ĐH Khoa học tự nhiên, anh Nguyễn Văn Long đầu quân cho Global CyberSoft với vị trí Software Developer và được thăng tiến lên vị trí Team Leader không lâu sau đó.
Sau khoảng 4 năm gắn bó với công ty, anh tìm thấy niềm đam mê với ERP (hệ thống quản trị doanh nghiệp) nên đã chuyển qua làm SAP ERP Consultant.
3 năm sau đó, bạn anh đang làm cho VNG Corporation rủ rê qua làm game cho “vui” nhưng khi anh được nhận vào công ty, công việc anh phụ trách lại liên quan đến phát triển dịch vụ về hạ tầng CDN – Content Delivery Network.
Trong suốt hơn 7 năm, anh đã trải qua một số vị trí như Senior Developer, Team Leader, Software Manager…
Đến khi công ty phát triển thêm nhánh mới, đầu tư xây dựng hệ thống Cloud Service (bên cạnh 3 mảng chính là: Game, Zalo, Zalo Pay) thì anh được phân bổ làm Head of IoT.
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IoT trên ITviec.