Nội dung chính
Cho dù bạn đang code một thuật toán phức tạp hay debug, việc sở hữu một chiếc laptop phù hợp sẽ tác động đáng kể đến chất lượng và hiệu suất công việc. Hãy cùng ITviec đi sâu vào những cân nhắc cần thiết khi lựa chọn laptop cho lập trình viên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các nội dung sau:
- Các tiêu chí cần cân nhắc khi lựa chọn laptop cho lập trình viên
- Có nên dùng laptop gaming để lập trình?
- Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến laptop cho lập trình viên
Tầm quan trọng của laptop đối với lập trình viên
Với lập trình viên, laptop được xem là “vật bất ly thân” bởi tính cơ động, tính linh hoạt và khả năng xử lý tốc độ nhanh chóng của chúng trong công việc. Một chiếc laptop sở hữu thông số kỹ thuật tốt có thể giúp bạn xử lý các tác vụ tiêu tốn nhiều tài nguyên như biên dịch code, chạy máy ảo, kiểm tra ứng dụng và hoàn thành các dự án một cách hiệu quả nhất.
Là lập trình viên, việc lựa chọn một chiếc laptop thích hợp sẽ giúp bạn tối ưu hóa và rút ngắn tiến độ xử lý mọi công việc. Tuy nhiên, không phải dòng laptop nào cũng phù hợp với công việc của lập trình viên.
Đọc thêm: Nghề lập trình viên muốn thăng tiến? Hãy làm 3 điều sau!
8 lưu ý quan trọng khi lựa chọn laptop cho lập trình viên
Khi chọn lựa laptop cho công việc lập trình, bạn nên lưu ý các thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu cụ thể. Vậy đâu là những lưu ý khi chọn lựa laptop cho lập trình viên bạn cần biết?
Khi mua laptop cho lập trình viên nên chọn điều hành nào?
Việc chọn đúng hệ điều hành sẽ liên quan đến các công cụ và ứng dụng làm việc riêng của bạn. Trong đó, Windows, ChromeOS, Linux và MacOS là những hệ điều hành phổ biến nhất trên thị trường hiện nay:
- Với Windows – hệ điều hành được sử dụng rộng rãi, có nhiều lựa chọn laptop Windows cho lập trình viên cũng như các phần mềm và ứng dụng lập trình chạy trên Windows.
- MacOS sở hữu giao diện thân thiện với người dùng, tuy nhiên hệ điều hành này chỉ hoạt động với các thiết bị điện tử của Apple. Tuy không khuyến khích nhưng bạn vẫn có thể chạy hệ điều hành Windows trên các thiết bị Apple.
- Đối với hệ điều hành Linux tuy được sử dụng miễn phí và tương thích với nhiều dòng máy, thế nhưng lại có ít các ứng dụng lập trình chạy trên Linux hơn so với Windows hay MacOS. Một số nhà cung cấp, chẳng hạn như Dell và System 76, cung cấp các dòng máy chất lượng cao được cài đặt sẵn Linux.
- Và cuối cùng là ChromeOS được thiết kế để duyệt web và sử dụng ứng dụng, chứ không phải để chạy các công cụ lập trình nặng. Chúng cũng có xu hướng có thông số kỹ thuật cấp thấp hơn, với ổ cứng rất nhỏ và bộ xử lý chậm hơn.
Đọc thêm: Linux là gì? Mọi kiến thức cần biết để sử dụng tối ưu hệ điều hành Linux
Bộ xử lý
Với yêu cầu xử lý các tác vụ chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc, bạn nên ưu tiên lựa chọn bộ xử lý có tốc độ xung nhịp cao. Một số lưu ý khi lựa chọn bộ xử lý bạn cần quan tâm như kích thước bộ đệm, tần số, số lõi, công suất thiết kế nhiệt… Ví dụ phần mềm PLC sẽ có một bộ lõi xử lý và biên dịch, cho phép lập trình viên thực hiện đa nhiệm và chuyển đổi mượt mà giữa nhiều tác vụ.
Nhìn chung, bộ xử lý Intel core i5 hoặc i7 tốt với tần số 3GHz trở lên là đã đủ cho hầu hết mọi tác vụ lập trình.
RAM
RAM được biết đến là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên, cho phép lưu trữ và truy xuất đến bất kỳ vị trí nào theo địa chỉ trong bộ nhớ. Do đó, việc lựa chọn laptop có bộ nhớ lớn sẽ giúp bạn thực hiện trơn tru và nhanh chóng các công việc biên dịch và chạy code. Theo các nhà phát triển web, để chạy các chương trình càng lớn thì yêu cần bộ nhớ RAM càng cao, tối thiểu nên là 8GB – 12GB – 16GB và thậm chí là 32GB hay 64GB dành cho các tác vụ như khởi chạy docker container hoặc máy ảo.
Bộ lưu trữ
Bộ lưu trữ được ví von là “kho cái” – nơi lưu trữ tất cả các tệp tài liệu, chương trình và dữ liệu cá nhân. Với lập trình viên cần lựa chọn các dòng laptop có dung lượng ổ cứng tối thiểu là 256GB và cao hơn là 512GB hay 1TB đáp ứng cho yêu cầu xử lý công việc. Trong đó, SSD (Solid State Drive) và HDD (Hard Disk Drive) là hai loại lưu trữ phổ biến trong nhiều dòng laptop thông dụng. Với SSD cho hiệu suất lưu trữ cao, tuy nhiên giá thành đắt đỏ hơn HDD. Để tối ưu công việc cho lập trình viên, bạn có thể lựa chọn SSD để lưu trữ hệ điều hành, biên dịch code, xuất bản chương trình và tải các tác vụ hiện tại đang xử lý. HDD có thể chọn là nơi lưu trữ các nội dung khác như âm nhạc, video, hình ảnh.
Card đồ họa
Bộ xử lý đồ họa hoặc card màn hình sẽ chịu trách nhiệm về hiển thị hình ảnh trên màn hình laptop. Nếu bạn có ý định theo hướng lập trình game thì bạn có thể cân nhắc sử dụng card đồ họa rời, phổ biến nhất là card NVIDIA GeForce RTX. Tuy nhiên, không phải lập trình viên nào cũng cần trang bị card đồ họa rời. Các GPU tích hợp đồ họa Intel UHD, đồ họa Intel Iris Xe hoặc đồ họa AMD Radeon đã đủ cho công việc lập trình.
Độ phân giải và kích thước màn hình rộng
Với các tác vụ lập trình phức tạp, đòi hỏi thời gian xử lý kéo dài nhiều giờ liền, việc lựa chọn một laptop có kích thước và độ phân giải màn hình chất lượng sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt, mang đến trải nghiệm làm việc thoải mái và tự tin. Thông thường các dòng máy tính xách tay sẽ có màn hình với kích thước tiêu chuẩn phổ biến là 13.3, 14, 15 và 17 inch. Tùy vào nhu cầu làm việc và tính cơ động, bạn có thể lựa chọn ra kích thước màn hình phù hợp. Ngoài ra, laptop với kích thước màn hình rộng và độ phân giải cao sẽ cho phép bạn có cái nhìn bao quát cho nhiều dòng code trên màn hình cùng một lúc và đa nhiệm hơn.
Bàn phím
Sẽ thật khó khăn và mệt mỏi bạn khi phải thao tác tạo hay chỉnh sửa các đoạn code với chiếc bàn phím cứng nhắc hay lag, bị kẹt, đơ. Do đó, lập trình viên hãy xem xét chọn lựa bàn phím mang đến trải nghiệm gõ phím nhanh chóng, mượt mà và bền bỉ. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc chọn lựa bàn phím rời, ưu tiên các loại bàn phím có đèn nền để hỗ trợ bạn làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Tuổi thọ pin
Chọn lựa máy có thời lượng pin dài, ít nhất 6 giờ sử dụng liên tục, sẽ giúp bạn xử lý công việc thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu suất và trải nghiệm. Với những lập trình viên hay di chuyển, việc sử dụng laptop có tuổi thọ pin cao sẽ tiện lợi hơn so với việc mang theo cục sạc hay sạc dự phòng bên mình.
Ngoài ra, lập trình viên cũng có thể cân nhắc việc lựa chọn mua một chiếc laptop phù hợp cho công việc thông qua một số yếu tố khác như trọng lượng máy, loại cổng kết nối, độ nhạy bàn di chuyển chuột…
Có nên dùng gaming laptop cho lập trình viên?
Với những tiêu chí kể trên, dòng gaming laptop là một dòng laptop có thể đáp ứng tốt cho công việc của lập trình viên. Nhưng có nên dùng gaming laptop để lập trình?
Trước tiên, hãy điểm qua các ưu điểm nổi bật của gaming laptop đối với công việc lập trình như:
- Hiệu suất mạnh mẽ:
Như bạn đã biết, lập trình đòi hỏi việc xử lý nhiều tác vụ chẳng hạn như biên dịch code, chạy máy ảo hay xử lý nhiều thuật toán phức tạp. Để xử lý các tác vụ nhanh chóng và mượt mà, đòi hỏi người lập trình cần có một chiếc laptop có bộ xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ cao và gaming laptop có thể đáp ứng hoàn hảo những yêu cầu trên.
- Độ phân giải cao cùng kích thước màn hình rộng:
Ấn tượng đầu tiên về gaming laptop chính là màn hình lớn có độ phân giải sắc nét và chi tiết. Nhờ vào đó, các lập trình viên có thể nâng cao trải nghiệm trong quá trình làm việc như hỗ trợ xem các đoạn code phức tạp một cách dễ dàng hơn và tối ưu đa nhiệm, giúp lập trình viên có trải nghiệm làm việc tổng quan hơn. Không những vậy, với độ phân giải cao gaming laptop sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt, giảm thiểu tình trạng mệt mỏi khi liên tục code trong nhiều giờ.
- Nâng cao tính đa nhiệm:
Mở nhiều trình duyệt website, thao tác xử lý code hay chạy máy ảo nếu được thực hiện trên laptop thường với bộ RAM yếu sẽ là một thách thức vô cùng lớn đi kèm rủi ro cao. Thế nhưng, đối với gaming laptop có dung lượng RAM cao, bộ xử lý mạnh, lập trình viên hoàn toàn có thể yên tâm thao tác cùng lúc nhiều tệp công việc mà không lo gặp các sự cố treo máy, chập chờn hoặc lag.
- Kéo dài thời gian làm việc:
Bạn có biết, một trong những điểm chung giữa người chơi game và lập trình viên chính là họ có thể chìm đắm trong thế giới riêng của bản thân hàng giờ liền. Nắm được điểm mấu chốt này, các nhà sản xuất gaming laptop đã trang bị bộ xử lý mạnh mẽ cùng dung lượng bộ nhớ lớn, cho phép người dùng có thể thoải mái xử lý mọi công việc ở cường độ cao.
- Trang bị phần cứng thông minh:
Một phát hiện thú vị cho dòng gaming laptop chính là việc được trang bị phần cứng tiên tiến có khả năng chạy các công cụ phát triển và phần mềm chuyên sâu. Tính năng ưu việt này cho phép gaming laptop vượt xa hiệu suất và nâng cao trải nghiệm sử dụng các công cụ coding so với các dòng laptop thông thường.
- Thuận tiện thao tác với hệ thống đèn bàn phím:
Thêm một ưu điểm để cân nhắc chọn lựa gaming laptop cho lập trình viên chính là hệ thống đèn nền từ bàn phím. Trong quá trình làm việc, hệ thống đèn bàn phím với ánh đèn dịu nhẹ, hỗ trợ lập trình viên duy trình quá trình làm việc thuận lợi bằng cách cho phép bạn xác định đúng vị trí các phím và tổ hợp phím một cách dễ dàng. Đồng thời, đặc điểm này cũng giúp đôi mắt bớt mỏi khi phải tập trung xử lý công việc trong điều kiện thiếu ánh sáng.
- Thoải mái lưu trữ dữ liệu:
Với dòng gaming laptop, người dùng sẽ được cung cấp bộ nhớ lưu trữ SSD và HDD cho phép bạn lưu trữ kho dữ liệu lớn, hơn hết nó cũng giúp gia tăng hiệu suất xử lý thông tin. Là một lập trình viên, chắc chắn bạn cần một không gian lưu trữ lớn để cho phép lưu trữ các dự án, dữ liệu, trình duyệt chỉnh sửa code…
Song hành với những ưu điểm nói trên, gaming laptop cũng có một vài nhược điểm đối với lập trình viên:
- Đầu tiên, gaming laptop thiếu tính di động do phần cứng nặng, nên chúng có xu hướng thiết kế cồng kềnh và nặng hơn so với các phiên bản laptop mỏng nhẹ.
- Thứ hai, tuổi thọ pin ngắn do quá trình tiêu thụ điện năng liên tục và kéo dài.
- Cuối cùng, với nhiều ưu điểm nổi bật nên giá thành của gaming laptop cũng cao hơn so với các dòng laptop thông thường.
Giải đáp các thắc mắc liên quan đến laptop cho lập trình viên
Có thể học lập trình qua điện thoại được không?
Bạn hoàn toàn có thể học lập trình trên một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng thông qua các ứng dụng cơ bản, nếu không có laptop. Những ứng dụng này có thể bao gồm các trò chơi cho người bắt đầu, đến các khóa học chuyên môn về cách viết và tạo các đoạn code. Gợi ý đến bạn, một số phần mềm giúp việc học lập trình trên điện thoại trở nên tiện lợi hơn như SoloLearn, Aide, Programming Hub, Grasshopper hay Pythonista…
Nên sử dụng laptop Windows i5 hay i7 để tốt hơn khi lập trình?
Đối với dân lập trình, laptop với bộ xử lý Intel Core i5 đã là lựa chọn phù hợp khi thực hiện các tác vụ liên quan đến lập trình. Với lõi xử lý mạnh mẽ, i5 xử lý triệt để các tác vụ phức tạp, đồng thời cân bằng giữa khả năng chi trả cùng hiệu suất công việc. Tuy nhiên đối với các tác vụ phức tạp, như chạy máy ảo, yêu cầu bộ xử lý cao cấp hơn thì laptop với bộ xử lý Intel Core i7 lại được khuyến nghị hơn. Intel Core i7 cho phép lập trình viên cùng một lúc thực hiện nhiều thao tác phức tạp và chạy nhiều ứng dụng trên trình duyệt.
Nên sử dụng RAM bao nhiêu GB khi lập trình?
Như đã phân tích ở trên, dung lượng RAM lớn cho phép lập trình viên đa nhiệm do khả năng lưu trữ thông tin lớn. Các ứng dụng chạy máy ảo hay biên dịch có dung lượng cao chiếm khá nhiều diện tích bộ nhớ thì nên chọn RAM từ 16GB trở lên. Tuy nhiên, lập trình viên nên chọn RAM tối thiểu từ 8GB cho đến 16GB, không nên chọn RAM 4GB để lập trình.
Tổng kết laptop cho lập trình viên
Tổng kết lại, việc chọn máy tính xách tay phù hợp để lập trình là một quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả, sự thoải mái và trải nghiệm lập trình tổng thể của bạn. Bằng cách xem xét các yếu tố như sức mạnh bộ xử lý, RAM, bộ lưu trữ, chất lượng hiển thị và tính di động, lập trình viên có thể tìm thấy một chiếc máy tính xách tay hoàn toàn phù hợp với nhu cầu công việc để phát huy tối đa tài năng.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!