Nội dung chính
- Định hướng nghề nghiệp là gì?
- Định hướng nghề nghiệp có vai trò như thế nào với Developer?
- Khi nào thì nên bắt đầu nghĩ về định hướng nghề nghiệp?
- Sai lầm Developer thường mắc phải khi định hướng nghề nghiệp
- Các bước định hướng nghề nghiệp trong năm 2023 giúp Developer “thăng hạng”
- Làm thế nào khi định hướng nghề nghiệp đúng nhưng lại khó “hiện thực hoá” ở công ty?
Định hướng nghề nghiệp là việc đưa ra các quyết định lựa chọn cho công việc và nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Không riêng gì các Developer, các cá nhân trong bất cứ ngành nghề nào muốn phát triển sự nghiệp cũng cần có định hướng nghề nghiệp cho riêng mình.
Hãy cùng ITviec tìm hiểu các yếu tố có thể ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của Developer trong bài viết sau, cũng như những lời khuyên về định hướng nghề nghiệp trong năm 2023 để sự nghiệp thăng hạng.
Định hướng nghề nghiệp là gì?
Định hướng nghề nghiệp là hướng đi mà một cá nhân chọn, về mặt nghề nghiệp, trong suốt cuộc đời của họ. Nếu một người luôn chọn hoặc theo đuổi một loại công việc nhất định, hoặc một công việc trong một lĩnh vực cụ thể, thì đây có thể được xem là định hướng nghề nghiệp của họ.
Định hướng nghề nghiệp có thể xuất phát từ sở thích hoặc khả năng nổi trội. Đối với những người đã đi làm, định hướng nghề nghiệp là vạch ra các bước đi đúng đắn để có thể phát triển sự nghiệp theo hướng đó trong tương lai xa. Bạn cần phải biết đích đến của mình ở đâu? Những chặng đường nào mình cần phải đi qua để có thể tới được đích?
Nhiều cá nhân phát triển nghề nghiệp không chỉ dựa trên sở thích hay năng lực của họ, mà còn dựa trên cách họ thích làm việc. Ví dụ, một số người thực sự thích làm việc theo nhóm, trong khi những người khác làm việc độc lập tốt hơn. Một số người thích sáng tạo, trong khi những người khác muốn có những nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành mỗi ngày. Một số người thích làm việc với đồng nghiệp ở văn phòng, trong khi có những người cảm thấy làm việc từ xa hiệu quả hơn. Mỗi khía cạnh tính cách này có thể giúp tạo nên định hướng nghề nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp có vai trò như thế nào với Developer?
Đối với lĩnh vực lập trình, các yếu tố có thể tác động đến định hướng nghề nghiệp của Developer có thể xuất phát từ sở thích và năng lực cá nhân, hay từ tác động của môi trường như cơ hội việc làm, xu hướng thị trường, mức lương. Ngoài việc là vị trí được trả lương cao và được săn đón nhiều, Developer còn có cơ hội thử sức ở nhiều dự án khác nhau, từ đó tìm được định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất.
Tham khảo các Con đường sự nghiệp dành cho Developer tại đây.
Định hướng nghề nghiệp giúp Developer khoanh vùng phạm vi để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình, rút ngắn thời gian đạt đến vị trí mong muốn, hạn chế các sai lầm trong lựa chọn công việc, hoặc phải làm những việc bản thân không thích hoặc không phù hợp.
Triển vọng nghề nghiệp của Developer, theo số liệu gần nhất từ cục Thống kê Hoa Kỳ, vẫn rất tươi sáng trong vòng 8 năm tới. Cụ thể, số lượng dự án cần nguồn lực kỹ sư phần mềm (vốn được biết đến rộng rãi như Developer tại Việt Nam) sẽ tăng trưởng 26% trong giai đoạn 2021-2031.
Định hướng nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của các lập trình viên (Nguồn ảnh: Storyset)
Để hiện thực hoá các định hướng nghề nghiệp đã đặt ra, Developer ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn còn cần phát triển các kỹ năng mềm. Một khi bạn tự tin về kỹ năng kỹ thuật, thuần thục ít nhất một loại ngôn ngữ lập trình, nhanh nhạy với những thay đổi liên tục của công nghệ và phát triển các kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề linh hoạt cũng như sử dụng tiếng Anh thành thạo… thì những cánh cửa mới sẽ mở ra.
Khi nào thì nên bắt đầu nghĩ về định hướng nghề nghiệp?
Định hướng nghề nghiệp nên được xác định cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn và càng sớm càng tốt.
Nếu bạn là một Developer mới vào nghề, hãy cố gắng học tập và nâng cao kỹ năng chuyên môn, nắm vững quy trình phát triển sản phẩm, bạn sẽ tạo cho mình một nền tảng vững chắc để gia tăng giá trị trong bất kỳ công ty nào. Trong giai đoạn khởi đầu này, không ngừng học hỏi là điều cần thiết. Tuy nhiên, bạn hãy luôn để mắt đến việc xây dựng định hướng nghề nghiệp để tránh đi đường vòng, lãng phí thời gian cho những vị trí hay công việc không phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.
Sau một vài năm, khi đã trở thành Senior Developer có kinh nghiệm, nắm vững vòng đời phát triển phần mềm và có khả năng đào tạo hoặc quản lý một nhóm nhỏ các Junior Developer, bạn có thể nghĩ đến các định hướng công việc chuyên sâu hơn như trở thành Tech Lead, Technical Architecture, hay CTO. Hoặc, học thêm các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian, các kiến thức liên quan đến kinh doanh… để trở thành Project Manager.
Sai lầm Developer thường mắc phải khi định hướng nghề nghiệp
Bởi vì Developer có thể theo đuổi nhiều con đường khác nhau trong lĩnh vực lập trình và phát triển web, vì vậy điều quan trọng là cần định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Dưới đây là một số cạm bẫy khi định hướng nghề nghiệp mà bạn cần lưu ý để tránh mắc phải sai lầm:
- Coi nhẹ định hướng nghề nghiệp
Việc coi nhẹ định hướng nghề nghiệp có thể dẫn đến định hướng nghề nghiệp chậm trễ, mất thời gian vào những công việc hay vị trí không phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường, khiến bạn bị hạn chế trong việc phát triển năng lực và đạt đến những đích đến cao hơn trong sự nghiệp.
- Thiếu suy nghĩ thấu đáo
Một sai lầm khác mà các Developer cũng thường hay mắc phải khi định hướng nghề nghiệp là thiếu suy nghĩ thấu đáo, nghĩa là định hướng nghề nghiệp quá khác biệt so với năng lực và sở thích cá nhân. Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu trở thành Project Manager nhưng bạn lại chưa giỏi giao tiếp, chưa có khả năng quản lý con người, công việc và thời gian tốt thì rất khó đảm nhiệm vị trí này.
- Không chú trọng phát triển kỹ năng mềm
Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, Developer đừng nên quá đắm chìm trong công việc và tư duy logic mà quên đi phát triển các kỹ năng xã hội. Muốn hướng đến các vai trò quản lý, bạn cần trau dồi kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Mọi người đều thích làm việc cùng những người khéo léo và giỏi giao tiếp. Thực tế cho thấy, cho dù bạn cực kỳ giỏi một ngôn ngữ lập trình nào đó, nhưng việc không khéo giao tiếp có thể kéo sự nghiệp của bạn đi xuống so với một lập trình viên có tay nghề non hơn và gây ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp lâu dài.
- Định hướng nghề nghiệp theo trào lưu
Ở mỗi thời điểm, bạn sẽ nhận thấy sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của một công nghệ mới hoặc sự tăng trưởng ồ ạt về nhu cầu tuyển dụng đối với một vị trí công việc cụ thể (chẳng hạn AI Engineer, Tester…). Tuy nhiên, mạo hiểm rẽ hướng sự nghiệp sang một nghề khác, một con đường mới chỉ để không bị bỏ lại phía sau “trào lưu” là điều bạn nên cân nhắc.
Thứ nhất, có thể tính cách, năng lực và sở trường của bạn không phù hợp với định hướng nghề nghiệp mới. Ví dụ: Bạn là Developer, bạn thấy nghề Tester đang được ưa chuộng trên thị trường, bạn quyết định thử sức mình với vị trí này. Nhưng sau một thời gian gắn bó, bạn cảm thấy nghề Tester không thú vị như những gì bạn hình dung, bạn bắt đầu cảm thấy nhàm chán khi cứ phải tìm bug suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và rồi bạn mất dần phương hướng, không biết phải nên làm gì tiếp theo.
Thứ hai, định hướng nghề nghiệp theo trào lưu sẽ khiến bạn có nguy cơ bị “đào thải” khi một làn sóng trào lưu khác xuất hiện. Ví dụ: Đã từng có thời điểm Blockchain Developer là vị trí được săn đón rất nhiều trên thị trường IT Việt Nam. Tuy nhiên, với sự liên đới và ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị, kinh tế toàn cầu, dẫn đến công nghệ Blockchain không còn quá hấp dẫn như trước và nhu cầu đối với vị trí Blockchain Developer cũng dần sụt giảm, đồng nghĩa mức độ cạnh tranh khi tìm việc làm của những Blockchain Developer cũng ngày càng gia tăng.
Các bước định hướng nghề nghiệp trong năm 2023 giúp Developer “thăng hạng”
- Tham gia đánh giá cuối năm để hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
Tuỳ theo chính sách của mỗi công ty mà một năm sẽ có 1-2 lần đánh giá hiệu suất (performance review), nhưng phổ biến nhất vẫn là buổi đánh giá cuối năm. Lời khuyên dành cho các Developer là nên tham gia nghiêm túc các lần đánh giá này để hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhìn nhận lại hiệu quả công việc mình đã làm trong năm, và những điểm nào/kỹ năng nào cần được cải thiện.
Tham gia đánh giá cuối năm để hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân (Nguồn ảnh: Storyset)
Thông thường, ở các công ty công nghệ tốt, đánh giá cuối năm đều dựa trên các tiêu chí rõ ràng, cụ thể dành cho mỗi cấp bậc hoặc vị trí. Ngoài đánh giá hiệu quả công việc cá nhân, bạn còn có thể đánh giá quản lý của mình, môi trường làm việc tại công ty, đồng nghiệp làm chung bộ phận, cũng như góp ý về những điều công ty có thể cải thiện thêm.
Đánh giá cuối năm là cơ hội để bạn nhìn nhận chính bản thân mình, cũng như nhìn nhận quy trình của công ty. Nếu bạn thấy công ty hiện tại không có các tiêu chí và kỳ vọng rõ ràng dành cho vị trí của bạn thì đây là một rào cản để đánh giá hiệu suất một cách công bằng. Bạn có thể góp ý cho quản lý trực tiếp của mình, hoặc góp ý cho bộ phận nhân sự. Nếu bạn không nhận được bất kỳ phản hồi cụ thể nào, đã đến lúc bạn nên nghĩ đến chuyện phát triển sự nghiệp ở một nơi khác phù hợp hơn.
- Tìm hiểu kỹ lưỡng về các hướng phát triển nghề nghiệp theo chiều ngang, chiều dọc
Trong lĩnh vực lập trình, phát triển nghề nghiệp theo chiều ngang là định hướng trở thành quản lý, trong khi phát triển nghề nghiệp theo chiều dọc là đảm nhiệm các công việc kỹ thuật (technical) chuyên sâu.
Như đã đề cập ở mục 1, định hướng nghề nghiệp có thể xuất phát từ sở thích, hoặc khả năng nổi trội của bản thân. Do đó, khi bạn cảm thấy mình là người yêu thích làm việc chung với người khác, có thể đảm nhiệm vai trò kết nối và điều phối các thành viên trong dự án để xây dựng và phát triển sản phẩm, thì bạn có thể hướng đến vị trí quản lý. Nếu bạn cảm thấy mình là người thích nghiên cứu, tìm tòi giải pháp giải quyết vấn đề, thì bạn có thể phát triển theo hướng chuyên sâu về kỹ thuật.
Khi phát triển nghề nghiệp theo chiều dọc, nếu Developer muốn thực sự chuyên sâu vào một mảng mà họ thực sự đam mê và muốn gắn bó với vị trí này trong sự nghiệp dài hạn thì định hướng nghề nghiệp phổ biến nhất là đi từ Junior Developer lên Senior Developer. Ví dụ: từ Junior Front-end Developer trở thành Senior Front-end Developer.
Trường hợp vẫn phát triển chuyên môn nhưng Developer thuần thục cả Front-end và Back-end thì các bạn có thể định hướng trở thành Full-stack Developer, Technical Architect, Technical Lead.
Còn nếu phát triển nghề nghiệp theo chiều ngang thì sau khi trau dồi và tự tin với kỹ năng quản lý, bạn có thể suy nghĩ theo đuổi định hướng trở thành Project Manager hoặc chuyển sang nghề mới để hướng đến vị trí Manager/Director. Ví dụ: từ Developer chuyển sang làm Product Owner rồi lên vị trí Product Manager và cao hơn nữa là Chief Product Officer; hoặc chuyển sang làm QA-QC để trở thành QA-QC Manager.
Làm thế nào khi định hướng nghề nghiệp đúng nhưng lại khó “hiện thực hoá” ở công ty?
Tự tin bước ra vùng an toàn của chính mình
Không chỉ với các Developer mà mỗi cá nhân khi muốn tạo sự đột phá trong sự nghiệp đều phải bước qua “vùng an toàn” của chính mình.
Các Developer ở trong “vùng an toàn” có thể bị giảm kỹ năng code do thiếu sự nhanh nhạy. Không chỉ vậy, nếu bạn không liên tục cập nhật được các kỹ thuật mới, khả năng chuyên môn của bạn sẽ bị thụt lùi so với tốc độ phát triển của công nghệ.
Lời khuyên dành cho các Developer: hãy thường xuyên tạo ra một khoảng nghỉ cho bản thân để biết mình đang đứng ở đâu, những gì đang xảy ra ngoài vòng tròn an toàn xung quanh bạn, liên tục học hỏi, cập nhật thông tin liên quan đến công nghệ và công việc bạn đang làm và mạnh dạn thay đổi; thậm chí, bạn có thể tìm lời khuyên từ những người đi trước để tự tin hơn với quyết định của chính mình.
Tham gia đánh giá cuối năm để hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân (Nguồn ảnh: Storyset)
Cân nhắc nghỉ việc
Sự nghiệp của một Developer sẽ không giới hạn ở một công ty duy nhất, vậy nên khi cảm thấy vị trí hiện tại đã giúp bạn học hỏi đủ, và công ty không có hướng phát triển tiếp theo phù hợp với bạn, thì việc tìm kiếm cơ hội tại một công ty mới là một phương án hợp lý. Tuy nhiên trước khi bắt đầu công việc mới, bạn cần tuân thủ quy trình nghỉ việc theo đúng quy định của công ty cũ, tránh nghỉ ngang. Một mặt, việc thực hiện đúng quy trình nghỉ việc thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Mặt khác, điều đó giúp đảm bảo phúc lợi của bạn, ví dụ: được nhận đủ lương, được đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Mở rộng cơ hội: Làm việc từ xa
Làm việc từ xa (remote) là một khái niệm quen thuộc kể từ sau đại dịch Covid-19. Đối với lĩnh vực phát triển phần mềm, không khó để bạn có thể tìm được công việc làm từ xa trên các trang tìm kiếm việc làm online. Một Developer tại Việt Nam hoàn toàn có thể ngồi tại nhà, góp mặt trong một dự án công nghệ tài chính (Fintech) tại Dubai và nhận đầy đủ các chế độ phúc lợi như một nhân viên văn phòng bình thường. Điều quan trọng nhất là bạn cần đảm bảo được hiệu quả cao trong công việc cho dù không có mặt tại văn phòng.
Bạn đã bắt đầu nghĩ đến phương án đưa công việc từ xa vào định hướng nghề nghiệp của riêng mình? Sao lại không khi bạn hoàn toàn đủ khả năng: giỏi kỹ thuật và sử dụng tiếng Anh lưu loát. Một số vị trí remote tại Việt Nam thậm chí còn không yêu cầu ngoại ngữ, nếu cảm thấy yêu thích, bạn đừng ngại thử sức mình.
Định hướng nghề nghiệp chỉ là khái niệm, nhưng khi bạn bắt đầu ngồi xuống và liệt kê ra những hướng đi mình muốn theo đuổi để thành công hơn, hạnh phúc hơn trên con đường sự nghiệp tương lai thì nó sẽ chuyển hoá thành hành động. Hãy một lần nữa rà soát lại định hướng nghề nghiệp, liên hệ với hiểu biết về bản thân để đánh giá mức độ tương thích, tham khảo thông tin xu hướng thị trường, xác định mục tiêu tiếp theo, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm, và quyết đoán theo đuổi đến cùng nhé.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!