Nội dung chính
- Chào anh David, công việc hằng ngày của một CTO là gì vậy anh?
- Một CTO phải siêu giỏi code, điều này có đúng không?
- Vậy theo anh, những kỹ năng cần thiết đối với một CTO là gì?
- Anh có thể cho biết thử thách lớn nhất của một CTO làm việc trong một Start up?
- Vậy anh làm sao để tìm được người tài cho team mình?
- Anh có thể chia sẻ cách làm việc với team mà anh cho là hiệu quả nhất?
- Anh có thể chia sẻ một sai lầm mà mình đã từng mắc phải?
- Anh có lời khuyên nào cho các quản lý muốn trở thành CTO không?
- Anh có thể chia sẻ nguồn tài liệu hữu ích cho các bạn Junior?
CTO (Chief Technology Officer) là “đỉnh cao” nghề nghiệp mà bất cứ Developer nào cũng muốn vươn tới. Để đạt được mức thu nhập dẫn đầu lương ngành công nghệ thông tin, vị trí CTO phải “gánh vác” những trách nhiệm lớn hơn và không ngừng trau dồi nhiều kĩ năng khác ngoài code.
Đọc phỏng vấn của ITviec với anh David Rossellat, CTO của MySquar Việt Nam để biết được:
- Nhiệm vụ của một CTO là gì, đặc biệt trong Start-up.
- Những kỹ năng cần thiết cho một CTO.
- Các lời khuyên giúp bạn rèn luyện để trở thành CTO tương lai.
Xem việc làm Technical Manager trên ITviec
Chào anh David, công việc hằng ngày của một CTO là gì vậy anh?
Mỗi công ty sẽ có một nhiệm vụ cụ thể cho vị trí CTO này. Nhìn chung, trong các công ty lớn thì nhiệm vụ chính của CTO là theo sát đội ngũ kỹ thuật.
Tại một Start-up như MySquar Việt Nam thì CTO phải làm đảm nhiệm nhiều hơn thế. Nhiệm vụ của anh cũng bao gồm việc xây dựng một team Marketing và quản lý họ.
Gần đây, anh cũng tham gia vào các quyết định làm sản phẩm và hiểu rõ xu hướng công nghệ. Anh cũng có nhiệm vụ phải quyết định dùng những công nghệ nào khác cho các sản phẩm, cũng như nghĩ về hướng phát triển của công ty với những bộ phận khác nhau như Marketing.
Một CTO phải siêu giỏi code, điều này có đúng không?
Code là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Hầu hết các CTO đều từng là một Software Engineer và ai cũng đã từng phải code cả ngày.
Tuy nhiên, theo anh thì không cần thiết phải siêu giỏi code nếu muốn làm một CTO.
Thật sự thì một CTO hay bất kì quản lý nào cũng phải có nhiều việc để tập trung hơn ngoài code.
Để giỏi một ngôn ngữ lập trình thì cần rất nhiều thời gian nhưng với những quản lý thì không có đủ thời gian để chỉ tập trung code thôi.
Với anh, nếu không có đủ thời gian code khi trong yêu cầu công việc không bắt buộc, anh cũng cố gắng hết sức để tiếp xúc với code càng nhiều càng tốt. Do đó, anh nghĩ rằng một CTO vẫn cần phải biết code, đặc biệt cũng cần phải biết cách xây dựng các sản phẩm mới, tiếp cận với những giá trị và công nghệ mới. Nhưng đó không phải là tất cả, vì thật ra thì anh cũng có một team đầy những chuyên gia lập trình giúp anh làm việc đó đấy thôi!
Đọc thêm: Không lập trình khi rảnh rỗi có biến bạn thành Developer tồi?
Vậy theo anh, những kỹ năng cần thiết đối với một CTO là gì?
- Bên cạnh coding thì một CTO còn phải biết làm việc với con người và xây dựng được một team mạnh.
CTO cần phải đảm bảo rằng mình tìm được đúng đồng đội và họ phải được khai thác tối đa tiềm năng. Tiêu biểu là phải đưa người thích hợp làm công việc thích hợp qua việc liên tục hướng dẫn cho họ. Ngoài ra, em cũng cần phải hiểu rõ quy trình phát triển sản phẩm để ra quyết định người này có thích hợp làm trong môi trường này không.
- Một CTO rất cần phải hiểu rõ và theo sát quy trình làm sản phẩm vì có rất nhiều thứ cần phải làm trong việc xây dựng nên một sản phẩm tốt.
Một điều quan trọng trong quá trình này là phải đưa ra hướng xây dựng sản phẩm đúng và thích hợp với đội ngũ nhân viên mình đang có. Bên cạnh đó là hiểu rõ và tiếp xúc nhiều với những đối tượng sử dụng sản phẩm đó.
- Một kỹ năng quan trọng khác là tìm ra những công nghệ mới đem vào ứng dụng cho công ty.
Trong thế giới này, công nghệ phát triển rất nhanh và ngày càng nhanh hơn. Một CTO nên để ý những công nghệ mới mà có thể giúp team của bạn đỡ vất vả hơn và tiết tiệm thời gian làm việc hơn.
Anh có thể cho biết thử thách lớn nhất của một CTO làm việc trong một Start up?
Thử thách lớn nhất và quan trọng nhất là phải tìm được đồng đội thích hợp trong hàng trăm ứng viên, là những người tài và nhiệt tình, tự tin và có trách nhiệm với công việc. Vì một Start-up có rất nhiều việc phải làm nên rất khó cho anh tìm được người thích hợp.
Hơn nữa, chuyện tuyển dụng cho công ty sẽ chiếm hết mọi thời gian của anh. Cuối cùng, anh quyết định chọn những Junior có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, chọn họ thì yêu cầu CTO phải liên tục hướng dẫn và chỉ bảo cho họ cho đến khi họ trở thành các master.
Vậy anh làm sao để tìm được người tài cho team mình?
Khi MySquar nhận ra rằng mình cần nhiều người hơn, cả team đã đưa ra những chiến lược để giải quyết. Chúng tôi đã làm mọi cách có thể từ việc quảng bá cho chính mình, tham dự những hội chợ việc làm, tổ chức các workshop… Anh cần đảm bảo rằng mọi người đều biết về MySquar và muốn tham gia xây dựng một sản phẩm như vậy.
David và đồng nghiệp tại MySquar
Anh có thể chia sẻ cách làm việc với team mà anh cho là hiệu quả nhất?
Hãy theo sát và luôn bên cạnh các đồng đội của mình. Không phương tiện nào thay thế được việc trao đổi trực tiếp với họ.
Những notification liên tục trên laptop của bạn từ các phần mềm quản lý như JIRA, Crashlytics, Airbrake hay các cập nhật từ Slack và Github khiến bạn có cảm nhận sai rằng bạn đang làm chủ được mọi thứ. Nói thật thì trong thực tế, những công cụ này khiến bạn không phát hiện ra những vấn đề thực sự có thể xuất hiện trong code hay trong team của bạn.
Một giải pháp của anh cho vấn đề này là nên nói chuyện trực tiếp với các bạn đồng nghiệp. Sẽ có những vấn đề mà em nghĩ nó đơn giản nhưng khi nói ra, trao đổi với nhau thì mới biết mình đã bỏ sót một chuyện lớn như vậy.
Anh có thể chia sẻ một sai lầm mà mình đã từng mắc phải?
Như anh đã nói thì các bạn nên theo sát việc code. Đó cũng là sai lầm lớn nhất của anh khi đã từng không tập trung vào việc code.
Khi bạn bỏ code và tập trung vào những việc khác thì bạn sẽ không thể hiểu được những khía cạnh đang có vấn đề của sản phẩm. Vì một quản lý cần phải làm nhiều việc khác nữa nên anh quá bận và rất dễ bị phân tâm qua những việc khác. Anh không thể có đủ thời gian vừa code vừa cập nhật thông tin về công ty, nhân sự…
Một điều anh rút ra trong sự nghiệp là cần phải tiếp tục công việc gốc của mình là code.
Khi làm quản lý, những công việc hằng ngày sẽ dễ dàng mang bạn ra khỏi cái “gốc” Coder của mình. Do đó, code mỗi ngày là cách duy nhất giúp anh duy trì được kỹ năng kỹ thuật của mình để có quyết định đúng trong việc chọn kỹ thuật thích hợp cho công ty.
Vì thế giới này thay đổi rất nhanh nên ai cũng cần phải nỗ lực và tỉnh táo để bắt kịp nó. Khi không cập nhật tình hình công nghệ, bạn sẽ không thể đối mặt với những xu hướng đang xảy ra. Gần đây, anh đang cố gắng nghiên cứu học RxJava and Lambda Expression.
Anh có lời khuyên nào cho các quản lý muốn trở thành CTO không?
Trở thành CTO là một quá trình rất dài. Không chỉ phải cần giỏi code là được vì vị trí này không được đo bằng trình độ kỹ thuật. Theo anh thì các bạn nên rèn luyện để có thêm những điều sau đây:
- Phải tìm được đúng đồng đội và có tầm nhìn. Nghĩa là khi bạn làm quản lý, bạn phải đưa đúng người lên làm đúng việc và làm hiệu quả cho đến hết tiềm năng của họ.
- Chọn được kỹ thuật đúng cho sản phẩm và mang đến những quyết định đúng. Điều quan trọng hơn là bạn cần phải đam mê xây dựng nên một sản phẩm mà mọi người cần, muốn dùng.
- Một CTO trong Start-up luôn cần phải đam mê công nghệ. Họ phải dự liệu được tốc độ mà team có thể xây dựng sản phẩm đó và mức độ thành công của nó sẽ ra sao để có những quyết định đúng.
Anh có thể chia sẻ nguồn tài liệu hữu ích cho các bạn Junior?
Anh đề xuất các khóa học phần mềm tại edX và Coursera là những lớp học online tuyệt vời, kể cả những khóa học miễn phí hay có phí. Chất lượng khóa học theo anh thấy là khá cao vì được cung cấp bởi những trường đại học hàng đầu.
Theo cá nhân anh thì việc học hỏi không thể thành công nếu không có sự đấu tranh. Anh tin rằng cách tốt nhất để học và trưởng thành trong sự nghiệp là ném mình vào những tình huống khiến bản thân không hề cảm thấy thoải mái, tới những lúc mà bạn còn không biết là mình có làm được không.
Anh chưa bao giờ hối hận khi làm một công việc mà anh không hoàn toàn đủ tiêu chuẩn. Nếu các bạn tự nói với mình rằng “Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả” thì đó là một dấu hiệu tốt để bắt đầu học đấy!
Cám ơn anh David. Chúc anh luôn thành công trong công việc.
Tiểu sử: Anh David Rossellat bắt đầu sự nghiệp với vị trí Developer. Sau 2 năm làm việc, anh bắt đầu làm Manager, Technical Director cho nhiều công ty tại Canada và Bắc Mỹ.
Vào năm 2013, anh đến Việt Nam và trở thành CTO của MySquar với sản phẩm là mạng xã hội đầu tiên của Myanmar. Anh đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng các web platform và mobile app.
Xem việc làm Technical Manager trên ITviec
Nếu bạn thấy bài viết này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.