Theo một khảo sát do Zippia công bố vào năm 2023, hầu hết các nhà tuyển dụng khi đọc CV thường đã có thể đưa ra quyết định chỉ trong vòng 1 phút đầu tiên. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV chuyên nghiệp và chinh phục nhà tuyển dụng chỉ trong vòng 60 giây đó!

Bài viết này sẽ giúp bạn:

  • Nhận diện những lỗi viết CV nghiêm trọng mà bạn có nguy cơ phạm phải
  • Tổng hợp cách viết CV chuyên nghiệp dễ hiểu và dễ áp dụng hơn bạn nghĩ

Bài viết được “lấy cảm hứng” dựa trên 5 sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi viết CV IT:

Viết CV dài 2 trang theo thứ tự đảo ngược

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

  • Đối với các vị trí Junior: Nên viết CV dài tối đa 2 trang
  • Đối với các vị trí Senior: Nên viết CV dài tối đa 5 trang
  • Trình bày phần “Kinh nghiệm làm việc” theo thứ tự thời gian đảo ngược sẽ được nhà tuyển dụng yêu thích

Theo chia sẻ từ các nhà tuyển dụng IT trên ITviec, hầu hết các nhà tuyển dụng IT đều thích CV dài tối đa 2 trang. Đối với những vị trí Senior có nhiều năm kinh nghiệm, thì không nên dài quá 5 trang mà chỉ nên dài từ 3 đến 5 trang CV.

Và như đã nêu trước đó, các nhà tuyển dụng thường đưa ra quyết định ngay chỉ trong 1 phút đầu tiên. Do đó, hãy viết một CV IT ngắn gọn và súc tích để nhà tuyển dụng có thể thu thập đủ thông tin chỉ trong 1 phút và đưa ra quyết định.

Ngoài ra, với những ứng viên IT có nhiều năm kinh nghiệm, việc trình bày kinh nghiệm làm việc hợp lý và trật tự là điều cực kỳ quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ hoang mang và khả năng cao là sẽ loại ngay CV nếu mục Kinh nghiệm làm việc được viết thiếu trật tự!

Theo đó, trình bày theo thứ tự thời gian đảo ngược là cách viết CV chuyên nghiệp nhà tuyển dụng yêu thích nhất.

Đưa những từ khóa chuyên môn vào CV IT

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

Đưa những từ khóa chuyên môn mà nhà tuyển dụng đã sử dụng trong Mô tả công việc sẽ giúp CV IT vượt qua hệ thống lọc CV.

Theo khảo sát của Zippia, có đến ¾ công ty quy mô lớn, và khoảng 98,8% công ty thuộc danh sách Fortune 500, sử dụng hệ thống theo dõi ứng viên (Applicant Tracking System – ATS) để tự động sắp xếp, quét và xếp hạng CV bằng cách quét các từ khóa đầu vào do nhà tuyển dụng cung cấp. Có rất nhiều CV, tuy kinh nghiệm làm việc rất tốt và phù hợp, đều không vượt qua được phần mềm này do thiếu đi những từ khóa chuyên môn cần thiết.

Tuy nhiên, cũng theo Zippia, 32% hồ sơ bị từ chối vì sao chép gần như hoàn toàn từ khóa hay cách đặt câu được sử dụng trong mô tả công việc mà không thật sự hiểu chúng, không đúng ngữ cảnh. Thay vào đó, ứng viên nên viết câu mô tả kinh nghiệm và dự án một cách hấp dẫn, tối ưu cách sử dụng những từ khóa chuyên môn ở các phần có liên quan.

Chính vì thế, ngoại trừ những từ khóa về kỹ năng, chuyên môn đã được nhà tuyển dụng nêu ra ngay trong mô tả công việc, bạn có thể tham khảo thêm những từ khóa liên quan đến kỹ năng phổ biến nhất ở các vị trí IT:

Vị trí Từ khóa liên quan đến kỹ năng
Data Analyst Python

SQL

R

Power BI

Statistics

Tableau

Data Visualization

NumPy

Microsoft Excel

SAS

Product Manager Agile

Product Management/ Quản lý sản phẩm

Project Management/ Quản lý dự án

Leadership/ Khả năng lãnh đạo

JIRA

Scrum

Problem Solving/ Giải quyết vấn đề

Strategic Thinking/ Tư duy chiến lược

Communication/ Kỹ năng giao tiếp

SQL

Project Manager Project Management

Communication/ Kỹ năng giao tiếp

Leadership/ Khả năng lãnh đạo

Microsoft Office

Microsoft Project

Problem Solving/ Giải quyết vấn đề

Time Management/ Quản lý thời gian

Risk Management/ Quản lý rủi ro

Strategic Planning/ Kỹ năng lập kế hoạch chiến lược

PMP Certification

Software Engineer Java

Python

JavaScript

SQL

C#

C++

Node.js

Project Management

Problem Solving

Communication

Trình bày dự án, sản phẩm thực tế trong CV IT

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

Đừng chỉ đơn thuần nêu kinh nghiệm làm việc mà hãy trình bày dự án và sản phẩm thực tế vào CV.

Điều này sẽ giúp bạn nhà tuyển dụng thấy được bạn sở hữu những kỹ năng, thành tích, kinh nghiệm, v.v. phù hợp với tiêu chí tìm kiếm.

Một trong những cách hiệu quả nhất để tạo sự khác biệt giữa bạn và những ứng viên khác trong một thị trường ứng tuyển đầy cạnh tranh là có những dự án, sản phẩm thực tế thể hiện được thành tích và kỹ năng của bạn. Chúng sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn có thể hoàn thành tốt những công việc được nêu ra trong mô tả công việc và đã từng thực hiện những dự án, sản phẩm có số lượng thành viên tham gia, công nghệ và kỹ năng sử dụng phù hợp với tiêu chí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Đồng thời, theo chia sẻ từ chính các nhà tuyển dụng IT trên ITviec, gần 90% nhà tuyển dụng đều đồng ý rằng việc có portfolio đặc biệt quan trọng nếu bạn làm việc trong các lĩnh vực yêu cầu sự sáng tạo như Thiết kế UI-UX. Còn nếu bạn là Developer, nhà tuyển dụng mong muốn bạn đính kèm đường dẫn GitHub cá nhân.

Một lưu ý nhỏ, cũng là cách viết CV chuyên nghiệp vô cùng quan trọng, đó chính là hãy chắc chắn rằng đường link mà bạn đính kèm trong CV là link CHÍNH XÁC. Có nghĩa, link đó còn hạn và dẫn đến đúng nơi mà bạn muốn nhà tuyển dụng truy cập.

Điều chỉnh CV của bạn phù hợp cho một vị trí cụ thể

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

Dù nhà tuyển dụng không yêu cầu, bạn vẫn nên đính kèm Cover Letter khi gửi CV. Đồng thời, ghi rõ tên người Hiring Manager trong Cover Letter hoặc email gửi đến nhà tuyển dụng cho thấy được CV mà bạn gửi là CV được viết ra dành riêng cho vị trí bạn ứng tuyển.

Đây là cách viết CV chuyên nghiệp rất dễ thực hiện nhưng lại bị nhiều ứng viên IT “ngó lơ” vì cho rằng điều này không quan trọng.

Tuy nhiên, theo Zippia, 61% Hiring Manager coi một CV được điều chỉnh riêng cho vị trí mà họ đang ứng tuyển là chiến thuật số một giúp ứng viên tăng cơ hội nhận được việc làm, không đơn giản chỉ là nhận được phỏng vấn.

Việc có những điều chỉnh riêng không chỉ thể hiện qua nội dung CV mà còn bao gồm:

  • Đính kèm Cover Letter theo CV
  • Ghi rõ tên người Hiring Manager trong Cover Letter hoặc email mà bạn gửi đến họ

PRO TIP:

Một cách để nhận biết rằng CV của bạn đã tùy chỉnh “đủ” hay chưa là nếu CV của bạn chứa ít hơn một nửa số từ khóa/kỹ năng được liệt kê trong mô tả công việc, HOẶC Nếu CV của bạn chứa hơn một nửa số từ khóa/kỹ năng không có trong mô tả công việc, thì có nghĩa là bạn đang chưa điều chỉnh CV cho vị trí cụ thể mà bạn đang muốn ứng tuyển.

Giải thích những “thiếu sót” trong CV

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

Không một CV nào là “hoàn hảo”, không một ứng viên IT nào là được “đo ni đóng giày” cho một vị trí. Chính vì thế, bạn có thể giúp CV của mình chuyên nghiệp hơn bằng cách chủ động giải thích những “thiếu sót” trong sự nghiệp như khoảng trống nghề nghiệp, cấp độ cho từng kỹ năng hoặc thiếu hụt số năm kinh nghiệm so với JD yêu cầu.

Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về ứng viên thay vì thẳng tay từ chối CV vì những “thiếu sót” đó.

Khi so sánh giữa Mô tả công việc của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm làm việc thực tế của bản thân, nhiều ứng viên IT có thể sẽ nhận ra đôi chỗ thiếu hụt trong kinh nghiệm và kỹ năng được yêu cầu. Và để “lấp” đi những thiếu sót đó, vẫn có những ứng viên nói dối trong CV để bù đắp cho sự thiếu hụt kinh nghiệm và để tỏ ra bản thân có trình độ hơn trong một thị trường việc làm IT đầy cạnh tranh.

Đây có thể không phải là những lời nói dối lớn hoặc bịa đặt hoàn toàn, mà đó có thể nói những lời nói dối nhỏ trong CV mà nhiều ứng viên đã vô tình mắc phải như:

  • Lượng thời gian dành cho một vai trò được kéo dài hoặc thu ngắn
  • Chức danh công việc được phóng đại
  • Phóng đại trách nhiệm, đầu việc vào kinh nghiệm làm việc, mô tả dự án
  • Những lý do khác nhau để rời bỏ công việc gần nhất
  • Tăng nhẹ điểm số đối với các bằng cấp
  • Che giấu những khoảng trống nghề nghiệp và lý do thật sự đằng sau chúng

Tuy nhiên, theo nhiều khảo sát chỉ ra rằng, có đến hơn 70% nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể nhận ra những chỗ bạn nói dối trong CV vì họ có thể kiểm tra lý lịch của bạn và gọi điện đến cho những người tham chiếu. Kết quả là CV đó có khả năng cao sẽ bị từ chối ngay lập tức và thậm chí, ứng viên đó còn có thể bị hạn chế một phần cơ hội được tuyển dụng sau này.

Vậy thay vì nói dối, bạn có thể làm gì để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển dụng bất kể những thiếu sót trong CV?

PRO TIP:

Hãy giải thích thay vì nói dối.

Bạn có thể viết Cover Letter để giải thích vì sao trong thời gian đi làm của bạn lại có khoảng trống đó, vì sao bạn dành thời gian quá dài (hoặc quá ngắn) ở một vị trí đó, vì sao bạn lại đảm nhận đầu việc đó (mà không phải là những đầu việc khác) trong dự án đó, v.v.

Tuy việc làm này không đảm bảo rằng CV của bạn sẽ được nhận phỏng vấn nhưng có thể chắc chắn rằng nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy được sự chủ động chia sẻ rõ ràng của bạn ngay từ đầu, và từ đó có thể đưa ra quyết định tốt hơn khi xem CV hay cân nhắc tuyển dụng bạn.

Tránh tất cả lỗi chính tả

Cách viết CV chuyên nghiệp cần ghi nhớ:

Mức độ nghiêm trọng của lỗi chính tả phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng một CV chuyên nghiệp vẫn là một CV không có bất kỳ lỗi chính tả nào.

Hầu hết tất cả các khảo sát về tuyển dụng và CV đều sẽ chỉ cho bạn thấy rằng, lỗi sai chính tả luôn là lỗi sai hàng đầu khiến bạn ngay lập tức mất đi cơ hội được gọi phỏng vấn. Tuy nhiên, điều bạn có thể chưa biết là không phải lỗi chính tả nào cũng sẽ khiến bạn mất cơ hội ngay.

Mức độ nghiêm trọng của lỗi chính tả còn phụ thuộc vào 3 yếu tố:

  1. Tần suất sai chính tả
  2. Sai ở những chỗ nào trong CV
  3. Vị trí mà bạn đang ứng tuyển

Và việc sai chính tả còn dẫn đến sai lầm số 2 mà ITviec đã nhắc đến ở phần trước là “Không đưa những từ khóa chuyên môn vào CV IT”. Vì các hệ thống ATS sẽ chẳng thế nhận diện từ khóa, vì chúng sai chính tả rồi mà, để có thể đánh giá rằng ứng viên đã thêm từ khóa chuyên môn đó vào CV IT hay chưa.

Đồng thời, lỗi chính tả có thể khiến ứng viên bị tạo ấn tượng là một người thiếu sự quan tâm đến chi tiết và thiếu cẩn thận trong những việc quan trọng. Nên nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Tester, Technical Writer hoặc vị trí QA/QC – những vai trò đòi hỏi sự quan tâm, tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất, thì bạn sẽ nhận phải một điểm trừ lớn.

Ngoài ra, nếu lỗi chính tả, lỗi viết câu mà bạn mắc phải là do bạn viết CV tiếng Anh – một ngôn ngữ hoàn toàn không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn cũng đừng quá lo lắng. Nhà tuyển dụng có thể thông cảm được điều này vì lúc này, lỗi chính tả liên quan đến khả năng ngôn ngữ, không phải khả năng chuyên môn. Đương nhiên cũng loại trừ trường hợp vị trí mà bạn đang ứng tuyển yêu cầu khả năng tiếng Anh thành thạo.

Chỉ cần bạn lưu ý và tránh được những yếu tố phụ thuộc kể trên, thì việc có 1 lỗi chính tả nhỏ trong CV IT vẫn được chấp nhận. Nhiều nhà tuyển dụng vẫn cho rằng họ không muốn đánh mất một ứng viên IT tiềm năng với kỹ năng chuyên môn tốt chỉ vì 1 lỗi chính tả nhỏ không đáng có.

Dù nói là thế nhưng bạn vẫn nên cực kỳ, cực kỳ cẩn thận với lỗi chính tả. Vì theo ông Laszlo Bock – Cựu Giám đốc Nhân sự tại Google, chia sẻ rằng:

“Điều tồi tệ nhất là tôi biết có rất nhiều CV tốt, thậm chí là tuyệt vời, nhưng ở một thị trường lao động cạnh tranh mạnh mẽ, Hiring Managers sẽ không cần phải thỏa hiệp về mặt chất lượng. Chỉ cần một lỗi nhỏ là nhà quản lý đã có thể từ chối ngay một ứng viên mà họ cảm thấy thú vị rồi.”

Tổng hợp cách viết CV chuyên nghiệp có thể áp dụng ngay

Sau đây là 6 cách viết CV chuyên nghiệp bạn cần nhớ và có thể áp dụng ngay:

  1. Nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định trong vòng 1 phút đầu tiên nên đừng viết CV dài quá 2 trang mà hãy cố đưa thông tin quan trọng nhất ở trang đầu tiên.
  2. Thêm những từ khóa chuyên môn được sử dụng trong mô tả công việc để giúp CV vượt qua hệ thống ATS và đến được tay Hiring Manager.
  3. Đừng chỉ nêu kinh nghiệm làm việc và kỹ năng khái quát, mà hãy thể hiện dưới dạng dự án, sản phẩm thực tế.
  4. Mỗi một vị trí bạn ứng tuyển nên có một CV được tùy chỉnh riêng cho vị trí đó.
  5. Hầu hết nhà tuyển dụng đều có thể bắt được những lời nói dối trong CV của bạn, và chắc chắn sẽ để lại những hậu quả không hay, nên tốt nhất bạn nên giải thích rõ ràng thay vì nói dối.
  6. Lỗi sai chính tả sẽ không khiến CV của bạn bị từ chối ngay đâu vì còn tùy thuộc vào những yếu tố khác như mật độ, vị trí sai và công việc bạn ứng tuyển. Nhưng, điều tốt nhất vẫn là không nên có bất kỳ lỗi chính tả nào.
robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!