Có thể thấy, phỏng vấn online đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tìm việc hiện nay. Liệu hình thức phỏng vấn này có ở với chúng ta mãi mãi hay không? Đó vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm ra cách để tối ưu hóa hình thức này ngay từ bây giờ.

Bạn có biết? Amazon đã hủy hầu hết các cuộc phỏng vấn trực tiếp và thiết lập Amazon Chime – phần mềm phỏng vấn online, để kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Google cũng đã thông báo cho các ứng viên của mình rằng các cuộc phỏng vấn sẽ được thực hiện qua Google Hangouts hoặc dịch vụ hội họp trực tuyến BlueJeans. LinkedIn chia sẻ với những người tìm việc rằng họ có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn online thông qua BlueJeans hoặc lên lịch lại cho đến khi có thể gặp trực tiếp.

Vào tháng 8/2021, ITviec đã tiến hành làm khảo sát Developer’s Mini Survey về quá trình tìm việc hiện nay của các ứng viên IT Developer, có một sự thật không thể chối từ rằng kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, quy trình tìm một cơ hội mới đã thay đổi mạnh mẽ, nhất là cách các buổi phỏng vấn được diễn ra.

Bạn có thể đọc đầy đủ Tổng quan Kết quả khảo sát Developer’s Mini Survey.

Vậy thì những ứng viên khi tìm việc trong mùa dịch, hoặc sau khi mùa dịch, cần chuẩn bị những gì để tiến vào hành trình tìm việc theo phong cách “bình thường mới”?

Lợi ích và Hạn chế của phỏng vấn online

phỏng vấn online
Bạn đã trải qua buổi phỏng vấn online nào chưa? @Nguồn ảnh: Canva

Đối với developer khi phỏng vấn online, lợi ích lớn nhất chính là bạn không cần phải đi đâu xa cả, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại, chỉ cần ở ngay tại chính môi trường mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để thực hiện buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên, những điểm hạn chế như các lỗi kỹ thuật, tương tác giữa người với người có thể khiến quá trình phỏng vấn online trở nên khó khăn.

Vậy thì, để thành công “thu phục” được buổi phỏng vấn ấy, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp những kỹ năng phỏng vấn truyền thống để phù hợp hơn với hình thức phỏng vấn mới mẻ này. Chỉ cần chú ý hơn đến những vấn đề sau:

Vấn đề kỹ thuật và bảo mật

Nếu bạn phải sử dụng một ứng dụng không quen thuộc để phỏng vấn, hãy đảm bảo rằng bạn đã tự làm quen với cách sử dụng để không bị trễ giờ phỏng vấn. Hãy luôn đăng nhập vào buổi phỏng vấn video trước ít nhất 5 phút. Điều này sẽ giúp bạn có đủ thời gian để kiểm tra camera, âm thanh bên phía bạn có đang hoạt động tốt hay không.

Ngoài ra, hãy cực kỳ thận trọng rằng phần mềm gặp mặt trực tuyến đó được bảo mật hay không. Trước khi chọn ứng dụng gặp mặt, hãy đọc kỹ chính sách bảo mật của từng nhà cung cấp để bạn biết dữ liệu nào đang được thu thập trong và sau cuộc gọi. Nếu bạn không hài lòng với ứng dụng do nhà tuyển dụng gợi ý, bạn nên trao đổi với nhà tuyển dụng về việc sử dụng một ứng dụng khác.

Để tham gia một hội nghị hoặc cuộc phỏng vấn, các thành viên sẽ sử dụng một liên kết được gửi đến địa chỉ email của họ. Đảm bảo rằng bạn tin tưởng nguồn email gửi và trước khi nhấp vào liên kết, hãy nhắn hoặc gọi cho nhà tuyển dụng/người gửi email để đảm bảo rằng đây là một đường link đáng tin cậy.

Đối với “dân” công nghệ, bảo mật luôn là một trong những vấn đề nên được đề cao hàng đầu.

Không gian và giao diện phỏng vấn online

Những gì xuất hiện trên màn hình sẽ là ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra đối với nhà tuyển dụng. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên có một bức tường trống, hoặc một khu vực mà sẽ không có ai đi phía sau bạn trong suốt quá trình phỏng vấn online để tránh bị xao nhãng hoặc gặp phải sự cố bất ngờ không đáng có.

Thêm vào đó, trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn nhất thiết phải tìm một nơi yên tĩnh để bạn có thể nghe rõ câu hỏi từ nhà tuyển dụng và họ cũng có thể nghe rõ câu trả lời từ phía bạn. Bạn hoàn toàn có thể nhắn với những người ở chung nhà rằng bạn chuẩn bị có một buổi phỏng vấn online trong khung giờ cố định này và nhờ họ giữ không gian thật yên lặng trong suốt thời gian đó.

Về mặt giao diện phỏng vấn, các chương trình gặp mặt online hiện nay đa số đều có tính năng tùy chỉnh nền ảo (virtual background) và gia tăng hiệu ứng hình ảnh (filters). Cụ thể là nếu dùng Zoom Room, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo nền ảo cho riêng mình hoặc đơn giản là blur nền phía sau.

phỏng vấn online - zoom virtual background
Cách thiết lập Nền và Hiệu ứng trong Zoom. @Nguồn ảnh: TechRepublic

Thiết lập và xử lý tình huống bất ngờ

Nếu có vấn đề gì bất ngờ xảy ra trong cuộc phỏng vấn, đừng hoảng sợ. Bạn chỉ cần xin lỗi người phỏng vấn, giải thích với họ về sự cố. Sau đó, bạn có thể sửa kết nối Internet hoặc tìm cách loại bỏ vấn đề gây xao nhãng.

Để yên tâm hơn, rất nhiều chuyên gia phỏng vấn online đã khuyên rằng bạn nên log in vào cuộc phỏng vấn online bằng hai thiết bị cùng một lúc, thiết lập này còn được gọi là dual-monitor setup (laptop và smartphone HOẶC/VÀ một màn hình để webcam, một màn hình để share screen), và tắt mic, camera trên thiết bị phụ. Thiết lập này còn giúp bạn nhìn thấy chính mình trên màn hình tương tự như khi nhà tuyển dụng nhìn bạn, từ đó dễ dàng điều chỉnh và xử lý tốt hơn.

dual monitor
Cách thiết lập màn hình đôi (dual-monitor). @Nguồn ảnh: Dot Esports

Nhìn chung, nhà tuyển dụng hoàn toàn thấu hiểu rằng trục trặc kỹ thuật là điều dễ mắc phải khi làm việc ở nhà. Đồng thời, việc cả gia đình ở cùng nhau cũng sẽ rất khó cho ứng viên kiểm soát những tình huống khách quan. Tuy nhiên, là một developer, bạn cũng được khuyên rằng nên tận dụng khả năng quản lý task và thiết lập công nghệ tốt nhất có thể để buổi phỏng vấn online thành công tốt đẹp.

Đặt thêm câu hỏi về văn phòng và môi trường làm việc

ITviec đã được nghe những phản hồi rất tích cực từ chính những IT HR Manager khi phỏng vấn và tuyển dụng thông qua phỏng vấn online trong giai đoạn COVID-19. Đa số ứng viên đã thể hiện rất tốt khi phỏng vấn và họ nhận được cơ hội làm việc. Tuy nhiên, sau giãn cách, một số nhân viên mới lại nhận ra môi trường công ty không hoàn toàn phù hợp với mình sau khi họ chính thức tiếp nhận công việc tại văn phòng. 

Lý giải cho điều này, các HR Manager trong lĩnh vực IT chia sẻ rằng: “Khi phỏng vấn online, các ứng viên sẽ không thể nhìn thấy, cảm nhận hay biết được môi trường làm việc, văn phòng của công ty thực sự sẽ ra sao. Cho dù nhà tuyển dụng cũng đã chia sẻ rất kỹ nhưng thật sự không thể truyền tải được hết.”

nashtech
Môi trường làm việc phải được cảm nhận trực tiếp mới có thể mang lại cảm giác chân thật cho ứng viên. @Nguồn ảnh: NashTech

Chính vì thế, các ứng viên được đề nghị hãy hỏi thật chi tiết về nơi có thể trở thành nơi làm việc tương lai của bạn. Điển hình như:

  • Không gian làm việc: đường đến công ty, công ty có thang máy hay không, gửi xe như thế nào, các khu vực làm việc được sắp xếp như thế nào;
  • Văn hóa công ty: văn hóa làm việc, văn hóa giao tiếp, đội nhóm, văn hóa “ăn chơi”;
  • Phong cách làm việc nhóm và phong cách lãnh đạo;

ITviec gợi ý một vài câu hỏi bạn có thể sử dụng trong buổi phỏng vấn:

  • Công ty hỗ trợ phát triển nghề nghiệp như thế nào?
  • Công ty tổ chức những hoạt động xây dựng nhóm (team building) như thế nào?
  • Công ty đề cao những giá trị nào, trong cả công việc và đời sống?
  • Công ty/team sẽ đưa ra hướng giải quyết như thế nào khi nhân viên mắc phải sai lầm?
  • Quy trình đưa ra phản hồi, nhận xét của anh/chị như thế nào?

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo Cách đặt câu hỏi cho những điều Dev IT thực sự quan tâm khi tìm việc nhưng không nói ra.

Chú ý đến các biểu cảm trên khuôn mặt bạn

phỏng vấn online
Biểu cảm gương mặt sẽ là một “vũ khí” hỗ trợ bạn trong suốt buổi phỏng vấn online. @Nguồn ảnh: Canva

Mọi biểu hiện trên khuôn mặt hoặc cử động của phần trên cơ thể bạn giờ đây đều được chú ý. Do đó, điều quan trọng là phải thể hiện rằng bạn đang chăm chú vào buổi phỏng vấn online giữa hai bên và hào hứng với cơ hội hiện có. Chẳng sao cả nếu bạn cười lớn hơn mọi ngày một chút hay nói nhiều hơn một chút. Dù sao thì đó cũng là những “manh mối” duy nhất mà người phỏng vấn có thể nhìn thấy ở bạn.

Nếu bạn không cảm thấy “kết nối” với buổi phỏng vấn online này, bạn sẽ có xu hướng bắt đầu chùng xuống khi cuộc trò chuyện kéo dài, dễ cảm thấy xao nhãng hơn và tệ nhất là có thể bạn sẽ quên mất rằng mình đang tham dự một cuộc phỏng vấn.

Một lưu ý rằng những gợi ý ở trên đều là những bí quyết nhỏ để “phối hợp” thật tốt với hình thức phỏng vấn online và bạn vẫn cần phải kết hợp chúng với những bí quyết phỏng vấn truyền thống để có một buổi phỏng vấn online thật thành công.

Xem thêm: Trọn bộ “bí quyết” chinh phục HR Manager: Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho dân IT

Phỏng vấn online đang trở nên phổ biến trên diện rộng với dự đoán giá trị thị trường đạt mức 407 triệu USD vào năm 2027 (theo báo cáo “Video Interviewing Software Global Market to 2027“, ResearchAndMarkets.com, 2021). Với mức độ tăng trưởng cũng như tiện lợi của hình thức phỏng vấn này, ta hoàn toàn có thể dự đoán một tương lai nơi các buổi phỏng vấn online sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Suy cho cùng, phỏng vấn online cũng chỉ là một hình thức gặp gỡ làm quen và chia sẻ trên tinh thần win-win kết đôi giữa nhà tuyển dụng và ứng viên IT. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn chuẩn bị tốt, cảm thấy thoải mái và tự tin, ITviec hoàn toàn tin rằng bạn có thể thể hiện “xuất sắc” trong mọi cuộc phỏng vấn.

robby-4

Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích trong bài viết này đến bạn bè và đồng nghiệp nhé!